Sri Lanka: Từ khủng hoảng kinh tế đến khủng hoảng chính trị

Thứ Năm, 14/04/2022, 09:54

Hàng ngàn người dân đổ xuống đường phố ở thủ đô Colombo để phản đối chính phủ và kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức do những sai lầm trong điều hành đất nước dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948.

Tình trạng người dân xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bắt đầu diễn ra từ nhiều tuần lễ qua, ban đầu chỉ vài trăm người ở thủ đô Colombo, sau đó con số đã tăng lên hàng ngàn người và lan ra khắp mọi miền đất nước. Trên khắp các ngả đường của thành phố Colombo giăng ngợp trời biểu ngữ phản đối chính phủ, phản đối giá cả leo thang và kêu gọi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Cuộc biểu tình thu hút rất nhiều giới tham gia. Chiếm đa số trong đó là những người trẻ tuổi, thế hệ thanh niên thời đại công nghệ cao và đang bất an về tương lai của bản thân khi chứng kiến tình trạng khủng hoảng của đất nước.

Sri Lanka: Từ khủng hoảng kinh tế đến khủng hoảng chính trị -0
Người biểu tình đòi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức

Jehan Perera, Giám đốc điều hành của tổ chức Hội đồng Hòa bình quốc gia Sri Lanka đã mô tả quy mô và thành phần tham gia biểu tình là chưa từng có tiền lệ. Người ta thấy trong đám đông biểu tình, bên cạnh quốc kỳ Sri Lanka còn có những lá cờ mang 7 sắc cầu vồng - biểu tượng của thành phần đồng giới, lưỡng giới bên cạnh những người Hồi giáo phá lệ tháng ăn chay Ramadan, còn phía xa xa là những vị thầy tu Phật giáo mặc áo cà sa màu vàng cam. Giới phân tích cho rằng, cuộc biểu tình phản đối không còn mang màu sắc đảng phái nữa mà đang trở thành cơn thịnh nộ chung của người dân trên đất nước Sri Lanka.

Các khẩu hiệu của người biểu tình cũng đa dạng không kém. Người ta cáo buộc Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và giới chính khách cầm quyền trong chính phủ của ông đã bòn rút tiền công quỹ. Người ta cũng buộc tội Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cai trị độc đoán, chuyên quyền, thâu tóm quyền hành và đưa ra những quyết định sai lầm trong điều hành đất nước nên mới dẫn đến tình trạng khủng hoảng trầm trọng như hiện nay. Vì thế, người ta đòi hỏi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và chính phủ của ông phải chịu trách nhiệm, phải hoàn trả lại tiền bạc, tài sản cho người dân rồi “biến” khỏi đất nước Sri Lanka (ông mang hai quốc tịch, Sri Lanka và Mỹ). Giới phân tích cho rắng cuộc biểu tình sẽ không chấm dứt trong thời gian trước mắt, mà tiếp diễn cho đến khi nào các yêu cầu của người dân được đáp ứng.

Trung tâm cơn thịnh nộ của người dân Sri Lanka chính là Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Ông được bầu lên năm 2019 với chương trình nghị sự dân tộc chủ nghĩa gay gắt. Là thành viên gia đình danh gia vọng tộc bậc nhất ở Sri Lanka, từ lâu ông đã khiến nhiều người khiếp sợ, do ông từng nắm quyền chỉ huy quân đội trong những năm cuối của cuộc nội chiến, trong đó ông bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. 2 năm qua, Gotabaya Rajapaksa được cho là đã dành phần lớn thời gian cho việc củng cố quyền lực, đã sửa đổi hiến pháp để trao cho bản thân quyền hành cực lớn, đồng thời đưa 5 thành viên gia đình dòng họ vào nắm giữ các chức vụ cao cấp trong chính phủ, trong đó có em trai ông là Mahinda Rajapaksa nắm giữ ghế thủ tướng.

Những quyết định sai lầm của bản thân ông Gotabaya Rajapaksa cũng như chính phủ do em trai ông đứng đầu trong điều hành kinh tế đất nước bắt đầu xuất hiện ngay từ khi lên nắm quyền, như việc xóa bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm thuế xuống còn 8% GDP, việc in tiền số lượng lớn dẫn đến lạm phát tăng phi mã, rồi việc từ chối tái cơ cấu nợ nước ngoài và tiêu xài hết sạch dự trữ ngoại hối khiến cho đất nước trở thành con nợ lớn.

Đó chính là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến đất nước Sri Lanka khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, điện... đều tăng chóng mặt. Nhiên liệu đang trở nên khan hiếm khiến người dân phải xếp hàng dài chờ đổ xăng. Điện cúp đến 8 tiếng mỗi ngày gây khó khăn cho sinh hoạt và làm ngưng trệ nhiều hoạt động trong xã hội, như thi cử phải tạm hoãn, còn báo in thì tạm dừng phát hành vì không còn khả năng mua giấy in do giá đội quá cao,... Khủng hoảng đã ảnh hưởng đến tất cả mọi ngóc ngách, mọi gia đình Sri Lanka. Nhiều người dân Sri Lanka không thể tiếp tục mưu sinh vì giá thuê trang thiết bị, giá đầu vào quá cao. Thất nghiệp, mất việc làm khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh thiếu đói,...

Từ khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến khủng hoảng chính trị. Trước sức ép khủng khiếp của làn sóng biểu tình phản đối, toàn bộ nội các Chính phủ Sri Lanka đã từ chức vào đầu tháng 4. Bên cạnh đó là hơn 40 chính khách đã rời bỏ đảng cầm quyền của ông Gotabaya Rajapaksa và đưa ra lời cảnh báo về việc sẽ có đổ máu, đồng thời kêu gọi ông Gotabaya Rajapaksa từ chức. Tuy nhiên, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cương quyết không có ý định từ chức và bác bỏ mọi lời chỉ trích.

Nhiều người lo ngại rằng Sri Lanka có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị, do theo quy định của hiến pháp nước này thì nghị viện (Quốc hội) không thể bỏ phiếu phế truất Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Tuy nhiên, đảng đối lập chính đã tìm cách khống chế quyền lực của ông, bằng cách tổ chức phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với đảng của ông trong Quốc hội.

Mục tiêu của phe đối lập là đẩy Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vào thế yếu, buộc ông phải lựa chọn một trong 2 phương án: từ chức hoặc là phải chấp nhận một đạo luật làm giảm bớt quyền hành của ông, từ đó cho phép phe đối lập thành lập chính phủ mới nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Shanakiyan Rasamanickam, thành viên đảng Liên minh Quốc gia Tamil (TNA), một thành viên của liên minh các đảng phái đối lập, nhận xét: “Ông Gotabaya Rajapaksa đã mất đi niềm tin và sự công nhận hợp pháp của nhân dân, vì thế ông ấy không thể tiếp tục nắm quyền được nữa”.

An Châu (Tổng hợp)
.
.