Sự ổn định đáng sợ

Thứ Tư, 08/12/2021, 13:15

“Muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh” (Si vis pacem, para bellum) là một câu cách ngôn Latin cổ. Nó được giới chính khách và nhất là các nhà lãnh đạo quốc gia “thuộc nằm lòng” từ hàng nghìn năm qua, như một mệnh đề khuôn vàng thước ngọc về tính cần thiết của khả năng răn đe quân sự...

Song, hiện tại, khi thế giới còn đang vật vã trong đại dịch COVID-19, chuyện ngành sản xuất vũ khí toàn cầu vẫn duy trì được mức lợi nhuận tăng trưởng đáng kinh ngạc thực sự là một tín hiệu đầy ám ảnh. Nó phản ánh một thực tế: Các xung đột địa chính trị đã càng lúc càng trở nên gay gắt, nóng bỏng. Và, cho dù chuyện gì đang diễn ra, các quốc gia đều phải ưu tiên cho khả năng tự bảo vệ chính mình.

Một kỷ lục tất yếu

Thực ra, từ góc nhìn của giới chuyên môn, việc 100 công ty sản xuất và kinh doanh vũ khí hàng đầu thế giới ghi nhận mức lợi nhuận năm 2020 tăng 1,3% so với năm 2019 lên 531 tỷ USD, bất chấp thực trạng nền kinh tế toàn cầu suy giảm hơn 3% - một kỷ lục mới - là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Sự ổn định đáng sợ -0
Bất chấp đại dịch, ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu vẫn “ăn nên làm ra”.

Đây là số liệu được Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI)  công bố ngày 6-12, trong một báo cáo thường niên, như tờ DW đưa tin. SIPRI cho biết: Các công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới phần lớn tránh được sự suy giảm kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, thậm chí ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận năm thứ 6 liên tiếp.

Và họ lý giải: Các công ty sản xuất quân sự được hưởng lợi từ nhu cầu bền vững của chính phủ về các dịch vụ và hàng hóa quân sự, các gói chính sách bơm tiền mặt rộng rãi vào các nền kinh tế, cũng như các biện pháp cụ thể được thiết kế để hỗ trợ các công ty sản xuất vũ khí, như đẩy nhanh tiến độ thanh toán hoặc đặt hàng. Bên cạnh đó, các hợp đồng mua bán quân sự thường kéo dài nhiều năm nên doanh thu của các công ty không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng y tế.

Trong bảng xếp hạng lợi nhuận của 100 công ty sản xuất vũ khí toàn cầu, 5 hãng dẫn đầu đều là những doanh nghiệp Mỹ: Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon và General Dynamics. 5 công ty này đạt tổng cộng 166 tỷ USD doanh thu hằng năm. Trong đó, Lockheed Martin củng cố vị trí số 1 với doanh thu 58,2 tỷ USD nhờ các sản phẩm bán chạy nhất, như máy bay chiến đấu F-35 và nhiều loại tên lửa khác nhau. Công ty BAE Systems của Anh là công ty châu Âu có vị trí cao nhất, đứng vị trí thứ 6 thế giới, ngay trên 3 tập đoàn của Trung Quốc. Trong số các quốc gia sản xuất vũ khí hàng đầu, chỉ Pháp và Nga ghi nhận sự sụt giảm doanh thu trong năm vừa qua.

Sự ổn định đáng sợ -0
Bóng ma “chiến tranh nóng” đang hiện hữu ở nhiều khu vực trên thế giới.

Mặc dù vậy, báo cáo thường niên của SIPRI cũng cho thấy: Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2019-2020 đã chậm lại đáng kể, do các biện pháp nhằm kiềm chế dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp sản xuất vũ khí giống như toàn bộ nền kinh tế. Nghĩa là, không hẳn ngành công nghiệp quốc phòng thế giới đã hoàn toàn miễn nhiễm trước sức tàn phá của đại dịch COVID-19.

Song, những thành quả mà giới buôn bán vũ khí đạt được trong năm 2020 vẫn là con số mơ ước đối với hầu hết mọi ngành kinh doanh - thương mại khác. Có lẽ, chỉ trừ các đại gia dược phẩm quốc tế - những nhà cung cấp vaccine ngừa COVID-19 như Moderna hay BioNTech và Pfizer...

Đến mức độ, một chuyên gia của SIPRI - bà Alexandra Marksteiner phải thốt lên: “Tôi ngạc nhiên trước những số liệu này của năm 2020, năm đại dịch đầu tiên”.

Những tín hiệu u ám

Đối chiếu với bảng số liệu của SIPRI một năm về trước, nghĩa là thống kê năm 2019, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận ra: nhu cầu về chi tiêu quốc phòng đang ngày càng gia tăng, đi kèm với mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các tập đoàn vũ khí nước ngoài, để đạt được những quy mô mỗi lúc một “hoành tráng” hơn.

Sự ổn định đáng sợ -0
Nhiều quân đội trên thế giới tăng tốc hiện đại hóa kho vũ khí của mình.

Một thí dụ điển hình: Năm 2019, lần đầu tiên Edge - tập đoàn ở khu vực Trung Đông, có trụ sở đóng tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (U.A.E), lọt vào top 25 ngay sau khi vừa chính thức ra mắt (với sự hợp nhất của 25 công ty nhỏ, chiếm 1,3% tổng doanh số bán vũ khí của 25 công ty hàng đầu thế giới.

Danh sách 25 công ty hàng đầu cũng bao gồm 4 công ty Trung Quốc, những người hưởng lợi từ các chương trình hiện đại hóa quân đội của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA). 19 trong số 25 công ty vũ khí hàng đầu đã tăng doanh số bán vũ khí trong năm 2019 so với năm 2018. Mức tăng tuyệt đối lớn nhất trong doanh thu bán vũ khí được ghi nhận là Lockheed Martin - 5,1 tỷ USD (11% theo giá trị thực). Theo báo cáo của nhà sản xuất Pháp Dassault Aviation Group, mức tăng phần trăm lớn nhất trong doanh số bán vũ khí hằng năm (105%). Việc xuất khẩu máy bay chiến đấu Rafale tăng mạnh đã đưa Dassault Aviation lần đầu tiên lọt vào danh sách 25 công ty vũ khí hàng đầu.

Và ngay từ tháng 6-2021, trong một báo cáo đánh giá thường niên về vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh thế giới, SIPRI đã cảnh báo: Mặc dù tổng số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới đã giảm thời gian qua nhưng đây không phải là dấu hiệu đáng mừng khi số vũ khí hạt nhân được triển khai cùng các lực lượng tác chiến ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, các chương trình mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí cũng được thực hiện nhiều hơn.

Theo ông Hans M. Kristensen, chuyên gia cấp cao của SIPRI: “Tổng số đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được triển khai trong các kho dự trữ quân sự đang gia tăng. Có một tín hiệu đáng lo ngại là xu hướng cắt giảm số vũ khí hạt nhân mà chúng ta quen thuộc kể từ Chiến tranh Lạnh đang chững lại. Việc Nga và Mỹ đạt thỏa thuận vào phút chót về việc gia hạn NEW START vào tháng 2-2021 đã xoa dịu phần nào lo ngại. Song, triển vọng tạo ra những cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân bổ sung trong tương lai giữa hai cường quốc vẫn còn rất xa vời”.

Sự ổn định đáng sợ -0
Tên lửa hạt nhân là công cụ răn đe được các cường quốc sở hữu nhưng vẫn quá thiếu các cơ chế kiểm soát.

NEW START là cơ chế kiểm soát vũ khí duy nhất còn được bảo lưu giữa hai siêu cường quân sự đó. Và, nó bị một đại cường khác, quốc gia đang tích cực tự hoàn thiện cũng như sức mạnh quân sự của mình - Trung Quốc - từ chối tham gia.

Đường đua tử thần

Đặt tất cả những sự ổn định cũng như tăng trưởng này của ngành công nghiệp toàn cầu suốt 2 năm qua vào bối cảnh đại dịch, bên cạnh các điểm nóng ở Bắc Phi - Trung Đông, Tây Thái Bình Dương hay Đông Ukraine, bên cạnh những hố ngăn cách giàu - nghèo và những mâu thuẫn đang ngày càng gia tăng trong các xã hội cũng như giữa các quốc gia, giữa các khu vực trên thế giới, những nguy cơ về việc các kho vũ khí khổng lồ càng lúc càng sẵn sàng được sử dụng dường như lại trở nên rõ rệt hơn.

Những cuộc chạy đua vũ trang mới không chỉ còn manh nha mà đã và đang thật sự diễn ra trên thực tế, ngay cả giữa “những người bạn cũ”. Rất khó để phủ bác điều đó, khi thế giới vừa chứng kiến nước Pháp “phát khùng” bởi Australia hủy bỏ kế hoạch mua tàu ngầm chiến đấu của họ để chuyển sang đặt hàng loạt tàu ngầm hạt nhân hiện đại của Mỹ. Canberra cũng có những lý do cho riêng mình, khi “phân trần” rằng các nhà cung cấp vũ khí Pháp đã đưa cho họ một bản hợp đồng với thời gian thực hiện quá chậm, mà chi phí quá cao. Nhưng, dù sao, vấn đề then chốt vẫn là chuyện Australia có nhu cầu cấp thiết về việc nhanh chóng tăng cường tiềm lực quân sự nên họ buộc phải có những lựa chọn khác.

Sự ổn định đáng sợ -0
Tàu ngầm nguyên tử - một trong những “át chủ bài” tại các điểm nóng.

Song, cũng chính ở câu chuyện này, chúng ta thấy được rất rõ: Các hợp đồng mua bán vũ khí luôn gắn liền với những khía cạnh địa chính trị quốc tế. Australia mua tàu ngầm hạt nhân Mỹ, cùng lúc với một liên minh quân sự mới được hình thành ở Thái Bình Dương: AUKUS, với sự tham gia của cả Anh lẫn Mỹ. Hiển nhiên, sự hiện hữu của AUKUS sẽ ảnh hưởng đến chiến lược đối ngoại cũng như quốc phòng của các đại cường ở Viễn Đông, như Trung Quốc hay Nga, như cách nước Nga cảm thấy bất an khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên tục “vươn tay” đến sát khu vực ảnh hưởng truyền thống của mình từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Và hiển nhiên, khi vừa mất một bản hợp đồng hàng chục tỷ USD, vừa không được mời tham gia AUKUS để có mặt ở vùng trọng địa ấy, Pháp - một trong hai quốc gia lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) - có đầy đủ lý do để cảm thấy bị “đâm sau lưng”. Tất yếu, vấn đề thành lập Quân đội châu Âu độc lập với NATO - do Mỹ dẫn dắt - lại được đề cập một cách nghiêm túc, nhằm tăng cường vị thế và năng lực của cựu lục địa.

Quân đội ấy chắc chắn cũng sẽ được dồn lực trang bị những khí tài cũng như công nghệ tiên tiến nhất, mà chính nước Pháp cũng là một cường quốc hạt nhân. Nếu mọi chuyện vẫn cứ tiếp diễn theo chiều hướng băng lạnh giữa hai bờ Đại Tây Dương, cũng như giữa hai phía Đông - Tây của châu Âu, Paris cũng đủ khả năng để cùng EU tham gia một đường đua đang dần rộng mở...

Mây Linh
.
.