Sức mạnh hàng hải của Mỹ đang suy giảm?
Thương mại hàng hải và sức mạnh hàng hải rất quan trọng đối với mạng lưới toàn cầu do khoảng 90% hàng hóa giao dịch của thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Những cuộc thảo luận về quyền lực và chiến lược trong thế kỷ 21 thường xoay quanh các lĩnh vực mới gồm không gian mạng hay không gian vũ trụ.
Tuy nhiên, trong tương lai gần, các sự kiện địa chính trị vẫn sẽ chủ yếu diễn ra trên biển - một môi trường lâu đời và quen thuộc hơn nhiều.
Dư luận Mỹ đang xôn xao với 2 cuốn sách mới được phát hành: "Chế ngự các con sóng" của Bruce Jones và "Thời đại biển xanh" của Gregg Easterbrook. Cả 2 cuốn sách đã đưa ra những đánh giá về những thách thức và tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các cường quốc hàng hải đương đại. Cả hai đều lập luận rằng an ninh và thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào sức mạnh hải quân, đồng thời cảnh báo rằng các vùng biển thương mại sẽ lại chứng kiến bạo lực xảy ra.
Bruce Jones chỉ ra rằng các đại dương trên thế giới đang nhanh chóng trở thành khu vực diễn ra các cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa những lực lượng quân sự lớn trên thế giới. Ông cho rằng, mô hình hợp tác của thế kỷ 20 đang bị xói mòn và điều này đặt nền tảng cho một cuộc xung đột quy mô lớn và các cuộc tranh giành địa chính trị đang diễn ra trên biển. Bên cạnh dự báo ảm đạm này, Bruce Jones đưa ra cảnh báo về nguy cơ từ việc bá quyền hàng hải của Mỹ suy giảm. Gregg Easterbrook cũng ủng hộ việc duy trì bá quyền hàng hải của Mỹ nhưng lại cho rằng nhiều người không thích các tổ chức quân sự và chúng ta có thể mơ về một ngày các quốc gia đều không cần đến quân đội hoặc hải quân!
Để duy trì trật tự quốc tế mà hai tác giả Bruce Jones và Gregg Easterbrook ca ngợi nhưng đang suy thoái, Mỹ cần phải khôi phục sức mạnh hàng hải, vốn đang suy giảm theo thời gian, cả về quân sự lẫn dân sự. Sự kết nối toàn cầu mà hai tác giả ca ngợi đã giúp gia tăng các tập đoàn hậu cần tư nhân khổng lồ mà bây giờ là đội tàu thương mại của Mỹ, vốn cần thiết cho việc huy động lực lượng của Mỹ vì mục đích quân sự nếu có chiến sự. Năm 1950, đội tàu thương mại của Mỹ đảm nhiệm 43% lượng vận chuyển toàn cầu.
Đến năm 1994, tỷ lệ này giảm xuống còn 4% mặc dù Mỹ đã ban hành một đạo luật từ năm 1920 yêu cầu các tầu qua lại giữa các cảng của Mỹ phải được đóng, đăng ký tại Mỹ và phải được vận hành bởi một thủy thủ đoàn bao gồm hầu hết là công dân Mỹ. Đội tàu thương mại của Mỹ hiện gồm 393 tàu và chỉ đứng thứ 27 thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc hiện nay là nước có đội tàu thương mại lớn thứ 2 thế giới và đội tàu này không bao gồm đội tàu đánh cá bán quân sự đầy tai tiếng mà họ đã sử dụng để tiến hành các cuộc xâm nhập vào các vùng biển tranh chấp.
Việc Mỹ thiếu một đội tàu thương mại quy mô lớn khiến quốc gia này phụ thuộc nhiều hơn vào hải quân, mà hạm đội của họ cũng đã thu hẹp một cách đáng kể. Hải quân Mỹ vào năm 1930 có nhiều tàu hơn so với hiện nay. Năm 2020, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành cường quốc hải quân lớn nhất thế giới tính về số lượng. Do đó, mục tiêu của Lầu Năm Góc là tăng quy mô hạm đội từ 306 lên 355 tàu vào năm 2034, một mục tiêu xa mà quốc hội nước này vẫn chưa đồng ý về mặt kinh phí.
Như nhà phân tích quốc phòng Mackenzie Eaglen đã viết, điều gây căng thẳng hơn nữa cho quân đội Mỹ là việc các chỉ huy chịu trách nhiệm xây dựng các kế hoạch chiến tranh đã đưa ra các yêu cầu quá cao đối với các lực lượng. Ngay cả một hạm đội 500 tàu cũng khó có thể đáp ứng những yêu cầu này. Sự khác biệt giữa cung và cầu của hải quân Mỹ gây thiệt hại cho các thành viên của lực lượng này. Chẳng hạn như việc triển khai thường xuyên và liên tục các tàu sân bay khiến chúng không có thời gian để bảo trì, nâng cấp.
Khoảng cách giữa nghĩa vụ hàng hải và khả năng của hạm đội đang làm suy giảm năng lực của hải quân Mỹ. Bằng chứng là ngày càng có nhiều vụ tai nạn xảy ra trên biển. Đó là vụ tàu ngầm tấn công USS Connecticut đâm vào một vật thể không xác định khi đang hoạt động ở khu vực Biển Đông. Hay vụ cháy năm 2021, được cho là do một thủy thủ gây ra, khiến tàu USS Bonhomme Richard bị phá hủy và hàng chục thủy thủ cùng nhân viên dân sự bị thương.
Trong 4 năm qua, các vụ va chạm giữa hai tàu khu trục của hải quân Mỹ với các tàu buôn đã khiến 17 thủy thủ thiệt mạng. Năm 2021, Văn phòng kiểm toán Chính phủ Mỹ, một cơ quan giám sát liên bang, đã kết luận rằng những vụ việc này xảy ra là do nhân viên không đủ, mệt mỏi và không được đào tạo bài bản. Năm 2018, một đánh giá nội bộ của hải quân Mỹ cho thấy 85% sĩ quan cấp dưới thiếu hụt các kỹ năng cần thiết để xử lý các vấn đề phát sinh trên tàu. Những thách thức này càng trầm trọng hơn bởi những thủ tục hành chính rườm rà. Một báo cáo được công bố gần đây theo sự ủy quyền của đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã khiến một số người chỉ trích nền văn hóa hải quân coi trọng công việc hành chính hơn công tác đào tạo kỹ năng chiến đấu.
Theo chiến lược an ninh của mình, Tổng thống Biden cam kết đảm bảo lực lượng vũ trang của Mỹ vẫn là lực lượng được đào tạo và trang bị tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, tình hình nguồn lực hiện tại dành cho lực lượng này đã làm dấy lên câu hỏi về mức độ nghiêm trọng của cam kết đó.
Chiến lược hiện tại đòi hỏi Mỹ phải dành khoảng 1.000 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng hằng năm (tương đương khoảng 5% GDP) và tăng gấp đôi ngân sách 59 tỷ USD cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ. Mặc dù chính quyền ông Biden đã tăng chi tiêu trong nước nhưng ngân sách an ninh quốc gia Mỹ khó có thể đạt được mức đó. Các khoản đóng góp của đồng minh có thể bù đắp phần nào thiếu hụt về kinh phí hiện tại nhưng không thể giúp giải quyết được toàn bộ vấn đề.