Sudan - Những hành lang bít chặt

Thứ Năm, 20/04/2023, 10:20

Mọi nỗi lo lắng của giới phân tích về tương lai của chính quyền dân sự ở Sudan đều đã thành hiện thực. Tính đến sáng 18/4 (giờ Việt Nam), 3 ngày giao tranh giữa quân đội Sudan và Các Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF) bán quân sự ở quốc gia Đông Phi ấy đã khiến khoảng 200 người thiệt mạng, 1.800 người bị thương (theo các hãng tin lớn như AP, AFP, Reuters). Đáng sợ hơn, triển vọng hòa bình vẫn còn vô cùng mờ mịt, với sự bất lực của các tổ chức quốc tế.

Bốn bề khói lửa

Chỉ trong 24 giờ đầu tiên sau khi các cuộc chạm súng nổ ra, đã có ít nhất 56 dân thường thiệt mạng và hơn 590 người bị thương - nguồn tin từ Bộ Y tế Sudan cho biết, ngày 16/4.

Sudan - Những hành lang bít chặt -0
 Lửa xung đột đã bùng lên tại Sudan, như dự đoán của nhiều chuyên gia.

Cùng ngày, Hãng Reuters đưa tin: Đã có 3 nhân viên Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) thiệt mạng khi làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo tại Bắc Darfur, Sudan. Đặc phái viên LHQ tại Sudan những nhân viên này bị sát hại ngày 15/4 trong các cuộc giao tranh tại Bắc Darfur. Người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của LHQ ở Sudan (UNITAMS) - ông Volker Perthes thảng thốt: "Tôi vô cùng bàng hoàng trước những báo cáo về trụ sở của LHQ và các cơ quan khác bị tấn công, cũng như xảy ra tình trạng cướp bóc ở một số địa điểm tại Darfur".

Cũng vì bối cảnh hỗn loạn này, WFP tuyên bố tạm ngừng hoạt động tại Sudan.

Hôm sau, 17/4, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại - ông Josep Borrell cho biết Đại sứ EU tại Sudan (là nhà ngoại giao kỳ cựu người Ireland, Aidan O'Hara) đã bị tấn công trong khuôn viên nhà riêng, ở thủ đô Khartoum. Ông nhấn mạnh: “Việc bảo vệ an ninh cho các cơ sở và nhân viên ngoại giao là “trách nhiệm chính của chính quyền Sudan và là nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo: Một số bệnh viện ở thủ đô Khartoum, nơi tiếp nhận dân thường bị thương trong giao tranh, sắp cạn kiệt nguồn cung máu, thiết bị truyền máu, dịch truyền cũng như nhiều thiết bị cấp cứu khác.

Lò lửa đã bùng lên và những nỗi quan ngại cũng theo đó tràn ra khắp các phía biên giới Sudan. Mọi quốc gia láng giềng của đất nước chia rẽ ấy đều bắt đầu phải xúc tiến các kế hoạch bảo đảm an ninh - quốc phòng cho chính mình.

Sudan - Những hành lang bít chặt -0
Thường dân bị kẹt giữa các cuộc giao tranh, có thể khiến các vấn đề nhân đạo vốn đã khắc nghiệt lại càng thêm trầm trọng.

Các nước láng giềng Ai Cập và Cộng hòa Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan, trong khi các hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar ngừng các chuyến bay tới Sudan. Bộ Ngoại giao Algeria kêu gọi cộng đồng người Algeria tại Sudan "thận trọng và tuân theo các chỉ thị an ninh do chính quyền địa phương ban hành và giữ liên lạc thường xuyên với các dịch vụ của Đại sứ quán Algeria để nhận được những hỗ trợ và giúp đỡ cần thiết" (ngày 16/4).

Một điều may mắn hiếm hoi: Ngày 16/4, quân đội Sudan và RSF - những phe phái đang giao tranh tại Sudan đã thông báo "đồng ý với đề xuất của LHQ về việc mở lối đi an toàn cho các trường hợp nhân đạo", bao gồm cả việc sơ tán những người bị thương. Theo thông báo của quân đội Sudan, thời gian mở hành lang nhân đạo là 3 giờ mỗi ngày, bắt đầu từ 14h GMT ngày 16/4. Trong khi đó, RSF cho biết khoảng thời gian an toàn này có thể tăng lên 4 giờ. Tuy vậy, cả hai phía cũng tuyên bố duy trì quyền phản ứng trong trường hợp có vi phạm từ phía bên kia - đồng nghĩa với việc hành lang có thể bị đóng lại bất cứ lúc nào.

Những lời kêu gọi giữa thinh không

Rất nhiều nhà quan sát tiên liệu được rằng ngọn lửa xung đột này rồi sẽ lại bùng lên, khi liên quan mật thiết đến vấn đề phân chia lợi ích và quyền lực trên thượng tầng chính trị của Sudan. Song, đến lúc này, vẫn chưa ai có thể hình dung được: Tình trạng leo thang căng thẳng sẽ được xoa dịu, hạ nhiệt và xử lý như thế nào.

230417_sudan_mb_1142_67f27c-1681957364139.jpg
Súng đạn ngập tràn trên đường phố.

Ngay trong ngày 15/4, người đứng đầu phái bộ UNITAMS Volker Perthes đã "lên án mạnh mẽ các cuộc giao tranh vừa nổ ra” và theo UNITAMS, ông Perthes đã liên hệ với cả hai bên yêu cầu họ ngừng giao tranh ngay lập tức, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân Sudan và tránh lún sâu vào tình trạng bạo lực thêm nữa".

Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Joseph Borrell cũng kêu gọi tất cả các lực lượng chấm dứt bạo lực ở Sudan ngay lập tức. Cùng ngày, Mỹ, Nga, Saudi Arabia và Ai Cập đều bày tỏ vô cùng quan ngại trước tình hình leo thang và các cuộc đụng độ ở Sudan, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế và lựa chọn đối thoại để giải quyết xung đột.

Đến khi ấy, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken vẫn hy vọng: Còn cơ hội để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang chính phủ do giới dân sự lãnh đạo ở Sudan, cho dù khả năng này là rất mong manh, vì một số tác nhân "có thể đang chống lại tiến trình đó".

Sudan - Những hành lang bít chặt -0
Ván cờ quyền lực giữa tướng Mohamed Hamdan Dagalo và tướng Abdel Fattah al-Burhan.

Sang ngày 16/4,  Hội đồng Bảo an LHQ đã ra tuyên bố kêu gọi các bên giao tranh ở Sudan ngay lập tức ngừng bắn và trở lại đàm phán. Tuyên bố của Hội đồng Bảo an nhấn mạnh: “Các thành viên Hội đồng Bảo an kêu gọi các bên lập tức ngừng thù địch và trở lại đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Sudan”. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân phát viện trợ nhân đạo đến khu vực này và tái khẳng định cam kết đối với sự thống nhất, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Sudan.

Cùng ngày, Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cũng nêu rõ: “Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres yêu cầu các lãnh đạo của RSF và Các Lực lượng vũ trang Sudan ngay lập tức chấm dứt những hành động thù địch, khôi phục trật tự và khởi động đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay”.

Song song, Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi (AU) đã triệu tập phiên họp khẩn để thảo luận về những diễn biến chính trị và an ninh ở Sudan. Một cuộc họp khẩn khác cũng được Liên đoàn Arab (AL) triệu tập và Hội đồng AL ở cấp đại diện thường trực nhấn mạnh sự cần thiết của việc "ngừng ngay lập tức tất cả các cuộc đụng độ vũ trang để bảo vệ dân thường và toàn vẹn lãnh thổ cũng như chủ quyền của Sudan".

Cũng trong ngày 16/4, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã có cuộc điện đàm với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres để thảo luận về tình hình Sudan. Trong đó, Tổng Thư ký LHQ đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ai Cập trong việc hỗ trợ Sudan và giúp duy trì an ninh và ổn định trong khu vực.

Bởi vậy, trong ngày 17/4, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập đã liên tục tiến hành các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Saudi Arabia, Pháp, Djibouti và Nam Sudan. Ông cũng nhấn mạnh: Các nước bên ngoài cần kiềm chế mọi can thiệp vào cuộc xung đột Sudan, để không làm trầm trọng thêm tình hình.

Song, đến hết ngày 17/4, như đã đề cập ở trên, số người thương vong vẫn tăng cao.

Quyền lực - bài toán chưa lời giải

Cần phải nhắc lại, cuộc giao tranh này bùng nổ là hệ quả được đoán trước, từ cuộc đấu tranh quyền lực kéo dài giữa chỉ huy quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và cấp phó của ông là Mohamed Hamdan Daglo - thường được gọi là Hemeti - người lãnh đạo lực lượng bán quân sự RSF.

Căng thẳng giữa hai bên đã leo thang nhiều tháng nay, khiến các đảng phái chính trị ở nước này chưa thể ký kết thỏa thuận được quốc tế ủng hộ - nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước.

Bất đồng giữa hai bên chủ yếu nằm ở vấn đề cách thức sáp nhập RSF vào quân đội, và nhất là chuyện đơn vị nào sẽ đảm trách công tác giám sát quá trình này. Hai nhà lãnh đạo quân đội đã không đồng ý về kế hoạch tích hợp 100.000 quân của RSF vào quân đội chính quy của Sudan, vốn là điều kiện then chốt cho thỏa thuận mà họ đạt được sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.

Một cách ngắn gọn, sức mạnh quân sự là nền tảng của quyền lực ở Sudan hiện tại và dường như ai cũng sợ mình bị tước đi thứ quyền lực ấy, ai cũng sợ bị “giải giáp” một cách khéo léo hoặc bị thách thức về vị thế.

Về mặt này, Tướng Hemeti của RSF có nhiều lý do để phản kháng hơn. Không phải ngẫu nhiên, khi tiếng súng bắt đầu rộ lên ngày 15/4, ông đã tuyên bố: Các lực lượng của ông ta sẽ chiến đấu đến khi "chiếm giữ toàn bộ các doanh trại quân đội". Nghĩa là, cuối cùng, sau bao nhiêu thương thảo, một rừng cũng vẫn không thể có hai cọp.

Sudan - Những hành lang bít chặt -0
Nhiều quốc gia láng giềng đã đóng cửa biên giới với Sudan.

Người đứng đầu Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), ông Moussa Faki Mahamat đang lên kế hoạch "ngay lập tức" tới Sudan để làm trung gian hòa giải, đưa hai bên đến một lệnh ngừng bắn. Dẫu vậy, dù có đến, ông cũng thực sự phải đối diện với một bài toán hóc búa, bởi cho dù có một lệnh ngừng bắn tạm thời xuất hiện thì nó vẫn sẽ không phải là cách cốt lõi để giải quyết vấn đề đến tận gốc rễ.

Cả thế giới đều đã thấy một kế hoạch chuyển tiếp chính quyền Sudan từ quân quản sang dân sự đã sẵn sàng hiện hữu như thế nào và cũng đã dễ dàng biến thành tro bụi ra sao, vào chặng “về đích”.

Vậy thì, LHQ hay AU có đủ ý tưởng, công cụ, quyền lực và cả chế tài để áp đặt một công thức phân chia quyền lực theo hướng hòa bình cho Sudan hay không, vẫn còn là mệnh đề để ngỏ. Nhất là khi mọi tác động từ bên ngoài đều có khả năng khiến căng thẳng thêm gia tăng...

Mây Linh
.
.