Syria bên bờ một “mùa xuân Arab” mới

Thứ Hai, 18/09/2023, 14:46

Tình hình ở Syria ngày càng trở nên căng thẳng, các cuộc biểu tình và đình công chống chính phủ vẫn tiếp diễn ở tỉnh Soueida, khu vực sinh sống chủ yếu của người Druze. Khu vực này hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát của Damascus. Đây là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ bất ổn tại Syria kể từ năm 2019.

Với sự giúp đỡ của Nga và Iran, Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn Syria sau cuộc nội chiến dẫn đến cuộc nổi dậy của dân chúng năm 2011 bắt nguồn từ "Mùa xuân Arab". Mặc dù gặp những khó khăn về kinh tế và nhu cầu nhân đạo nhưng những lời chỉ trích chính phủ vẫn hiếm khi xảy ra ở các khu vực của Syria do chế độ kiểm soát, cho đến khi thông báo dỡ bỏ trợ cấp nhiên liệu vào tháng trước làm dấy lên các cuộc biểu tình tập trung ở Soueida. Trong khi đó, tại tỉnh Deraa lân cận, khu vực diễn ra quá trình hòa giải giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập từ năm 2018, hàng trăm người dân Syria cũng xuống đường phản đối điều kiện sống ngày càng cực đoan. Các cuộc biểu tình ở miền Nam Syria ngày càng mang tính chính trị và nhắm trực tiếp vào Chính phủ Syria. Trước đây, các cuộc biểu tình thường mang khẩu hiệu kinh tế và kêu gọi giải quyết các vấn đề xã hội.

Syria bên bờ một “mùa xuân Arab” mới -0
Tình trạng hỗn loạn ở Soueida.

Thách thức chính do các cuộc biểu tình diễn ra vào tháng 8 đặt ra cho Damascus có nét tương đồng với các sự kiện của “Mùa xuân Arab” 2011-2012. Những sự kiện này cũng bắt đầu ở Syria với sự gia tăng dần của các cuộc biểu tình và sự thay đổi trong các khẩu hiệu, chuyển từ các vấn đề kinh tế - xã hội sang yêu cầu thay đổi chế độ. Nhiều vấn đề sẽ phụ thuộc vào cách ứng xử của người Hồi giáo dòng Sunni ở các khu vực miền trung Syria - Damascus, Homs và Hama cùng với Aleppo. Có nhiều tiền đề có thể dẫn đến khả năng xảy ra tình trạng khủng hoảng và nổi dậy mới ở Syria vì vấn đề sinh tồn trước nạn đói có thể vượt qua được nỗi sợ bị đàn áp. Sau 11 năm xung đột, hơn 60% người dân Syria, tương đương 12 triệu người, đang phải đối mặt với nạn đói và thất nghiệp. Hiện có 90% dân số Syria đang phải sống trong cảnh nghèo đói. Giá lương thực bình quân hiện nay tại Syria cao hơn bất kỳ thời điểm nào được ghi nhận trong 10 năm qua.

Trong suốt những năm nội chiến, mức độ tham nhũng trong nước ngày càng gia tăng. Sự sụt giảm các hoạt động vũ trang không mang lại kết quả tích cực cho nền kinh tế Syria. Ngược lại, nhiều đơn vị ủng hộ chính phủ nay biến thành các băng đảng ngầm và việc phân phối lại tài sản theo chiều dọc là những hiện tượng cực kỳ nguy hiểm, khiến tình hình kinh tế thảm khốc trong nước càng trở nên trầm trọng, tước đi nguồn lực cuối cùng của người dân Syria.

Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Syria cũng duy trì sức ép nội bộ trong nước, khiến quá trình tái thiết khó đạt được. Trong trường hợp này, Đạo luật Cesar của Mỹ đặc biệt gây hại. Đạo luật này áp đặt các hạn chế đối với tất cả các công ty và cá nhân cộng tác với các tổ chức chính thức của Syria, bao gồm cả việc tái thiết đất nước.

Chính quyền Syria cũng không muốn tôn trọng các điều kiện do các quốc gia Arab đặt ra để cung cấp viện trợ cho Syria, tạo điều kiện cho người tị nạn trở về, chấm dứt đàn áp chính trị và đóng cửa các đường dây mua bán ma túy bất hợp pháp của Syria.

Trong một diễn biến khác có liên quan, chính quyền người Kurd và các bộ tộc người ở Deir Ezzor, phía Đông Bắc Syria đã xảy ra một loạt giao tranh kể từ Chủ nhật ngày 28/8 khiến hàng chục người thiệt mạng. Đây là cuộc nổi dậy đầu tiên kể từ khi lực lượng Kurd lật đổ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi khu vực vào hơn 4 năm trước dưới sự hỗ trợ của Mỹ. Tại tỉnh Deir Ezzor, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn nắm quyền kiểm soát phía Đông sông Eu[1]phrates, trong khi đó lực lượng Chính phủ Syria kiểm soát ở bờ Tây. Mỹ vẫn duy trì các cơ sở quân sự trong khu vực này, nơi có mỏ khí đốt lớn nhất của Syria, mỏ Al-Omar.

Sau các cuộc đụng độ trên, lãnh đạo SDF đã cam kết sẽ đáp ứng yêu cầu của các bộ tộc Arab ở miền Đông Syria và sẽ khắc phục những "sai phạm" đã mắc phải trong quá trình quản lý khu vực, nhằm xoa dịu những căng thẳng sau chuỗi ngày giao tranh chết chóc. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, chỉ huy SDF Mazloum Abdi cho biết ông đã gặp các thủ lĩnh bộ lạc và sẽ tôn trọng yêu cầu thả hàng chục chiến binh địa phương đã nổi dậy và bị giam giữ khi SDF chấm dứt bạo loạn. Ông Abdi hứa sẽ tổ chức một cuộc họp quy mô lớn với các thủ lĩnh bộ lạc Arab và các đại diện khác của tỉnh Deir al-Zor để giải quyết những bất bình tồn tại lâu nay, bao gồm cả giáo dục, kinh tế và an ninh. Người dân nơi đây không hài lòng với chính quyền do người Kurd lãnh đạo, do bị phân biệt đối xử và không được phân chia tài nguyên dầu mỏ trong khu vực.

Cuộc giao tranh đã nổ ra sau khi SDF bắt giữ người đứng đầu hội đồng, được biết đến với tên gọi là Abu Khawla, với cáo buộc tham nhũng và các vi phạm khác, khiến các đồng minh bộ lạc của ông nổi dậy. Liên minh SDF-Mỹ đã kêu gọi chấm dứt bạo lực, khẳng định rằng những xao nhãng trong cuộc chiến chống lại IS đã làm tăng nguy cơ hồi sinh của tổ chức này.

Ngày 8/9, Bộ Ngoại giao Syria đã tố cáo phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao Ethan Goldrich dẫn đầu tiến vào vùng Đông Bắc Syria là hành vi xâm phạm "trái phép". Trong một tuyên bố với ngôn từ cứng rắn, Bộ Ngoại giao cho biết Chính phủ Syria "quyết liệt lên án" chuyến thăm này vì "vi phạm trắng trợn" chủ quyền quốc gia cũng như luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria.

Bộ Ngoại giao cũng khẳng định rằng các cuộc gặp giữa phái đoàn Mỹ và các chỉ huy của Lực lượng SDF "đã làm gia tăng thêm những lo ngại về chủ quyền của Syria và các nguyên tắc pháp lý quốc tế". Cơ quan này bác bỏ tuyên bố của phái đoàn Mỹ nhằm giải quyết các vấn đề mà cư dân tỉnh Deir Ezzor đang phải đối mặt và chống lại sự can thiệp của nước ngoài. Bộ Ngoại giao Syria gọi đó là "lời nói dối trắng trợn".

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.