Tai nạn tàu hỏa thảm khốc ở Ấn Độ: Nguyên nhân vì đâu?
Cuộc điều tra ban đầu sau vụ tai nạn tàu hỏa khiến gần 300 người thiệt mạng tại bang Odisha (Ấn Độ) đã chỉ ra nguyên nhân dẫn tới thảm họa là do lỗi tín hiệu. Nhưng, đằng sau đấy còn là một câu chuyện dài về hệ thống đường sắt ở quốc gia Nam Á này.
Lỗi tín hiệu điện tử
Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ - ông Ashwini Vaishnaw hôm 5/6 cho biết, vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng nhất ở nước này trong hơn 2 thập kỷ qua là do lỗi tín hiệu điện tử khiến đoàn tàu đi nhầm đường ray.
Ông Ashwini Vaishnaw nhấn mạnh, cuộc điều tra đầy đủ về thảm họa đường sắt xảy ra hôm 2/6 ở gần thành phố Balasore thuộc bang Odisha, khiến ít nhất 275 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương, vẫn đang được tiến hành nhưng “nguyên nhân gốc rễ đã được xác định”.
Theo kết quả điều tra ban đầu, tín hiệu đèn xanh đã được cấp cho tàu cao tốc Shalimar-Chennai Coromandel Express để con tàu chạy trên tuyến đường chính. Nhưng, tín hiệu sau đấy lại thay đổi và dẫn hướng đoàn tàu chở 1.257 hành khách này đi vào một tuyến đường vòng liền kề, khiến nó đâm vào một đoàn tàu hàng chở đầy quặng sắt đang đỗ ở đó.
Hệ quả là đầu máy và 4-5 toa của Shalimar-Chennai Coromandel Express bị lật nhào sang một đường ray khác rồi va vào đoàn tàu khách Yesvantpur-Howrah Express đang đi tới từ phía đối diện. Vụ va chạm làm đoàn tàu thứ ba này cũng bị trật bánh và văng khỏi đường ray.
Phát biểu với Báo Times of India, Jaya Verma Sinha - một thành viên cấp cao của Hội đồng Đường sắt Ấn Độ, cho biết 2 đoàn tàu khách, chở tổng cộng 2.296 người, không chạy quá tốc độ khi xảy ra thảm họa. Theo bà Sinha, nguyên nhân của vụ tai nạn bước đầu có thể xác định là do lỗi trong hệ thống khóa liên động điện tử.
Đây một cơ chế an toàn tự động được thiết kế để ngăn chặn chuyển động xung đột giữa các đoàn tàu. Hệ thống do máy tính điều khiển và được sử dụng trên toàn bộ mạng lưới đường sắt Ấn Độ. Trên lý thuyết, hệ thống khóa liên động điện tử sẽ tự động hướng một đoàn tàu đến một đường ray trống tại điểm 2 đường ray gặp nhau, nhưng có vẻ như điều này đã không xảy ra vào lúc đó.
"Hệ thống này có đến 99,9% xác suất không mắc lỗi. Tuy nhiên, vẫn có 0,1% khả năng xảy ra sai sót", bà Jaya Verma Sinha nói. Khi được hỏi liệu vụ tai nạn có thể là một trường hợp phá hoại hay không, bà Verma cho biết, các nhà điều tra “không loại trừ khả năng nào”.
Thảm họa ám ảnh
Ngay sau vụ tai nạn, chính quyền bang Odisha, nơi sinh sống của khoảng 45 triệu người, đã tuyên bố 1 ngày quốc tang. Hàng chục chuyến tàu bị hủy. Các đội cứu nạn từ quân đội và lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia đã được huy động đến hiện trường.
Các đoạn video và hình ảnh từ hiện trường vụ tai nạn cho thấy khung cảnh hỗn loạn và tuyệt vọng. Người ta có thể nhìn thấy hàng chục xác chết nằm bên cạnh các toa tàu bị lật, trong khi các sĩ quan cảnh sát và những người sống sót đứng gần đó. Nhiều toa tàu bị xé toạc. Đồ đạc cá nhân của hành khách nằm rải rác bên trong các toa, kính cửa sổ và các mảnh vụn kim loại rơi vãi xuống sàn.
Hơn 1.000 nhân viên cứu nạn làm việc cật lực để tìm kiếm những người sống sót. Những hành khách sống sót đã tham gia cùng lực lượng cứu nạn tại chỗ trong nỗ lực giải thoát những người bị mắc kẹt. Đến ngày 4/6, khi tất cả thi thể còn lại đã được kéo ra khỏi đống đổ nát, giới chức địa phương lập tức dọn dẹp các toa tàu bị lật để một trong những tuyến đường sắt bận rộn nhất của Ấn Độ có thể nhanh chóng hoạt động trở lại.
Theo thống kê, ít nhất 275 người đã thiệt mạng trong thảm họa và khoảng 800 đến 1.000 người bị thương. Nhiều hành khách là lao động nhập cư, sinh viên và những người làm công ăn lương. Quan chức địa phương và các bác sĩ cho biết, sự chậm trễ trong việc đưa gia đình các nạn nhân đến Balasore nghĩa là nhiều thi thể vẫn chưa được xác định danh tính và không có người nhận.
Nhiều người bị thương nặng trong vụ va chạm, khiến việc nhận dạng họ trở nên khó khăn và hầu hết gia đình nạn nhân sống ở các thị trấn và làng mạc cách xa hàng trăm dặm vẫn đang cố gắng tiếp cận khu vực, giới chức địa phương nói thêm. Trong và xung quanh Balasore, thi thể của khoảng 200 nạn nhân vẫn chưa được nhận, các quan chức và nhân viên y tế địa phương cho biết.
Vài ngày sau thảm họa, gia đình của rất nhiều nạn nhân vẫn phải vật lộn để tìm cách đến thành phố Balasore (bang Odisha) để nhận thi thể người thân. Hành trình của họ trở nên khó khăn do thiếu phương tiện. Dù tuyến đường qua Balasore đã được mở lại ở cả hai hướng song số lượng đoàn tàu đi qua nơi đây không đủ đáp ứng nhu cầu.
Để giải quyết tình hình, các quan chức đường sắt Ấn Độ đã bố trí một chuyến tàu đặc biệt chở người thân của các nạn nhân từ thành phố Kolkata, thuộc bang Tây Bengal cách đó 300 km, đến thành phố Bhubaneswar, thủ phủ bang Odisha. Từ đây, chính quyền bang Odisha sẽ bố trí xe bus miễn phí đưa họ tới nơi xảy ra thảm họa.
Phá hỏng 2 thập kỷ cải thiện an toàn
Vụ tai nạn hôm 2/6 đã làm dấy lên những câu hỏi về sự an toàn trong hệ thống đường sắt đang vận chuyển hơn 8 tỷ hành khách mỗi năm của Ấn Độ. Trong những năm qua, Ấn Độ đã đẩy mạnh cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém của mình hơn bao giờ hết và đường sắt của nước này, vốn là trung tâm của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, đã được hưởng lợi chính.
Theo Báo New York Times, chỉ trong năm tài chính vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã chi gần 30 tỷ USD cho hệ thống đường sắt, tăng 15% so với năm trước. Tuy nhiên, một báo cáo năm ngoái của Tổng Kiểm toán Ấn Độ cho thấy số tiền dành cho việc thay mới và bảo trì đường ray cùng một số biện pháp đảm bảo an toàn khác lại bị cắt giảm. Báo cáo cho biết, giới chức đường sắt thậm chí còn chưa chi hết số tiền dành cho hoạt động này.
Một báo cáo xem xét các vụ trật bánh và các vấn đề an toàn khác ảnh hưởng đến đường sắt của Ấn Độ trong 4 năm trước đó cho biết chi tiêu của ngành gần đây đã tập trung nhiều hơn vào những công việc “không ưu tiên”. Một quỹ được lập ra để chi trả cho việc thay thế và cải tiến đầu máy, đường ray và các bộ phận khác của hệ thống đường sắt đã chuyển hướng một phần ngân sách đầu tư sang các ưu tiên khác.
Cung cách điều hành các nguồn lực bất hợp lý này khiến các hoạt động đảm bảo an toàn đang “dần dần bị xói mòn” và có thể phá hỏng những bước tiến to lớn mà Ấn Độ đạt được suốt 2 thập kỷ qua.
Lần gần đây nhất Ấn Độ hứng chịu một thảm họa đường sắt nghiêm trọng như vụ trật bánh hôm thứ 2/6 vừa qua là vào năm 1999, khi 285 người thiệt mạng trong một vụ tai nạn ở Tây Bengal. Kể từ đó đến nay, ngành đường sắt nước này đã có nhiều nỗ lực nhằm cải tiến an toàn, như lắp đặt hệ thống tín hiệu điện tử, nâng cấp cơ sở hạ tầng và loại bỏ bớt các giao lộ không có người đứng gác giữa đường bộ và đường sắt.
Nhờ đó, an toàn đường sắt ở Ấn Độ cũng đã được cải thiện, với số vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng giảm dần: Xuống còn 22 vụ trong năm tài chính 2020 so với hơn 300 vụ hằng năm cách đây 2 thập kỷ. Những vụ tai nạn nhưng không gây tử vong (bao gồm trật bánh, va chạm và hỏa hoạn) cũng giảm đều đặn. Năm 2003 có 336 vụ như vậy. Đến năm 2018, con số đó chỉ là 59. Đến năm 2020, trong 2 năm liên tiếp, Ấn Độ không ghi nhận hành khách nào tử vong trong các vụ tai nạn đường sắt - một cột mốc được chính phủ Thủ tướng Narendra Modi nhiều lần ca ngợi.
Nhưng, giờ đây, bức tranh tươi sáng ấy đang bị phủ bóng bởi thảm họa thương tâm tại bang Odisha.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ - Ashwini Vaishnaw tuyên bố chưa thể kết luận nguyên nhân dẫn tới lỗi tín hiệu trong vụ tai nạn hôm 2/6 là do máy móc hay con người, nhưng khẳng định đã yêu cầu Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ mở cuộc điều tra hình sự về vụ việc. “Ai đã làm điều đó và lý do là gì sẽ được đưa ra sau một cuộc điều tra”, ông Vaishnaw nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi nghe tin về vụ tai nạn đã lập tức di chuyển bằng trực thăng xuống hiện trường. Tại đây, nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á này tuyên bố sẽ "trừng phạt thích đáng" những người chịu trách nhiệm. “Chúng tôi không thể mang những người đã mất trở lại. Nhưng, chính phủ đang ở bên gia đình họ trong nỗi đau này. Vụ việc này rất nghiêm trọng đối với chính phủ... Bất cứ ai có lỗi trong thảm họa này sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc”, Thủ tướng Modi đau xót nói.