Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian: Một nhà cải cách thận trọng và lão luyện

Thứ Tư, 10/07/2024, 07:38

Không nổi tiếng tại cả quê hương lẫn trên thế giới, tân Tổng thống Masoud Pezeshkian - một nhà cải cách có quan điểm ôn hòa - đang được kỳ vọng đưa Iran vượt qua giai đoạn khó khăn kinh tế và nới lỏng sự phong tỏa của phương Tây.

Thắng lợi của nhà cải cách

Sau khi không có ứng cử viên nào đạt quá bán, cuộc bầu cử Tổng thống Iran đã bước vào vòng 2 với cuộc “so găng” trực tiếp giữa Masoud Pezeshkian, một bác sĩ phẫu thuật tim và là gương mặt ôn hòa trong nhóm cầm quyền, và Saeed Jalili - một cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân nổi tiếng bảo thủ.

Thắng lợi đã thuộc về ông Masoud Pezeshkian. Theo kết quả được công bố hôm 6/7, ông giành được khoảng 16,4 triệu phiếu bầu, nhiều hơn đối thủ Jalili gần 3 triệu phiếu và trở thành tổng thống tiếp theo của Iran thay cho ông Ebrahim Raisi - người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng hồi tháng 5.

Một nhà cải cách thận trọng và lão luyện -0
Tân Tổng thống Masoud Pezeshkian cam kết nới lỏng các quy tắc đạo đức liên quan đến phụ nữ của Iran. Ảnh: Middle East Monitor.

Một lần nữa, ông Masoud Pezeshkian cho thấy rất biết cách vươn lên vị trí hàng đầu trong khi những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn bị gạt ra lề bởi một hệ thống bảo thủ kiểm soát chặt chẽ chính sách. Lần gần nhất ông Masoud Pezeshkian ra tranh cử Tổng thống Iran là vào năm 2021, nhưng Đại giáo chủ Iran khi đó đã cấm ông và toàn bộ phe cải cách của ông.

Lần này, chính quyền Iran đã cho phép ông Pezeshkian tham gia tranh cử với tư cách là ứng cử viên tổng thống duy nhất công khai cam kết nới lỏng các quy tắc đạo đức nghiêm ngặt của đất nước liên quan đến phụ nữ và khôi phục đối thoại với phương Tây.

Việc ông được phép ra tranh cử cho thấy giới lãnh đạo Iran coi ông là một lựa chọn an toàn. Đổi lại, chiến thắng của ông, với 53% số phiếu bầu, trong cuộc bầu cử chứng kiến sự gia tăng mạnh về tỷ lệ cử tri đi bầu, cho thấy mức độ quan ngại của công chúng về các chính sách cứng rắn mà đối thủ của ông ủng hộ.

Một nhà cải cách thận trọng và lão luyện -0
Sau khi chiến thắng đối thủ Saeed Jalili (bên phải), ông Masoud Pezeshkian (bên trái) đã hủy một cuộc họp báo để dành thời gian gặp gỡ Đại Giáo chủ Ali Khamenei. Ảnh: PBS.

Cách tiếp cận chính trị thận trọng, kín đáo của đã giúp ông Pezeshkian tồn tại trong khi những chính trị giá ôn hòa khác bị loại khỏi chính trường. Tân Tổng thống Pezeshkian có thể xem là một "sự đặt cược an toàn" cho thể chế hiện tại của Iran, "độc đáo ở chỗ không cam kết bất kỳ điều cụ thể nào, thay vào đó tập trung vào cách tiếp cận quản lý của mình trong khi thừa nhận những giới hạn mà ông có thể phải đối mặt với tư cách là tổng thống", Ali Vaez - Giám đốc Tổ chức tư vấn chính trị Crisis Group nhận định. “Những lá phiếu bầu cho ông ấy không nhất thiết là vì hy vọng vào điều tốt đẹp hơn, mà là vì sợ điều tồi tệ hơn”.

Thận trọng, kín đáo nhưng không yếm thế

Tổng thống Iran - quan chức số 2 của đất nước sau nhà lãnh đạo tối cao - giám sát chính sách kinh tế và bổ nhiệm những người ra quyết định cấp cao. Nhà lãnh đạo tối cao, mà hiện nay là Đại giáo chủ Ali Khamenei có thể ngăn chặn tổng thống, cũng như quốc hội, khiến tổng thống có ít ảnh hưởng đến các vấn đề an ninh và quân sự.

Trong một cử chỉ đặc trưng, ông Masoud Pezeshkian đã ra hiệu sau chiến thắng rằng ông sẽ làm việc với những người theo đường lối cứng rắn - một cách tiếp cận cần thiết để tránh bị “khóa trái” trong một chế độ mà Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei là người có tiếng nói quyết định.

“Chúng tôi sẽ mở rộng vòng tay hữu nghị với mọi người”, tân Tổng thống Pezeshkian phát biểu trên truyền hình nhà nước. "Chúng ta nên sử dụng mọi người vì sự tiến bộ của đất nước”.

Cách tiếp cận đó một phần xuất phát từ kinh nghiệm của chính ông trong chính quyền của Tổng thống cải cách Mohammad Khatami, nơi ông Masoud Pezeshkian bắt đầu sự nghiệp chính trị khi vị tổng thống mới bổ nhiệm ông làm thứ trưởng y tế vào năm 1997. Ông giữ chức bộ trưởng y tế từ năm 2001 đến năm 2005, khi ông Khatami cố gắng tự do hóa các cuộc bầu cử ở Iran, nhưng bị những người theo đường lối cứng rắn ngăn cản.

Tuy nhiên, ông Pezeshkian vẫn giữ được danh tiếng của một người ngoài cuộc. Ông sinh ra ở miền Tây Iran trong một gia đình dân tộc thiểu số. Ông nói tiếng Azeri, tiếng Turkic của cha mình và đã thúc đẩy việc sử dụng tiếng này, khiến ông trở nên nổi tiếng trong các cộng đồng thường kêu gọi nhiều quyền tự chủ hơn ở quốc gia do người Ba Tư thống trị.

Ông Pezeshkian được đào tạo y khoa vào những năm 1980 và điều trị cho những người bị thương ở tuyến đầu trong cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq. Năm 1994, khi đang làm bác sĩ phẫu thuật và là giám đốc một bệnh viện địa phương, ông đã mất vợ và một con trai trong một vụ tai nạn xe hơi. Ông không bao giờ tái hôn, chấp nhận ở vậy nuôi hai con trai và một con gái.

Một nhà cải cách thận trọng và lão luyện -0
Cảnh xếp hàng bỏ phiếu tại thủ đô Tehran. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vòng 2 cao hơn so với vòng bỏ phiếu đầu tiên. Ảnh: New York Times.

Có một ví dụ điển hình phản ánh cách tiếp cận khiêm tốn và kín kẽ của ông Pezeshkian, đó là khi được hỏi về vụ tai nạn của vợ con trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước vào tháng 5 trong chiến dịch tranh cử, chính trị gia 69 tuổi đã từ chối trả lời.

“Có chuyện gì xảy ra với vụ tai nạn vậy?”, người dẫn chương trình hôm ấy hỏi. "Chiếc xe đã bị lật phải không, thưa ông?”. Im lặng. Và, MC hỏi tiếp: “Ông không nhớ gì về chuyện đó sao?”.

“Tôi không biết nói sao bây giờ”, ông Pezeshkian trầm tĩnh đáp. “Một tai nạn đáng lẽ không nên xảy ra đã xảy ra”.

Nhưng, quá khứ không bị ông Pezeshkian vứt bỏ. Ngược lại, ông thường xuyên vận động tranh cử cùng con gái bên cạnh, một lời nhắc nhở về thảm họa gia đình và là sự tương phản tinh tế, nhân văn với hình ảnh công chúng của đối thủ Jalili, một người bảo vệ giáo điều cho chế độ tại Iran.

Chuyên gia đi giữa những lằn ranh

Ông Pezeshkian là nhà lập pháp từ năm 2008, đại diện cho một tỉnh ở quê hương ông trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad và người kế nhiệm ôn hòa của ông, Hassan Rouhani, bao gồm cả nhiệm kỳ làm phó chủ tịch quốc hội.

Ông chỉ trích những phản ứng mạnh tay của chính quyền đối với những người biểu tình phản đối việc cựu Tổng thống Ahmadinejad tái đắc cử năm 2009, nhưng thường tránh đưa ra những tuyên bố đối đầu chế độ về sự kiện này. Ông đã khởi xướng một cuộc chạy đua vào chức tổng thống năm 2013 nhưng bỏ cuộc sớm để dọn đường cho một ứng cử viên khác được phe cải cách hậu thuẫn, người sau đó cũng bỏ cuộc.

Năm 2022, khi các cuộc biểu tình trên toàn quốc nổ ra sau cái chết của Mahsa Amini, người bị cáo buộc vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục của Cộng hòa Hồi giáo, ông Pezeshkian đã kêu gọi điều tra về cái chết của người phụ nữ trẻ này nhưng cho biết không rõ liệu cô ấy có chết do hành vi tàn bạo của cảnh sát hay không.

Trong các tuyên bố công khai, ông Pezeshkian luôn như vậy, cố gắng dung hòa cả hai bên chia rẽ. “Chúng ta nên làm tốt hơn”, ông nói.

Khi cố Tổng thống Raisi qua đời vào tháng 5 năm nay vì tai nạn trực thăng, hai cựu tổng thống ôn hòa, Mohammad Khatami và Hassan Rouhani, đã không còn được nhắc đến nữa - cả hai đều bị phe bảo thủ gạt ra ngoài lề trong nhiều năm. Ali Larijani, một cựu phát ngôn viên quốc hội ôn hòa của Iran, cũng đã bị cấm tranh cử. Nhưng, ông Pezeshkian thì lọt qua.

Ông hưởng lợi từ nỗ lực thu hút nhiều cử tri đi bỏ phiếu hơn sau khi chưa đến một nửa số cử tri tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 và bầu cử quốc hội vào tháng 3 năm nay. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp năm 2021 và làn sóng biểu tình năm 2022 đã gửi đi thông điệp rằng phần lớn người Iran hiện đang từ chối chế độ.

Một nhà cải cách thận trọng và lão luyện -0
Những người ủng hộ ông Pezeshkian mừng thắng lợi. Ảnh: New York Times.

Vòng bầu cử thứ hai năm nay đã đưa nhiều cử tri trở lại bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri Iran đi bỏ phiếu là 49,8%, tăng so với mức 40% trong vòng bầu cử đầu tiên. Trong một thông điệp đăng trên mạng xã hội X, Đại Giáo chủ Ali Khamenei ca ngợi sự gia tăng số người đi bỏ phiếu là "một động thái lớn trong việc đối đầu với sự ồn ào bị thao túng của việc tẩy chay cuộc bầu cử, mà kẻ thù của Iran đang cố khích động”.

Ông Pezeshkian đã tự coi mình là thuốc giải độc cho những người theo đường lối cứng rắn. Tuy nhiên, ông đã cẩn thận tránh vượt qua ranh giới của chế độ. Ông chỉ trích sự thái quá của cảnh sát đạo đức nhưng không kêu gọi chấm dứt việc bắt buộc đeo khăn trùm đầu. Trong suốt chiến dịch, nhà cải cách bám sát các nguyên tắc chính sách đối ngoại cốt lõi của chế độ. Ông nhiệt thành cam kết lòng trung thành với hệ thống chính trị, ca ngợi cố chỉ huy quân sự Qassem Soleimani, người đã thiết kế liên minh của Iran với các lực lượng dân quân Trung Đông trước khi bị giết trong một cuộc không kích của Mỹ vào năm 2020.

Ông Pezeshkian cũng nói rõ rằng không có ý định thay đổi quyết định từ chối công nhận Israel của Iran. Ông nói: “Nếu Chúa muốn, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, ngoại trừ Israel”.

Ông Pezeshkian ít được biết đến ở Iran trước chiến dịch bầu cử và cũng không được biết đến nhiều ở phương Tây. Các quan chức Mỹ cho biết, họ hy vọng ông Pezeshkian sẽ giữ kênh đối thoại từng được Nhà Trắng thiết lập với chính phủ cố Tổng thống Ebrahim Raisi để kiềm chế căng thẳng.

Trong khi đó, truyền thông thế giới dự báo, tân Tổng thống Pezeshkian sẽ có cách tiếp cận cởi mở hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân với phương Tây, nhất là khi ông khẳng định các cuộc tranh luận cũng giống như việc gỡ rối một vấn đề kinh tế.

Nhưng, trước khi chứng kiến bất cứ sự thay đổi nào trong chính sách đối ngoại của Iran dưới thời tân Tổng thống Pezeshkian, cần phải chờ xem ông nhận được tín hiệu gì từ nhà lãnh đạo tối cao của đất nước.

Sau chiến thắng bầu cử, ông Pezeshkian đã lập tức hủy một cuộc họp báo để dành thời gian gặp gỡ Đại giáo chủ Ali Khamenei và thể hiện một cử chỉ trung thành khác với chế độ thần quyền bảo thủ: Ông cũng lên lịch bài phát biểu chiến thắng của mình sẽ diễn ra tại đền thờ của nhà lãnh đạo sáng lập Cộng hòa Hồi giáo - Đại giáo chủ Ruhollah Khomeini.

Tất cả cho thấy, bản thân ông Pezeshkian rất hiểu chìa khóa của cải cách nằm ở đâu và ông cần những bước đi như thế nào để mở rộng cánh cửa quyền lực.

Quang Anh
.
.