Telegram và vấn đề an ninh quốc gia trong thời đại số
Trong bối cảnh thế giới ngày càng phụ thuộc vào không gian mạng, ứng dụng nhắn tin Telegram đang trở thành tâm điểm của những tranh cãi về an ninh quốc gia. Từ châu Á đến châu Âu, nhiều chính phủ coi ứng dụng này như "con dao hai lưỡi". Câu chuyện về Telegram không chỉ là cuộc đối đầu giữa công nghệ và luật pháp, mà còn phản ánh mâu thuẫn sâu sắc giữa tự do cá nhân và an ninh tập thể trong kỷ nguyên số.
Mã hóa: Tấm khiên bảo vệ hay vũ khí nguy hiểm?
Telegram là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất hiện nay với khoảng 900 triệu người dùng trên khắp thế giới, được biết đến nhờ tính bảo mật cao và giao diện thân thiện với người dùng. Ứng dụng này được phát triển bởi hai anh em người Nga là Pavel Durov và Nikolai Durov.
Sau khi rời khỏi mạng xã hội VKontakte do bất đồng với Chính phủ Nga về quyền riêng tư người dùng, Pavel Durov đã sáng lập Telegram vào năm 2013 như một nền tảng nhắn tin độc lập, phi tập trung và chống kiểm duyệt. Telegram được thiết kế để cung cấp dịch vụ nhắn tin nhanh, mã hóa, và không phụ thuộc vào máy chủ tập trung của một quốc gia cụ thể. Điều này giúp ứng dụng trở nên hấp dẫn đối với những người dùng lo ngại về quyền riêng tư và sự can thiệp của chính phủ.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của Telegram cũng đi kèm với nhiều vấn đề phức tạp. Với chính sách bảo mật chặt chẽ, đặc biệt là tính năng "chat bí mật" sử dụng mã hóa đầu-cuối (end-to-end encryption), Telegram đã trở thành nơi trú ẩn cho nhiều tổ chức và cá nhân hoạt động trong vùng xám của pháp luật. Các nhóm khủng bố, tội phạm mạng và những kẻ phát tán nội dung độc hại đã lợi dụng tính ẩn danh của nền tảng để trao đổi thông tin và tổ chức hoạt động. Điều này buộc Telegram phải đối mặt với bài toán khó: làm sao cân bằng giữa quyền riêng tư cá nhân và trách nhiệm xã hội trong việc ngăn chặn các hành vi phạm pháp.
Khi công nghệ thách thức trật tự xã hội
Một trong những câu hỏi nổi bật trong kỷ nguyên số hiện nay là: liệu sự riêng tư tuyệt đối có thể đồng hành với an toàn cộng đồng? Một báo cáo năm 2022 của Trung tâm Chống khủng bố quốc tế (ICT) chỉ ra rằng 65% nội dung liên quan đến khủng bố tại châu Âu được phát tán qua Telegram. ISIS từng sử dụng các kênh công khai để tuyển mộ thành viên và phát trực tiếp các vụ hành quyết.
Tiến sĩ Hany Farid, chuyên gia an ninh mạng tại Đại học California, nhận định: "Telegram đã vô tình tạo ra một vùng xám pháp lý, nơi các nhóm cực đoan có thể hoạt động công khai mà không sợ bị truy vết". Điều này đã khiến Telegram vướng vào nhiều chỉ trích và tranh cãi từ các chính phủ và tổ chức bảo vệ an ninh.

Không chỉ dừng lại ở khủng bố, Telegram còn bị cáo buộc là "mồi lửa" cho các hoạt động chống lại chính quyền. Tại Belarus và Iran, Telegram là kênh liên lạc của phe đối lập trong các cuộc biểu tình 2020-2023. Tại Đức, nhóm cực hữu Reichsburger đã lên kế hoạch đảo chính qua các nhóm kín trên Telegram vào tháng 12/2022. Cảnh sát Đức sau đó thừa nhận phát hiện ra kế hoạch này nhờ “bất đồng nội bộ” trong nhóm.
Cuộc điều tra kéo dài 5 tháng huy động hơn 3.000 nhân viên vào cuộc đã bắt giữ 25 người liên quan trực tiếp trở thành một trong những hoạt động chống khủng bố lớn nhất trong lịch sử nước Đức. Ở Brazil, hàng nghìn tin nhắn kích động bạo lực sau thất bại của cựu Tổng thống Bolsonaro đã khiến Quốc hội nước này phải phong tỏa nền tảng Telegram vào đầu năm 2023.
Đại dịch COVID-19 càng phơi bày mặt tối của Telegram. Nghiên cứu của Viện Reuters năm 2021 cho thấy 38% tin giả về vaccine tại châu Á được lan truyền qua ứng dụng này. "Đây không còn là vấn đề kỹ thuật, mà là cuộc khủng hoảng y tế công cộng", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cảnh báo. Lừa đảo và tin giả đã trở thành vấn đề nhức nhối trên Telegram. Khảo sát của Finance Magnates và FXStreet năm 2024 cho thấy có tới 60,09% các nhà giao dịch trên Telegram bị lừa đảo, con số cao nhất so với các ứng dụng nhắn tin phổ biến khác trên thị trường.
Còn theo báo cáo của Revolut, trong nửa cuối năm 2024, số vụ lừa đảo được báo cáo trên Telegram đã tăng 121%. Một cuộc điều tra tại Việt Nam cho thấy, 68% trong số 9.600 kênh hoặc nhóm của Telegram liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp như lừa đảo, buôn bán ma túy và khủng bố. Chính những nguy cơ này đã khiến một loạt quốc gia đưa ra lệnh cấm hoặc hạn chế hoạt động của ứng dụng Telegram trên lãnh thổ của mình.
Thách thức trong quản lý
Tháng 7/2015, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đưa ra lệnh cấm với ứng dụng này, tiếp sau đó là Pakistan, Indonesia, Nga, Iran và một số quốc gia khác. Trong 2 năm gần đây, ngay cả các quốc gia châu Âu như Na Uy, Tây Ban Nha cũng đưa ứng dụng này vào diện hạn chế hoạt động. Tuy nhiên, những lệnh cấm này thường không đạt được hiệu quả mong muốn.

Năm 2018, Nga cấm Telegram sau khi nền tảng này từ chối trao khóa mã hóa cho cơ quan an ninh, nhưng đến 2020 lại phải dỡ bỏ lệnh cấm vì không thể ngăn người dùng truy cập qua VPN. Ấn Độ từng yêu cầu Telegram gỡ bỏ các kênh ủng hộ ly khai ở Kashmir, nhưng không nhận được phản hồi. Vấn đề nằm ở cơ chế phi tập trung của Telegram. Khác với các ứng dụng nhắn tin như Whatsapp hay mạng xã hội như Facebook, Twitter có trụ sở rõ ràng, công ty Telegram đăng ký pháp lý ở quần đảo Virgin thuộc Anh nhưng máy chủ thì lại đặt tại Dubai còn đội ngũ phát triển phân tán toàn cầu. "Họ giống như một con tàu ma trên biển Internet, không quốc gia nào đủ thẩm quyền để kiểm soát", bà Marietje Schaake, cựu nghị sĩ châu Âu, nhận xét.
Tháng 8/2024, sau khi đưa ra yêu cầu cung cấp thông tin điều tra nhưng không được phản hồi, Chính phủ Pháp đã bắt nhà sáng lập Pavel Durov với những cáo buộc đồng lõa hoạt động tội phạm liên quan đến rửa tiền, lạm dụng trẻ em và buôn bán ma túy. Sau đó, ứng dụng này đã buộc phải thực hiện một số yêu cầu của chính quyền. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Telegram được ghi nhận đã xử lý 668 yêu cầu từ Chính phủ Pháp liên quan đến hơn 1.400 người dùng cụ thể.
Tháng 3/2025, ông Durov được rời khỏi Pháp để trở về Dubai (nơi ông sinh sống chủ yếu từ năm 2013) tuy nhiên vẫn bị áp lệnh cấm xuất cảnh. Chính phủ Pháp sau đó tiếp tục gây áp lực buộc Telegram cung cấp quyền truy cập các tin nhắn mã hóa nhằm phục vụ điều tra tội phạm. Tuy nhiên, ông Durov cảnh báo rằng nếu bị ép mở "cửa hậu" truy cập dữ liệu người dùng, Telegram sẽ rút khỏi thị trường Pháp để bảo vệ quyền riêng tư người dùng của mình.
Hướng đi nào cho tương lai?
Hành động mạnh mẽ của Chính phủ Pháp vừa mở đường cho các chính phủ về cách thức xử lý yêu cầu pháp lý đối với Telegram nhưng cũng vừa đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với quyền tự do cá nhân hay quyền kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc kiểm soát mạnh mẽ Telegram này đã vấp phải làn sóng phản đối từ các nhà hoạt động dân chủ. Ông Pavel Durov, CEO Telegram sau khi trở về Dubai đã tiếp tục chỉ trích Chính phủ Pháp, cáo buộc rằng họ đã yêu cầu ông kiểm duyệt các tiếng nói bảo thủ trên Telegram. Ông khẳng định: "Chúng tôi bảo vệ quyền tự do ngôn luận, ngay cả khi điều đó gây khó chịu cho chính quyền".

Thế giới đang đứng trước thách thức cân bằng giữa 2 giá trị cốt lõi. Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai nỗ lực điều chỉnh Telegram thông qua Đạo luật Dịch vụ số (DSA), yêu cầu minh bạch thuật toán và kiểm soát nội dung độc hại. Tuy nhiên, giới chuyên gia hoài nghi về hiệu quả. "Mã hóa là con át chủ bài của Telegram. Không thể vừa bảo vệ nó, vừa yêu cầu họ gỡ bài viết", ông John Scott-Railton, nhà nghiên cứu tại Citizen Lab, nhấn mạnh. Vì vậy, việc chặn ứng dụng Telegram đang ngày càng trở lên phổ biến đối với nhiều quốc gia trên thế giới.
Câu chuyện về Telegram phản ánh nghịch lý của thời đại số hiện nay: công nghệ đã vượt khỏi khả năng quản lý của thể chế truyền thống. Giải pháp có lẽ không chỉ nằm ở lệnh cấm, mà đòi hỏi hợp tác đa phương và cập nhật hành lang pháp lý. Nhưng, dù khó thế nào, việc quản lý những nội dung xấu vẫn cần được tiến hành. Như lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: "Chúng ta cần viết lại hiệp ước xã hội cho kỷ nguyên số - nơi tự do đi đôi với trách nhiệm".