“Thảm họa” giáo dục mang tên Bridge

Thứ Năm, 27/04/2023, 07:30

Câu hỏi về vị trí của giáo dục tư nhân trong sự nghiệp phát triển công dân chưa bao giờ hết tranh cãi. Nhưng những cuộc bàn luận xoay quanh vấn đề này gần đây lại thêm phần nóng bỏng khi sự thất bại của một tập đoàn giáo dục đa quốc gia được đưa ra ánh sáng. Tập đoàn giáo dục Bridge tại Mỹ đang lún sâu vào khủng hoảng vì scandal quấy rối tình dục gây ra bởi các giáo viên của họ.

Chưa hết, vụ việc hoàn toàn có thể đẩy lùi sự phát triển giáo dục của những quốc gia nghèo nhất châu Phi đến 10 năm.

Khởi đầu như mơ

Bridge được lập ra bởi cặp vợ chồng Jay Kimmelman và Shannon May. Kimmelman là nhà phát triển phần mềm giáo dục, còn May là chuyên gia nghiên cứu chính sách giáo dục. Shannon May nói về động lực thúc đẩy cô lập ra Bridge: “Vào năm 2007, hai chúng tôi đến châu Phi và nhìn thấy hàng nghìn trẻ em tuy đã tốt nghiệp tiểu học rồi mà vẫn chưa biết đọc, biết viết”.

“Thảm họa” giáo dục mang tên Bridge -0
Nhiều giáo viên dạy ở các trường học do Bridge mở ra đang đứng trước tương lai bấp bênh.

Cặp vợ chồng nhận ra ngay vấn đề trong hệ thống giáo dục ở các nước Đông Phi: hệ thống sách vở lạc hậu cộng với lối suy nghĩ trọng thành tích của giáo viên. Để tránh hai vấn đề trên, Bridge đã mời các chuyên gia giáo dục hàng đầu ở đại học Cambridge (Mỹ) thiết kế hệ thống tài liệu giảng dạy. Hệ thống lương thưởng của Bridge cũng không đặt nặng vấn đề áp đặt chỉ tiêu đối với giáo viên. Nhờ hai giải pháp trên mà chẳng mấy chốc Bridge trở thành hệ thống trường tư thục lớn nhất thế giới. Họ có trường cấp 1, cấp 2 tại Kenya, Uganda, Nigeria, Liberia và Ấn Độ đang đào tạo cho khoảng 750.000 học sinh.

Chưa hết, Bridge còn thu hút được những cổ đông máu mặt. Trong Ban Quản trị của Bridge có những cái tên như Chan Zuckerberg, Bill Gates, Piere Omidyar, Bill Ackman, Ngân hàng phát triển châu Âu, và Ngân hàng thế giới. Tất nhiên là các nhà tỷ phú trên có yêu cầu rất cao về lợi nhuận, và điều đó đã đẩy Bridge vào một con đường không ai muốn.

Một cựu cố vấn của Bridge giấu tên giải thích với phóng viên báo Chicago Tribune: “Bridge không thể tăng học phí cao hơn 5 USD/tháng vì nếu tăng thì rất nhiều phụ huynh sẽ không có khả năng chi trả. Vậy thì họ phải vừa tìm cách tăng số đầu học sinh càng nhanh càng tốt, vừa tìm cách cắt giảm chi phí. Điều đầu tiên Ban Giám đốc làm là giảm lương thầy cô giáo. Họ nói rằng các giáo viên đứng lớp thì cũng chỉ là đọc tài liệu cho học sinh nghe nên nhận mức lương thấp là xứng đáng”. Vị chuyên gia còn cho biết mình bỏ việc tại Bridge vì kiệt liệt phản đối hành động này.

Shannon May phát biểu trước báo giới để bào chữa cho việc giảm lương: “Chỉ có những phụ huynh giàu có mới nghĩ rằng “thầy giỏi, trò mới giỏi”. Bạn không thể giữ lối nghĩ đó nếu bạn muốn đem giáo dục đến hàng trăm triệu trẻ em nghèo... Bridge hướng đến việc tuyển giáo viên ở cùng một cộng đồng với học sinh. Giáo viên và học sinh khi phải đối mặt với những vấn đề kinh tế như nhau sẽ tự hiểu nhau hơn. Chúng tôi trả lương cho các thầy cô giáo bằng với mức thu nhập trung bình tại địa phương vì lý do đấy”.

Trái với hy vọng của Ban Quản trị Bridge, việc giảm lương chỉ khiến các thầy cô giáo đang dạy cho họ bỏ việc, còn lứa giáo viên mới ra trường cũng không muốn nhận việc. Lấy ví dụ như ở Kenya, một giáo viên trường công có thể nhận được 235-392 USD/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp ngoài lương. Cùng người đó giảng dạy ở trường Bridge thì chỉ được nhận 80 USD/tháng. Đứng trước viễn cảnh thiếu giáo viên, Bridge buộc phải hạ thấp yêu cầu chuyên môn để tuyển những người đã bị hệ thống trường công thải loại. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Michael Kremer vào năm 2022 đã tiến hành khảo sát hệ thống trường Bridge tại Kenya. Vị chuyên gia chỉ ra rằng ông đã gặp rất nhiều giáo viên chỉ mới tốt nghiệp trung học, không hề có kỹ năng hay kinh nghiệm dạy học nhưng cũng được Bridge tuyển.

Một điểm khác mà Michael Kremer chỉ trích là các trường học do Bridge dựng lên. Luật pháp Kenya quy định tất cả trường công phải được xây bằng đá, gạch hoặc bê tông chắc chắn. Trong khi đó những ngôi trường thuộc hệ thống Bridge chỉ có dây thép quấn quanh khung gỗ, sau đó những tấm tôn được gắn vào dây thép. Nhà kinh tế học viết: “Bridge đang xây lên những cái chuồng gà chứ không phải trường học... Vào mùa hè, học sinh không thể học được vì bốn bức tường tôn đều bị nung nóng. Phòng học còn không có cửa sổ mà chỉ có những cái lỗ che bằng lưới mắt cáo... Ban quản trị Bridge cho rằng bằng cách giảm chi phí xây dựng trường học, họ có thể dồn nguồn lực vào việc nâng chất lượng học tập”.

Hiện Bridge đang phải đối mặt với không ít vụ kiện ở Ấn Độ, Uganda và Nigeria vì tội không xin giấy phép xây dựng trước khi mở trường, và xây dựng trường lớp không đạt yêu cầu chất lượng.

Tờ Washington Post đăng một đoạn trích từ bản báo cáo nội bộ của Bridge: “Thách thức lớn nhất chúng ta đang phải đối mặt là tiêu chuẩn hóa được mọi thứ. Nếu chúng ta muốn thành công được như McDonald thì điều phải làm là tiêu chuẩn hóa mọi quá trình, mọi công cụ, v.v... Các trường lớp thuộc hệ thống Bridge nhiều khả năng sẽ lỗ trong vài năm đầu tiên hoạt động, nhưng về dài hạn sẽ kiếm được lợi nhuận... Khi hệ thống trường Bridge trở nên đủ lớn và quan trọng, chính phủ các nước sẽ buộc phải chấp thuận những yêu cầu về nới lỏng quy định”. Bài viết của tờ Washington Post còn so sánh chiến lược này của Bridge với các tập đoàn công nghệ như Uber luôn nhắm đến việc chiếm thế độc quyền thị trường.

Mây đen

Vào tháng 3 năm ngoái, quỹ đầu tư của Ngân hàng Thế giới bất ngờ tuyên bố thoái vốn khỏi tập đoàn Bridge. Không lý do nào được chính thức đưa ra, nhưng nhiều người tin rằng nguyên nhân nằm ở một series những vụ quấy rối tình dục xảy ra tại các trường của Bridge ở Kenya. Tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Quyền con người Trung Phi (hay còn gọi là EACHRights) là đơn vị đầu tiên đưa scandal này lên diễn đàn công luận. Họ nhận được thông tin tố cáo từ David Nanzai và Andrew Omondi, hai giáo viên lớp 8 dạy cho trường cấp 2 Bridge ở khu ổ chuột Mukuru, ngoại ô Nairobi.

“Thảm họa” giáo dục mang tên Bridge -0
Đoạn quảng cáo của Bridge tố cáo sai sự thật về Curtis Riep.

David Nanzai trả lời phỏng vấn tờ The Intercept: “Tôi tìm thấy một mảnh giấy viết tay cài trong vở một em học sinh nữ trong lúc đang chấm bài. Em gái viết rằng mình đã bị một thầy giáo quấy rối tình dục. Ban đầu hắn ta chạm vào vùng kín của em, một thời gian sau thì bắt em khẩu dâm với hắn, và cuối cùng hắn hãm hiếp em học sinh. Tôi đem chuyện này nói với anh Andrew Omondi. Hai chúng tôi tự điều tra và phát hiện ra còn có 10 em học sinh khác từ 10-14 tuổi bị quấy rối tình dục bởi cùng một người”.

Nanzai và Omondi phỏng vấn từng nạn nhân và ghi lại lời kể của các em. Kẻ dâm ô làm hại các em theo cùng một cách: Hắn ta bảo học sinh đến trường từ 6 giờ sáng nhằm mục đích “học phụ đạo” trong văn phòng của hắn. Sau khi nạn nhân đã bị quấy rối một lần rồi, hắn dọa sẽ để lộ hết mọi chuyện nhằm buộc em gái phải im lặng. Lý do mà nhiều học sinh và phụ huynh các em lại tin tưởng giao phó con mình cho kẻ thủ ác vì hắn ta có tiếng là con chiên ngoan đạo và một người chồng chung thủy.

Hai thầy giáo đem bằng chứng ra tố cáo kẻ phạm tội trước Ban Giám hiệu. Nhiều thầy cô khác trong trường bị sốc nặng. Vậy nhưng họ không thể tưởng tượng được hành động tiếp theo của Hiệu trưởng Josephine Ouko. Thay vì gọi cảnh sát, bà Hiệu trưởng yêu cầu tất cả giáo viên ra khỏi phòng ngoại trừ kẻ quấy rối tình dục. Sau một cuộc trò chuyện, bà ta “mở cửa” cho hắn ta rời khỏi trường. Đó là lần cuối cùng Nanzai và Omondi nhìn thấy người đồng nghiệp của họ.

Các thầy cô giáo và phụ huynh quyết định tự tay giải quyết mọi chuyện. Họ đưa các học sinh nữ đến đồn cảnh sát để lấy lời khai, sau đó cho các em vào viện khám. Bác sỹ cho biết các em cần phải được điều trị phòng chống các bệnh lây qua đường tình dục và chứng trầm cảm hậu quấy rối. Những tổn thương này đã có thể tránh được nếu như kẻ ấu dâm bị đưa ra ánh sáng sớm hơn. Một cô giáo trong trường tên Jackline Anudo cho biết, từng có học sinh đến tố cáo việc mình bị quấy rối. Vậy nhưng khi biết rằng Jackline định đem chuyện này báo với cảnh sát, Hiệu trưởng Ouko đã trực tiếp đe dọa đuổi việc cô giáo để đổi lấy sự im lặng.

Cảnh sát và các thầy cô giáo vẫn đang tìm kiếm kẻ bị truy nã. Mỗi lần họ tưởng như đã tóm được tên này, hắn lại biến mất. Không thể loại trừ khả năng kẻ chạy trốn đang nhận được sự che chở của một bên thứ ba.

Một âm mưu

Không lâu sau khi vụ quấy rối tình dục ở Bridge được phanh phui, thạc sỹ giáo dục Curtis Riep người Canada đến Campala, thủ đô của Uganda. Riep là chuyên gia thuộc tổ chức Education Internation (EI), một liên đoàn của các công đoàn giáo viên trên khắp thế giới. Nhiệm vụ của anh ở Uganda là viết một bản báo cáo về hệ thống trường Bridge cho EI.

“Thảm họa” giáo dục mang tên Bridge -0
Các nước ở Trung và Tây Phi đang rất cần thêm các nguồn đầu tư vào giáo dục.

Trong khi đang phỏng vấn Andrew White, Giám đốc khu vực của Bridge tại quán cà phê, ba người đàn ông cầm súng bất ngờ tiến lại gần Riep. Hai người trong số đó mặc đồng phục cảnh sát, còn người còn lại tự xưng là thám tử mặc thường phục. Họ yêu cầu thạc sỹ đi theo họ đến đồn cảnh sát. Ban đầu Riep nghĩ rằng mình đang bị bắt cóc tống tiền nên khẩn khoản cầu xin sự bảo vệ của White, nhưng vị Giám đốc không hề có hành động nào. Vị chuyên gia đành phải lên xe van của ba người lạ mặt. Ngồi trong xe là một người đàn ông tự xưng làm công tố viên, nhưng sau này Riep điều tra ra là luật sư được Bridge thuê. Chưa hết, chờ sẵn Curtis Riep ở đồn cảnh sát là phóng viên một số tờ báo địa phương. Tên công tố viên giả mạo huyênh hoang nói với cánh báo chí là đã bắt được kẻ bị truy nã.

Sau hơn hai tiếng bị thẩm vấn, cuối cùng thạc sỹ Riep cũng được thả ra. Anh tự mình tìm hiểu và biết được trước đó Bridge đã đăng ảnh của Riep lên báo với dòng tít: “Đây là một kẻ lừa đảo chuyên giả mạo chuyên gia nước ngoài”. May mắn thay là Curtis Riep có đủ bằng chứng chứng minh sự vô tội của mình. Sau đó công đoàn giáo viên Kenya trực tiếp hộ tống Riep lên máy bay về nước.

Khi trở về Canada, Riep tiếp tục bị Bridge đe dọa. Họ viết đơn tố cáo anh đã vi phạm quy chuẩn đạo đức của trường đại học Alberta nơi Riep công tác. Đơn tố cáo sau đó bị Ban Giám hiệu đại học bác đi, nhưng Riep vẫn phải chịu thiệt vì quá trình lấy bằng tiến sỹ của anh bị đình lại một thời gian. Ở Uganda, công đoàn giáo viên nước này hiện đang khởi kiện Bridge vì tội đe dọa vũ lực. Bridge đã sử dụng chính vụ bắt cóc Curtis Riep để đe dọa buộc các giáo viên không được đình công đòi tăng lương.

Scandal quấy rối tình dục ở Kenya và vụ bắt cóc Curtis Riep đã buộc Quốc hội Anh yêu cầu Shannon May ra điều trần. Báo cáo phiên điều trần kết luận: “Bridge là đối tác gây ra nhiều tranh cãi”. Không lâu sau đó, lần lượt Ngân hàng Quốc gia Anh rồi Ngân hàng Thế giới tuyên bố thoái vốn khỏi Bridge. Một số cổ đông khác của tập đoàn này cũng đang tuyên bố xem xét lại mối quan hệ của mình với Bridge.

Ông Tibor Navracsics, Ủy viên Ban Giám đốc về Giáo dục & Văn hóa của Liên minh châu Âu, nhận xét trên đài truyền hình DW: “Những vụ việc liên quan đến Bridge là ví dụ cho việc động lực kiếm lời hoàn toàn có thể đi ngược lại với các mục tiêu giáo dục... Bridge là một tập đoàn. Họ hành xử như một tập đoàn. Họ luôn hướng đến việc tối đa hóa lợi nhuận bất chấp chất lượng đào tạo. Các em học sinh và phụ huynh là người buộc phải trả những cái giá quá đắt để Bridge kiếm lời”.

Lê Công Vũ
.
.