Thảm họa nhân đạo cận kề

Chủ Nhật, 29/10/2023, 07:57

Theo số liệu thống kê của Hamas, sau 18 ngày giao tranh, có gần 6.000 người tử vong tại Gaza và 1,4 triệu người phải di tản. Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an hôm 24/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guerres đã lên án những hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở Gaza, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Tình hình chiến sự ở dải Gaza đang bước vào giai đoạn cao trào và tình trạng khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng.

Israel đổ bộ vào dải Gaza

Lực lượng Israel đã tấn công nhiều mục tiêu ở phía Bắc Dải Gaza từ ngày 25 đến ngày 26/10 trong các hoạt động trên bộ được quân đội Israel mô tả là lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở đó 3 tuần trước. Quân đội nước này cho biết thêm: “Các binh sĩ đã rời khỏi khu vực và quay trở lại lãnh thổ Israel”. Theo một tuyên bố được đăng trực tuyến, cuộc tấn công được thực hiện "để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến", có thể ám chỉ đến cuộc tấn công toàn diện mà các nhà lãnh đạo Israel đã hứa nhằm tiêu diệt Hamas. Ngày 25/10, ông Benjamin Netanyahu cho biết Israel đang chuẩn bị một hoặc nhiều cuộc tiến quân vào vùng đất của người Palestine. Thủ tướng Israel tuyên bố trên truyền hình: “Tôi sẽ không nói khi nào, như thế nào, cũng như bao nhiêu”. Một đoạn video do IDF phát sóng trên mạng xã hội X cho thấy các xe bọc thép vượt qua hàng rào kiên cố giữa Israel và vùng đất Palestine, phá hủy các tòa nhà "để chuẩn bị cho các giai đoạn chiến đấu tiếp theo".

Trước đó, chính quyền Palestine hôm 24/10 ghi nhận hơn 700 người dân thiệt mạng tại Dải Gaza trong 24 giờ qua do các cuộc không kích của Israel. Đây là con số thương vong lớn nhất được ghi nhận trong vòng 24 giờ kể từ khi Israel bắt đầu tấn công nhằm đáp trả vụ tấn công đẫm máu của Hamas, khiến 1.400 người dân Israel thiệt mạng.

Thảm họa nhân đạo cận kề -0
Xe chở hàng viện trợ nhân đạo từ Ai Cập đi qua cửa khẩu Rafah.

Thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza ngày một trầm trọng, với tình trạng thiếu lương thực, nước sạch, nhiên liệu và thuốc men. Sau những nỗ lực ngoại giao căng thẳng, Israel đã bật đèn xanh để Mỹ chuyển hàng viện trợ cho Gaza. Nhưng, theo các nhà nhân đạo, những chuyến hàng này như “muối bỏ bể”. Ngày 21/10, những đoàn xe tải chở hàng viện trợ đầu tiên đã tiến vào Dải Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah ở Ai Cập, lối vào Gaza duy nhất không bị Israel kiểm soát. Tình hình nhân đạo trở nên tồi tệ hơn khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không đạt được thỏa thuận về một nghị quyết liên quan đến viện trợ nhân đạo. Theo phiên bản cuối cùng của dự thảo thông cáo báo chí từ Hội nghị thượng đỉnh châu Âu khai mạc vào giữa tuần này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ kêu gọi thiết lập "các hành lang và đường nghỉ nhân đạo" để cho phép cung cấp viện trợ cho dân thường của vùng đất này.

Theo báo cáo của Bộ Y tế Gaza, có khoảng 5.800 người Palestine, trong đó có hơn 2.300 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel.

Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine có nguy cơ phải ngừng hoạt động do thiếu nhiên liệu ở Dải Gaza, khu vực đang bị Israel phong tỏa và pháo kích suốt đêm.

Ngày 24/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guerres đã kêu gọi ngừng bắn vì nhân đạo ngay lập tức, đồng thời lên án những hành vi vi phạm luật nhân đạo tại vùng lãnh thổ Palestine, liên tục hứng chịu những cuộc oanh kích đẫm máu của Hamas kể từ ngày 7/10, Israel đã đáp trả bằng cách tuyên bố chiến tranh nhằm tiêu diệt phong trào Hồi giáo Palestine. Các chuyến hàng viện trợ quốc tế đã bắt đầu được đưa vào vùng lãnh thổ có 2,4 triệu người dân Palestine đang phải sống trong điều kiện nhân đạo thảm khốc. Kể từ ngày 21/10, những xe tải chở hàng viện trợ đều được phép tiến vào khu vực này mỗi ngày.

Nathalie Boucly, Phó Tổng ủy viên Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA), đã lên tiếng cảnh báo nhu cầu cấp thiết về nước và nhiên liệu: “Trước ngày 7/10, từng có tới 500 xe tải tiến vào Gaza, trong đó có 45 xe chở nhiên liệu. Nhưng, hiện tại không có chuyến xe nào chở nhiên liệu. Những chuyến xe này chỉ là một giọt nước trong bể nhu cầu”. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động nhân đạo sau khi chuyển các đội ngũ trong tổ chức đến phía Nam Dải Gaza. Ông Noel Tsekouras, người đứng đầu OCHA ở Gaza cho biết: “Vấn đề lớn nhất là không có tài nguyên, ở đây tôi không đề cập đến nguồn tài chính”. Trong 3 ngày qua, nhờ những nỗ lực ngoại giao, chúng tôi đã đưa được trung bình 20 xe tải mỗi ngày vào Dải Gaza. Nhưng, so với nhu cầu của 2,3 triệu người tại khu vực này, 20 xe tải mỗi ngày chỉ như muối bỏ bể. Thông thường, cần phải có hơn 400 xe tải viện trợ cho Gaza”.

Thảm họa nhân đạo cận kề -0
Một khu phố bị phá hủy ở Gaza sau các vụ đánh bom của Israel, ngày 23/10.

“Nếu không có nhiên liệu, sẽ không có sự sống”

Liên hợp quốc đang khẩn trương kêu gọi cung cấp nhiên liệu, đặc biệt là để vận hành những máy phát điện trong bệnh viện, lọc nước, xe tải cũng không có xăng để vận chuyển hàng cứu trợ. “Ở Unrwa, chúng tôi chỉ còn khoảng 2 hoặc 3 ngày nhiên liệu. Nếu không có nhiên liệu, sẽ không có sự sống”, Nathalie Boucly, Phó Tổng ủy viên UNRWA cảnh báo.

Cần có nhiên liệu để khử muối cho nước tại Gaza. “Nếu không có nước uống ở Gaza, những người dân di tản buộc phải uống nước bẩn từ giếng hoặc nước mặn. Chúng tôi buộc phải chia nhỏ lượng nước còn lại vì lượng nhiên liệu sắp cạn kiệt. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp 1 lít nước cho mỗi người trong tổng số 600.000 người tị nạn tại tất cả các cơ sở của chúng tôi” như văn phòng, trường học và trung tâm y tế. “Tối đa là tới cuối tuần này, Gaza sẽ không còn một giọt nhiên liệu nào để duy trì các dịch vụ thiết yếu và để có nước uống. Để tìm thầy một bình gas ở khu vực này chẳng khác nào mò kim đáy bể, thậm chí cả củi cũng khó tìm. Những người sống sót sau những cuộc oanh tạc dữ dội chỉ có một mối lo duy nhất, đó là thức ăn và nước uống”, Noel Tsekouras, người đứng đầu OCHA ở Gaza cho biết.

Những người thực hiện công tác nhân đạo cũng gặp nhiều nguy hiểm trong một môi trường rủi ro rất cao. Ông nói thêm: “Để bảo vệ những người di tản, nhiều nhân viên nhân đạo đã hy sinh, những nhân viên y tế cũng đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này”.

Dân thường IsraeL tự trang bị súng

Kể từ vụ tấn công ngày 7/10, yêu cầu cấp giấy phép sử dụng súng đã tăng gấp 3 ở Israel. Vùng lãnh thổ Bờ Tây Palestine cũng đang trải tình hình leo thang căng thẳng giữa những người định cư Israel và người dân Palestine.

Chỉ trong vòng vài ngày, Israel đã cấp 50.000 giấy phép sở hữu súng cho người dân. Theo ước tính, tổng cộng có 400.000 yêu cầu đã được nộp nhưng chính phủ đã thay đổi các tiêu chí cấp phép để hạn chế số lượng.

“Khi chưa xảy ra giao tranh, mỗi tuần có từ 5-7 người đến mua vũ khí. Sau khi cuộc tấn công nổ ra, con số này đã tăng đến 20 người trở lên mỗi ngày”, ông Aviad, một nhân viên tại Calibre 3, cho biết.

Ông Aviad khuyên mọi người nên đến sân tập và được huấn luyện ít nhất 5 giờ trước khi chính thức sử dụng súng. Một học giả đến từ Jerusalem, ông Shalom, người đã sở hữu súng từ nhiều năm trước, cho biết: “Trước đây tôi có súng, nhưng tôi đã đưa lại cho cảnh sát, vì tôi thấy bản thân chỉ cất giữ chứ không tự vệ nhiều, nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi”.

Sản phụ Sara cũng đã mua khẩu súng thứ ba. Chồng của cô mang theo súng mọi lúc và cho biết: “Mọi người ở Israel giờ đây phải có súng để bảo vệ bản thân và gia đình. Quân đội thôi thì không đủ. Tôi không an tâm”.

Mặc dù doanh số bán vũ khí tăng vọt, nhưng Aviad vẫn hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn: "Tôi hy vọng sẽ ngày càng ít khách hàng hơn, chúng tôi muốn mọi người chắc chắn về những gì mình đang làm và lý do tại sao mình làm vậy. Nhưng, khi bạn hỏi mọi người tại sao họ lại có được giấy phép, họ sẽ cho rằng bản thân không có sự lựa chọn nào khác”.

Ở những nơi khác tại khu vực Bờ Tây, những người định cư Israel đã tấn công cộng đồng Bedouin người Palestine, khiến hàng trăm người phải di tản, theo tin tức từ các phóng viên của tờ Le Monde thường trực tại Bờ Tây, Nicolas Bénita và Guilhem Delteil.

Mặt đất vương đầy mảnh vỡ của tấm pin mặt trời, thiết bị gia dụng điện tử bị vỡ và những chiếc ghế chỏng chơ. Nhiều ngôi nhà tạm bợ bị phá hủy hoặc hư hại một phần. Cộng đồng người Beduin ở Wadi Sig, có khoảng 240 người và 2.500 gia súc, bị những người định cư Israel tấn công hôm 12/10 vừa qua. Ông Guy Hirschfeld nhấn mạnh rằng Wadi Siq không phải là trường hợp duy nhất: “Những kẻ khủng bố những kẻ chiếm đóng, đang lợi dụng chiến tranh để thanh lọc các vùng nông thôn ở Bờ Tây nhằm xua đuổi những người không theo Do Thái”.

Chếch về phía Đông, ở thung lũng Jordan, cộng đồng Marajaat vẫn sống trên đất của họ nhưng thường xuyên bị quấy rối, theo giải thích của bà Alia Mlihat, một người dân ở đó. Bà cho biết: “Chúng tôi bị phong tỏa và sợ hãi vì từ khi chiến tranh nổ ra, những người định cư Israel mặc quân phục và mang vũ khí tiến vào làng, đe dọa trẻ em và phụ nữ. Chúng tôi bị họ vây hãm. Cuộc sống của chúng tôi vốn đã khó khăn, giờ còn khó khăn hơn rất nhiều”.

Những vụ đe dọa của thổ dân Israel diễn ra ngay giữa cộng đồng, họ đột nhập vào nhà, lục lọi và đe dọa bắt giam dân làng. Vì mệt mỏi và hoảng sợ, người dân ở Marajaat yêu cầu cộng đồng quốc tế can thiệp”.

Thảm họa nhân đạo cận kề -0
Ảnh từ đoạn video do quân đội Israel công bố ngày 26/10 cho thấy đã diễn ra cuộc đột kích ở phía bắc Gaza bằng xe tăng và bộ binh.

Nhiều hoạt động hòa giải bất thành

Ngày 24/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Israel, củng cố sự ủng hộ của Pháp và đề nghị liên minh quốc tế chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tham gia cùng Israel chống lại Hamas. Sau đó, ông đã đến Bờ Tây và cho biết cuộc tấn công của Hamas cũng là một "thảm họa" đối với người Palestine. Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng, một trong những ưu tiên của ông là thả tất cả con tin do Hamas bắt giữ, thông báo được đưa ra một ngày sau khi Hamas thả tự do cho 2 người phụ nữ Israel, nâng tổng số con tin được trả tự do lên 4 người trong khuôn khổ hòa giải giữa Qatar và Ai Cập.

Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đến thăm khu vực này vào tuần trước. Ông Joe Biden đã kêu gọi viện trợ thêm hàng tỷ USD cho Israel. Các nguồn tin cho biết Mỹ đang kêu gọi Israel kiềm chế tiến hành xâm lược Gaza trong thời điểm hiện tại, để đảm bảo thỏa thuận thả con tin và chuẩn bị cho khả năng leo thang xung đột trong khu vực.

Qatar, quốc gia có quan hệ lâu dài với cả Hamas và Israel, đang thúc giục Palestine đẩy nhanh việc thả con tin dân sự, theo thông tin từ các nhà ngoại giao và các nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận.

Ngày 26/10, một phái đoàn Hamas đến thăm Moscow, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong cuộc họp báo hằng ngày mà không cung cấp thông tin chi tiết. Theo hãng thông tấn RIA dẫn nguồn tin người Palestine, Abou Marzouk, quan chức cấp cao của nhóm Hamas, là thành viên của phái đoàn này.

Theo Hamas, trong khi Palestine ghi nhận tổng số nạn nhân lớn nhất từ ngày 7/10 thì nhiều người đứng đầu cơ quan ngoại giao đã có buổi gặp mặt hôm 24/10 tại Liên hợp quốc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn vì nhân đạo, đồng thời lên án những hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế ở Dải Gaza, khiến Israel phẫn nộ.

Trong cuộc họp hôm 24/10, Hội đồng Bảo an đã yêu cầu Hamas thả các con tin bị bắt giữ, đồng thời cung cấp viện trợ cho người dân Palestine. Phát biểu tại phiên họp, ông Guterres tuyên bố rằng không có cái cớ nào bào chữa cho hành vi bạo lực kinh hoàng mà Hamas gây ra, nhưng ông cũng cảnh báo không được trừng phạt tập thể người dân Palestine. Ngoại trưởng Israel đã hủy buổi hội đàm kín với ông Guterres để bày tỏ phản đối. Còn Đại sứ Israel Gilad Erdan đã yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc từ chức - sự kiện chưa từng có trong lịch sử Liên hợp quốc.

Duy Hưng (Tổng hợp)
.
.