Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo lực đẩy cho Đề án 06

Thứ Hai, 01/04/2024, 07:23

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trong Quý 1/2024, các bộ, ngành và địa phương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn, nhiệm vụ thực hiện bị chậm, muộn, đã được lãnh đạo các cấp chỉ ra, yêu cầu các bộ, ngành phải nhanh chóng giải quyết, qua đó tạo động lực, điều kiện thuận lợi giúp các địa phương triển khai hiệu quả Đề án 06.

Củng cố vững chắc những kết quả

Thông tin với phóng viên, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, kết quả nổi bật đầu tiên đó chính là trong quá trình thực hiện Đề án 06, các bộ, ngành đã nỗ lực hoàn thiện thể chế. Đây là một trong những mấu chốt quan trọng giúp tháo gỡ những điểm nghẽn còn tồn tại. Việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều văn bản có liên quan đã tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị triển khai hiệu quả những nhiệm vụ được giao trong Đề án 06.

Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo lực đẩy cho Đề án 06 -0
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ ra những nhiệm vụ của các bộ, ngành đang triển khai bị chậm, muộn, đồng thời đề nghị phải sớm hoàn thành trên tinh thần “rõ việc, rõ thời gian, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm”.

Việc thực hiện dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đạt được kết quả ngày càng cao. Đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.519 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 13 triệu tài khoản; hơn 295 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 31,8 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 41,4 triệu hồ sơ trực tuyến từ cổng, hơn 24,88 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 11.705 tỷ đồng; hơn 447 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.

Đã hoàn thành, cung cấp 23/25 dịch vụ công theo Đề án 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu đã được thực hiện toàn trình. Tiếp tục đẩy mạnh giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách.

Việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được lan tỏa rộng rãi trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. 100% các cơ sở khám chữa bệnh, đào tạo nhân lực y tế đã có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng khoảng 3% so với năm 2022, vượt 4% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao).

Hiện đã có hơn 1 triệu người được nhận chi trả an sinh xã hội qua tài khoản với số tiền 3.456.073.441.000 đồng (tăng 867.721.337.000 đồng so với tháng 2/2024). Có 10 địa phương đã thực hiện chi trả chế độ cho 100% đối tượng thụ hưởng có tài khoản.

Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo lực đẩy cho Đề án 06 -0
Lực lượng Công an hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, Bộ Công an đã đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như thực hiện tra cứu điểm khả tín và giải ngân cho người dân. Việc cho khách hàng vay dựa trên đánh giá khả tín từ Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư đã giúp người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội có điều kiện tiếp cận nguồn vốn chính đáng, phòng ngừa “tín dụng đen”, nâng cao hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội cũng như phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội...

Để phát triển công dân số, đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ CCCD gắn chip, thu nhận trên 74,48 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,25 triệu tài khoản. Đối với 8 tiện ích trên VNeID đã công bố vào ngày 25/1 được người dân hưởng ứng sử dụng với trung bình hơn 2,19 triệu lượt đăng nhập sử dụng các tiện ích/ngày. Trong tháng 4, Bộ Công an sẽ công bố thêm 9 tiện ích trên VNeID phục vụ nhân dân.

Nhiều địa phương đã triển khai, ứng dụng những mô hình trong Đề án 06 đạt được hiệu quả cao như tại Hà Nội với những nội dung liên quan triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử, Học bạ số; Kiosk khám sức khỏe; thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ phương tiện; hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; chi trả chế độ an sinh xã hội...

Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đã kết nối với 18 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Bộ Công an cũng phối hợp với các bộ, ngành số hóa, xác thực, định danh, đồng bộ và làm giàu dữ liệu, cung cấp số liệu dân cư gửi các tỉnh, thành phục vụ triển khai mô hình điểm tại Đề án 06...

Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo lực đẩy cho Đề án 06 -0
Nhiều mô hình sử dụng Kiosk khám, chữa bệnh được triển khai tại Hà Nội và các tỉnh, thành đem lại kết quả cho người dân và bệnh viện.

Bộ, ngành chậm - địa phương khó bứt tốc

Tại phiên họp của Tổ công tác triển khai Đề án 06 ngày 27/3, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, Quý I/2024 là thời gian rất quan trọng để triển khai những nhiệm vụ trong Đề án 06. Ngay trong ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 04 về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06, trong đó nêu rõ những phần việc, nhiệm vụ hết sức cụ thể của các bộ, ngành và địa phương. Các đồng chí Phó Thủ tướng đã chủ trì nhiều phiên họp với Tổ công tác cũng như từng bộ, ngành, địa phương để đốc thúc, tháo gỡ những vướng mắc, đang là rào cản đối với Đề án 06.

Đánh giá của Tổ công tác triển khai Đề án 06 cho thấy, hiện nay còn 29 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình của Đề án 06, Chỉ thị 04 và các công điện, nghị quyết, thông báo kết luận của Chính phủ, Tổ công tác. Tính đến ngày 26/3 chỉ còn Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06 năm 2024. Về pháp lý đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đến nay còn 428 thủ tục hành chính chưa được thực thi theo 19 nghị quyết của Chính phủ, dẫn tới nguy cơ không hoàn thành trong tháng 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 04.

Còn 7/63 địa phương gồm: An Giang, Cần Thơ, Đắk Nông, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh chưa ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05, chậm chuyển biến, dẫn đến việc người dân không được hưởng miễn giảm phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại 7 địa phương này, ảnh hưởng đến tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến.

Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo lực đẩy cho Đề án 06 -0
Nhiều mô hình, tiện ích chuyển đổi số của Đề án 06 đã được các tỉnh, thành, doanh nghiệp... ứng dụng vào đời sống góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến vẫn còn 10 bộ, ngành gồm: Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính; Công thương; Giao thông - Vận tải; Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Ủy ban Dân tộc; Thanh tra Chính phủ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Những nhiệm vụ này của các bộ, ngành đã chậm tiến độ 3 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 27/10/2023.

Cũng theo Đại tá Vũ Văn Tấn, hiện mới chỉ có Bộ Công an tái sử dụng các dữ liệu đã được số hóa. Các bộ, ngành khác chưa thực hiện khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu đã số hóa dẫn tới nguy cơ không cắt giảm được các thủ tục hành chính, không tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Hiện còn 8 bộ, ngành chưa đảm bảo an ninh an toàn, an ninh hệ thống như Bộ Công thương; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc. Việc này dẫn tới nguy cơ không đảm bảo kết nối với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống bị tấn công, dữ liệu bị lộ lọt ảnh hưởng đến người dân và cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện cả nước còn 3.204.268 đối tượng chưa có tài khoản được hưởng an sinh xã hội (chiếm 63.35%); 853.294 đối tượng đã có tài khoản nhưng chưa được chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt (chiếm 46%).

Đối với nhóm nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 175 xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, qua theo dõi, đến ngày 20/3, còn 2/16 đơn vị gồm Bộ Tài chính; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa ban hành kế hoạch. Bên cạnh đó, đối với 14 bộ, ngành đã ban hành kế hoạch, qua nghiên cứu, Bộ Công an nhận thấy các đơn vị chưa xây dựng được lộ trình chi tiết triển khai các nhiệm vụ, chưa đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ thời gian”.

Còn 5/14 bộ, ngành chưa có văn bản trả lời kết quả rà soát, thống kê các trường thông tin có trong cơ sở dữ liệu (đặc biệt các thông tin có liên quan đến con người) đang được quản lý theo các quy trình, nghiệp vụ chuyên ngành và các trường thông tin cần khai thác, phục vụ xây dựng chiến lược dữ liệu. Đối với 9/14 đơn vị đã có văn bản, tuy nhiên chưa cung cấp đầy đủ thông tin theo nội dung yêu cầu của Bộ Công an. Còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa có văn bản phúc đáp về nhu cầu triển khai hạ tầng hệ thống tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia theo đề nghị của Bộ Công an, phục vụ xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Còn 10/13 đơn vị chưa có văn bản tham gia ý kiến vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu.

Bộ Thông tin và Truyền thông chưa hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, ban hành nghị định quy định về danh mục Cơ sở Dữ liệu quốc gia, chậm tiến độ 1 tháng theo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Thông báo 60, ngày 21/2/2024, dẫn đến nguy cơ chưa đảm bảo pháp lý triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết 175.

Hoàng Phong
.
.