Thấy gì qua Thông điệp liên bang Mỹ 2023?

Thứ Hai, 20/02/2023, 08:29

Mặc dù tập trung chủ yếu vào các vấn đề trong nước, nhưng Thông điệp Liên bang Mỹ thường được thế giới theo dõi sát sao. Xét cho cùng, Mỹ là cường quốc toàn cầu, đồng thời là chủ thể an ninh và kinh tế không thể thiếu ở hầu hết mọi khu vực trên thế giới. Vì vậy, những gì xảy ra ở Mỹ không hẳn chỉ ảnh hưởng đến riêng trong nước.

Trên thực tế, những tranh cãi nội bộ và những lo ngại trong nước chắc chắn sẽ định hình và ảnh hưởng đến những việc mà Mỹ có thể hoặc chuẩn bị thực hiện ở nước ngoài và kế hoạch thực hiện những việc đó.

Thấy gì qua Thông điệp liên bang Mỹ 2023? -0
Tổng thống Joe Biden tại tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol ngày 7/2/2023.

Thông điệp liên bang do Tổng thống Mỹ đưa ra bao gồm 2 mục đích chính. Một là mang lại cơ hội để Tổng thống Mỹ báo cáo về tình hình đất nước, thường là thông qua việc ca ngợi thành tích của chính phủ. Hai là tạo nền tảng để Tổng thống Mỹ đưa ra các ưu tiên chính sách và tuyên bố các sáng kiến quan trọng. Trong thông điệp liên bang 2023 - thông điệp thứ 2 trong nhiệm kỳ của mình - Tổng thống Joe Biden nói nhiều đến việc tạo công ăn việc làm, nhập cư, giáo dục, y tế, kiểm soát súng đạn và hầu như không đưa ra nhận định về chính sách đối ngoại. Tóm lại, đó là thông điệp theo chủ nghĩa dân túy phù hợp với tầng lớp trung lưu Mỹ.

Điều đầu tiên được rút ra từ Thông điệp liên bang 2023 xoay quanh chủ đề dân chủ. Ông Biden vẫn tin rằng các giá trị dân chủ là công cụ quan trọng để mang lại sự thay đổi và tiến bộ. Trên thực tế, các chính quyền tiền nhiệm cũng đã theo đuổi các giá trị dân chủ như một nghị trình chính sách đối ngoại, với mục đích và quyết tâm truyền bá những giá trị này. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là khó có thể cường điệu hóa mức độ quan trọng cũng như riêng tư của chủ đề này, bởi mỗi điều kiện hoàn cảnh và cả cách vận dụng nó ở mỗi nơi một khác.

Những người theo dõi sát sao các vấn đề khu vực chắc chắn sẽ nhất trí với quan điểm rằng xu hướng ủng hộ dân chủ là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ và là vấn đề gây lo ngại trong quan hệ với Đông Nam Á. Tổng thống Biden, mà thực tế là bất kỳ tổng thống nào của Mỹ, sẽ không từ bỏ việc truyền bá những giá trị này chỉ vì có sự phản đối từ những người khác. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đối với cả Mỹ và Đông Nam Á là nghị trình về các giá trị này không quyết định các lợi ích chiến lược cơ bản liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực, vốn sở hữu một tập hợp đa dạng các giá trị và hệ thống chính trị riêng, cũng không khiến họ lơ là hay xa rời những lợi ích này.

Điều thứ 2 người ta nhìn thấy từ thông điệp liên bang lần này, đó là tình trạng phân cực chính trị ở Mỹ không có dấu hiệu suy giảm. Ông Biden đã nêu bật những nỗ lực và thành công của mình trong việc thúc đẩy sự đồng thuận lưỡng đảng, tuy nhiên, những lời phản đối khiếm nhã nhận được ngay tại chỗ (chẳng hạn như từ nữ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene) lại cho thấy điều ngược lại.

Và nếu điều đó không đủ khiến người ta tin rằng chính trường Mỹ đang bị rạn nứt thì đòn đáp trả đã được lên kế hoạch của đảng Cộng hòa, mà bà Sarah Huckabee Sanders, tân Thống đốc Arkansas, thực hiện trong năm nay, đã một lần nữa giáng vào triển vọng hợp tác lưỡng đảng. Nếu bỏ đi những phần hài hước về mặt chính trị của bà thống đốc thì có thể thấy mức độ đáng báo động của tình trạng chia rẽ giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Sự bất đồng chính kiến trên chính trường Mỹ sẽ đặt ra thách thức đáng kể đối với những nỗ lực của cộng đồng chính sách đối ngoại Mỹ, vốn đang hy vọng có thể duy trì sự can dự đều đặn với khu vực. Điều này đã có tiền lệ. Tổng thống Barack Obama từng phải hủy bỏ chuyến công du Đông Nam Á năm 2013 khi Quốc hội Mỹ thất bại trong việc phá vỡ thế bế tắc về ngân sách liên bang, dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa và ngừng các hoạt động không thiết yếu. Hệ quả của việc này là sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ tại Hội nghị cấp cao Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh APEC (Ngoại trưởng Mỹ dự thay), chưa kể đến việc hủy bỏ chuyến công du đến Kuala Lumpur và Manila.

Giờ đây, nguy cơ bế tắc lại phủ bóng đen khi quyền kiểm soát Hạ viện được trao lại cho đảng Cộng hòa và Quốc hội cũng như tổng thống phải chuẩn bị cho các cuộc thảo luận nảy lửa về mức trần nợ.

Điều cuối cùng được rút ra từ thông điệp là chủ đề quen thuộc nhưng vẫn cần phải nhắc lại: Lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Việc ông Biden chỉ dành 1 phút 46 giây trong bài phát biểu dài 73 phút của mình để nói về Trung Quốc không có nghĩa là người ta sẽ bị đánh lạc hướng khỏi các đạo luật trực tiếp hoặc gián tiếp nhắm mục tiêu vào Trung Quốc của Mỹ trong cuộc cạnh tranh nước lớn.

Ví dụ như Đạo luật Chip và khoa học. Thông thường, một sáng kiến tình thế từ chính quyền đảng Dân chủ với giá trị lớn (250 tỷ USD) không dễ gì nhận được sự chấp thuận của đảng Cộng hòa, vốn luôn nghi ngờ nỗ lực của chính phủ trong việc can thiệp vào nền kinh tế. Tuy nhiên, đạo luật này đã được thông qua với 24 phiếu tán thành từ phía đảng Cộng hòa, giúp cho nỗ lực của đảng Dân chủ đơm hoa kết trái.

Tuy nhiên, sự chia rẽ đảng phái về chính sách đối với Trung Quốc đã xuất hiện và có nguy cơ trở nên sâu sắc. Điều này được đặc biệt thể hiện rõ sau sự kiện về khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ mới đây. Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích Tổng thống Biden và chính quyền của ông vì “những phản ứng yếu ớt”.

Khi nước Mỹ ráo riết chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống, chỉ có những người không hiểu mới dám đánh cược rằng các ứng viên đảng Cộng hòa sẽ không chỉ trích đương kim tổng thống về các vấn đề nổi cộm, đặc biệt là vấn đề lập trường với các đối thủ. Một bầu không khí như vậy chắc chắn sẽ gây tâm lý lo lắng ở Đông Nam Á, vốn phụ thuộc vào mối quan hệ ổn định giữa Trung Quốc và Mỹ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, thông điệp từ bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden đã rõ ràng: Mỹ không muốn thỏa hiệp về các giá trị, không muốn thỏa hiệp với Trung Quốc và thậm chí là không muốn thỏa hiệp với chính mình.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.