Thấy gì từ chuyến đi của ông Putin đến Mông Cổ?

Chủ Nhật, 08/09/2024, 08:39

Tổng thống Vladimir Putin đến Mông Cổ vào ngày 2/9, là lần đầu tiên Tổng thống Nga đến thăm một quốc gia thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) kể từ khi cơ quan này ban hành lệnh bắt giữ ông vào năm 2023. Chuyến thăm nhằm kỷ niệm chiến thắng quân sự của Liên Xô - Mông Cổ trong Thế chiến II, nhưng được cho là phép thử đối với chính sách trung lập của quốc gia Trung Á này cũng như phạm vi ảnh hưởng của các tổ chức quốc tế.

Mông Cổ, quốc gia chỉ 3,3 triệu dân nhưng có lãnh thổ địa lý rộng lớn. Để tăng cường sự độc lập của mình trước các láng giềng hùng mạnh, Mông Cổ đã phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các nước được gọi là “láng giềng thứ ba”, bao gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thông qua cách tiếp cận này, Mông Cổ đã nỗ lực khẳng định vị thế của họ trên trường quốc tế, tự giới thiệu là một địa điểm trung lập trong các cuộc họp ngoại giao. Ví dụ, Diễn đàn Đối thoại Ulaanbaatar hằng năm là cơ hội để các nước trong khu vực và các quốc gia được mời khác, bao gồm cả Mỹ và các nước thành viên EU, thảo luận về các vấn đề từ biến đổi khí hậu đến an ninh khu vực và khoáng sản quan trọng.

Thấy gì từ chuyến đi của ông Putin đến Mông Cổ? -0
Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh đón chính thức Tổng thống Nga Putin tại Ulaanbaatar, ngày 2/9.

Tham dự Diễn đàn Đối thoại Ulaanbaatar vào tháng 6/2024 và tận mắt chứng kiến những nỗ lực ngoại giao của Mông Cổ, các học giả nghiên cứu về Mông Cổ và Trung Quốc cho biết, đây là một chiến lược đã phát huy hiệu quả đối với đất nước này, nhưng từ chuyến thăm của ông Putin cho thấy rằng đó có thể là một hành động cân bằng khó khăn.

Chuyến thăm gây nhiều chú ý

Thời điểm diễn ra chuyến đi của ông Putin chính thức gắn liền với lịch sử. Chuyến đi đánh dấu kỷ niệm 85 năm trận Khalkhin Gol - trận đánh mà lực lượng chung Liên Xô - Mông Cổ đã đánh bại quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II - và kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Công ty Đường sắt quốc gia Mông Cổ của hai nước. Tuy nhiên, chính dấu mốc lịch sử thứ ba, kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Mông Cổ đã làm nổi bật ý nghĩa của chuyến thăm theo góc nhìn địa chính trị hiện đại.

Tuy nhiên, chuyến thăm lần này - chuyến đi đầu tiên của ông Putin tới Mông Cổ kể từ năm 2019 - đặt ra thách thức cho Mông Cổ khi nước này tìm cách cân bằng các nghĩa vụ và liên minh của họ với trật tự quốc tế do phương Tây lãnh đạo, trong đó có ICC, và mong muốn duy trì tình hữu nghị với các nước láng giềng hùng mạnh.

Không có điều gì thể hiện rõ sự cân bằng ngoại giao này hơn việc Mông Cổ là thành viên của ICC, nơi đã ban hành lệnh bắt giữ ông Putin vì cáo buộc liên quan đến việc trục xuất và chuyển giao bất hợp pháp trẻ em Ukraine sang Nga. Ukraine đã thúc giục Mông Cổ bắt giữ ông Putin, viện dẫn hiệp ước thành lập ICC, Quy chế Rome, từ đó yêu cầu các quốc gia thành viên phải hành động nếu những người bị tòa án truy nã bước vào lãnh thổ của họ.

Tuy nhiên, ICC không có cơ chế thực thi hiệu quả và các quốc gia thành viên cũng có thể được miễn thực hiện việc bắt giữ nếu điều đó xung đột với một số nghĩa vụ theo hiệp ước hoặc quyền miễn trừ ngoại giao dành cho bên khác. Chuyến thăm của ông Putin cho thấy sự bất lực của phương Tây trong việc kiềm chế Moscow. Chuyến đi của ông Putin chỉ là chuyến thăm mới nhất trong một loạt các chuyến thăm gần đây khi Mông Cổ tìm cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các nước láng giềng, đồng thời mở rộng quan hệ đối tác với các quốc gia khác.

Thấy gì từ chuyến đi của ông Putin đến Mông Cổ? -0
Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Ukhnaa Khurelsukh tại Ulaanbaatar. Ảnh do truyền thông nhà nước Nga công bố.

Năm 2024, Mông Cổ đã tiếp đón các nguyên thủ quốc gia hoặc Bộ trưởng Ngoại giao từ Mỹ, Slovenia, Philippines, Belarus, Vương quốc Anh và Đức. Năm 2023, Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene đã đến Mỹ và gặp Phó Tổng thống Kamala Harris, đến Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Giáo hoàng Francis gần đây đã đến thăm Ulaanbaatar.

Yếu tố địa chính trị

Mông Cổ phụ thuộc vào Nga trong hầu hết nguồn cung cấp xăng, dầu diesel và một phần đáng kể điện. Do một thỏa thuận di sản từ thời Liên Xô, Nga vẫn giữ 50% quyền sở hữu trong một số dự án cơ sở hạ tầng và khai thác mỏ quan trọng ở Mông Cổ. Đặc biệt, Nga là đối tác trong hệ thống đường sắt Mông Cổ, hệ thống này ngày càng trở nên quan trọng như một hành lang thương mại giữa Trung Quốc và Nga, cũng như giữa Trung Quốc và châu Âu.

Mông Cổ lo ngại rằng nguồn cung cấp nhiên liệu và mạng lưới giao thông của họ sẽ bị gián đoạn nếu Nga ưu tiên nhu cầu năng lượng của riêng mình trong bối cảnh xung đột hơn là lợi ích của các nước láng giềng, bất kể mối quan hệ đó có sâu sắc đến đâu.

Tương tự, Mông Cổ phụ thuộc vào Trung Quốc về phần lớn các mặt hàng nhập khẩu phi năng lượng, bao gồm thực phẩm, hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp. Và, Trung Quốc là điểm đến của 90% hàng xuất khẩu của Mông Cổ, chủ yếu là than và đồng.

Ulaanbaatar có thể sẽ tập trung vào những lo ngại về địa chính trị trong chuyến thăm của ông Putin. Ngay cả khi Mông Cổ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt đối với Nga, chứng kiến các liên kết vận tải và kinh doanh bị gián đoạn, nhưng quốc gia này vẫn tránh xa các cuộc đối đầu với Moscow trong các diễn đàn quốc tế.

Cùng với Trung Quốc, Mông Cổ thường xuyên không tham gia các nghị quyết của Liên hợp quốc lên án Nga mở Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nhưng, nhằm thể hiện rằng Mông Cổ vẫn cam kết với chính sách láng giềng thứ ba, nước này cũng đã cẩn thận không vi phạm các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh đưa ra.

Mặc dù Mông Cổ thừa nhận tầm quan trọng chuyến thăm của ông Putin trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp và dòng chảy nhiên liệu vào quốc gia này, nhưng họ cũng lo ngại về việc không thực thi các lệnh trừng phạt của ICC sẽ gây tổn hại đến vị thế của đất nước với các tổ chức và cường quốc toàn cầu bên ngoài khu vực.

Trong một trật tự thế giới thay đổi, Mông Cổ đang nỗ lực duy trì nền độc lập bằng cách nhấn mạnh vai trò của họ như một quốc gia trung lập và là bạn của tất cả mọi người.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.