Thấy gì từ cuộc đối thoại Nga-Mỹ về Ukraine?

Thứ Hai, 13/12/2021, 10:02

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7-12 đã có cuộc gặp qua cầu truyền hình. Mục tiêu là tìm cách giảm căng thẳng trên vấn đề Ukraine, vốn đã nóng lên gần đây với thông tin Nga điều cả trăm nghìn quân đến vùng giáp giới với láng giềng để sẵn sàng cho một cuộc can thiệp quân sự.

Vì sao Ukraine vốn thuộc về châu Âu nhưng Nga lại chọn Mỹ để đối thoại? Có bao nhiêu khả năng Nga sẽ can thiệp quân sự vào Ukraine và đâu là những hậu quả với Moscow nếu kịch bản này diễn ra?

Lý do của cuộc đối thoại này rất rõ ràng là Nga đưa quân tới biên giới với Ukraine để gây áp lực trước việc Kiev muốn gia nhập NATO và không tuân thủ thỏa thuận Minsk, phá rối khu vực miền Đông Ukraine, nơi có đông đảo người gốc Nga sinh sống. Trước khi thông báo kết quả cuộc đối thoại giữa hai nguyên thủ Mỹ-Nga, cần điểm qua tình hình thực địa trong vài tuần gần đây ở Ukraine và biên giới giữa Nga và Ukraine.

Thấy gì từ cuộc đối thoại Nga-Mỹ về Ukraine? -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin đối thoại qua cầu truyền hình với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7-12 về tình hình Ukraine.

Có rất nhiều thông tin trái chiều về tình hình tại biên giới giữa Ukraine và Nga. Báo chí đưa tin Moscow chuẩn bị chiến dịch can thiệp quân sự vào Ukraine khi điều động đến 175.000 quân tới vùng giáp giới với Ukraine. Không ai kiểm chứng được rằng trong số quân lính Nga đang được triển khai tại biên giới với Ukraine có bao gồm cả những đơn vị thường trú trong các vùng Voronej hay Criméa hay không. Tại Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov thậm chí cho rằng “có nhiều khả năng” chiến dịch quân sự sẽ diễn ra vào khoảng cuối tháng 1-2022. Cùng lúc, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba tỏ ra cương quyết xem việc Ukraine gia nhập NATO là điều tất yếu. Mặc dù thông tin được đưa ra trên báo chí đều phục vụ cho những mục đích chính trị riêng nhưng rõ ràng tình hình trong khu vực đã “nóng lên”.

Cuộc thảo luận giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ, ông Biden kéo dài hơn 2 tiếng, được Điện Kremlin đánh giá là thẳng thắn và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, về nội dung thì các bất đồng vẫn tồn tại. Tổng thống Mỹ nhắc lại những quan ngại về việc quân đội Nga dồn quân ở biên giới với Ukraine. Nhưng người đồng nhiệm Nga trả lời rằng binh sĩ vẫn ở trên lãnh thổ Nga, nên không đe dọa ai cả. Nguyên thủ Nga cũng không nhận được bảo đảm từ Mỹ là Ukraine sẽ không gia nhập NATO. Như đã dự báo trước, ông Joe Biden cho biết là nếu Nga tấn công Ukraine thì sẽ có những hậu quả nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, cho rằng ông Putin chưa đưa ra quyết định và thắc mắc rằng liệu Nga có sẵn sàng chấp nhận rủi ro hy sinh việc bán khí đốt, theo dự kiến, cho châu Âu thông qua đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 hay không. Đó là một mặt khác trong lập trường của Mỹ.

Cũng trong cuộc đối thoại thượng đỉnh Nga-Mỹ, ông Putin bày tỏ mối quan tâm sâu sắc với ông Biden về các hành động khiêu khích của Kiev tại Donbass. Theo Tổng thống Nga, đây là chiến lược của Ukraine nhắm đến mục đích duy nhất là phá vỡ hoàn toàn các thỏa thuận Minsk. Đối mặt với đồng nhiệm Mỹ, Tổng thống Putin một lần nữa phủ nhận trách nhiệm về tình hình leo thang quân sự tại biên giới Ukraine và giải thích rằng việc NATO mở rộng về phía Đông và tăng cường tiềm lực quân sự ở vùng biên giới với Nga là mối đe dọa đối với an ninh của Nga.

Phía Nga vẫn chờ đợi phản ứng của Mỹ về yêu cầu đảm bảo an ninh của Nga ở biên giới phía Tây tiếp giáp với Ukraine và phía Nam hướng ra Biển Đen, tiếp giáp với Gruzia. Có một điểm tích cực là hai nguyên thủ đã giao trách nhiệm cho các cố vấn làm việc với nhau về các vấn đề nhạy cảm này, vì biết rằng Moscow đòi có những bảo đảm pháp lý từ NATO về điểm này. Hơn nữa, Moscow cho biết sẵn sàng dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động của các cơ quan đại diện của Mỹ tại Nga để có thể bình thường hóa các vấn đề khác trong quan hệ song phương.

Bàn về mục đích của Nga trong chuyện này, các nhà quan sát cho biết, Moscow đe dọa động binh để buộc Mỹ và Phương Tây bảo đảm rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO, như nhiều nước trong khối Liên Xô cũ đã làm, cũng như buộc Ukraine chấp nhận một số điều kiện mà Nga đã đưa ra. Thực tế, chủ trương kết nạp Ukraine vào NATO đã bị đóng băng nhưng cả Kiev và Washington sẽ không đưa ra cam kết như vậy. Dù nghi ngờ là Nga chơi trò hù dọa nhưng theo hãng tin Pháp AFP, ít người dám loại bỏ hoàn toàn khả năng Nga động binh và có lẽ chính là để răn đe phủ đầu, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã nêu chi tiết về các “vũ khí” mà Mỹ sẵn sàng sử dụng, nếu Moscow ra tay hành động. Ngoài các biện pháp quân sự như “đáp ứng một cách thuận lợi” các yêu cầu tăng cường hiện diện quân sự từ các đồng minh NATO ở Đông Âu và hỗ trợ quân đội Ukraine nhiều hơn, Washington còn viện đến những trừng phạt kinh tế thật nặng nề đối với Nga, hoàn toàn khác với những biện pháp ban hành từ năm 2014 mà không có nhiều tác dụng. Một trong những biện pháp từng được mệnh danh là vũ khí hạt nhân của trừng phạt kinh tế là loại trừ Nga ra khỏi hệ thống trao đổi thông tin tài chính liên ngân hàng Swift, một công cụ quan trọng trong tài chính toàn cầu, cho phép các ngân hàng lưu thông tiền tệ.

Thấy gì từ cuộc đối thoại Nga-Mỹ về Ukraine? -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp trực tuyến ngày 7-12.

Việc bị loại ra khỏi hệ thống Swift sẽ gây tổn hại rất nhiều cho Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Vấn đề là Mỹ không thể tự mình đẩy Nga ra khỏi Swift, vì cơ chế có trụ sở tại Bỉ này liên kết hơn 11.000 ngân hàng và định chế tài chính trên thế giới. Hình thức trừng phạt này đã được gợi lên nhiều lần từ năm 2014 đến nay nhưng đều vấp phải phản ứng dè dặt của một số nước châu Âu, lo lắng về tác hại đến các công ty của họ. Nhìn chung, quyền tự do hành động của Tổng thống Mỹ Biden đối với Nga bị nhiều giới hạn.

Hai nhà phân tích Pháp, Arnaud Dubien và Florent Parmentier cho rằng Moscow trước mắt chỉ dùng lá bài Ukraine để “bắt mạch” tình hình, xem chính quyền ông Biden cương quyết ủng hộ Kiev đến mức nào. Từ khi Washington tuyên bố chĩa mũi dùi vào Bắc Kinh, mặc nhiên Ukraine - và qua đó là an ninh châu Âu bị Mỹ xếp vào hàng thứ yếu. Do vậy, các nhà chiến lược tại Nga xem đây là cơ hội để mặc cả thêm với Washington. Nga đơn giản muốn được bảo đảm một cách vĩnh viễn rằng NATO không mở rộng sườn Đông sang đến tận Ukraine. Mục tiêu của ông Putin rất rõ ràng: áp dụng lại với Ukraine mô hình của Phần Lan trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Trong thời kỳ này, Phần Lan, dù nằm sát Liên Xô nhưng vẫn trong thế trung lập. Khi bức tường Berlin sụp đổ, Helsinki đã gia nhập Liên minh châu Âu nhưng vẫn đứng ngoài NATO. Fyodor Lukyanov, trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow, cho biết: lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô là ông Mikhail Gorbatchev đã được Mỹ bảo đảm rằng NATO sẽ không mở rộng sang sườn Đông. Nhưng, điều đó đã không được ghi rõ giấy trắng mực đen trên bất kỳ một văn bản chính thức nào.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.