Thấy gì từ “Hổ mang vàng 2024”?

Thứ Hai, 11/03/2024, 12:26

Cuộc tập trận chung “Hổ mang vàng 2024” kéo dài 12 ngày, bắt đầu từ 26/2, vừa kết thúc. Cuộc tập trận thường niên do Lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan và Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ với sự tham gia của gần 10 nghìn binh sĩ đến từ khoảng 30 quốc gia, trong đó có khoảng 4 nghìn lính Mỹ.

Năm nay là năm thứ 11 liên tiếp Trung Quốc được mời tham gia cuộc tập trận và tham gia trong các hạng mục nhân đạo, dân sự.

Tăng cường kiểm soát

Cuộc tập trận “Hổ mang vàng” được bắt đầu từ năm 1982, hiện là một trong những cuộc tập trận thường niên lớn nhất và kéo dài nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là một trong 2 cuộc tập trận chung thường niên do Mỹ phát động ở Đông Nam Á vào những năm 1980, cuộc còn lại là cuộc tập trận “Vai kề vai” Mỹ - Philippines.

1.jpg -0
Tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith của quân đội Mỹ.

Về bối cảnh chung, năm 1982 vẫn là thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Khi đó, liên minh quân sự Mỹ - Thái Lan tổ chức tập trận chủ yếu là để ngăn chặn sự xâm lược của nước ngoài. Tuy nhiên, cùng với những thay đổi thời cuộc và tình hình khu vực Đông Nam Á, quân đội hai nước đã từng bước điều chỉnh mục đích của cuộc tập trận từ “chống xâm lược” sang “can thiệp khu vực”.

Mặc dù mục đích của cuộc tập trận đã thay đổi, song theo các nhà phân tích, Mỹ vẫn không thay đổi tính toán ban đầu về sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng chính trị ở Đông Nam Á thông qua các cuộc tập trận. Đặc biệt là sau khi Mỹ đưa ra chiến lược “tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương” năm 2012, các nước Đông Nam Á đã trở thành một khâu quan trọng. Vị trí của “Hổ mang vàng” trong hộp công cụ chiến lược của Mỹ cũng tăng lên. Tuy nhiên, “Hổ mang vàng” không suôn sẻ như Mỹ mong muốn. Năm 2014, Thái Lan xảy ra cuộc đảo chính quân sự, Mỹ đã lên án gay gắt, cắt viện trợ quân sự cho nước này, ngừng huấn luyện quân sự trực tiếp và hạ cấp quy mô của cuộc tập trận chung “Hổ mang vàng” xuống mức thấp chưa từng có. Sự thu hẹp này kéo dài trong vài năm.

Trong khi đó, về phần mình, Thái Lan muốn làm phai nhạt tính đối kháng của cuộc tập trận. Theo quan điểm của Thái Lan, do bán đảo Đông Dương và toàn bộ khu vực Đông Nam Á không có mâu thuẫn giữa các quốc gia và khủng hoảng chính trị khu vực nổi bật nên không cần phải tăng cường chức năng răn đe nữa. Thay vào đó, Thái Lan đã xác định vai trò của cuộc tập trận “Hổ mang vàng” ở 3 khía cạnh: Một là giúp tăng cường tính hiệp đồng với quân đội Mỹ; hai là thúc đẩy việc Mỹ huấn luyện cho quân đội nước mình và ba là tăng cường khả năng của quân đội Thái Lan trên các phương diện như tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và chống khủng bố.

Trong bối cảnh này, năm 2014, Trung Quốc được ban tổ chức mời và lần đầu tiên cử quân đội tham gia diễn tập hạng mục cứu trợ nhân đạo trong khuôn khổ “Hổ mang vàng”. Trước đó, Trung Quốc cũng đã tham gia với tư cách thành viên trong hơn 10 năm. Một số nhà phân tích cho rằng, việc Thái Lan mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận để tránh phát đi tín hiệu cuộc tập trận có một “kẻ thù giả tưởng” cụ thể.

Nhận thấy tầm quan trọng của nó, Mỹ đã khởi động lại cuộc tập trận “Hổ mang vàng” vào năm ngoái nhằm tìm cách thay đổi chương cũ của mối quan hệ lạnh nhạt với Thái Lan. Năm ngoái, Mỹ đã cử 6 nghìn lính tham gia cuộc tập trận này, con số quy mô nhất trong 10 năm qua. Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương John Aquilino tham dự cuộc tập trận.

“Hổ mang vàng” năm nay có gì?

Cuộc tập trận “Hổ mang vàng” năm nay được tổ chức tại các khu vực như Lopburi trên vịnh Thái Lan. Các hạng mục tập trận vẫn bao gồm các nội dung an ninh không gian mới được bổ sung vào năm ngoái, ngoài ra còn có an ninh mạng, cứu trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và các hoạt động y tế. Thái Lan, Mỹ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore sẽ tham gia các cuộc tập trận tác chiến, bao gồm đổ bộ, nhảy dù, bắn đạn thật và chiến tranh mạng. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ tham gia các cuộc diễn tập cứu trợ nhân đạo.

Điều đáng chú ý là so với năm ngoái, quy mô tham gia của Mỹ vào cuộc tập trận đã trở lại mức thông thường - khoảng 4 nghìn binh sĩ - với trọng tâm là các cuộc tập trận đổ bộ. Phía Mỹ còn cho biết không cử nhóm tác chiến tàu sân bay tham gia, nhưng sẽ gửi tàu vận tải đổ bộ USS Sumerset (LPD-25) và tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith (ESB-5).

Trong cuộc tập trận lần này, vai trò của Trung Quốc cũng nhận được nhiều sự chú ý của các bên. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các binh sĩ Trung Quốc tham gia cuộc tập trận với các hạng mục hỗ trợ kỹ thuật, cứu trợ nhân đạo và giảm thiểu thiên tai, diễn đàn cấp cao, cũng như tìm kiếm cứu nạn, xử lý tràn hóa chất, cấp cứu y tế...

Theo các nhà phân tích, mục đích của Trung Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận không giống nhau. Trung Quốc chủ yếu tham gia các hạng mục cứu hộ nhằm nâng cao khả năng hợp tác với các nước khác để đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Cho dù đó là cứu trợ thiên tai hay chống cướp biển và khủng bố, đều cần các nước châu Á - Thái Bình Dương cùng ứng phó.

Huy Thông
.
.