Thấy gì từ việc công nhận nhà nước Palestine?

Thứ Tư, 29/05/2024, 09:15

Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy đã công bố ý định công nhận Nhà nước Palestine vào tuần này. Thủ tướng Ireland hy vọng thuyết phục được các nước châu Âu khác làm điều tương tự. Liệu quyết định này có thể thay đổi điều gì trên trường quốc tế trong bối cảnh hiện chỉ còn những quốc gia phương Tây, đặc biệt là Tây Âu và Mỹ là chưa công nhận Nhà nước Palestine? Châu Á, Châu Mỹ Latinh, Châu Phi từ lâu đã có xu hướng ủng hộ việc công nhận Palestine.

Vì sao đến giờ mới có thông báo này?

Jean-Paul Chagnollaud, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông Địa Trung Hải và giáo sư danh dự của nhiều trường đại học Pháp (IREMMO), cho biết, đây là những quốc gia đã suy nghĩ từ lâu về khả năng công nhận Nhà nước Palestine, những quốc gia luôn đi đầu trong vấn đề xung đột Israel-Palestine. “Chúng ta phải nhớ rằng Na Uy vẫn là quốc gia đóng vai trò quan trọng vào thời điểm Hiệp định Oslo (về sự chung sống hòa bình giữa Palestine và Israel), Tây Ban Nha cũng đóng vai trò quan trọng trong các thỏa thuận tương tự. Ireland luôn đi trên con đường này. Vì vậy, đó là một câu chuyện cũ”.

image001.jpg -0
Trẻ em chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại thành phố Rafah, Dải Gaza

Theo ông, những gì xảy ra trong bảy tháng xung đột giữa Hamas và Israel vừa qua chỉ đơn giản nhắc nhở các nước về sự cấp bách của việc suy nghĩ một giải pháp chính trị toàn cầu nhằm chấm dứt những cuộc chiến và thảm kịch này. “Và tôi nghĩ đó là nguyên nhân. Nó đã nâng cao đáng kể nhận thức của công chúng và một số chính phủ cũng nhạy cảm với dư luận”.

“Chúng ta phải thoát khỏi chuỗi ngày bạo lực của những cuộc chiến bất tận. Và do đó, cách duy nhất là giải pháp chính trị rõ ràng giữa hai nhà nước”, ông nói.

Điều đó đồng nghĩa các bên phải bắt đầu bằng cách thỏa thuận về những điều cơ bản: Israel có nhu cầu về an ninh, nhưng với tư cách là một quốc gia được công nhận và người Palestine cũng được bày tỏ điều mà họ mong muốn. “Tôi tin rằng đây là logic trong cách tiếp cận của họ, điều đã dẫn đến những thảm kịch mà chúng ta chứng kiến ở Gaza trong bảy tháng qua”, chuyên gia nhận định.

Mười năm trước, Thượng viện và Quốc hội ở Pháp đã yêu cầu chính phủ công nhận Nhà nước Palestine. Và vì vậy trên thực tế, chủ đề này đã được bàn thảo trong mười năm qua. Pháp có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề này. Nước này cũng đang có ý tưởng về giải pháp giữa hai nhà nước, nhưng vẫn còn do dự về thời điểm đưa ra quyết định thực hiện. Nhìn chung, những tuyên bố nửa vời từ phía Pháp sẽ không thật sự hiệu quả, trừ khi họ chuẩn bị một sáng kiến mạnh mẽ hơn để đảm bảo rằng việc công nhận Nhà nước Palestine về cơ bản có thể là bước đầu tiên hướng tới quá trình đàm phán.

Điều gì đang cản trở Liên hợp quốc?

Trên thực tế, tổ chức duy nhất có thể công nhận nhà nước Palestine là Liên hợp quốc. Tuy nhiên, theo ông Jean-Paul, có rất nhiều mâu thuẫn trong chính sách của Pháp - đã có một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi công nhận Palestine là một quốc gia đầy đủ trong Liên hợp quốc. Pháp đã bỏ phiếu cho văn bản này, Anh bỏ phiếu trắng và Mỹ đã phủ quyết dự thảo này. “Có thể thấy trở ngại của Liên hợp quốc rõ ràng là Mỹ, đồng thời, họ là những người tuyên bố rằng chúng ta cần một cuộc chiến “sau” cuộc chiến này. Vì vậy, chúng ta cần nghĩ về một giải pháp chính trị, đồng thời ngăn chặn những sáng kiến quan trọng như những điều tôi vừa nói đến”.

Nếu nhìn vào địa chính trị toàn cầu, đâu là những quốc gia chưa công nhận Nhà nước Palestine? Chúng ta có thể tóm tắt mọi việc bằng cách nói rằng đó là phương Tây, đặc biệt là Tây Âu và Mỹ. Ngay cả Canada cũng đang nghĩ về điều đó. Vì vậy, đối với người Palestine, điều này là cốt lõi của sự từ chối, dù ở đâu thì nó cũng đang bắt đầu rạn nứt. Điều này rất quan trọng nếu xét về mặt cân bằng quyền lực ở cấp độ ngoại giao.

Nếu xét đến Châu Á, Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, các khu vực này từ lâu đã có xu hướng ủng hộ việc công nhận Palestine. Slovenia, Malta và Thụy Điển đã làm điều đó vào năm 2014. Tất cả các quốc gia trước đây là các nước xã hội chủ nghĩa trước khi gia nhập Liên minh Châu Âu cũng công nhận Nhà nước Palestine.

Hà Lan và Bỉ cũng sẵn sàng làm điều đó, cho thấy dấu hiệu rạn nứt thực sự trong nội bộ Tây Âu. Đối với người Palestine, đó thực sự là một chiến thắng. “Có lẽ sẽ hơi thái quá khi gọi đây là một chiến thắng lịch sử, nhưng trong mọi trường hợp, điều này cho thấy một bộ phận người phương Tây đang thừa nhận một điều khá cơ bản, quyền có một Nhà nước, như các nghị quyết của Liên hợp quốc đã khẳng định từ lâu”, ông Jean-Paul nhận định.

Vị thế chính trị của người Palestine

“Tôi tin rằng ngày nay người Palestine không còn quân bài nào khác, xét đến những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Hamas và Fatah. Đúng là họ có một quân bài để đấu, đó là ngoại giao, điều họ đã làm từ lâu. Họ đã làm điều đó tại Liên hợp quốc, họ đã làm điều đó ở phương diện song phương và sau đó họ cũng làm điều đó tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Những khiếu nại này đã thành công. Vì vậy, họ ngày càng mạnh mẽ về mặt ngoại giao và điều đó rõ ràng đặt ra những thách thức lớn cho Israel”, ông Jean-Paul nhận định.

Ngày 23/5, phát biểu với báo giới, người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric nêu rõ Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres sẽ tiếp tục nỗ lực theo đuổi giải pháp hai nhà nước, theo đó Israel và Palestine cùng chung sống trong hòa bình và an ninh, đồng thời tôn trọng quyền tự quyết của người Palestine. Về tình hình xung đột tại Dải Gaza, ông Guterres cho biết Liên hợp quốc đang tập trung vào việc thúc đẩy các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo và trả tự do cho các con tin, từ đó hướng đến một thỏa thuận chính trị.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.