Thế giới năm 2021: Ngổn ngang và lo lắng

Thứ Năm, 30/12/2021, 12:09

Rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời và cũng rất nhiều mệnh đề còn để ngỏ, kể cả những câu chuyện liên quan đến sự tồn vong của nhân loại, khi năm 2021 đi dần đến điểm cuối. Thực ra, giải quyết tận gốc rễ những khúc mắc ấy trong dòng chảy các sự kiện quốc tế vẫn vừa là điều bắt buộc nhưng có lẽ cũng vừa là sứ mệnh không thể hoàn tất dành cho năm 2022.

Dưới bóng ma đại dịch

Tính đến sáng 28-12, theo số liệu mới nhất của trang thống kê thực tế worldometer, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã lên tới 281.636.237 ca, trong đó 5.422.116 ca tử vong. Hiện có 250.858.345 ca đã bình phục. Trong số hơn 25,3 triệu ca đang điều trị, có 88.767 ca bệnh nặng, phải điều trị tích cực.

Ở châu Âu - khu vực phát triển hàng đầu thế giới, nước Pháp xem như chính thức bước vào làn sóng bùng phát lây nhiễm COVID-19 thứ 5 vào ngày 25-12 với số ca nhiễm cao kỷ lục 104.611 ca. Đây là con số cao chưa từng có kể từ khi bắt đầu đại dịch ở Pháp vào tháng 3-2020. Tuy không áp dụng giới nghiêm vào ngày 31-12, cũng không hoãn lịch trở lại trường của học sinh vào 3-1-2022 nhưng Thủ tướng Pháp Cartex tuyên bố sẽ "mở rộng và tăng cường một cách phù hợp các biện pháp đang được thực hiện".

Thế giới năm 2021: Ngổn ngang và lo lắng -0
Đại dịch toàn cầu COVID-19 vẫn là “nhân vật chính” của năm 2021.

Bên kia eo biển Manche, Vương quốc Anh ngày 24-12 cũng ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ đầu dịch, với 122.186 ca. Còn bên kia Đại Tây Dương, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Mỹ (nhất là khu vực Mỹ latin) tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 100 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 36% số ca bệnh trên toàn thế giới) và 2,4 triệu trường hợp tử vong (chiếm 45% tổng số ca tử vong trên thế giới).

Nhiều nước trong khu vực đã buộc phải siết chặt các biện pháp đối phó và kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu. Thậm chí, một số hãng hàng không trong khu vực đã phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh lịch trình các chuyến bay trong dịp cuối năm này khi mà nhu cầu đi lại tăng cao trở lại. Thậm chí, trước những lo ngại về sự lây lan của biến thể mới Omicron, nhiều nước buộc phải quyết định hủy các lễ hội đón năm mới 2022 tại các điểm công cộng. Đến mức độ, Chính phủ Peru còn ra sắc lệnh cấm các cuộc hội họp gia đình và ban hành lệnh giới nghiêm trong khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng tới hết ngày 31-12.

Nước Mỹ cũng không thể là ngoại lệ. Ngày 26-12, Sở Y tế New York thông báo: Số trẻ em dưới 18 tuổi tại thành phố này phải nhập viện do nhiễm SARS-CoV-2 tăng gấp 4 lần, bắt đầu từ 5-12 đến tuần vừa qua. Đáng chú ý, một nửa số trẻ này dưới 5 tuổi, nhóm chưa đủ tuổi tiêm vaccine phòng bệnh.

Thế giới năm 2021: Ngổn ngang và lo lắng -0
Những núi băng nghìn năm vẫn đang tan chảy.

Israel - quốc gia đi đầu thế giới về tiêm chủng - cũng đã lại yêu cầu các bệnh viện trên cả nước chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình trạng quá tải do biến thể Omicron vẫn có nhiều dấu hiệu tiếp lan truyền, đặc biệt là trẻ em từ 5-11, đối tượng có tỷ lệ được tiêm phòng thấp nhất hiện nay. Các bệnh viện đã được lệnh bổ sung 300 giường bệnh, cộng thêm 40 giường chăm sóc tích cực.

Và như vậy, nhìn một cách tổng thể, thế giới vẫn đang phải sẵn sàng để bước sang “năm COVID thứ ba”, trong những cảm giác run rẩy không khác nhiều lắm so với thời điểm này 12 tháng trước - khi “năm COVID thứ nhất” chuẩn bị kết thúc. Thay thế biến chủng Delta, biến chủng Omicron đã chiếm khoảng 50% số ca nhiễm hiện tại, qua đó, không chỉ đe dọa hiệu quả của các nỗ lực tiêm chủng đã được thực hiện, nó còn khắc sâu thêm “cơn khát vaccine” toàn cầu, cũng như làm hằn lên nỗi khắc khoải trông đợi một “tấm lá chắn” hữu hiệu (như là thuốc đặc trị) để bảo vệ tương lai nhân loại.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đặt mục tiêu: “2022 sẽ là năm chúng ta chấm dứt đại dịch!”. Song, có lẽ tất cả đều hiểu, điều đó không chỉ phụ thuộc vào ý chí đơn thuần. Ước vọng này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu thế giới tìm được những phương thức gắn kết hữu hiệu, đưa mọi quốc gia cũng như mọi cá nhân vào cuộc chiến chung chống lại kẻ thù vô hình, bằng cả sự chia sẻ, tinh thần kỷ luật cũng như sự hy sinh (những thoải mái và tiện nghi).

Khói súng và bão dông

Tác động đến mọi mặt của đời sống quốc tế năm 2021, từ những xáo trộn trong các kết cấu xã hội tới những nỗ lực thúc đẩy đà hồi phục kinh tế toàn cầu, đại dịch COVID-19 hiển nhiên vẫn là tâm điểm của đáng chú ý nhất, khi ngoảnh nhìn lại 12 tháng đã qua cũng như khi thế giới chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa giao thời.

Thế giới năm 2021: Ngổn ngang và lo lắng -0
Cuộc chiến 20 năm đã kết thúc tại Afghanistan.

Tuy vậy, năm 2021 cũng không chỉ có bệnh dịch, không chỉ có những cuộc vật lộn giành giật sinh mạng con người từ bàn tay tử thần, không chỉ có những vận động xoay quanh tiến trình nghiên cứu, điều chế, phân phối và chia sẻ vaccine, cũng không chỉ có các nỗ lực (và cả những quyết định mạo hiểm, chấp nhận rủi ro) về chuyện “mở cửa” để “phá băng” cho các nền kinh tế đã tê liệt gần như suốt năm 2020, qua đó bắt đầu tái tạo những giá trị tăng trưởng dương.

Năm 2021 vẫn còn những dấu ấn khác, ít được nhắc đến hơn, ít trùm phủ hơn nhưng vẫn là những đường nét góp phần định hình diện mạo của thế giới hiện đại, một thế giới ngày càng phẳng đi nhưng dường như cũng càng lúc càng dễ bị tổn thương hơn.

Trong các vận động địa chính trị, như một bình luận không chính thức song lại rất quen thuộc của giới quan sát quốc tế kể từ sau Chiến tranh Lạnh, “mọi điểm nóng trên thế giới đều được quyết định tại Washington”. Mới nhất, ngày 27-12, theo Reuters, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn thành luật đối với Đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2022, qua đó phê duyệt khoản ngân sách 770 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, với tỷ lệ ủng hộ cao từ cả các nghị sĩ đảng Dân chủ của ông lẫn đảng Cộng hòa đối lập.

Thế giới năm 2021: Ngổn ngang và lo lắng -0
Iran không khoan nhượng - sự bế tắc của JCPOA.

Như vậy, NDAA 2022 tăng hơn 5% so với năm trước, gồm các khoản chi trả cho việc tăng 2,7% lương cho quân nhân, tiếp tục trang bị và hiện đại hóa khí tài quân sự, bên cạnh việc xây dựng các chiến lược đối phó với những nguy cơ địa chính trị. Bản dự toán ngân sách quốc phòng năm 2022 này cũng bao gồm 300 triệu USD cho Sáng kiến Hỗ trợ an ninh Ukraine, 4 tỷ USD cho Sáng kiến Phòng thủ châu Âu.

Chỉ qua những điểm chính ấy, có thể thấy, nước Mỹ đã, đang và sẽ trở lại can dự mạnh mẽ hơn vào những điểm nóng toàn cầu, đúng như cương lĩnh tranh cử của đương kim chủ nhân Nhà Trắng (và đi ngược với màu sắc “chủ nghĩa biệt lập” của người tiền nhiệm Donald Trump). Đây là một nhu cầu bức thiết, khi nó liên quan đến lợi ích cốt lõi của nước Mỹ, bao gồm cả việc để tuột vị thế ở những khu vực “trọng địa” lẫn sự lạnh nhạt dần với các đồng minh truyền thống - những dấu hiệu đã trở nên rõ rệt hơn trong khoảng 2016-2020.

Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ nỗi bất an của Washington nói riêng và các mầm mống xung đột trên cả thế giới nói chung. Thế giới đã chứng kiến một cảnh tượng hỗn loạn tại Kabul, khi các binh sĩ Mỹ vẫn còn chưa hoàn tất quá trình triệt thoái khỏi Afghanistan. Taliban trở lại với quyền lực sau 20 năm, cuộc chiến kết thúc nhưng những dư chấn của nó thì chưa biết đến bao giờ mới thực sự chấm dứt.

Trong khi đó, thế giới cũng đang chứng kiến  vòng hòa đàm thứ 8 nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) chuẩn bị bắt đầu, mà cả hai phía vẫn không thể tìm thấy một điểm thỏa hiệp chung. Vũng lầy bế tắc vẫn ở nguyên đó, khi nước Mỹ chưa thể tham dự với tư cách thành viên chính thức, còn Iran khăng khăng không nhượng bộ.

Bóng ma khủng bố IS, chưa từng bị tận diệt, cũng vẫn tiếp tục nhắc thế giới nhớ đến sự tồn tại của mình, qua từng đợt đánh bom liều chết. Song song, ở Trung Đông, cho dù tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia Hồi giáo Arab láng giềng vẫn được tiến hành theo “Kế hoạch hòa bình mới” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, thì cuộc đấu tranh bảo vệ “Giải pháp hai nhà nước” của nhân dân Palestine cũng vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của đông đảo các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc.

Đó là những câu chuyện chưa có hồi kết, cũng là những lò lửa lúc nào cũng sẵn sàng bùng lên, với nhiên liệu được tiếp thêm không dứt từ hận thù cũng như xung đột lợi ích. Thậm chí, lợi ích càng lớn, xung đột càng gay gắt. Cuộc tranh giành ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương giữa các đại cường đang là một thí dụ điển hình cho hiện trạng ấy, đến mức độ khi liên minh quân sự AUKUS (giữa Mỹ, Anh và Australia) được thành lập, một “người bạn cũ” của họ là nước Pháp cũng cảm thấy giận dữ vì trở thành kẻ ngoài rìa.

Thế giới năm 2021: Ngổn ngang và lo lắng -0
Nước Mỹ lại xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương.

Và cuối cùng, hơn cả dịch bệnh hay nguy cơ xung đột vũ trang, vẫn còn một “câu chuyện tồn vong” chung: Tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu. Cũng như năm trước và cũng như năm trước nữa, năm 2021 ghi nhận thêm rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Giá lạnh bất thường, bão cát nghiêm trọng (ở Trung Quốc, tháng 3-2021), nền nhiệt cao kinh khủng lên tới 50 độ C (ở Bắc Mỹ, mùa hè), lũ lụt thảm khốc khắp nơi hay bão lốc tàn phá cả miền Trung nước Mỹ vừa tháng trước..., “ngôi nhà chung của nhân loại” đã thực sự liên tục phát đi những tín hiệu cuồng nộ.

Một năm trước, đây cũng chính là điều tạp chí uy tín The Economist cảnh báo thông qua một bức biếm họa: Trên võ đài, võ sĩ Trái đất đang dồn ép địch thủ COVID-19. Song, ở phía ngoài, đáng sợ và giàu sức tàn phá gấp bội, biến đổi khí hậu đã sẵn sàng...

Mây Linh
.
.