The Hague kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine

Thứ Bảy, 19/07/2025, 11:21

Sau 2 ngày hội nghị (15 và 16/7) ở thủ đô Bogota của Colombia, Liên minh các quốc gia mang tên The Hague đã ra tuyên bố sẽ theo đuổi việc truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi chiến tranh của Israel tại Gaza.

Mục đích của hội nghị là vạch ra các bước mà các quốc gia tham dự có thể thực hiện để thực hiện một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp ủng hộ việc Israel chấm dứt sự chiếm đóng bất hợp pháp đối với Palestine. Nghị quyết này đặt ra thời hạn là tháng 9/2025 để thực hiện ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vào tháng 7/2024, cho rằng việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine là bất hợp pháp.

ICJ cho biết trong ý kiến tư vấn rằng "mối quan ngại về an ninh của Israel không vượt quá nguyên tắc cấm chiếm đoạt lãnh thổ bằng vũ lực" và kêu gọi Israel chấm dứt sự chiếm đóng "càng nhanh càng tốt". Tòa cho biết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có nghĩa vụ "không viện trợ hoặc hỗ trợ để duy trì tình hình do sự hiện diện bất hợp pháp của Israel trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng".

The Hague kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine -0
Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Colombia Rosa Yolanda Villavicencio, Tổng thống Colombia Gustavo Petro và Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour và bà Francesca Albanese tại Lễ bế mạc hội nghị, ngày 16/7.

Tổng thống Colombia Gustavo Petro cho biết, hội nghị cho thấy thế giới cuối cùng đã chuyển từ việc lên án hành động quân sự của Israel sang hành động tập thể để chấm dứt tình trạng này. Hội nghị kết thúc vào ngày 16/7 với việc 20 quốc gia đồng ý 6 biện pháp nhằm "kiềm chế cuộc tấn công của Israel vào các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng".

Các nước tham gia tuyên bố bao gồm Bolivia, Colombia, Cuba, Indonesia, Iraq, Libya, Malaysia, Oman, Namibia, Nicaragua, Nam Phi, Saint Vincent và Grenadines. "Chúng tôi tin vào sự chủ động, chứ không phải sự van xin", Varsha Gandikota-Nellutla, thư ký điều hành của nhóm The Hague cho biết. "Hôm nay đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên vô luật pháp và khởi đầu cho hành động tập thể của các chính phủ có lương tâm".

Nhóm The Hague ban đầu được thành lập bởi Nam Phi và Colombia vào tháng 1/2025, kể từ đó sự ủng hộ ngày càng tăng và hiện bao gồm Algeria, Brazil, Tây Ban Nha, Indonesia và Qatar. The Hague tìm cách tập hợp các quốc gia từ Nam Bán cầu - khu vực bao gồm các nền kinh tế đang phát triển - để gây áp lực buộc Israel chấm dứt chiến tranh ở Gaza cũng như việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine.

Trong số các bước được nhóm công bố bao gồm việc từ chối cung cấp vũ khí cho Israel, lệnh cấm tàu thuyền vận chuyển vũ khí và xem xét lại các hợp đồng công khai về khả năng liên kết với các công ty hưởng lợi từ sự chiếm đóng của Israel. 6 biện pháp này cũng bao gồm việc ủng hộ "quyền tài phán phổ quát", cho phép các quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế truy tố các tội ác quốc tế nghiêm trọng, bất kể chúng xảy ra ở đâu.

“Các đại biểu gọi đây là kế hoạch đa phương đầy tham vọng nhất kể từ khi cuộc chiến của Israel ở Gaza bắt đầu cách đây 21 tháng”, phóng viên Alessandro Rampietti của Al Jazeera đưa tin từ Bogota. Tuy nhiên, 12 quốc gia đã đồng ý với các biện pháp này chỉ chiếm chưa đến một nửa trong số 30 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh Bogota. Và, những người chỉ trích đặt câu hỏi liệu các nền kinh tế nhỏ hơn có thể ngăn cản Israel từ bỏ chiến dịch quân sự hiệu quả như thế nào, đặc biệt là khi xét đến sự hỗ trợ hàng tỷ USD mà Israel nhận được từ Mỹ.

The Hague kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine -0
Bà Francesca Albanese, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Israel hầu như không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy sự phẫn nộ của quốc tế đã làm chậm lại các cuộc tấn công của họ vào Gaza, ngay cả sau khi các chuyên gia tại Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo lớn so sánh chiến thuật của họ với tội diệt chủng. Lực lượng Israel tiếp tục di dời người Palestine và hạn chế khả năng tiếp cận lương thực, nhiên liệu và nước uống của họ. Ít nhất 58.573 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 10/2023.

Mặc dù phần lớn các quốc gia tham dự hội nghị Bogota chưa ký ngay các biện pháp được công bố, nhóm The Hague bày tỏ sự lạc quan rằng sẽ có thêm nhiều quốc gia tham gia. Trong tuyên bố, nhóm này đã đặt ra hạn chót là ngày 20/9 để các quốc gia khác tham gia - đây là ngày được chọn trùng với ngày khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc. “Các cuộc tham vấn với các thủ đô trên khắp thế giới hiện đang được tiến hành”, tuyên bố cho biết. Các quan chức tham dự hội nghị cũng hoan nghênh 6 biện pháp này như một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm làm suy yếu sự miễn trừ của Israel.

“Thưa các bộ trưởng, sự thật là Palestine đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng, và các vị là một phần của nó”, bà Francesca Albanese, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, phát biểu tại hội nghị. “Palestine đã thay đổi nhận thức toàn cầu, vạch ra ranh giới rõ ràng giữa những người phản đối diệt chủng và những người chấp nhận hoặc là một phần của nó”.

Bà Albanese gần đây đã bị Mỹ trừng phạt vì những lời chỉ trích thẳng thắn của bà đối với hành động của Israel. Bà Albanese nói rằng, Hiến chương Liên hợp quốc và các văn kiện nhân quyền phổ quát phải là kim chỉ nam cho tất cả mọi người. "Tôi tin rằng nhiều quốc gia sẽ điều chỉnh chính sách của mình theo những nguyên tắc cơ bản này khi chúng ta tiến về phía trước trong thời khắc sống còn này - cho cả người dân Palestine và Israel, cũng như cho sự toàn vẹn của trật tự pháp lý quốc tế", bà nói.

Hội nghị đã trở thành biểu tượng cho những lời kêu gọi ngày càng tăng từ các quốc gia ngoài phương Tây đối với các nhà lãnh đạo thế giới về việc thực thi luật pháp quốc tế tại Gaza, nơi những người chỉ trích cho rằng Israel liên tục vi phạm luật nhân quyền. Các quốc gia đang phát triển như Nam Phi và Colombia đồng tổ chức hội nghị đã đi đầu trong những nỗ lực giải trình như vậy. Nam Phi đã đệ đơn kiện lên ICJ vào tháng 12/2023, cáo buộc Israel đã phạm tội diệt chủng ở Gaza.

Colombia cũng tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với Israel vào tháng 5/2024 vì chiến dịch quân sự của nước này. "Chúng tôi đến Bogota để làm nên lịch sử. Và, chúng tôi đã làm được” - Tổng thống Colombia Gustavo Petro phát biểu trong một tuyên bố.

An Châu (tổng hợp)
.
.