Thế khó của các nước trong khủng hoảng Ukraine

Thứ Bảy, 05/03/2022, 11:14

Chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine đang tạo ra bướt ngoặt mới, đặt ra nhiều vấn đề khó xử lý trong quan hệ ngoại giao quốc tế. Một số quốc gia đang phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định có thái độ đối với hành động quân sự của Nga, cũng như tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Một trong những quốc gia đang gặp khó trong việc thể hiện thái đội đối với Nga và chiến dịch quân sự tại Ukraine là Israel. Về mặt chính thức, Israel có thể đưa ra quan điểm phản đối chiến dịch quân sự trên cơ sở luật pháp quốc tế. Israel có những lý do chính đáng để nêu quan điểm của mình chống lại hành động của nước Nga.

Thứ nhất và quan trọng nhất, cộng đồng người Do Thái ở Ukraine là không nhỏ, ngay bản thân Tổng thống Urkaine Volodimir Zelenskiy là người gốc Do Thái. Trong ngày thứ 6 của chiến dịch quân sự, tên lửa của Nga đã đánh trúng một địa điểm gần đài tưởng niệm nạn nhân lò sát sinh Holocaust Babyn Yar - biểu tượng của người Do Thái tại Ukraine ở Kiev. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Israel lên tiếng phản đối Nga hay tuyên bố ủng hộ Ukraine, ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và đồng minh.

Thế khó của các nước trong khủng hoảng Ukraine -0
Hình ảnh cột khói bốc lên từ khu vực được cho là đài tưởng niệm Babyn Yar cạnh tháp truyền hình Kiev.

Khu Babyn Yar cũng là nơi năm xưa quân phát xít Đức đã giết hại 150.000 người Ukraine, trong đó có hơn 30.000 người Do Thái. Vụ oanh kích của Nga đánh trúng tháp truyền hình Kiev làm tê liệt kênh phát sóng truyền hình quốc gia Ukraine ngay cạnh đài tưởng niệm.Đài tưởng niệm được xây dựng từ năm 2016, sau khi chính quyền Ukraine quyết định cải tạo khu Babyn Yar thành di tích chiến tranh. Ngay sau vụ oanh kích, Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã kêu gọi người Israel và cộng đồng Do Thái trên thế giới lên tiếng phản đối Nga có ý đồ phá hủy đài tưởng niệm của họ.

Ngoài khu tưởng niệm Babyn Yar, thành phố Uman, địa điểm hành hương của phong trào Chính thống giáo Hassidic Breslov (Ukraine) cũng bị tấn công ngay trong đêm đầu tiên của chiến dịch. Israel có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho cộng đồng người Do Thái tại Ukraine, tạo điều kiện để họ thoát khỏi khu vực giao chiến. Một lý do khác khiến Israel có thể đưa ra quan điểm chống Nga, đó là mối quan hệ đồng minh rất thân cận của Israel với Mỹ.

Tuy nhiên, Israel cho đến nay cân nhắc rất thận trọng trước khi đưa ra quan điểm đối với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Ngay hôm sau vụ không kích, cộng đồng Do Thái ở Israel lên án vụ không kích, còn Ngoại trưởng Israel Yair Lapid thì kêu gọi “bảo tồn và tôn trọng” khu di tích Babyn Yar, hoàn toàn không có lời lẽ nào lên án hay chỉ trích nước Nga trong vụ không kích này cũng như toàn bộ chiến dịch quân sự.

Israel không muốn làm phật lòng anh bạn Nga, trước hết là vì Nga hiện đang hỗ trợ Israel trong các hành động quân sự của nước này tại Syria. Một hành động bất kỳ đi ngược lại nước Nga ở Ukraine cũng đồng thời có thể gây nên làn sóng bài xích Do Thái, chính cộng đồng người Do Thái ở Ukraine và Nga là những người phải hứng chịu làn sóng bài xích này trước tiên. Yad Vashem - Bảo tàng Holocaust ở Israel đã buộc phải gửi thư cho Đại sứ Mỹ yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden không áp dụng đòn trừng phạt đối với tỷ phú Roman Abramovich bởi ông là nhà tài trợ lớn đã có rất nhiều đóng góp ủng hộ cộng đồng người Do Thái. 

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert cho rằng Israel không lên tiếng phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine còn bởi lý do ngay chính Israel cũng đang có hành động tương tự chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine. Tuy rằng, cuối cùng Israel cũng tham gia bỏ phiếu ủng hộ lên án Nga tại Liên Hợp quốc nhưng Israel lại không bỏ phiếu ủng hộ trừng phạt Nga. Hành động này khiến đồng minh Mỹ thất vọng tràn trề.

Trong một cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Ukraine Zelenskiy, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã bác bỏ lời kêu gọi ủng hộ vũ khí chống Nga, khẳng định Israel tuân theo nguyên tắc lâu nay của nước này là không khiêu khích nước Nga. Ukraine cũng như Nga đều là các đối tác quan trọng của Israel, cho nên Tel Aviv không thể bày tỏ quan điểm ủng hộ bên này hay phản đối bên kia. Việc cung cấp vũ khí là hành động ủng hộ đối tác Ukraine nhưng đồng thời cũng sẽ bị xem như gián tiếp chống lại nước Nga.

Cũng như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ đối tác với cả Nga và Ukraine, vì thế không tham gia cùng các đồng minh phương Tây chống Nga. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên khối NATO nên trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Ankara buộc phải thể hiện trách nhiệm thành viên của khối. Ankara đã đưa ra tuyên bố lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Nhưng, Ankara không thể tham gia các gói trừng phạt của Mỹ và đồng minh.

Trong phát biểu của mình nhân chuyến thăm Nam Phi mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ quan điểm muốn đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga với phương Tây hơn là tham gia cùng với khối NATO chống Nga. Ông Erdogan cho rằng phương Tây, đặc biệt là châu Âu không thể có hành động quá mạnh tay chống nước Nga, bởi sự ràng buộc về kinh tế giữa hai bên. Châu Âu quá phụ thuộc vào Nga về nguồn cung nhiên liệu (khí đốt, dầu mỏ), vì thế cựu lục địa không thể tự “bắn vào chân” khi áp đặt các biện pháp trừng phạt quá mạnh tay. Tổng thống Erdogan cho rằng, châu Âu cho đến nay cũng chỉ mới “nói” chứ chưa có hành động cụ thể nào đáng kể trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Trong khi đó, ngay chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những ràng buộc nhất định với nước Nga về mặt kinh tế, trong đó có vấn đề nguồn cung khí đốt, rồi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều là những đối tác xuất khẩu quan trọng của nhau. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mối quan hệ về quân sự rất quan trọng, trong đó Nga là nước cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ một số loại vũ khí hiện đại, như tên lửa S-400,... Trong vấn đề an ninh khu vực Trung Đông, Nga cũng có ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là trong mối quan hệ tay ba Nga-Israel-Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, dù lên án chiến dịch quân sự nhưng Ankara không tham gia trừng phạt Nga, không trực tiếp chống lại nước Nga.

An Châu(Tổng hợp)
.
.