Thế khó của Mỹ tại Trung Đông
Với tư cách là nhà bảo trợ chính cho tiến trình hòa bình Trung Đông, nên nếu cuộc xung đột ở Trung Đông càng lan rộng thì uy tín của nước Mỹ càng suy giảm.
Cuộc chiến vì danh dự
Sáng sớm ngày 12/1 (giờ địa phương), từ các tàu chiến có mặt tại khu vực Biển Đỏ quân đội Mỹ đã bắn hàng chục quả tên lửa Tomahawk vào các căn cứ của lực lượng Houthi trên lãnh thổ Yemen, đánh dấu việc Mỹ quay trở lại thế đối đầu trực diện với lực lượng này. Mặc dù, quyết định tấn công của quân đội Mỹ được đưa ra khá bất ngờ do Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa thông qua Quốc hội nhưng đây là đòn tấn công đã được dự báo từ trước sau hơn 2 tháng lực lượng Houthi liên tục nhắm vào các tàu chiến và các khu căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực để tấn công.
Sau khi thông tin của cuộc tấn công được công bố, dù một số nhà lập pháp Mỹ đã lên tiếng chỉ trích ông Joe Biden vì đã vượt quyền (gây chiến với một nước khác mà không thông qua Quốc hội) nhưng những tiếng nói chỉ trích cũng không quá nặng nề. Bởi, hành động tấn công, hay thực chất là phản công của quân đội Mỹ là có thể dự báo.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hôm 19/1 vừa qua, phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc, bà Sabrina Singh tiết lộ một con số khiến nhiều người giật mình: đã 140 lần các căn cứ quân sự của Mỹ bị lực lượng Houthi tấn công kể từ tháng 10/2023 tới nay. Hãng thông tấn TASS dẫn lời bà Singh cho hay, 57 cuộc tấn công trong số này nhắm vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq và 83 cuộc tấn công ở Syria. Tức là chưa đầy 4 tháng kể từ ngày cuộc xung đột giữa Hamas và Israel tái bùng phát, tính ra trung bình mỗi ngày hơn 1 lần, Houthi đã lặp đi lặp lại hành động “thách thức” nước Mỹ một cách liên tục.
Trong giai đoạn đầu, người Mỹ đã cố gắng “làm ngơ” trước những cuộc tấn công bằng tên lửa này của Houthi vì thực sự họ không muốn tham gia cuộc chiến thời điểm hiện tại cũng như những cuộc tấn công của Houthi không gây quá nhiều thiệt hại cho quân đội Mỹ. Nhưng, khi những cuộc tấn công đã diễn ra “hằng ngày”, người Mỹ không thể “cho qua” được nữa. Chính vì thế, ông Biden dù đã có hành động vượt quyền nhưng vẫn nhận được sự thông cảm tương đối từ phía các nhà lập pháp.
Theo những nguồn tin trong chính quyền Mỹ, Tổng thống Biden đã biện hộ cho quyết định của mình rằng, ông cần hành động để Mỹ giữ được vị thế như một “quốc gia không thể thay thế”, “sở hữu đội quân hùng mạnh và có khả năng quy tụ các nước khác nhau xung quanh mục tiêu chung”.
Theo Báo Washington Post, số ra ngày 20/1 thì “hệ tư tưởng, chứ không phải kinh tế mới là động lực chính đằng sau quyết định phát động chiến dịch hiện tại của Tổng thống Joe Biden”. Nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ hành động này bằng nhiều cách khác nhau. Quân đội Anh đã sát cánh cùng Mỹ khi thực hiện nhiều đợt tấn công vào căn cứ của Houthi. Các đồng minh NATO như Pháp và Đức đều thông báo sẽ gửi thêm tàu chiến tới khu vực để hỗ trợ Mỹ khi cần thiết. Dù vậy, có một sự thật không thể phủ nhận, việc tấn công Houthi vào thời điểm này là một thất bại của chính quyền Washington về nhiều mặt.
Đầu tiên, nó cho thấy sự bất nhất trong chính sách của Tổng thống Joe Biden với lực lượng quân sự Hồi giáo ở phía Bắc Yemen này. Tháng 2/2021, sau khi lên nắm quyền ở Nhà Trắng, ông Biden đã quyết định đảo ngược chính sách với chính phủ tiền nhiệm khi rút Houthi khỏi tên các tổ chức khủng bố cần theo dõi, một hành động “làm hòa” với lực lượng này. Việc tấn công Houthi hôm 12/1 đã kéo theo việc Mỹ tái đưa lực lượng này vào danh sách khủng bố như cũ. Nó cho thấy, chính sách của ông Biden dành cho Houthi đã thất bại trong 3 năm qua.
Việc Houthi “dám” ngang nhiên tấn công các căn cứ Mỹ trong thời gian qua cũng là một dấu ấn cho thấy sức mạnh của Mỹ đã bị suy giảm, ít nhất là trong mắt của lực lượng Houthi. Các lực lượng Hồi giáo của người Shiite chống lại Mỹ trong khu vực thường sẵn sàng thách thức bằng những tuyên bố nhưng ít khi nào “dám” công khai tấn công trước một cách chủ động như vậy. Điều đó cho thấy, “cái uy” của cường quốc số 1 thế giới đã giảm sút trong mắt các đối thủ.
Cuối cùng, việc tấn công Houthi sẽ là hành động tham chiến trực tiếp đầu tiên của Mỹ trong khu vực. Cuộc khủng hoảng ở Trung Đông sẽ bùng phát lên một tầm cao mới khi sự tham gia của các bên ngày càng rộng lớn.
Những “đồng minh” khó chịu
Kể từ ngày 7/10/2023, khi lực lượng Hamas thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, làm bùng phát lại bất ổn ở khu vực Trung Đông thì Ngoại trưởng Mỹ đã liên tục phải thực hiện 4 chuyến bay tới khu vực Trung Đông. Chỉ trong chưa đầy 4 tháng mà người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã phải 4 lần tới Trung Đông với tổng thời gian có mặt tại đây lên tới gần 20 ngày cùng hàng chục cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo khu vực cho thấy vấn đề tại đây đang “choán hết tâm trí” nước Mỹ.
Không thể chê trách sự nhiệt tình của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ bởi thực sự cuộc chiến giữa Hamas và Israel là vấn đề lớn nhất mà nước Mỹ cần phải giải quyết ở thời điểm này. Israel là không chỉ là đồng minh lớn nhất của Mỹ trong khu vực.
Mối quan hệ Mỹ và Israel còn có tính sinh tồn khi hai quốc gia có sự gắn bó chặt chẽ với nhau trong quá trình hình thành và phát triển. Sự tồn tại của đất nước Israel cho đến ngày hôm nay phần lớn là nhờ sự “bảo vệ” của nước Mỹ. Sức ảnh hưởng tại Trung Đông mà nước Mỹ có được trong suốt 70 năm qua cũng là nhờ có một đồng minh đặc biệt như Israel tồn tại giữa khu vực đầy bất ổn này. Trong bối cảnh những đồng minh lớn khác như Arab Saudi hay thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xa rời Mỹ thì vị trí của Israel càng trở nên quan trọng. Nước Mỹ không thể bỏ mặc Israel bất chấp chuyện gì xảy ra. Đó là lý do ngay sau khi thông tin về những cuộc tấn công của Hamas vào Israel được công bố, hàng chục tàu chiến của Mỹ lập tức được điều đến khu vực cùng những kế hoạch hỗ trợ hậu cần, kỹ thuật lớn. Nước Mỹ cần đứng lên “bảo vệ” đồng minh, hay có thể nói là “người em” của mình.
Nhưng, “bảo vệ” không có nghĩa là “bảo ban” được. Cuộc chiến với Hamas khi đã kéo dài gần 4 tháng thì thế cuộc đã xoay chiều. Từ vị thế là bên bị tấn công, Israel đã phản công và còn tấn công mạnh mẽ vào sâu lãnh thổ của Hamas. Những cuộc “truy quét” Hamas sâu trong lãnh thổ Gaza đi kèm những thiệt hại nặng nề về thường dân của quân đội Israel gây ra đã và đang gây phẫn nộ lớn đối với cộng đồng thế giới. Hình ảnh, những con số thống kê về những tòa nhà bị đổ sập, những người dân bị bắn chết hay cả những phong tỏa ở trại tị nạn và bệnh viện biến hành động tự vệ của Israel trở thành một cuộc tấn công đẫm máu. Nó không chỉ kích phát lòng hận thù từ phía cộng đồng Hồi giáo xung quanh mà còn khiến cho thế giới phẫn nộ. Ngay cả các quốc gia đồng minh NATO của Mỹ như Pháp, Đức cũng công khai phản đối Israel. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn gọi những cuộc tấn công của Israel vào Gaza là “hành động diệt chủng”.
Các nước lớn trong khu vực như Ai Cập, Arab Saudi không chỉ phản đối mà còn muốn Mỹ công khai rút viện trợ cho Israel. Đây là luồng sức ép lớn nhất dành cho chính quyền Washington trong nhiều năm qua. Chính Mỹ cũng đã nhiều lần kêu gọi Israel ngừng bắn để giải quyết vấn đề nhân đạo. Nhưng, phản ứng của Israel thì hoàn toàn ngược lại. Những hành động “đi quá giới hạn” của quân đội Israel lại như một gáo nước lạnh vào nước Mỹ. Tình hình Trung Đông đang ngày một phức tạp.
Ngay sau chuyến đi thứ 4 kéo dài 1 tuần của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Đông từ ngày 4 đến 11/1 vừa qua là hành động Mỹ đáp trả Houthi, làm căng thẳng thêm bùng phát ở khu vực. Mỹ tấn công Houthi cũng là một cách để giảm áp lực từ lực lượng này lên Israel. Nhưng, những nỗ lực ngoại giao lôi kéo các nước trong khu vực vào giải quyết vấn đề ở Gaza đều sẽ không có kết quả nếu chính Israel không muốn dừng lại. Điều mà chính quyền Israel đã hoàn toàn phủ nhận.
Sau cuộc điện đàm mới nhất giữa Tổng thống Mỹ Biden với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 19/1 vừa qua, trong khi ông Biden tuyên bố việc thành lập một nhà nước độc lập cho người Palestine không phải là “bất khả thi” thì Thủ tướng Israel lại công khai phủ nhận ý kiến này.
Ông Netanyahu nhấn mạnh: "Tôi sẽ không thỏa hiệp về quyền kiểm soát an ninh hoàn toàn của Israel đối với toàn bộ khu vực phía Tây Jordan và điều này trái ngược với một nhà nước Palestine", đồng thời khẳng định ông đã “làm việc 30 năm” để chống lại ý tưởng này trong một bài viết trên tài khoản mạng xã hội X của mình hôm 20/1.
Cho dù phát biểu của ông Biden có tính “ngoại giao” nhưng việc ông Netanyahu công khai phủ nhận những thông tin từ cuộc nói chuyện trước đó giữa hai lãnh đạo nhà nước là một hành động khiến cho ông Biden “mất mặt”. Điều này cũng cho thấy, Israel từ góc độ của mình đã không còn ưu tiên giải quyết các vấn đề của Mỹ nữa. Một lần nữa, uy tín của nước Mỹ lại bị thách thức cùng những mối lo cứ lớn dần lên.