Thế lực nào đứng sau cuộc tấn công Aleppo?

Thứ Bảy, 07/12/2024, 10:14

Cuộc tấn công thần tốc của liên minh phiến quân hỗn hợp đánh chiếm phần lớn thành phố Aleppo và các khu vực xung quanh trong hơn tuần qua đã khơi lại một đám cháy và làm cho lò lửa chiến tranh khu vực Trung Đông càng nóng thêm.

Quân đội Chính phủ Syria với sự yểm trợ của không quân Nga đã mở chiến dịch không kích nhằm khôi phục lại trật tự tại khu vực này. Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc có bàn tay của “thế lực bên ngoài” nhằm kích động leo thang xung đột ở Syria.

3_turkish and iran foreign ministers talks.jpg -1
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi họp báo sau hội đàm ngày 2/12.

Ngay sau khi bất ngờ đánh chiếm thành phố Aleppo, lực lượng phiến quân của nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã nhanh chóng tiến quân sang tỉnh Hama, miền Trung Syria. Ngày 4/12, lực lượng này đã tham gia các cuộc đối đầu dữ dội với lực lượng quân đội Chính phủ Syria cách Aleppo 80 km bên ngoài thủ phủ Hama. Thành phố này nằm trên một con đường quan trọng nối Aleppo ở phía Bắc với các địa điểm trung tâm chính như thành phố Homs, các cảng ven biển Latakia, Tartus và Damascus ở phía Nam.

Hama là thành trì của phe đối lập chống chính quyền Tổng thống Assad khi các cuộc biểu tình Mùa xuân Arab nổ ra vào năm 2011. Để chống lại lực lượng quân đội và an ninh của Chính phủ Syria, phe đối lập đã tự trang bị vũ khí, dẫn đến một cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm.

Kể từ khi chiếm lại Aleppo vào năm 2016, Tổng thống Assad đã giành lại quyền kiểm soát chặt chẽ đối với đất nước, mặc dù ông chưa bao giờ kiểm soát toàn bộ biên giới của Syria. Cuộc tiến quân bất ngờ của phe nổi dậy ở Aleppo là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quyền kiểm soát trong nhiều năm qua của ông Assad.

Giới quan sát đã tỏ ra ngạc nhiên và đặt câu hỏi “Vì sao? Bằng cách nào?” phiến quân HTS tiến công và kiểm soát Aleppo một cách dễ dàng chỉ trong 3 ngày? Tình hình nhạy cảm đã khiến chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức lên tiếng “phân bua” rằng mình không có dính líu gì đến cuộc tiến quân của liên minh do nhóm HTS dẫn đầu. Giới phân tích cho rằng, các nhóm phiến quân đã liên minh lại với nhau và chớp lấy cơ hội nhân lúc Moscow đang bận tập trung lực lượng cho cuộc chiến tại Ukraine, đồng thời quân đội Syria sau thời gian dài khá “yên tĩnh” kể từ sau lệnh ngừng bắn năm 2016 cũng mất tập trung, thiếu cảnh giác.

Cũng có dư luận trong khu vực và trên thế giới về việc “có bàn tay từ bên ngoài” can thiệp vào Syria, trong khi một trong những nhóm chính tham gia cuộc tiến công đánh chiếm Aleppo là Syrian National Army (SNA) trong đó bao gồm Quân đội Syria Tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nhằm chống lại nhóm Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd ở Đông Bắc Syria. FSA đã giành được quyền kiểm soát thành phố Tal Rifaat và các thị trấn Ain Daqna và Sheikh Issa ở phía Bắc tỉnh Aleppo. Lực lượng này cũng tuyên bố đã chiếm được các làng Shaaleh và Nairabiyyeh ở vùng nông thôn phía Bắc Aleppo.

Syria hiện tại đã bị “chia năm sẻ bảy”, với chính phủ ở Damascus nắm quyền kiểm soát khoảng 60% đất nước, lực lượng dân quân người Kurd SDF kiểm soát khu vực rộng lớn ở Đông Bắc, kế tiếp là lực lượng HTS và FSA kiểm soát khu vực Idlib và Aleppo, SNA và các nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở cực Bắc Syria, rồi đến các lực lượng do Mỹ hỗ trợ, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Nam,...

Moscow cũng đã lên án “các thế lực bên ngoài” tìm cách leo thang bạo lực ở Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng các “thế lực bên ngoài” đã kích động cuộc tấn công nổi dậy của các chiến binh Hồi giáo do HTS dẫn đầu. Bà Zakharova nhấn mạnh sự ủng hộ của Moscow đối với một cuộc phản công của Damascus.

1_image008.jpg -0
Khói bốc lên từ vụ không kích của quân đội chính phủ Syria, ngày 2/12.

Trong khi đó, tại cuộc họp khẩn cấp giữa Bộ trưởng Ngoại giao 2 nước Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/12, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho rằng cuộc khủng hoảng ở Syria là kết quả của việc Tổng thống Assad từ chối tham gia đối thoại chính trị với phe đối lập, chứ không có sự can thiệp nào từ bên ngoài. Ông Fidan phát biểu tại cuộc họp báo chung: “Sẽ là sai lầm khi giải thích những diễn biến gần đây ở Syria bằng sự can thiệp của nước ngoài. Những diễn biến mới nhất cho thấy Damascus cần phải hòa giải với phe đối lập hợp pháp”.

Trong các cuộc gọi với các nhà lãnh đạo khu vực, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã nói rằng Syria sẽ tiếp tục “bảo vệ sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của mình trước mọi kẻ khủng bố và những người ủng hộ chúng”. Ông Assad cho biết, “với sự giúp đỡ của các đồng minh và bạn bè, Syria có khả năng đánh bại và tiêu diệt chúng, bất kể các cuộc tấn công khủng bố của chúng dữ dội đến mức nào”. Tổng thống Syria, Bashar al-Assad đã dựa rất nhiều vào sự hỗ trợ từ Moscow và Tehran cũng như các lực lượng dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn để giữ quyền kiểm soát đất nước.

Bộ Quốc phòng Syria cho biết lực lượng tăng viện lớn đã được điều đến thành phố Hama để tăng cường quân đội trên tiền tuyến, trong khi phiến quân tuyên bố kiểm soát ngày càng nhiều thị trấn ở vùng nông thôn Hama, phía Tây Bắc thành phố khi một mặt trận thứ hai được đẩy nhanh về phía trung tâm Hama. Với sự hỗ trợ của không quân Nga, quân đội Chính phủ Syria cũng đã tăng cường hoạt động không kích nhắm vào các thành phố Aleppo và khu vực Idlib nhằm khống chế, đẩy lùi đà tiến quân của lực lượng HTS.

Giao tranh cũng tiếp diễn ở miền Đông Syria, nơi các lực lượng trung thành với Damascus được Iran và các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đang chiến đấu với các lực lượng dân quân nổi dậy đa số là người Arab từ thành phố Deir Ezzour. Lầu Năm Góc cho biết họ đã phá hủy các bệ phóng tên lửa, một xe tăng và súng cối tạo ra “mối đe dọa rõ ràng và sắp xảy ra” đối với các lực lượng Mỹ và lực lượng hỗ trợ gần sông Euphrates; đây là cuộc tấn công phủ đầu thứ hai trong khu vực trong vòng chưa đầy một tuần.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov dự kiến sẽ gặp những người đồng cấp từ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar trong những ngày tới để tham vấn khẩn cấp về Syria. Ankara đã hỗ trợ các nhóm phiến quân ở Tây Bắc Syria, trong khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc điện đàm rằng Damascus nên tham gia vào các cuộc tham vấn chính trị để chấm dứt nội chiến.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.