Thỏa thuận hạt nhân Iran: Bây giờ hoặc không bao giờ

Thứ Năm, 07/07/2022, 16:32

Bất chấp lập trường cứng rắn của Mỹ về vũ khí hạt nhân Iran, Washington có thể buộc phải đưa ra một số nhượng bộ mới trong tương lai gần, vì thời gian không ủng hộ nước Mỹ. Chính quyền cựu Tổng thống Doanld Trump đã đánh giá thấp khả năng của Iran trong việc chống lại chiến dịch “gây sức ép tối đa” của Mỹ. Vậy Washington có thể nhượng bộ Tehran như thế nào để Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) thêm một cơ hội nữa?

Thế khó của người Mỹ

Theo đó, ông Donald Trump đã đặt cược vào áp lực tài chính đối với Tehran, tin rằng thiệt hại kinh tế sẽ buộc nước này phải thỏa hiệp. Ngoài ra, rất có thể Washington cũng hy vọng rằng nếu Tehran từ chối nhượng bộ, người dân Iran sẽ tiến hành một cuộc đảo chính trong nước hoặc ít nhất là buộc chính phủ hiện tại phải đồng ý tuân thủ một số yêu cầu chính của Mỹ để đổi lấy việc được nới lỏng chế độ trừng phạt - mặc dù Washington đã tuyên bố rằng không tìm kiếm sự thay đổi quyền lực bằng vũ lực tại nước này.

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Bây giờ hoặc không bao giờ -0
Dầu mỏ từ Iran có khả năng đáp ứng nhu cầu của các quốc gia châu Âu.

Tuy nhiên, có vẻ như kỳ vọng của Washington là quá hấp tấp, hoàn toàn tách rời khỏi thực tế xã hội và hệ thống nhà nước Iran. Tehran đã cho thấy rằng họ không chỉ có khả năng kiềm chế bất ổn nội bộ mà còn có khả năng duy trì hoạt động ổn định của nhà nước trước áp lực trừng phạt nặng nề. Do đó, Mỹ không bao giờ thành công trong việc đè bẹp Iran bằng chiến dịch trừng phạt mà không có một kế hoạch dự phòng thực chất trong trường hợp áp lực kinh tế của họ thất bại.

Washington đang ở thế khó. Mỹ không còn trông mong chiến dịch gây sức ép trừng phạt sẽ có thể buộc Tehran nhượng bộ, nhưng đồng thời việc sử dụng sức mạnh quân sự để buộc Iran tuân thủ các yêu cầu cũng không được Nhà Trắng coi là một phương án có thể chấp nhận được để giải quyết vấn đề Iran. Đồng thời, phía Iran cũng không ngồi yên, tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, gia tăng sức nặng trong các cuộc đàm phán tại Vienna và tích lũy ngày càng nhiều vật liệu phóng xạ. Mỹ vẫn từ chối chấp nhận thực tế này và tiếp tục khăng khăng rằng Iran phải đồng ý với một số yêu cầu của họ. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, Tổng thống Joe Biden sẽ phải thừa nhận rằng thời gian không đứng về phía ông và những biến cố địa chính trị trên thế giới hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi để Iran kháng cự thành công trước sức ép của Mỹ.

Khủng hoảng chồng khủng hoảng

Triển vọng đàm phán lại JCPOA phần lớn phụ thuộc vào các chi tiết cụ thể của việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Đông Âu, mà có thể có cả tác động tích cực và tiêu cực đến quá trình đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới. Đối với Washington, cuộc xung đột Ukraine đã trở thành một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại, buộc họ phải tạm thời xếp Tehran và Bắc Kinh vào danh sách những mối đe dọa ít cấp bách hơn.

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Bây giờ hoặc không bao giờ -0
Nới lỏng trừng phạt sẽ mở ra cơ hội xuất, nhập khẩu tài nguyên dầu khí của Tehran.

Tuy nhiên, chiến lược của Washington chủ yếu dựa vào việc giảm thiểu khối lượng năng lượng mà Nga có thể xuất khẩu, song song với đó là hạ giá dầu, vốn trong vài tháng gần đây đã vượt qua mức 110 USD/thùng, nên trong trường hợp JCPOA được đàm phán lại, việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt sẽ một lần nữa mở ra cơ hội xuất nhập khẩu tài nguyên dầu khí của Tehran. Trong trường hợp này, ngay cả nếu Moscow duy trì được khối lượng xuất khẩu thì cũng sẽ không thể nhận được khoản lợi nhuận tương tự do sự điều chỉnh giá trên thị trường toàn cầu. Tất nhiên, không nên mong đợi dầu của Iran nhanh chóng xuất hiện trên thị trường quốc tế. Ngay cả khi thỏa thuận hạt nhân mới được ký kết trong tương lai gần thì Iran vẫn sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục các mối liên kết logistics và vận chuyển tài nguyên đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường thường phản ứng khá nhanh với những sự kiện như vậy và giá cả có thể thay đổi trước khi nguồn cung thực sự trở lại thị trường.

Hơn nữa, trữ lượng dầu và khí đốt đáng kể của Tehran có thể trở thành giải pháp thay thế có thể chấp nhận được đối với các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), vốn đang ngày càng hoài nghi về tính đúng đắn khi nhập khẩu tài nguyên của Nga và đang tích cực xem xét các lựa chọn hợp tác với các nhà cung cấp khác.

Iran có khả năng đáp ứng nhu cầu về nguồn cung năng lượng mới của các quốc gia châu Âu, bởi nước này cũng đang rất quan tâm đến việc ký kết các thỏa thuận mới về cung cấp năng lượng. Trước khi Mỹ bắt đầu chiến dịch “gây sức ép tối đa” với Iran, các đối tác thương mại của Iran bao gồm cả các quốc gia thành viên EU và các quốc gia ở Trung Đông, nhiều trong số đó đã sẵn sàng nối lại nhập khẩu dầu và khí đốt từ các nguồn dự trữ của Iran ngay lập tức. Để khôi phục quan hệ thương mại với Iran, họ chỉ cần đợi Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, vốn vẫn đang cấm hầu hết mọi giao dịch với Tehran. Dần dần, điều này có thể giảm thiểu thiệt hại nảy sinh do Nga ngừng cung cấp một phần năng lượng cho các nước EU, cũng như giảm bớt sự phụ thuộc của các nước EU vào thương mại với Nga.

Tránh một cuộc xung đột vũ trang

Xung đột ở Ukraine đã hạn chế đáng kể các lựa chọn của Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Iran. Trong trường hợp không thể đạt được một giải pháp thỏa hiệp, Iran có thể sẽ dành toàn bộ lực lượng của mình để sản xuất vũ khí hạt nhân. Đối với Washington, một quyết định như vậy sẽ đẩy họ vào ngõ cụt, vì họ sẽ phải lựa chọn giữa việc cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc tiến hành các hoạt động quân sự quy mô toàn diện để loại bỏ chương trình hạt nhân của nước này.

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Bây giờ hoặc không bao giờ -0
Vòng đàm phán thứ 8 về thỏa thuận hạt nhân Iran diễn ra tại Vienna, Áo.

Khó có thể tiến hành một hoạt động quân sự hạn chế nhằm vào các cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran, vì việc phá hủy tiềm năng hạt nhân của nước này sẽ đòi hỏi phải phát động một cuộc chiến toàn diện bằng tên lửa đạn đạo và không quân. Trong trường hợp như vậy, phản ứng của Tehran nhiều khả năng sẽ không chỉ giới hạn ở các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ, mà sẽ nhanh chóng mở rộng thành các cuộc đụng độ trực tiếp với các đồng minh của Mỹ trong khu vực và các hành động thù địch có nguy cơ lan rộng sang phần lớn Trung Đông.

Một cuộc xung đột như vậy sẽ không chỉ gây tốn kém rất lớn cho tất cả các bên tham gia, mà còn có nhiều khả năng trở thành ngòi nổ cho một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới. Washington nhận thức rõ chính xác những hậu quả mà hành động gây hấn nhằm vào Tehran có thể gây ra cho toàn thế giới và nhiều khả năng không coi tấn công quân sự là một chiến thuật có thể chấp nhận được trong cuộc chiến chống lại Iran, ngay cả khi nước này sắp có thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, cuộc xung đột hiện nay ở Đông Âu và sự can dự của Mỹ trong đó chỉ làm phức tạp thêm tình hình, khiến Washington không muốn can dự vào những cuộc xung đột tốn kém khác.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, Mỹ có nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở Trung Đông. Israel luôn coi việc Tehran nắm giữ vũ khí hạt nhân là mối đe dọa trực tiếp đối với sự tồn tại của nước này và nếu chương trình hạt nhân của Tehran tiếp tục phát triển thì Israel có thể sử dụng vũ lực phá hoại cơ sở hạ tầng của Iran. Điều này sẽ buộc Tehran phải có các hành động trả đũa mà nhiều khả năng sẽ khởi đầu một cuộc xung đột quân sự công khai giữa hai quốc gia và Mỹ sẽ phải trở thành một phần của cuộc xung đột, dưới hình thức này hay hình thức khác. Tuy nhiên, một kịch bản như vậy hiện ít có khả năng xảy ra hơn nhiều so với trong quá khứ. Israel không còn duy trì quan điểm cấp tiến như trước trong chính sách đối ngoại của mình và khó có khả năng sử dụng giải pháp quân sự cho vấn đề hạt nhân Iran.

Ngoài ra, thái độ của Tổng thống Mỹ hiện tại đối với Israel với tư cách là một trong những đồng minh quan trọng nhất cũng đã thay đổi. Ông Joe Biden cho thấy sẽ không sẵn sàng hỗ trợ Tel Aviv trong bất cứ cuộc phiêu lưu quân sự nào, đặc biệt là những động thái có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột quy mô lớn hơn. Điều này được Tel Aviv hiểu rõ và do đó Israel hầu như không coi chiến tranh là một chiến lược có thể chấp nhận được liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.

Vấn đề nội tại

Đối với Washington, vẫn còn một vấn đề khác - đó là nguy cơ cá nhân Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ Mỹ nói chung mất đi uy tín trong trường hợp JCPOA thất bại hoàn toàn.  Mặc dù thực tế là chính quyền ông Donald Trump trước đây đóng vai trò lớn trong việc phá hoại thỏa thuận hạt nhân này, nhưng đảng Dân chủ đang chịu trách nhiệm hồi sinh nó. Vì vậy, trong chiến dịch tranh cử, ông Joe Biden đã đưa ra lời lứa khôi phục JCPOA, điều mà trong điều kiện hiện nay khó thực hiện hơn trước kia. Hơn nữa, trong trường hợp xảy ra bất cứ sự thù địch nao giữa Mỹ và Iran, trách nhiệm trong mắt cử tri sẽ thuộc về ông Joe Biden và chính quyền hiện tại vì đã không thể tìm ra giải pháp thỏa hiệp cho vấn đề hạt nhân.

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Bây giờ hoặc không bao giờ -0
Đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố là một đòi hỏi của Iran.

Chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống Mỹ đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ các cử tri và mức độ chỉ trích nhiều khả năng sẽ ngày càng tăng lên sau những sự kiện gần đây liên quan đến cuộc xung đột Ukraine. Việc tái đàm phán thành công JCPOA chắc chắn sẽ được tuyên truyền đến công chúng Mỹ như một thành công lớn của những nỗ lực ngoại giao của chính quyền ông Joe Biden, ngăn chặn sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Trung Đông. Việc không đạt được thỏa hiệp về vấn đề này có thể làm suy yếu đáng kể cơ hội giành chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11-2022 và cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024. Do đó, việc duy trì JCPOA là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với Tổng thống Joe Biden và để giải quyết vấn đề này thì ông buộc phải nhượng bộ.

Đưa Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố hay thừa nhận sự trả thù vụ ám sát tướng lĩnh cấp cao Qasem Soleimani được coi là những nhượng bộ có thể. Tuy nhiên, cả trong con mắt của nhiều nghị sĩ và một phần đáng kể cử tri Mỹ, những nhượng bộ như vậy sẽ bị coi là dấu hiệu của sự yếu kém của Nhà Trắng. Tổng thống Joe Biden tỏ ra vẫn chưa sẵn sàng đưa ra bước nhượng bộ này, và có vẻ như vẫn hy vọng Tehran “tỉnh táo lại” để rút lại một số yêu cầu của mình. Tuy nhiên, bất cứ sự chậm trễ nào trong tình hình này đều có thể dẫn tới những hậu quả không thể khắc phục được đối với cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới. Rõ ràng, Washington cho rằng Iran không thực sự tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, mà đang sử dụng chương trình hạt nhân của mình như một con bài thương lượng để có được càng nhiều sự nhượng bộ từ Mỹ càng tốt. Và, điều này dù đúng thì thế giới cũng khó chấp nhận rủi ro đó.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.