Thỏa thuận lịch sử Israel – Lebanon
Ngày 11/10, Israel và Lebanon đã đạt được thỏa thuận mang tính lịch sử về biên giới trên biển giữa hai nước. Thỏa thuận do Mỹ làm trung gian này sẽ giúp củng cố an ninh của Israel, đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho cả Israel và Lebanon, cũng như dập tắt được ngọn lửa chiến tranh giữa hai nước.
Thủ tướng Israel Yair Lapid cùng ngày cho biết: “Đây là thành tựu lịch sử giúp củng cố an ninh của Israel, đem đến hàng tỷ USD cho nền kinh tế, cũng như đảm bảo ổn định cho vùng biên giới phía Bắc của Israel”.
Chỉ sau đó một ngày, nội các Israel đã bỏ phiếu thông qua các nguyên tắc của thỏa thuận phân định biên giới biển này. Thủ tướng Yair Lapid đã đề nghị chuyển thỏa thuận này tới Quốc hội Israel để xem xét.
Trong cuộc họp của Chính phủ Israel, các cơ quan chuyên môn đã trình bày những nguyên tắc của thỏa thuận và hiệu quả củng cố an ninh quốc gia, cũng như ổn định khu vực.
Ngày 12/10 thỏa thuận và các văn bản giải trình được gửi tới Quốc hội Israel và cơ quan này chính thức nghiên cứu, thảo luận. Quốc hội Israel không bỏ phiếu về thỏa thuận, mà thay vào đó sẽ chuyển lại văn kiện sau 14 ngày để chính phủ xem xét thông qua.
Đề xuất do nhà trung gian hòa giải Mỹ Amos Hochstein nêu ra nhằm giải quyết các tranh chấp liên quan đến các mỏ khí đốt ngoài khơi hai nước.
Ở thủ đô Beirut, ông Michel Aoun, Tổng thống Lebanon cũng cho biết, phiên bản chính thức của thỏa thuận mang tính “thỏa đáng” đối với Lebanon. Ông nói thêm: “Thỏa thuận đáp ứng được các yêu cầu của Lebanon về việc bảo vệ thực quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình”. Đồng thời, ông hy vọng rằng thỏa thuận sẽ được “công bố càng sớm càng tốt”.
Lebanon và Israel không có quan hệ ngoại giao. Hoạt động tuần tra khu vực biên giới giữa hai bên hiện do lực lượng của Liên hợp quốc đảm nhiệm.
Biên giới trên biển phía Bắc mà Israel tuyên bố chủ quyền chồng lên biên giới phía Nam của Lebanon, gây ra tranh chấp giữa hai nước. Năm 2020, Israel và Lebanon đã nối lại tiến trình đàm phán với vai trò trung gian của Mỹ và Liên hợp quốc, song những cuộc đàm phán đã nhanh chóng lâm vào bế tắc liên quan đến vùng biển giàu tài nguyên nằm trong khu vực tranh chấp. Khu vực tranh chấp giữa 2 quốc gia bao gồm mỏ dầu khí Karish và khu vực thăm dò Qanaa, dự kiến được chia phần cho Israel và Lebanon theo thỏa thuận. Phía Lebanon luôn nhấn mạnh mục tiêu của những cuộc đàm phán là bảo vệ các quyền lợi của nước này. Trong khi đó, Israel cũng có những nhượng bộ để thúc đẩy đàm phán.
Chỉ cách đây vài ngày, Israel tuyên bố sẵn sàng chiến tranh với Lebanon khi các cuộc đàm phán phân định biên giới trên biển đi vào ngõ cụt. Đầu tháng 6, một con tàu thuộc sở hữu của công ty khí đốt Energean đã đến mỏ Karish ở phía Đông Địa Trung Hải để sản xuất khí đốt tự nhiên cho Israel. Tổng thống Lebanon đã lên án động thái này, đồng thời cảnh báo Tel Aviv không nên thực hiện bất kỳ “hành động gây hấn” nào nữa. Beirut coi Karish và Qana là những yếu tố quan trọng để vực dậy nền kinh tế đang sụp đổ của mình.
Một số chuyên gia của Liên hợp quốc đưa ra tỷ lệ người Lebanon sống trong cảnh nghèo đói vào khoảng 80%, cùng với tình trạng mất điện suốt ngày đêm, tội phạm gia tăng và bất ổn dân sự. Quyền khai thác một mỏ dầu khí trị giá hàng tỷ USD có thể là vấn đề sinh tử đối với Lebanon - nhưng không phải đối với Israel, đất nước có sự ổn định kinh tế hơn nhiều.
Lebanon khẳng định, dựa trên các lập luận pháp lý đưa ra trong các cuộc đàm phán trước đó thì toàn bộ khu vực được coi là “vùng biển tranh chấp”. Tuy nhiên, Israel vẫn cho rằng toàn bộ mỏ Karish và phần lớn mỏ Qana đều nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Đảng chính trị và quân sự của Lebanon là Hezbollah, tổ chức tuyên bố có 100.000 quân sẵn sàng chiến đấu, sau đó đã tham gia tranh cãi, thề bảo vệ các quyền về dầu và khí đốt của Lebanon.
Lãnh đạo Hezbollah Seyyed Hassan Nasrallah tuyên bố rằng nếu không đạt được thỏa thuận biên giới trên biển và Lebanon không thể đảm bảo các quyền của mình thì hành động quân sự sẽ được thực hiện. Ranh giới đỏ của Hezbollah là việc Israel khai thác mỏ Karish trước khi bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết.
Nếu điều này xảy ra, nhóm vũ trang Lebanon đe dọa tấn công không chỉ cơ sở hạ tầng của Tel Aviv tại vị trí tranh chấp, mà còn mọi cơ sở dầu khí khác của Israel ở Địa Trung Hải. Israel kể từ đó cũng đáp trả bằng những lời đe dọa, như xóa sổ toàn bộ vùng ngoại ô đông dân cư Beirut, nơi đóng vai trò là thành trì của Hezbollah và gần đây Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz nói Lebanon sẽ “phải trả giá đắt” cho bất kỳ hành động quân sự nào của Hezbollah.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là tranh chấp giữa Beirut và Tel Aviv mà nằm ở tác động mạnh trong chính trường cả hai nước, đặc biệt là Israel khi nước này đang tiến tới vòng tổng tuyển cử mới. Thông báo này được đưa ra 20 ngày trước thời hạn mãn nhiệm của Tổng thống Lebanon Michel Aoun.
Phe cực hữu ở Israel do cựu Thủ tướng Netanyahu đứng đầu cho rằng Thủ tướng Lapid đã từ bỏ lãnh thổ thuộc về Israel. Israel sẽ bước vào một vòng tổng tuyển cử mới vào tháng 11 tới và việc phân định biên giới trên biển gần đây đã được sử dụng nhằm chống lại giới lãnh đạo hiện tại của Israel, khiến các bộ trưởng phải hành động để cứu vãn thể diện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11/10 đã chúc mừng Lebanon và Israel sau khi công bố thỏa thuận phân định biên giới trên biển giữa hai nước.
“Điều cần thiết là tất cả các bên phải giữ cam kết và làm việc để đưa thỏa thuận vào thực tế”, ông Biden thúc giục, đồng thời cho biết ông đã nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Israel và người đồng cấp Lebanon.
Tổng thống Mỹ cũng gửi lời cảm ơn đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong thông cáo báo chí vì “sự ủng hộ của ông trong các cuộc đàm phán”. Thỏa thuận “sẽ cho phép phát triển các mỏ năng lượng vì lợi ích của cả hai nước”, Tổng thống Mỹ nói và chỉ ra rằng thỏa thuận này “bảo vệ an ninh và lợi ích kinh tế của Israel” và cho phép “Lebanon bắt đầu khai thác các nguồn năng lượng của riêng mình”.
“Lebanon đã có được tất cả các quyền của mình” trong dự thảo cuối cùng của thỏa thuận phân định biên giới trên biển với Israel, một trong những nhà đàm phán chính của Lebanon, công bố với báo chí.
“Hôm nay chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận làm hài lòng cả hai bên. Lebanon đã có được tất cả các quyền của mình và tất cả các nhận xét của chúng tôi đã được tính đến”, Elias Bou Saab, Phó Chủ tịch Quốc hội Lebanon cho biết. Ông bày tỏ hy vọng thỏa thuận phân định biên giới trên biển sẽ được ký kết trước khi kết thúc nhiệm vụ của Tổng thống Michel Aoun, hết hạn vào ngày 31/10.