Thỏa thuận thương mại EU – Mercosur

Thứ Hai, 16/12/2024, 10:00

Các cuộc đàm phán FTA giữa EU và Mercosur đã diễn ra kể từ năm 1999. Việc thực hiện bản dự thảo thỏa thuận, được ký năm 2019, bị đình trệ liên tục và thậm chí đã có lúc người ta nghi ngờ về tương lai của hiệp định này sau khi Tổng thống Argentina Javier Milei đắc cử trong bối cảnh một số quốc gia thành viên EU phản đối.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Tổng thống Brazil Luiz Inacio “Lula” da Silva và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cuối cùng cũng đã hoàn tất.

Cản trở

Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay thành lập Mercosur năm 1991 thông qua Hiệp ước Asuncion, với mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do và lưu thông hàng hóa, con người và vốn giữa các quốc gia thành viên. Sáng kiến này được đưa ra sau các quá trình tái dân chủ hóa ở Nam Mỹ và được coi là cách để tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị trong khu vực. Năm 2024, Thượng viện Bolivia bỏ phiếu thông qua nghị định thư để quốc gia này trở thành thành viên (Venezuela cũng là thành viên chính thức, nhưng đã bị đình chỉ kể từ tháng 12/2016).

Thỏa thuận thương mại EU – Mercosur -0
Chủ tịch EC và lãnh đạo các nước thành viên Mercosur trong buổi họp báo tại thủ đô Montevideo, Uruguay.

Trong suốt những năm 1990 và đầu những năm 2000, Mercosur đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm thuế quan và thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, các nỗ lực khác nhằm hội nhập khu vực, chẳng hạn như đồng tiền chung, đã bị đình trệ hoặc không đạt được mục tiêu, và các quốc gia thành viên thường có tầm nhìn xung đột về vai trò của khối. Hơn nữa, mặc dù Mercosur đã ký nhiều hiệp định thương mại với các quốc gia như Ai Cập, Ấn Độ và Israel, nhưng họ vẫn chưa đạt được thỏa thuận tự do thương mại với các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và EU.

Một loạt vấn đề cản trở Mercosur hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng của mình với tư cách là dự án hội nhập kinh tế khu vực. Những vấn đề này bao gồm sự bất cân xứng về kinh tế giữa các quốc gia thành viên - Brazil và Argentina chiếm gần 95% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 92% dân số của khối. Ngoài ra, xu hướng bảo hộ mâu thuẫn với các nguyên tắc thương mại tự do của khối và hạn chế hội nhập thị trường nội bộ thường chiếm ưu thế, cũng như bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế tại các quốc gia thành viên.

Nhiều vấn đề hội nhập khu vực cũng bị cản trở do thương mại nội khối thấp, các quy định phức tạp và đôi khi xung đột giữa các nước thành viên, việc thực thi yếu kém các quyết định và thỏa thuận của khối, liên kết giao thông kém giữa các quốc gia thành viên và tiến triển hạn chế về dịch vụ và đầu tư. Việc chính trị hóa và những thay đổi về ý thức hệ trong giới lãnh đạo các quốc gia thành viên cũng ảnh hưởng đến sự gắn kết và hiệu quả của tổ chức này.

Đi tìm tiếng nói chung

Các cuộc đàm phán FTA giữa Mercosur và EU bắt đầu vào năm 1999, là một trong những cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử gần đây. Mục tiêu là tạo ra một hiệp định thương mại tự do toàn diện, không chỉ bao gồm hàng hóa và dịch vụ, mà còn cả đầu tư, mua sắm công và quyền sở hữu trí tuệ. Cả hai bên đều thấy những lợi ích tiềm tàng. Đối với Mercosur là tăng cường khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng lớn và công nghệ tiên tiến của EU, còn đối với EU là mở rộng cơ hội tại các nền kinh tế đang phát triển Nam Mỹ. Ở các nước Mercosur, một FTA với EU có thể mang lại lợi ích kinh tế hữu hình và khuyến khích hội nhập kinh tế và chính trị hơn nữa, củng cố vị thế của Mỹ Latinh trong các vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã gặp khó khăn do sự phản đối của nông dân châu Âu vốn lo ngại với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Mỹ Latinh, những lo ngại về môi trường, nhân quyền và lao động của EU, cũng như do các chính trị gia theo chủ nghĩa bảo hộ ở cả EU và các nước Mercosur. Ở Nam Mỹ, có những quan ngại về tác động của thỏa thuận này đối với các ngành công nghiệp địa phương và FTA này khó có thể nhận được sự ủng hộ từ những người hoài nghi thương mại tự do như Tổng thống Milei.

Trong khi đó, các quốc gia thành viên EU, đặc biệt là Pháp, Ireland, Áo và có lúc là cả Ba Lan, đều đã bày tỏ những quan ngại về tác động tiềm tàng của thỏa thuận này đối với cả nền nông nghiệp châu Âu và rừng nhiệt đới Amazon. Ví dụ, theo thỏa thuận được đề xuất, EU mở cửa thị trường của mình với hạn ngạch lên tới 90.000 tấn thịt bò mỗi năm từ các nước Mercosur, đe dọa trực tiếp các nhà sản xuất thịt bò của châu Âu. Các vấn đề về nhân quyền và tiêu chuẩn lao động cũng đóng vai trò trong những năm gần đây, như lá thư từ các tổ chức xã hội dân sự kêu gọi EU dừng các cuộc đàm phán thương mại để cải thiện tình hình nhân quyền ở Brazil.

Tất nhiên, mọi khoảng cách đều có thể được thu hẹp. Và giờ đây, khi đã được ký kết, thỏa thuận EU-Mercosur sẽ tạo ra một thị trường với hơn 750 triệu người tiêu dùng - gần 10% dân số thế giới và gần 20% GDP thế giới. Về mặt dân số, đây cũng là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà cả EU và Mercosur đạt được.

Cụ thể, FTA này xóa bỏ thuế quan đối với hơn 90% hàng xuất khẩu của Mercosur sang EU, cho phép tăng cường tiếp cận thị trường châu Âu đối với các mặt hàng nông sản của Mercosur như thịt bò, gia cầm, đường và ethanol, đồng thời mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất EU muốn tăng xuất khẩu của mình với việc cắt giảm thuế đối với ô tô, phụ tùng ô tô, hóa chất, máy móc và hàng dệt may. Thật vậy, theo EC, FTA này có thể giúp tiết kiệm 4,5 tỉ euro tiền thuế hàng năm.

Ngọc Lan
.
.