Thông điệp gửi phương Tây từ bài phát biểu của ông Medvedev

Thứ Tư, 28/12/2022, 17:15

Ngày 25/12, trong bài nói chuyện trên tờ Rossiyskaya Gazeta, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra những nhận định sắc bén về việc Mỹ và phương Tây luôn theo đuổi mục tiêu hủy diệt nước Nga, mà cụ thể thông qua việc ngày càng gia tăng hậu thuẫn cho Chính phủ Ukraine trong cuộc chiến ở miền Đông Ukraine.

Ông Medvedev đưa ra lời cảnh báo Thế chiến thứ III có thể nổ ra và khẳng định nước Nga đang nỗ lực để ngăn chặn nó.

Thông điệp gửi phương Tây từ bài phát biểu của ông Medvedev -0
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev.

Mở đầu bài nói chuyện, ông Medvedev cho rằng chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước Nga triển khai ở Ukraine “không chỉ là vấn đề bảo vệ các nước cộng hòa anh em ở Donbass, mà còn là vấn đề an ninh và chủ quyền của chính nước Nga”.

Ông tái khẳng định mục tiêu của chiến dịch quân sự, đó là: “Bảo vệ đồng bào của chúng tôi ở các vùng lãnh thổ mới, sau các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ở đó, đã trở thành một phần của Nga. Hoàn thành phi quân sự hóa nhà nước Ukraine. Đảm bảo chống xâm lược trong tương lai”.

Ông chỉ ra rằng “thế giới phương Tây đang vừa mong muốn một cách cháy bỏng muốn làm nhục, xúc phạm, chia cắt và tiêu diệt nước Nga ở mức tối đa, lại vừa mong muốn tránh được ngày tận thế hạt nhân”. Ông cảnh báo “Thế giới sẽ tiếp tục bên bờ vực của Thế chiến III và thảm họa hạt nhân. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để ngăn chặn chúng”.

Lời cảnh báo của ông Medvedev được đưa ra trong bối cảnh các loại vũ khí mà Mỹ và đồng minh cung cấp cho Ukraine sử dụng cho đến nay dù chưa thể tấn công mạnh, nhưng cũng đã giúp Ukraine kháng cự được với hàng loạt đợt tấn công của Nga, thậm chí đã giúp Ukraine chiếm lại được một số khu vực hoặc tấn công gây thiệt hại một số khí tài, cơ sở quân sự của Nga.

Tâm điểm chú ý trong những ngày vừa qua là chuyến thăm của Tổng  thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Washington hôm 21/12. Tại đó, ông đã có bài phát biểu đáng chú ý, xốc lại tinh thần người Ukraine, nhưng quan trọng hơn cả là ông đã đưa cuộc chiến Ukraine lên tầm chú ý quốc tế, nhằm mục đích thu hút sự quan tâm mạnh mẽ nhất của không chỉ giới chính khách Mỹ mà cả thế giới phương Tây. Mục tiêu cao nhất của ông Zelensky là tìm kiếm sự hỗ trợ cao nhất, nhiều nhất của Mỹ, trong đó ông mong muốn Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết chuyển giao cho Ukraine 5 loại vũ khí tối tân nhất, mạnh nhất của Mỹ để “tiêu diệt Nga”.

Kết quả của chuyến đi là Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá 1,8 tỉ USD. Hai loại khí tài quan trọng nhất trong gói hỗ trợ lần này sẽ bao gồm hệ thống tên lửa phòng không Patriot và các vũ khí có dẫn đường độ chính xác cao. Trước đây, Ukraine đã được Mỹ và đồng minh cung cấp các hệ thống chính xác bao gồm pháo Howitzers và tên lửa HIMARS. Thêm hệ thống Patriot, Mỹ đang muốn gia tăng đáng kể hỏa lực của Ukraine để kháng cự mạnh mẽ hơn, tiến tới phản công, đánh bại Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói rằng, bất kể phương Tây hỗ trợ quân sự bao nhiêu cho Chính phủ Ukraine, “họ sẽ chẳng đạt được gì”. Trong khi đó, Điện Kremlin cũng tuyên bố bất kể việc Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine, Nga sẽ bắn hạ chúng hoặc tiêu hủy chúng ngay trên mặt đất.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích gay gắt chuyến thăm Washington của ông Zelensky và cuộc gặp giữa ông với Tổng thống Mỹ Biden, cho rằng sự hậu thuẫn của Mỹ đang cho thấy nước này đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Tổng thống Ukraine tiếp tục đề nghị hỗ trợ vũ khí sẽ càng làm cho cuộc chiến kéo dài, leo thang đến mức nguy hiểm.

Trong chuyến thăm và hội đàm ở Washington, cả hai ông Biden và Zelensky không nhắc gì đến các yêu cầu đàm phán đưa ra từ phía Nga để chấm dứt chiến tranh, mà chủ yếu tô đậm cuộc chiến và bàn việc cung vấp vũ khí để tiếp tục cuộc chiến. “Hòa bình đã không được đả động đến”, ông Peskov nói.

“Nhát chém thăm dò” đã được Ukraine triển khai vào ngày 26/12, với vụ việc căn cứ không quân chiến lược Engels nằm sâu trong lãnh thổ của Nga đã bị UAV Ukraine tấn công làm chết 3 quân nhân. Trước đó, đã có vài vụ UAV Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự của Nga nhưng nằm ngoài lãnh thổ Nga hoặc trên biên giới, nhưng đây là vụ đầu tiên nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là hành động không thể chần chừ.

Những diễn biến này cho thấy tình hình đang hết sức nguy hiểm, nguy cơ Thế chiến thứ III và chiến tranh hạt nhân đang hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Nước Nga đã nhiều lần nhắc đến tình huống nước này bị buộc phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân răn đe để ngăn chặn đà lấn tới của phương Tây thông qua bàn tay trực tiếp của Ukraine. Điều này rõ ràng là lời cảnh báo nguy hiểm của sự leo thang đối đầu mà Mỹ và phương Tây dường như đang ngày càng đẩy cao hơn, chưa có dấu hiệu nào dùng lại.

Sau 10 tháng chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo tại Điện Kremlin hôm 22/12 đã một lần nữa bày tỏ mong muốn sớm chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. “Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo rằng tất cả sẽ kết thúc và tất nhiên càng sớm càng tốt”, ông nói.

An Châu (Tổng hợp)
.
.