Thông điệp nào từ chuyến đi của Ngoại trưởng Nga?

Thứ Tư, 27/07/2022, 08:07

Ngày 24-7, trong cuộc họp báo tại Cairo, Ai Cập, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Sameh Shukri, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẵn sàng nối lại đàm phán với Ukraine. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc sớm nối lại đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine còn gặp nhiều khó khăn, do hai bên còn nhiều vấn đề bất đồng và chưa chịu nhượng bộ nhau, trong khi các nước phương Tây vẫn không ngừng bơm tiền và vũ khí cho Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 24-7 đã lần lượt có các cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Sisi và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tại Cairo, trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài 5 ngày tới một loạt nước châu Phi. Ai Cập, quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arab, vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Nga và Mỹ, ngay cả sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trước chuyến thăm Ai Cập của ông Lavrov, tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom của Nga đã khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ai Cập với 4 lò phản ứng. Ai Cập cũng là một trong những nước nhập khẩu lúa mỳ nhiều nhất thế giới, trong khi Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu chính mặt hàng này. Sau Ai Cập, Ngoại trưởng Lavrov sẽ tới Ethiopia, Uganda và Congo nhằm thảo luận về một loạt vấn đề quốc tế và khu vực cũng như triển vọng hợp tác song phương giữa Nga và các nước này.

Thông điệp nào từ chuyến đi của Ngoại trưởng Nga? -0
Bộ trưởng Ngoại giao Nga và Ai Cập họp báo tại Cairo, ngày 24-7.

Trong cuộc họp báo tại Cairo, Ngoại trưởng Nga cho biết, Nga sẵn sàng nối lại đàm phán với Ukraine. Theo ông, Nga đã sẵn sàng đàm phán với Ukraine “về một loạt vấn đề”, tuy nhiên, việc nối lại tiến trình đàm phán không phụ thuộc vào phía Nga, mà phụ thuộc vào phía Ukraine. Ngoại trưởng Lavrov lưu ý rằng: “Các nhà chức trách Ukraine, từ tổng thống cho đến các quan chức cấp cao liên tục nói rằng, sẽ không có cuộc đàm phán nào cho đến khi Ukraine đánh bại Nga trên chiến trường”. Điều này cho thấy các cuộc đàm phán hòa bình phụ thuộc cục diện chiến trường.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang tháng thứ 6, với trọng tâm là khu vực Donbass. Nga đang tiến gần hơn đến các mục tiêu đặt ra trong chiến dịch quân sự, nhưng đến nay các lực lượng của nước này vẫn chưa kiểm soát được vùng trời Ukraine. Dù có sự bất đối xứng lớn về tổng thể sức mạnh không quân giữa Nga và Ukraine, song việc Moscow sử dụng sức mạnh không quân một cách khá hạn chế đang gây khó hiểu. Đối với các nhà phân tích, một trong những diễn biến đáng ngạc nhiên nhất trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến là việc lực lượng không quân Nga gặp khó khăn trong việc áp đảo hoàn toàn lực lượng không quân của Ukraine. Đánh giá này được rút ra từ các cuộc chiến tranh của Mỹ và NATO ở Iraq, Afghanistan và Libya, nơi máy bay phương Tây nhanh chóng càn quét bầu trời và tìm cách vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Dù có ưu thế vượt trội nhưng lực lượng không quân Nga vẫn gặp rất nhiều thách thức trong việc xác định và phá hủy các hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Các nhà phân tích cho rằng, việc áp đảo phòng không đối phương (SEAD) là không dễ dàng. Trên thực tế, đa số các cuộc tấn công thành công của Nga nhằm vào các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) của Ukraine là từ mặt đất chứ không phải trên không. Vấn đề mà Nga phải đối mặt là hệ thống phòng thủ kiên cố của Ukraine tại các sân bay quân sự và hoạt động dàn quân tại những khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine. Máy bay chiến đấu của Ukraine thường hoạt động trong tầm phòng ngự của các lá chắn phòng không và gần căn cứ của họ. Về phần mình, Nga vẫn chưa phát huy toàn bộ khả năng tấn công tầm xa để buộc đối phương phải giao chiến. Điều đó có nghĩa là, Ukraine dù bất lợi nhưng vẫn duy trì được phi đội máy bay để làm nhiệm vụ trong các khu vực có bảo vệ hoặc hỗ trợ các hoạt động trên bộ hay trên biển.

Khó khăn tiếp theo mà Moscow phải đối mặt là sự phát triển nhanh chóng của lực lượng phòng không Ukraine. Phương Tây đã chuyển giao cho Kiev rất nhiều hệ thống tên lửa phòng không như Stinger, tên lửa vác vai MADPADS hay hệ thống tên lửa NASAMS. Việc đưa máy bay vào tầm bắn của những tên lửa này nhằm kiểm soát không phận sẽ rất nguy hiểm.

Thông điệp nào từ chuyến đi của Ngoại trưởng Nga? -0
Tổng thống Ukraine Zelensky tiếp phái đoàn Mỹ, ngày 23-7.

Hạ nghị sĩ Adam Smith ngày 23-7 cũng dẫn đầu phái đoàn nghị sĩ Mỹ đến thăm Ukraine và gặp Tổng thống Zelensky. Sau chuyến thăm, phái đoàn ra tuyên bố rằng Mỹ cùng các đồng minh và đối tác đã ủng hộ Ukraine bằng các viện trợ kinh tế, quân sự và nhân đạo. Hồi giữa tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Washington sẽ gửi thêm 4 hệ thống rocket HIMARS cho Ukraine, nâng tổng số hệ thống đã cung cấp lên thành 16. Ukraine đã đề nghị phương Tây cung cấp 50 hệ thống rocket phóng loạt tầm xa (MLRS), gồm loại HIMARS M142 và loại M270. Ông Smith không chắc liệu Mỹ có đủ số MLRS như vậy hay không nhưng nói Mỹ và đồng minh sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều nhất có thể, mục tiêu là 25-30 hệ thống, theo trang Ukrinform. Ngày 25-7, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng quân sự nước này đã phá hủy kho vũ khí do Mỹ cung cấp cho Ukraine, bao gồm cả pháo hạng nặng.

Ngoại trưởng Lavrov hôm 20-7 tuyên bố Moscow sẽ mở rộng mục tiêu ở Ukraine, không chỉ tập trung ở khu vực miền Đông. Ông cho biết, việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine khiến Nga phải xem xét lại kế hoạch tác chiến. Nga nhiều lần chỉ trích việc phương Tây tiếp tục “bơm” vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài. Moscow cảnh báo, bất cứ lô vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine đều trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Nga. Các chuyên gia cho rằng Nga và Ukraine chưa sẵn sàng huy động toàn bộ sức mạnh không quân là do việc xây dựng một lực lượng không quân chuyên nghiệp và bài bản thường mất nhiều thời gian và sức lực, vì thế nên hai bên có lẽ không muốn đặt cược toàn bộ vào canh bạc này.

“Một chiến lược mới là cần thiết, trong đó nên tập trung vào đàm phán hòa bình và soạn thảo một đề xuất hòa bình ổn thỏa... thay vì thắng cuộc chiến này”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu hôm 23-7 khi thăm Romania. Ông Orban cho rằng quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow và cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev trên thực tế đã biến châu Âu và các nước thành viên NATO trở thành những bên tham gia cuộc xung đột. Những nỗ lực này của phương Tây cuối cùng chẳng mang lại kết quả gì. Ông cho rằng chiến lược này đã thất bại khi các chính phủ ở châu Âu “đang sụp đổ như quân cờ domino”, giá năng lượng tăng và cần xây dựng chiến lược mới. Theo ông Orban, chiến lược mới nên tập trung vào các cuộc đàm phán hòa bình thay vì chiến thắng trong xung đột. Ông Orban nói rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể chấm dứt sự thống trị của phương Tây và thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.