Thúc đẩy thỏa thuận hòa giải cho Sudan

Thứ Hai, 15/05/2023, 08:45

Vào lúc thủ đô Khartoum tiếp tục rung chuyển vì các vụ nổ, cuộc thảo luận giữa đại diện hai phe tham chiến ở Sudan tiếp tục diễn ra tại Saudi Arabia, mở đường cho các cuộc đàm phán nhằm đạt được lệnh hưu chiến và chấm dứt cuộc xung đột đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Phái đoàn đại diện cho RSF và quân đội chính quy đã bắt đầu đàm phán từ cuối tuần trước, dưới sự bảo trợ của Mỹ và Saudi Arabia, tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia. Nội dung đàm phán bao gồm việc thiết lập lệnh ngừng bắn và thiết lập viện trợ nhân đạo.

Nguy hiểm đến từ cuộc nội chiến

Căng thẳng đã gia tăng trong nhiều tháng giữa quân đội Sudan và tổ chức bán quân sự RSF. Hai bên đã cùng nhau lật đổ một chính phủ dân sự trong sự kiện đảo chính tháng 10/2021. Những xích mích này đã trở nên trầm trọng hơn, từ khi xuất hiện một kế hoạch được cộng đồng quốc tế hậu thuẫn, nhằm khởi động quá trình chuyển giao quyền lực sang cho những đảng dân chủ.

Thúc đẩy thỏa thuận hòa giải cho Sudan -0
Các phe phái ở Sudan bắt đầu thúc đẩy đàm phán với hy vọng đạt được việc thành lập một chính phủ dân sự.

Nhân vật chính của cuộc tranh giành quyền lực là tướng Abdel Fattah alBurhan - người đứng đầu quân đội và lãnh đạo hội đồng đang nắm quyền Sudan từ năm 2019. Tiếp theo là cấp phó của ông trong hội đồng: Tướng Mohamed Hamdan Dagalo - lãnh đạo của FSR, hay được biết đến với cái tên Hemedti. Khi kế hoạch chuyển giao quyền lực mới đang được vạch ra, ông Hemedti đã tiếp cận những đảng dân sự của một liên minh tên Lực lượng vì tự do và thay đổi (FFC).

Các nhà ngoại giao và giới chuyên gia phân tích cho biết, đây là một phần trong chiến lược của ông Hemedti nhằm trở thành một chính khách và đưa ông vào vị trí trung tâm quyền lực. Cả FFC và ông Hemedti - những người kiếm bộn tiền nhờ hoạt động khai thác vàng và những hoạt động kinh doanh khác, đều nhấn mạnh tính cần thiết trong việc loại bỏ những người trung thành với ông Bashir và những cựu chiến binh theo Hồi giáo. Những người trung thành với ông Bashir, cùng với một số phe nổi dậy ủng hộ quân đội, đã phản đối thỏa thuận chuyển giao quyền lực.

Cuộc nổi dậy của nhân dân đã khơi dậy hy vọng cho Sudan và 46 triệu dân thoát được khỏi bàn tay độc tài, xung đột nội bộ và cô lập kinh tế mà họ phải chịu đựng từ hàng thập kỷ qua, dưới sự cai trị của ông Omar al-Bashir.

Cuộc chiến hiện nay, tập trung vào một trong những khu vực đô thị lớn nhất của châu Phi, không chỉ có nguy cơ dập tắt những hy vọng đó, mà còn gây bất ổn cho khu vực đầy biến động này.

Vai trò của những chủ thể quốc tế

Nhiều cường quốc phương Tây, bao gồm cả Mỹ, đã cam kết ủng hộ Sudan trong quá trình chuyển sang bầu cử dân chủ. Sau sự kiện đảo chính, Mỹ đã đình chỉ hỗ trợ tài chính, sau đó, ủng hộ kế hoạch chuyển giao quyền lực sang cho một chính phủ dân sự.

Saudi Arabia giàu dầu khí và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã tìm cách gây ảnh hưởng đến Sudan. Họ xem quá trình chuyển giao quyền lực khỏi chính phủ của ông Bashir là một cách để đẩy lùi ảnh hưởng của Hồi giáo và củng cố sự ổn định trong khu vực. Những quốc gia Vùng Vịnh đã tìm cách đầu tư vào nhiều lĩnh vực như nông nghiệp - một tiềm năng to lớn của Sudan, hay như hoạt động cảng biển bên bờ Biển Đỏ của Sudan.

Nga cũng đang tìm cách xây dựng một căn cứ hải quân trên Biển Đỏ, còn một số công ty của UAE thì đã ký thỏa thuận đầu tư.

Cả tướng Burhan và tướng Hemedti đều củng cố mối quan hệ chặt chẽ với Arab Saudi bằng cách gửi quân đến hỗ trợ chiến dịch quân sự do Arab Saudi mở ra tại Yemen. Tướng Hemedti cũng đã thiết lập quan hệ với nhiều cường quốc nước ngoài khác, bao gồm UAE và Nga.

Ai Cập - do cựu Tổng tư lệnh Abdel Fattah al-Sisi kiêm tổng thống đương nhiệm, có quan hệ chặt chẽ với tướng Burhan và quân đội Sudan. Gần đây, Tổng thống Ai Cập đã khuyến nghị thực hiện đàm phán chính trị với những đảng có quan hệ gần gũi với quân đội và với chính phủ cũ của ông Bashir.

Những kịch bản có thể xảy ra

Nhiều cộng đồng quốc tế đã kêu gọi ngừng bắn nhân đạo và mở lại đối thoại, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy sự thỏa hiệp từ những phe tham chiến. Hiện nay, giao tranh đã tạm lắng, tạo điều kiện cho những quốc gia nước ngoài đưa nhà ngoại giao và công dân của họ về nước. Trong khi đó, công dân Sudan đã đổ xô rời khỏi thủ đô.

Quân đội Sudan vốn có nguồn lực vượt trội, bao gồm lực lượng không quân và tổng quân số là khoảng 300.000 người. Nhưng, trong những năm gần đây, RSF cũng đã phát triển tiềm lực, trở thành lực lượng được trang bị tốt với khoảng 100.000 người, được triển khai trên khắp đất nước.

Chưa kể, RSF có sự hỗ trợ và mối quan hệ hợp tác từ những bộ lạc ở vùng Darfur phía Tây. Tại đây, trong một cuộc chiến tàn khốc leo thang sau năm 2003, nhiều lực lượng dân quân đã chiến đấu cùng với lực lượng của chính phủ để đè bẹp quân nổi dậy.

Tình trạng khủng hoảng nhân đạo không ngừng gia tăng đã giáng một đòn đau vào một quốc gia vốn đã bị nhấn chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế triền miên. Trước khi nội chiến xảy ra, đã có gần 1/3 dân số cần được cứu trợ. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), cuộc xung đột đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia lớn thứ ba châu Phi, đẩy hơn 700.000 người dân vào cảnh mất nhà cửa và hơn 150.000 người dân Sudan chạy trốn đến những quốc gia láng giềng. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP), hơn 2,5 triệu người Sudan có nguy cơ đối mặt với nạn đói trong những tháng tới.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.