Thượng đỉnh Anh-Pháp với chủ nghĩa hoài nghi châu Âu

Thứ Hai, 20/03/2023, 11:15

Hội nghị thượng đỉnh Pháp - Anh năm 2023 diễn ra ngày 10/3 tại Paris đã xác nhận ý chí kiên quyết của tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong việc từ bỏ chủ nghĩa hoài nghi châu Âu của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson và gác lại những cuộc cãi vã trong mối quan hệ của Vương quốc Anh với EU, đặc biệt là với Pháp sau Brexit.

Đây là hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên của 2 cường quốc quân sự hạt nhân ở châu Âu sau 5 năm gián đoạn. Bên cạnh các nguyên thủ, hội nghị còn quy tụ mỗi bên 7 bộ trưởng và các đại diện doanh nghiệp.

at7.jpg -0
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Điện Elysée, Paris.

Đồng minh hay kẻ thù? Những ngày tháng căng thẳng với ông Boris Johnson đã qua đi, khoảng thời gian tồi tệ với bà Liz Truss, người đã không xác định được Pháp là bạn hay thù, cũng đã đi vào dĩ vãng. Giờ đây là thời kỳ của Thủ tướng Rishi Sunak, lần thứ ba gặp Tổng thống Macron, sau các hội nghị COP27 và G20. Hai nhà lãnh đạo có rất nhiều điểm tương đồng, họ còn khá trẻ và đều từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và là cựu bộ trưởng kinh tế hoặc tài chính. Báo Le Figaro của Pháp đánh giá Thủ tướng Rishi Sunak tuy không có nhiều kinh nghiệm về nước láng giềng, nhưng ông biết rằng vào đầu thế kỷ 20, Nữ hoàng Victoria đã phải thắt chặt quan hệ với Pháp để tránh tình trạng bị “cô lập toàn diện”. Vì vậy, sau khi những chấn động chính trị do Brexit gây ra lắng xuống, Thủ tướng Anh quyết định tới Paris.

Vì vậy tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 10/3, Tổng thống Macron và Thủ tướng Rishi Sunak đã có buổi nói chuyện thân mật, nồng nhiệt và mong muốn đôi bên hợp tác chặt chẽ hơn. Họ “thể hiện mong muốn chấm dứt các tranh chấp giữa Anh và Pháp từ thời Brexit”, theo Le  Monde. Chủ đề gây tranh cãi giữa hai nước giờ đây không còn là sự sụp đổ kinh tế thời hậu Brexit, mà là việc Anh muốn Pháp tăng cường nỗ lực kiểm soát dòng người di cư muốn tràn vào Anh.

Trên nền tảng Twitter, Tổng thống Macron viết: “Anh và Pháp có mối liên hệ vận mệnh với nhau. Chúng tôi đã chia sẻ những thách thức và cùng nhau tiến lên phía trước trong việc bảo vệ trái đất, viện trợ Ukraine, hợp tác trong các vấn đề an ninh và năng lượng”. Thủ tướng Rishi Sunak cũng đăng tải dòng trạng thái trên Twitter: “Từ quan hệ đối tác năng lượng đến công cuộc ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp, Anh và Pháp cùng hướng tới tương lai trong mối quan hệ hữu nghị và đoàn kết”.

Hội nghị tái khẳng định quyết tâm cùng hỗ trợ quân đội Ukraine, tăng cường hợp tác quốc phòng Pháp - Anh, bao gồm cả việc cùng phát triển các hệ thống phòng không và tên lửa. Anh và Pháp đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân, các thỏa thuận tạo điều kiện trao đổi giáo dục và văn hóa.

Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm của hội nghị là thỏa thuận mới giữa Anh và Pháp, nhằm giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche. Ngày 7/3, Chính phủ Anh đã công bố dự luật di trú bất hợp pháp, cấm những người di cư vượt eo biển Manche tới Anh trên những chiếc thuyền nhỏ để xin tị nạn, nếu vi phạm sẽ bị bắt giữ và trục xuất khỏi Anh quốc.

Dự luật này không chỉ vấp phải chỉ trích về mặt đạo đức từ các nhà hoạt động nhân quyền, mà còn bị nghi ngờ về tính khả thi vì không nêu rõ địa điểm giữ hàng chục ngàn người di cư bất hợp pháp.

Trong nhiều năm qua, Vương quốc Anh đã trả tiền cho Pháp để tăng cường lực lượng bảo vệ bờ biển. Năm 2022, có 45.000 người vượt eo biển Manche di cư bất hợp pháp vào Anh, trong số đó cảnh sát Pháp đã ngăn chặn khoảng 30.000 người và bắt giữ khoảng 500 tội phạm buôn người. Ngày 10/3, Anh cam kết hỗ trợ Pháp 543 triệu euro trong vòng 3 năm.

Khoản chi phí này dùng để tăng cường thêm 500 sĩ quan cảnh sát Pháp tuần tra eo biển Manche, bổ sung máy bay không người lái và trực thăng giám sát, đồng thời thành lập trung tâm chỉ huy 24/24, các sĩ quan Anh và Pháp sẽ luôn túc trực tại trung tâm để phối hợp ngăn chặn thuyền chở người di cư trái phép.

Từ đây đến năm 2026, hai nước thống nhất sẽ thành lập ở miền Bắc nước Pháp một trung tâm tạm giữ người di cư trái phép đến Vương quốc Anh. Với tất cả các dự án trên, Paris sẽ phải chi nhiều tiền hơn so với London, nhưng con số cụ thể bao nhiêu vẫn chưa được tiết lộ.

Tuy nhiên, còn một vấn đề quan trọng khác. Thủ tướng Rishi Sunak thảo luận với Tổng thống Pháp về việc ký kết một thỏa thuận tiếp nhận những người nhập cư bất hợp pháp trở lại Pháp. “Thủ tướng Anh Rishi Sunak hy vọng sự cải thiện gần đây trong quan hệ với EU sẽ mở đường cho một thỏa thuận trao trả những người di cư bất hợp pháp trong khối này”, Politico trích dẫn lời nói của Thủ tướng Anh trên đường tới Pháp dự hội nghị. Tuy nhiên, nội dung thảo luận này giữa hai lãnh đạo đã không đạt được tiến bộ gì.

Sau chuyến thăm Paris của ông Rishi Sunak, tờ Telegraph đăng tải nhiều bài viết với nội dung phản đối kết quả thỏa thuận giữa Anh và Pháp như: “Brussels dập tắt hy vọng đưa những người di cư qua eo biển Manche trở lại châu Âu”, “Ủy ban châu Âu hiện không cân nhắc thỏa thuận trao trả người tị nạn với Vương quốc Anh”, bất chấp lời kêu gọi từ Tổng thống Macron”.

Vì vậy, London sẽ không còn nơi nào để đưa những người di cư bất hợp pháp đến vì “Ủy ban châu Âu đã bác bỏ lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về một thỏa thuận đưa những người di cư vượt eo biển Manche bất hợp pháp trở lại châu Âu”. Tuy nhiên, theo tờ Telegraph, “Tổng thống Pháp nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận trao trả nào cũng phải được ký kết ở cấp độ EU, thay vì giữa Paris và London”.

Dù đây không phải là bước đột phá trong quan hệ song phương, nhưng điều này chắc chắn khả quan hơn so với các cuộc đối thoại căng thẳng giữa hai bên trong những năm gần đây. Và, từ ngày 26 đến 29/3, đích thân Vua Charles III sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Pháp kể từ khi lên ngôi. Mặc dù quan hệ giữa hai nước chưa phải thực sự thân tình nhưng Paris và London đã xích lại gần nhau hơn kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tháng 2/2022.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.