Thượng đỉnh Bộ Tứ: Tìm kiếm và bắt tay

Thứ Năm, 26/05/2022, 10:14

Ngày 24-5, Hội nghị thượng đỉnh 4 nước Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ (QUAD) chính thức khai mạc tại Tokyo. Ưu tiên của thượng đỉnh lần này là nhiệm vụ bảo đảm an ninh và hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang thay đổi lớn. Đây được xem là một trong những cuộc họp thượng đỉnh quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm nay.

Các chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này bao gồm việc hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, các vấn đề an ninh và khu vực, cuộc xung đột ở Ukraine, vấn đề CHDCND Triều Tiên, dịch COVID-19, an ninh mạng và biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, một trong những kết quả được chờ đợi nhất trong lần họp này là việc Mỹ đưa ra sáng kiến Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Đây là một cam kết kinh tế giữa Mỹ với các đối tác và được xem như sự thay thế cho việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trước khi tham dự thượng đỉnh này, Tổng thống Mỹ đã thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Trọng tâm trong chuyến thăm này của Tổng thống Biden là nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ an ninh, tăng cường quan hệ kinh tế và mở rộng hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản. Ngay khi ông Biden thăm Hàn Quốc, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự quy mô nhỏ trên Biển Đông.

Thượng đỉnh Bộ Tứ: Tìm kiếm và bắt tay -0
Các nhà lãnh đạo Nhóm QUAD gặp nhau tại Washington, tháng 9-2021.

Mỹ coi trọng việc liên kết với các nước đồng minh, các quốc gia hữu hảo có cùng lập trường, do đó, Tổng thống Biden đã nâng cấp Khuôn khổ QUAD ở cấp bộ trưởng lên cấp thượng đỉnh. Khi QUAD được thành lập với tư cách là liên minh chiến lược của 4 nền dân chủ hàng đầu thế giới gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, không ít người đã bày tỏ nghi ngờ về sự bền vững của liên minh. Nhưng, cho đến nay, QUAD đã đạt được những tiến bộ đáng kể, ngày càng vững mạnh và có tiềm năng thực sự để củng cố an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. QUAD đã có những bước tiến ấn tượng kể từ khi hồi sinh vào năm 2017.

Kể từ năm 2021, QUAD đã tổ chức 3 hội nghị thượng đỉnh, trong đó có 2 cuộc hội nghị trực tuyến. QUAD cũng có sự tiến bộ nhất định trong vấn đề an ninh, như tiến hành tham vấn cấp cao về những rủi ro chiến lược do Trung Quốc gây ra; hay các vấn đề an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; bất ổn ở Afghanistan, Myanmar và vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine tiếp tục căng thẳng, hội nghị lần này là thời gian thích hợp khi Nhật Bản đang ở cục diện quan trọng thúc đẩy lập trường thực hiện khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nhật Bản mong muốn xác nhận lại một lần nữa với các đối tác quan trọng nhằm duy trì trật tự quốc tế mà hiện tại đang bị thay đổi bởi một số quốc gia mà đầu tiên là Trung Quốc. Nhật Bản sẽ đề cập tới vấn đề phát triển hạt nhân, tên lửa của CHDCND Triều Tiên và làm thế nào để ứng phó với hành vi ngày càng gia tăng của nước này., Đặc biệt là hợp tác Nhật - Mỹ, Nhật - Mỹ - Ấn Độ - Australia với mục đích giảm bớt sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong nhiều vấn đề.

Cụ thể, liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, hai nhà lãnh đạo Nhật-Mỹ sẽ cam kết cùng với các nhà lãnh đạo Nhóm G7 tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt gia tăng đối với Nga, viện trợ cho Ukraine, đồng thời thúc đẩy quan hệ với các nước châu Á và châu Phi để nhận được sự ủng hộ trong quá trình trừng phạt Nga. Trong nhiều năm qua, quan hệ Australia và Trung Quốc nguội lạnh, nếu không muốn nói là rất xấu. Do đó, để nâng cao năng lực kinh tế và quân sự ở khu vực và tạo thế đối kháng với Trung Quốc, Australia đã thúc đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ. Trong nhóm QUAD, Ấn Độ là nước duy nhất có khoảng 3.500km tiếp giáp với Trung Quốc và đã đạt được sự thống nhất với 3 nước còn lại về lập trường đối với Trung Quốc.

Trung Quốc trong nhiều năm có mâu thuẫn với Ấn Độ về khu vực biên giới chưa được xác định nên đã mở rộng hoạt động mang tính quân sự, chính trị và kinh tế tại khu vực này. Với lý do đó, Ấn Độ cũng có kế hoạch tạo ra mạng lưới đối kháng với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong vấn đề Nga-Ukraine, Ấn Độ là quốc gia có quan điểm hơi khác so với 3 nước còn lại. Ấn Độ là nước có quan hệ hữu hảo với Nga trong nhiều năm. Tại hội nghị lần này, Ấn Độ cũng hy vọng các nước trong khuôn khổ hiểu rõ lập trường không muốn phá vỡ quan hệ tốt đẹp với Nga.

Có thể thấy, các thành viên QUAD đã có những nỗ lực thiện chí hướng tới hợp tác và tiến bộ. Tuy vậy, QUAD vẫn phải làm nhiều hơn nữa để thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Cho đến nay, QUAD đang ưu tiên một loạt các lĩnh vực hợp tác như công nghệ và sức khỏe cộng đồng, thay vì các nỗ lực liên quan đến an ninh. Để có được hiệu quả lâu dài, QUAD phải đảm bảo sự thích ứng với các khủng hoảng đang diễn ra. Nhiệm vụ đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực của QUAD sẽ cần được chú trọng hơn. Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia quân sự đánh giá, mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm cũng không ngừng được củng cố thông qua các thỏa thuận hợp tác và hiệp định thương mại.

Thượng đỉnh Bộ Tứ: Tìm kiếm và bắt tay -0
Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong lần gặp ở Bỉ, tháng 3-2022.

Trên thực tế, quan hệ hợp tác an ninh song phương cũng phát triển mạnh mẽ khi 4 quốc gia thành viên của QUAD có một loạt các thỏa thuận và cam kết song phương, bao gồm các cuộc họp, tọa đàm, diễn tập quân sự, các thỏa thuận chia sẻ hậu cần. Nhưng, nhìn chung, tiến độ hợp tác an ninh của Bộ tứ không tiến triển nhanh, một phần vì nhóm không muốn tạo ra căng thẳng với các quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn như các quốc gia ở Đông Nam Á. Hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần này của 4 nước sẽ thống nhất được quan điểm chung về việc xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đáp ứng lợi ích chung mà cả khu vực và thế giới đang quan tâm.

Ngoài vấn đề an ninh, nhóm QUAD công bố một sáng kiến nhằm hạn chế tên nạn đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, mà Trung Quốc bị coi là thủ phạm chủ yếu. Trích dẫn một quan chức Mỹ cao cấp, Financial Times cho biết sáng kiến này sẽ sử dụng vệ tinh để tạo ra một hệ thống theo dõi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp từ Ấn Độ Dương đến Nam Thái Bình Dương bằng cách kết nối các trung tâm giám sát ở Singapore và Ấn Độ.

Theo nhật báo Anh, sáng kiến sẽ cho phép các quốc gia trong vùng giám sát hoạt động đánh bắt bất hợp pháp ngay cả khi các con tàu đã tắt bộ phát tín hiệu thường được sử dụng để theo dõi tàu thuyền. Nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã rất bực tức trước đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc, thường xuyên tố cáo tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ, gây nên những thiệt hại đáng kể về môi trường cũng như kinh tế.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.