Thụy Sĩ tránh xa lựa chọn nguy hiểm

Thứ Tư, 17/04/2024, 10:12

Một cuộc vận động lớn nhằm đưa quy định về tính trung lập vĩnh viễn vào hiến pháp đang diễn ra ở Thụy Sĩ, đặt đất nước này trước những sự lựa chọn khó khăn.

1. Ngày 11/4, một bản kiến nghị đã được gửi tới Quốc hội Thụy Sĩ nhằm mở đường cho một cuộc bỏ phiếu toàn quốc trong thời gian tới về đề xuất sửa đổi hiến pháp của nước này. Bản kiến nghị đã nhận được khoảng 130 nghìn chữ ký của người dân trên toàn quốc nhằm hướng tới việc tạo nên một điều khoản cụ thể trong hiến pháp, cho phép duy trì chính sách trung lập lâu dài của Thụy Sĩ trong các vấn đề quốc tế.

Thụy Sĩ tránh xa lựa chọn nguy hiểm -0
Thụy Sĩ sở hữu lực lượng quân sự mạnh ở châu Âu.

Trên thực tế, Thụy Sĩ đã duy trì chính sách trung lập trong gần 500 qua và là quốc gia duy trì vị thế trung lập lâu dài nhất trên thế giới. Động thái đầu tiên hướng tới vị thế trung lập của Thụy Sĩ được bắt đầu từ thời điểm năm 1515, khi Liên bang Thụy Sĩ thất bại trước nước Pháp trong trận Marignano. Sau thất bại này, Liên bang Thụy Sĩ đã từ bỏ những chính sách bành trướng và nỗ lực tránh xung đột trong tương lai nhằm tự bảo vệ mình. Sau chiến tranh Napoleon, các cường quốc châu Âu kết luận rằng một Thụy Sĩ trung lập sẽ đóng vai trò như là một vùng đệm có giá trị giữa Pháp và Áo, qua đó góp phần vào sự ổn định trong khu vực. Tại Hội nghị Vienna năm 1815, các quốc gia này đã ký một tuyên bố khẳng định sự “trung lập vĩnh viễn” của Thụy Sĩ trong cộng đồng quốc tế.

Thụy Sĩ duy trì lập trường trung lập của mình qua Thế chiến I, khi nước này chấp nhận người tị nạn, đồng thời từ chối đứng về bất kỳ phe nào về mặt quân sự. Năm 1920, Hội Quốc Liên mới thành lập đã chính thức công nhận tính trung lập của Thụy Sĩ. Thách thức lớn nhất đối với tính trung lập của Thụy Sĩ xuất hiện trong Thế chiến II, khi nước này bị bao vây bởi các quốc gia phe Trục là Đức và Ý. Việc Thụy Sĩ tiếp tục giao thương với Đức Quốc xã đã trở thành chủ đề gây tranh cãi cho tới tận ngày nay khi rất nhiều tài sản của chế độ này được cho là vẫn gửi trong các hệ thống nhà băng của Thụy Sĩ.

Sau Thế chiến II, Thụy Sĩ đã thực hiện vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế thông qua hỗ trợ các hoạt động nhân đạo. Quốc gia này vẫn kiên quyết duy trì lập trường trung lập trong các hoạt động quân sự. Thụy Sĩ chưa bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Liên minh châu Âu (EU) và chỉ mới gia nhập Liên hợp quốc vào năm 2002. Mặc dù có vị thế trung lập lâu đời, Thụy Sĩ vẫn duy trì lực lượng quân đội thường xuyên đáng kể. Thực tế có 2 lý do khiến Thụy Sĩ có thể duy trì được vị thế độc lập lâu dài như vậy.

Thụy Sĩ tránh xa lựa chọn nguy hiểm -0
Việc ủng hộ Ukraine đang làm thay đổi chính sách của Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ có địa hình núi cao vô cùng phức tạp khiến họ dễ phòng thủ, khó tấn công. Lực lượng vũ trang của Thụy Sĩ cũng được trang bị đủ mạnh để gây tổn thất đáng kể cho bất cứ đối thủ nào có ý định xâm lược. Lý do quan trọng khác khiến Thụy Sĩ an toàn là vì họ có một nền kinh tế đủ mạnh để duy trì trạng thái trung lập của mình. Đặc biệt, hệ thống nhà băng của Thụy Sĩ vẫn được coi là nơi lưu trữ tài sản an toàn bậc nhất thế giới khiến cho các bên xung đột đều muốn duy trì mối quan hệ đối tác với đất nước vùng núi Alps này.

2.Vị thế trung lập từng đem đến rất nhiều lợi thế chính trị và kinh tế cho Thụy Sĩ nhưng nó đang dần thay đổi. Cuộc tranh luận về tính trung lập của Thụy Sĩ bỗng trở nên gay gắt vào năm 2022 sau khi chính phủ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì hành động tấn công Ukraine của nước này - đi ngược lại truyền thống hàng thế kỷ không đứng về phía nào trong các cuộc xung đột toàn cầu. Cũng trong năm 2022, giới chức Thụy Sĩ từng cảnh báo nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Trung Quốc sử dụng các biện pháp quân sự với Đài Loan hoặc các quốc gia quanh khu vực. Dù vậy, Thụy Sĩ không tham gia các lệnh trừng phạt của EU đối với Trung Quốc.

Thụy Sĩ tránh xa lựa chọn nguy hiểm -0
Nhà ngoại giao Thomas Borer ủng hộ Thụy Sĩ hòa nhập mạnh mẽ với EU.

Tình hình trở nên căng thẳng vào tháng 5/2023 khi nhà ngoại giao hàng đầu của Thụy Sĩ Thomas Borer cũng nêu quan điểm rằng “đã đến lúc Thụy Sĩ cần tiến xa hơn nữa”. Ông Borer là người đã từng đưa ra chính sách để duy trì sự trung lập của Thụy Sĩ sau khi Liên Xô sụp đổ đồng thời vẫn hợp tác được với EU trong các vấn đề quốc tế. Thực tế Thụy Sĩ đã từng nhiều lần hưởng ứng các quyết định tập thể của EU, tuy nhiên khi cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài, quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo cho rằng Thụy Sĩ thậm chí cần tham gia ủng hộ Ukraine để “bảo vệ chính mình”.

Theo quan điểm của ông Borer thì “tính trung lập về quân sự của Thụy Sĩ không mở rộng sang định hướng địa chính trị của nước này”. Mặc dù quốc gia vùng núi Alps này không phải là thành viên của EU nhưng lại nằm trong khối này cả về mặt địa lý và kinh tế. Mặc dù có thể không phải là một phần của NATO, nhưng nước này có quan hệ với liên minh này thông qua chương trình Đối tác vì hòa bình. Nhà ngoại giao kỳ cựu này đã phát biểu: “Rõ ràng, chúng tôi đang ở phe phương Tây. Tây Âu và Mỹ chia sẻ tất cả các giá trị của chúng tôi”.

Giới chức phương Tây, đặc biệt là Mỹ thì rất muốn kéo Thụy Sĩ về phía mình. Scott Miller, Đại sứ Mỹ tại Bern, nói rằng: “Thụy Sĩ đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II”. “Chúng tôi hiểu và tôn trọng điều đó. Nhưng, nó không phải là một cấu trúc tĩnh. Thụy Sĩ không thể tự coi mình là trung lập và cho phép một hoặc cả hai bên khai thác luật pháp của mình để có lợi cho riêng mình”.

Thụy Sĩ đã tham gia trừng phạt một số thực thể kinh tế của Nga cũng như phong tỏa nhiều tài sản của nước này tại hệ thống nhà băng của mình. Điều này khiến Nga phản ứng và không công nhận Thụy Sĩ là nước trung lập nữa đồng thời bỏ qua vai trò hòa giải của họ trong cuộc xung đột. Nhưng, sức ép đang lớn hơn khi các nước phương Tây và Ukraine kêu gọi Thụy Sĩ chuyển giao khối lượng tài sản đó cho Ukraine hay thậm chí là viện trợ vũ khí cho Ukraine. Quan điểm này được giới trẻ và những người cấp tiến ủng hộ, họ đòi hỏi Thụy Sĩ hòa nhập với thế giới nhiều hơn.

Giáo sư Laurent Goetschel, Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình Thụy Sĩ cho rằng: “Sự trung lập không bao giờ được hiểu là chỉ im lặng và không nói gì”. “Ý tưởng rằng đất nước sẽ tránh xa mọi biện pháp chính trị tập thể và giữ quan hệ kinh tế với mọi người vì nó trung lập - lần này đã không còn nữa”. Còn nhà ngoại giao kỳ cựu Thomas Borer thì nói thẳng: “Tính trung lập chỉ có giá trị nếu nó được quốc tế công nhận (ý nói việc Nga không còn công nhận điều đó nữa)”.

3.Trước những động thái “lung lay” của Chính phủ Thụy Sĩ, tháng 3/2023, ban lãnh đạo tại các ngân hàng lớn ở Thụy Sĩ cảnh báo quyết định của chính phủ nước này ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến xung đột Ukraine đang có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ. Một số quan chức ngân hàng giấu tên nói rằng nhóm khách hàng giàu có từ Trung Quốc đang rất lo lắng về việc gửi tiền vào các ngân hàng Thụy Sĩ, sau khi Bern từ bỏ chính sách trung lập bằng cách đóng băng hàng tỷ USD tài sản của Nga như một phần của lệnh trừng phạt.

Thụy Sĩ tránh xa lựa chọn nguy hiểm -0
Trung lập từng là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng của Thụy Sĩ trong 500 năm qua.

Thụy Sĩ là điểm đến lớn nhất của thế giới đối với những nhóm khách giàu có nước ngoài, chiếm 1/4 tổng số toàn cầu và chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao trong ngành thì: “Các khách hàng đã bắt đầu hoài nghi về các biện pháp trừng phạt. Đây là một chủ đề được khách hàng quan tâm vào cuối năm 2022 khi họ hỏi liệu tiền của họ có an toàn với chúng tôi không?”. Sự nghi ngờ gia tăng đang kéo dòng tiền ra khỏi các ngân hàng Thụy Sĩ khiến nền kinh tế của nước này gặp sóng gió.

Lo ngại trước tình trạng này, một số thành phần bảo thủ trong nước đã hành động để đảm bảo một hình thức trung lập nghiêm ngặt hơn. Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) đề xuất sáng kiến nhằm hệ thống hóa vị thế trung lập của Thụy Sĩ trong hiến pháp, do đó hạn chế cách chính phủ lựa chọn giải thích chính sách trung lập của mình, bao gồm cả việc tham gia các biện pháp trừng phạt. Sáng kiến này được ủng hộ bởi nhóm vận động lớn có tên là Pro Switzerland. Sáng kiến chính là bản kiến nghị đã được gửi tới Quốc hội Thụy Sĩ hôm 11/4 vừa qua.

Bản kiến nghị kêu gọi Thụy Sĩ tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trừ khi liên minh đó bị tấn công cũng như không áp đặt “bất kỳ biện pháp cưỡng chế phi quân sự nào” trừ khi Liên hợp quốc bắt buộc. Bản sửa đổi cũng quy định rằng “Thụy Sĩ sử dụng tính trung lập vĩnh viễn của mình để ngăn chặn và giải quyết xung đột và sẵn sàng làm trung gian hòa giải”. Khả năng cao bản kiến nghị sẽ được thông qua và đưa vào hiến pháp chính thức khi một cuộc khảo sát năm 2023 với cử tri Thụy Sĩ cho thấy 91% số người được hỏi tán thành quan điểm trung lập nói chung, mặc dù 75% tin rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga là phù hợp với nguyên tắc này.

Để đảm bảo cho chiến thắng của mình, lãnh đạo đảng SVP, ông Marcel Dettling cho biết: “Việc tan rã dần dần chế độ trung lập là mối đe dọa đối với an ninh bên trong và bên ngoài của Thụy Sĩ”. Dẫu vậy, đây thực tế vẫn là cuộc lựa chọn khó khăn giữa phe bảo thủ và lực lượng cải cách muốn Thụy Sĩ hòa nhập mạnh mẽ hơn thế giới với phương Tây. Tất cả sẽ được quyết định trong 2 tháng tới.

Tiểu Phong
.
.