Tiếng gọi hòa bình vọng lên từ hỏa ngục
Giải Nobel Hòa bình 2024 được trao cho Nihon Hidankyo - một tổ chức của những người sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử tại Nhật Bản, vì những nỗ lực vận động cho một thế giới không vũ khí hạt nhân. 79 năm sau khi 2 quả bom rơi xuống Hiroshima và Nagasaki, tiếng nói của những nạn nhân vẫn mang đầy giá trị thời đại.
Những chứng nhân của ký ức khủng khiếp
Phòng chờ của Bệnh viện Chữ thập đỏ ở trung tâm thành phố Hiroshima luôn đông đúc. Hầu như mọi chỗ ngồi đều có người, thường là những người cao tuổi đang chờ được gọi tên. Tuy nhiên, nhiều người trong số những đàn ông và phụ nữ này không có tiền sử bệnh lý điển hình. Họ là những nạn nhân sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử của Mỹ cách đây 79 năm.
Không nhiều người Mỹ đánh dấu ngày 6/8 trên lịch của họ, nhưng đó là ngày mà người Nhật không thể quên. Ngay cả bây giờ, bệnh viện vẫn tiếp tục điều trị, trung bình, 180 người sống sót sau vụ nổ, được gọi là hibakusha, mỗi ngày.
Khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima vào ngày 6/8/1945 và Nagasaki sau đó 3 ngày, 2 vụ nổ khủng khiếp đã giết chết khoảng 200.000 người và làm bị thương vô số người khác. Tại Hiroshima, 50.000 trong số 76.000 tòa nhà của thành phố đã bị phá hủy hoàn toàn. Tại Nagasaki, gần như tất cả các ngôi nhà trong phạm vi 2,5 km từ vụ nổ đều bị xóa sổ. Cả hai đô thị đông đúc đã sụp đổ trong tích tắc.
Với người Mỹ khi đó, 2 vụ thả bom được ca ngợi là hành động cần thiết và anh hùng đã chấm dứt chiến tranh. Trong những ngày ngay sau vụ nổ hạt nhân, Viện thăm dò Gallup phát hiện ra rằng 85% người Mỹ chấp thuận quyết định thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Thậm chí, nhiều thập kỷ sau, câu chuyện về sức mạnh quân sự - và sự hy sinh của người Mỹ - vẫn tiếp tục thống trị.
Vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Thế chiến 2 kết thúc, Viện Sử học Smithsonian đã khuất phục trước áp lực từ các cựu chiến binh và gia đình của họ nên đành thu hẹp một cuộc triển lãm đã lên kế hoạch, vốn sẽ cung cấp một bức chân dung sắc thái hơn về cuộc xung đột, bao gồm cả việc đặt câu hỏi về tính đạo đức của hai quả bom.
Tuy nhiên, tại Nhật Bản, những hibakusha và con cháu của họ đã hình thành nên xương sống của ký ức nguyên tử. Nhiều người coi công việc của cuộc đời họ là thông báo cho thế giới rộng lớn hơn về việc mang theo bệnh tật, nỗi đau, sự kỳ thị và cảm giác tội lỗi của người sống sót do bom gây ra, để vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng nữa. Tổ chức của họ có tên Nihon Hidankyo và tổ chức này đang tăng cường nỗ lực vận động hơn bao giờ hết trong những năm gần đây. Lý do là với độ tuổi trung bình 85, những hibakusha đang chết hàng trăm người mỗi tháng, trong thời điểm thế giới đang bước vào một kỷ nguyên hạt nhân mới.
Mối đe dọa chiến tranh hạt nhân vẫn ám ảnh
Mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân đã lơ lửng trên đầu loài người suốt từ khi 2 quả bom khủng khiếp được thả xuống Hiroshima và Nagasaki tới nay. Nhưng, những biện pháp bảo vệ cũ kỹ, hạn chế nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân dưới thời Chiến tranh Lạnh đã không theo kịp diễn biến của thời đại ngày nay.
Năm ngoái, Nga quyết định tạm dừng tham gia Hiệp ước New START với Mỹ. New START do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký vào tháng 4/2010 sau một năm đàm phán và chính thức có hiệu lực ngày 5/2/2011. Đây là thỏa thuận kế thừa, thay thế và đơn giản hóa cho các thỏa thuận và cam kết hạt nhân trước đó giữa Nga và Mỹ như Hiệp ước Hạn chế vũ khí chiến lược (SALT), Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START-I) và Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (SORT).
Phía Nga cho biết, họ có thể sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, do nghi ngờ cam kết tuân thủ thỏa thuận này của đối tác. Trước đó, New START cũng từng bị cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa khai tử bởi ông cho rằng thỏa thuận này không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Dù đến tháng 9 vừa qua, Nga đã gửi tín hiệu có thể nối lại đàm phán về New START nhưng hành trình xây dựng niềm tin của đôi bên được đánh giá rằng vẫn còn nhiều gian nan.
Việc giới hạn các kho vũ khí nguyên tử chiến lược là vấn đề sống còn đối với an ninh toàn cầu, nhưng câu chuyện không chỉ nằm ở nỗ lực của riêng Nga và Mỹ bởi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang trở nên đông đảo hơn, kém thận trọng hơn. Và, vẫn có thêm những gương mặt mới ôm tham vọng chen chân vào hàng ngũ vốn đã có, gồm: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên (Israel cũng thường được nhắc đến nhưng chưa có bất cứ sự xác nhận nào về khả năng hạt nhân của nước này).
Trong khi thế hệ công nghệ hạt nhân mới nhất có thể gây ra sự tàn phá không thể diễn tả được thì sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) càng làm thêm phức tạp vấn đề và gia tăng rủi ro. Bởi một ngày nào đó, AI hoàn toàn có thể tự động hóa phát động chiến tranh mà không cần sự can thiệp của con người.
Theo Tiến sĩ James Johnson, giảng viên nghiên cứu chiến lược tại Khoa Chính trị và Quan hệ quốc tế của Đại học Aberdeen, những tiến bộ trong AI có thể cho phép kẻ thù nhắm mục tiêu vào các tài sản hạt nhân; tấn công các hệ thống chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc hạt nhân bằng vũ khí AI-cyber; và sử dụng máy bay không người lái theo bầy đàn để tấn công các tài sản hạt nhân. Ngoài ra, các thuật toán AI có thể hiểu sai tín hiệu của kẻ thù và làm phức tạp quá trình ra quyết định xung quanh việc có nên leo thang một cuộc khủng hoảng hạt nhân tiềm tàng hay “tránh xa bờ vực”.
Dùng trải nghiệm đau thương để vun đắp hy vọng
Trong bối cảnh ấy, những nỗ lực vận động về một thế giới không vũ khí hạt nhân của tổ chức Nihon Hidankyo là những tiếng chuông cảnh tỉnh rất cần thiết với nhân loại. Ủy ban Nobel Na Uy - đơn vị trao giải Nobel Hòa bình, cho biết: “Những nhân chứng lịch sử này đã giúp tạo ra và củng cố sự phản đối rộng rãi đối với vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới bằng cách dựa trên những câu chuyện cá nhân, xây dựng các chiến dịch giáo dục dựa trên kinh nghiệm của chính họ và đưa ra những cảnh báo khẩn cấp về việc phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân”.
“Những hibakusha giúp chúng ta mô tả những điều không thể diễn tả, suy nghĩ những điều không thể nghĩ tới và bằng cách nào đó nắm bắt được nỗi đau và sự đau khổ không thể hiểu nổi do vũ khí hạt nhân gây ra”, ông Jorgen Watne Frydnes, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh, đồng thời cho biết muốn “vinh danh tất cả những người sống sót, những người bất chấp nỗi đau về thể xác và ký ức đau thương đã chọn cách sử dụng trải nghiệm đau thương của mình để vun đắp hy vọng”.
Ông Toshiyuki Mimaki, một người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và là đồng Chủ tịch của Nihon Hidankyo, khi trả lời báo chí tại tòa thị chính Hiroshima đã nói rằng, việc nhận giải Nobel Hòa bình “giống như một giấc mơ”. Một đoạn video từ đài truyền hình công cộng Nhật Bản NHK cho thấy, ông Mimaki thậm chí không thể tin rằng tổ chức Nihon Hidankyo được vinh danh nên vừa khóc vừa véo má mình.
Nhưng, Ủy ban Nobel Na Uy thì tin rằng, việc trao giải cho các hibakusha, sự kiện diễn ra 1 năm trước lễ niệm 80 năm vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki, là thời điểm thích hợp để ghi nhận những người sống sót và nỗ lực của họ trong việc cảnh báo chiến tranh hạt nhân.
“Một ngày nào đó, những hibakusha sẽ không còn ở trong chúng ta với tư cách là nhân chứng của lịch sử. Nhưng, với một nền văn hóa tưởng nhớ mạnh mẽ và cam kết liên tục, các thế hệ mới ở Nhật Bản đang tiếp nối kinh nghiệm và thông điệp của các nhân chứng”, Ủy ban Nobel Na Uy cho biết. “Theo cách này, họ đang giúp duy trì điều cấm kỵ sử dụng vũ khí hạt nhân - một điều kiện tiên quyết cho một tương lai hòa bình của nhân loại”.
Một ngày sau khi Nihon Hidankyo giành giải Nobel Hòa bình, những người đứng đầu tổ chức đã góp mặt trực tiếp và từ xa tại một cuộc họp báo đầy cảm xúc ở Tokyo để chia sẻ phản ứng của họ khi chiến thắng cuối cùng cũng được công nhận, đồng thời truyền đạt quyết tâm tiếp tục kêu gọi một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Cụ Terumi Tanaka, 92 tuổi, đồng Chủ tịch của tổ chức và là người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki, cho biết: "Việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân là vấn đề của toàn thể nhân loại, của mọi người dân, chứ không phải là vấn đề của riêng những hibakusha”.
“Tôi muốn thấy nhiều cuộc tranh luận hơn về cách chúng ta có thể củng cố phong trào này, bởi vì bất kỳ ai trên thế giới cũng có thể trở thành nạn nhân trong tương lai”, cụ Tanaka nhấn mạnh.