Tiếng vọng từ Lục địa Đen

Thứ Tư, 11/10/2023, 07:00

Sau tròn 50 năm, ngày 9/10/2023, lại có một hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) - hai định chế tài chính lớn nhất toàn cầu - được tổ chức tại một quốc gia châu Phi. Không gì khác, đây chính là sự thừa nhận vai trò đang ngày càng trở nên quan trọng của Lục địa Đen, trong cục diện chiến lược mới của một giai đoạn phát triển mới đầy cơ hội cũng như thách thức đối với nhân loại.

Áp lực đổi thay

Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới có truyền thống tổ chức hội nghị thường niên bên ngoài trụ sở chính ở Washington theo chu kỳ 3 năm một lần.

Tuy nhiên, phải ngược thời gian về tận năm 1973, chúng ta mới có thể thấy hội nghị thường niên quan trọng này được tổ chức tại châu Phi, chính xác là tại Kenya, khi một số quốc gia ở châu lục này vẫn còn nằm dưới chế độ thuộc địa.

Tiếng vọng từ Lục địa Đen  -0
Lần đầu tiên sau 50 năm, IMF và WB tổ chức hội nghị thường niên ở châu Phi.

Thành phố Marrakesh ở miền Nam Morocco đã được cho là sẽ đăng cai tổ chức hội nghị vào năm 2021, nhưng kế hoạch ấy đã bị hoãn lại 2 lần vì đại dịch toàn cầu COVID-19. Vào tháng trước, một trận động đất kinh hoàng quanh Marrakesh khiến gần 3.000 người thiệt mạng tiếp tục đe dọa triển vọng thực hiện sự kiện này. Tuy nhiên, Chính phủ Morocco vẫn quyết định tổ chức hội nghị từ ngày 9 đến 15/10, với một số thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế.

Hội nghị thường niên IMF và WB năm nay được tiến hành dưới áp lực phải cải cách, để hỗ trợ tốt hơn cho các quốc gia nghèo đang bị tàn phá bởi nợ nần và biến đổi khí hậu, trong bối cảnh châu Phi đang đối mặt với hàng loạt thách thức, từ xung đột đến liên tiếp các cuộc đảo chính quân sự, từ tình trạng nghèo đói dai dẳng cho đến sự bủa vây của thiên tai, với không ít các thảm họa nhân đạo chực chờ.

Sự kiện quy tụ các Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Bộ trưởng Tài chính các quốc gia thành viên IMF/WB, Giám đốc điều hành khu vực tư nhân, xã hội dân sự, truyền thông và học giả để thảo luận về các vấn đề quan tâm toàn cầu, bao gồm triển vọng kinh tế thế giới, ổn định tài chính toàn cầu, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế toàn diện và tạo công ăn việc làm, biến đổi khí hậu và nhiều nội dung khác.

Tiếng vọng từ Lục địa Đen  -0
Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực G20.

Ngoài ra, các hội thảo bên lề và nhiều sự kiện khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nước hội viên thích ứng với những thách thức mới nổi, đồng thời tạo cơ hội tăng cường hợp tác, phát triển kinh tế toàn cầu và hệ thống tài chính thế giới.

Theo thông tin chính thức được công bố từ trước, chương trình nghị sự Hội nghị thường niên IMF/WB năm 2023 sẽ được triển khai theo 3 chủ đề chính:

Thứ nhất: Xây dựng khả năng chống chịu. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu và tình trạng bất ổn gia tăng, các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng một tương lai có khả năng chống chịu hơn bằng cách tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, cải thiện quản trị và trách nhiệm giải trình, tăng cường khung chính sách và ứng phó với biến đổi khí hậu. Những lo ngại về an ninh lương thực và nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường nỗ lực và hợp tác, nhằm xây dựng các nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt.

Thứ hai, đảm bảo sự phục hồi trong chuyển đổi. Tác động của các cuộc khủng hoảng gần đây đã làm tăng nhu cầu cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo sự chuyển đổi nhằm thúc đẩy sự hòa nhập và đa dạng hóa, giải quyết thách thức hiện hữu của biến đổi khí hậu và hỗ trợ quá trình số hóa.

Và thứ ba, Tăng cường hợp tác toàn cầu. Thế giới đang đối mặt với nguy cơ phân mảnh địa kinh tế và điều này có thể gây nguy hiểm cho những thành quả kinh tế đạt được trong nhiều thế hệ qua. Để giảm thiểu rủi ro này, đòi hỏi những nỗ lực phối hợp nhằm thúc đẩy các lĩnh vực mà các quốc gia thành viên IMF/WB chia sẻ lợi ích chung, như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và tăng cường chuẩn bị cho các tình huống đại dịch.

Tiếng vọng từ Lục địa Đen  -0
Lục địa Đen vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được hỗ trợ.

Châu Phi, trong tiêu điểm

“Một nền kinh tế thế giới thịnh vượng trong thế kỷ 21 đòi hỏi một châu Phi thịnh vượng" - Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva từng nhấn mạnh, trong một bài phát biểu gần đây. Và, như một thí dụ điển hình, hội nghị lần này cũng chính là cơ hội mang tới sự thịnh vượng, đầu tiên là cho chính quốc gia đăng cai tổ chức.

Morocco dự kiến các hội nghị của hai định chế tài chính toàn cầu này sẽ thu hút khoảng 10.000 - 15.000 người đến với thành phố Marrakesh, trung tâm du lịch nổi tiếng của vương quốc Bắc Phi này. Trước đó, Thủ tướng Morocco Aziz Akhannouch đã nói với Tổng Giám đốc IMF Georgieva rằng ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn của quốc gia Bắc Phi này sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn nếu IMF và WB tiến hành hội nghị thường niên ở địa điểm khác.

Nhưng, sâu xa hơn, xuyên suốt các cuộc thảo luận về về những vấn đề gai góc đã bắt đầu diễn ra, tính chất “chủ thể” của Lục địa Đen dường như chưa bao giờ được khắc họa rõ nét đến vậy.

Ngày 4/10, WB đã công bố dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Phi, bày tỏ lo ngại về một “thập kỷ mất mát” đối với khu vực này, khi phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng. Ngân hàng Thế giới ước tính, trong năm nay, tăng trưởng của khu vực sẽ đạt 2,5%, so với 3,6% của năm ngoái, đặc biệt là do sự suy thoái ở các nền kinh tế chính trong khu vực. Thí dụ, nền kinh tế Nigeria dự kiến sẽ tăng trưởng 2,9%, trong khi Angola sẽ đạt 1,3% và Nam Phi chỉ 0,5%.

Theo tổ chức tài chính toàn cầu, vấn đề thậm chí còn khó khăn hơn đối với khu vực là GDP bình quân đầu người của khu vực này đã không tăng kể từ năm 2015, đồng thời chỉ ra rằng mức tăng trưởng của chỉ số này có thể chỉ là 0,1% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2025.

Những lý do như bất ổn chính trị cũng như xung đột và bạo lực gia tăng, được WB coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm lại và suy thoái mạnh ở một số quốc gia, chẳng hạn như Sudan, nền kinh tế được dự đoán sẽ giảm 12% trong năm nay vì quốc gia này phải đối mặt với cuộc xung đột kéo dài. Nợ công vẫn là một nguyên nhân gây lo ngại, với hơn 20 quốc gia trong khu vực có nguy cơ mắc nợ ở mức cao.

Tiếng vọng từ Lục địa Đen  -0
Sẽ là một chương trình nghị sự đầy những vấn đề gai góc.

Song, mặc dù tình hình kinh tế vẫn còn phức tạp nhưng WB vẫn chỉ ra rằng một số khía cạnh đang được cải thiện, với lạm phát năm nay ít rõ rệt hơn so với năm 2022, ở mức 7,3% so với 9,3%. Ngoài ra, một số tổ chức trong khu vực đang hoạt động hiệu quả hơn, chẳng hạn như Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), nơi được cho là sẽ có mức tăng trưởng tích lũy là 5,1% và Cộng đồng Đông Phi, nơi có nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9%.

Điều quan trọng đích thực là đến thời điểm hiện tại, vị thế địa chính trị của châu Phi nói chung đã gia tăng đáng kể theo những biến động thời cuộc, để tiếng nói cũng như quyền lợi chính đáng của Lục địa Đen được quan tâm và chú trọng hơn rất nhiều so với trong quá khứ.

Một cách ngắn gọn, những vấn đề toàn cầu suốt thời gian qua, từ các tác động tiêu cực của tiến trình biến đổi khí hậu toàn cầu qua đại dịch COVID-19 đến những hệ lụy mang tính khủng hoảng của xung đột hay chiến tranh đã và đang chỉ rõ: Nếu các nước phát triển không hỗ trợ để giúp châu Phi tạo đà phát triển mạnh mẽ, nhằm sở hữu năng lực tự xử lý các vấn đề của mình, thì cũng có nghĩa là guồng máy toàn cầu sẽ mãi mãi không thể tháo bỏ được một gánh nặng nghìn cân vô hình.

Song song với điều đó, trên tư cách là châu lục đang còn tiềm ẩn rất nhiều dư địa khai phá (về năng lượng, tài nguyên, thị trường...), ở vị trí địa lý nằm giữa Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương, trong những năm qua, châu Phi đã dần trở thành “điểm đến” thu hút sự cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt từ mọi trung tâm quyền lực quốc tế.

Tiếng vọng từ Lục địa Đen  -0
Đây là châu lục có nhiều cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Vô hình trung, điều này khiến càng lúc, những tiếng vọng từ châu Phi càng trở nên giàu sức nặng hơn. Đơn cử, các đề xuất mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thêm các đại diện Lục địa Đen, hay việc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết nạp Liên minh châu Phi làm thành viên thường trực... là những chỉ dấu rõ rệt của sự thay đổi.

Trong quá khứ, có lẽ ngay ở khoảng đầu thiên niên kỷ mới thôi, đã rất khó để giới quan sát quốc tế có thể hình dung rằng sẽ đến một ngày, châu Phi nói riêng cũng như khối các nước đang phát triển ở Nam bán cầu nói chung đủ tự tin để lên tiếng đòi hỏi công bằng, ví dụ như chuyện châu Phi là khu vực phát khí thải ít nhất thế giới, nhưng lại phải chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất và đàng hoàng khẳng định vị thế (như chuyện từ chối bị cuốn vào các cuộc “đụng độ” quyền lực, trên tiến trình tái xác lập trật tự thế giới).

Như vậy, xét cho cùng, song song với việc chìa tay giúp đỡ châu Phi, song song với sự trọng thị xứng đáng dành cho vị thế đang lên của châu lục này, thực chất, các định chế tài chính quốc tế (mà trong sâu thẳm chính là các cường quốc phát triển phương Tây), một cách âm thầm, cũng đang củng cố tầm ảnh hưởng của chính mình tại đây, phù hợp với xu thế chung.

Mây Linh
.
.