Tín hiệu tích cực từ Doha
Vòng đàm phán thứ 3 về hòa bình cho Afghanistan diễn ra ở Doha, Qatar từ ngày 1 đến 6/7 đã kết thúc với nhiều tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội khôi phục hòa bình tại quốc gia đã chìm trong hỗn loạn suốt 2 thập kỷ qua.
Giai đoạn hỗn loạn
Trong vòng vài tuần sau khi Mỹ và NATO rút quân, lực lượng Taliban quay trở lại kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8/2021, gần 20 năm sau khi họ bị quân đội Mỹ và đồng minh đánh bại. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), Taliban đã kiểm soát 80% lãnh thổ trước khi chiếm được Kabul. Điều này có nghĩa là Taliban gần như đã giành được quyền kiểm soát đất nước và tái áp đặt pháp luật Hồi giáo hà khắc trở lại. Đó cũng là thời điểm một cuộc khủng hoảng sâu rộng bắt đầu bùng nổ trong xã hội Afghanistan.
Theo ước tính của LHQ, khoảng 23 triệu người Afghanistan (hơn một nửa dân số) phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Hơn 9 triệu người có nguy cơ chết đói nếu không nhận được viện trợ khẩn cấp. Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights cho biết, phụ nữ Afghanistan đã bị cấm làm việc trong hầu hết các lĩnh vực và bị hạn chế học tập trên lớp 6.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng tại Afghanistan. Chính phủ Afghanistan trước đây, do Tổng thống Ashraf Ghani lãnh đạo, bị cáo buộc tham nhũng và thiếu hiệu quả. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Afghanistan đứng thứ 165 trong số 180 quốc gia về mức độ tham nhũng trong năm 2020. Chính quyền cũng hoạt động không hiệu quả do Afghanistan là một quốc gia đa sắc tộc với nhiều nhóm như Pashtun, Tajik, Hazara và Uzbek. Mâu thuẫn giữa các nhóm này đã gây ra xung đột và bất ổn kéo dài. Lợi dụng điều này, nhóm IS-K (Nhà nước Hồi giáo tại Khorasan) đã thực hiện nhiều vụ tấn công đẫm máu tại Afghanistan làm tăng thêm sự bất ổn.
Sau khi Taliban quay trở lại nắm quyền, tình hình cũng không trở nên sáng sủa hơn. Chính quyền Taliban không được công nhận rộng rãi trên quốc tế. Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và các nước châu Âu, đã từ chối công nhận chính quyền này, gây khó khăn trong việc nhận viện trợ và hỗ trợ quốc tế. Tiếp quản nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng cũng gây nhiều khó khăn cho chính quyền Taliban. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, GDP của Afghanistan giảm tới 30% vào cuối năm 2021. Việc đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan ở nước ngoài và cắt giảm viện trợ quốc tế đã làm trầm trọng thêm tình hình.
Theo báo cáo của LHQ, chỉ 5% dân số Afghanistan được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ vào năm 2021. Sự thiếu hụt nguồn lực y tế và cơ sở hạ tầng càng làm gia tăng khó khăn trong việc đối phó với đại dịch và các vấn đề sức khỏe khác. Trong khi đó, sự can thiệp, ủng hộ của nước ngoài cho các phe nhóm khác nhau làm tình hình nội bộ càng trở nên phức tạp. Cuộc nội chiến có nguy cơ tiếp tục kéo dài. Hơn 2,6 triệu người Afghanistan phải tị nạn và hơn 3,5 triệu người bị di cư nội địa do xung đột, bất ổn. Theo UNHCR, đây là một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất thế giới.
Tiến sĩ Ashley Jackson, chuyên gia về Afghanistan tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách nhân đạo của LHQ nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có tại Afghanistan. Cộng đồng quốc tế cần phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo”.
Nỗ lực của Liên Hợp Quốc
Khi tình hình ở Afghanistan trở lên hỗn loạn, còn các cường quốc trên thế giới đang có quá nhiều mối bận tâm thì LHQ thể hiện vai trò của mình, đã, đang và vẫn tiếp tục thực hiện nhiều nỗ lực để đưa các phe phái ở Afghanistan đến bàn đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình và ổn định cho quốc gia này. LHQ từng tổ chức và tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và các nhóm đối lập, bao gồm cả Taliban. Các cuộc đàm phán này thường được tổ chức tại các quốc gia trung lập như Qatar. Chỉ tính từ đầu năm 2024, LHQ đã đứng ra tổ chức 3 vòng đàm phán về hòa bình tại Afghanistan, với sự tham dự của nhiều phe nhóm đang có mâu thuẫn với nhau.
LHQ cũng thường xuyên bổ nhiệm các đặc phái viên để làm việc trực tiếp với các bên liên quan tại Afghanistan, nhằm thúc đẩy đối thoại và giải quyết xung đột. Bà Deborah Lyons, đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ là một người như vậy. Với những nỗ lực bền bỉ trong nhiều năm, bà Lyons là người mở đường cho các tổ chức quốc tế quay trở lại hoạt động tại Afghanistan sau khi bị chính quyền Taliban từ chối hợp tác thời gian đầu. Nhờ đó, LHQ đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan, bao gồm thực phẩm, y tế và hỗ trợ tái thiết, nhằm giảm bớt những khó khăn do xung đột gây ra và tạo điều kiện cho hòa bình. Đây cũng chính là cách để cộng đồng quốc tế tiếp cận trở lại với vấn đề Afghanistan sau giai đoạn xa lánh.
Cùng với những nỗ lực bảo vệ quyền phụ nữ, kết nối với các quốc gia, tổ chức quốc tế có ảnh hưởng tại Afghanistan, LHQ đã đi đầu trong nỗ lực giảm bớt xung đột và hướng tới xây dựng một nền tảng lâu dài cho hòa bình ở đất nước Nam Á này.
Cơ hội cho hòa bình
Vòng đàm phán mới đây diễn ra trong những ngày đầu tháng 7 đã đạt được một số tiến triển tích cực, đặc biệt trong việc tăng cường hỗ trợ nhân đạo và phát triển bền vững cho Afghanistan. Chương trình “Cung cấp như một” của LHQ đã giúp phối hợp các nỗ lực của nhiều tổ chức quốc tế, cung cấp hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương. Quỹ tín thác đặc biệt cho Afghanistan (STFA) đã huy động được hơn 230 triệu USD từ 13 nhà tài trợ, cho thấy cộng đồng quốc tế đã sẵn sàng quay lại với Afghanistan, tạo điều kiện cho các chương trình chung của 17 tổ chức LHQ nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân và xây dựng khả năng phục hồi dài hạn.
Các cuộc đàm phán ở Doha do LHQ khởi xướng đã mở ra cơ hội cho một quá trình đối thoại, trong đó có sự tham gia của phụ nữ và các nhóm thiểu số. Điều này là một bước tiến quan trọng nhằm xây dựng một quy trình chính trị hợp pháp và toàn diện, tạo điều kiện cho hòa bình và ổn định lâu dài. Các cuộc đàm phán đã chứng kiến sự tham gia của nhiều bên liên quan quan trọng, bao gồm đại diện từ chính quyền Taliban ở lần đàm phán mới nhất. Việc các nhóm đối địch chịu ngồi lại với nhau đã tạo ra một nền tảng đối thoại bao trùm, cho phép mọi tiếng nói và lợi ích được lắng nghe và xem xét.
Taliban đã chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế để tuân thủ các cam kết về quyền con người và hòa bình nên sau 2 lần từ chối tham dự, những ngày đầu tháng 7 vừa qua, phái đoàn của Taliban cũng đã có mặt tại Doha để ngồi vào bàn đàm phán. Sự cam kết của Taliban trong các cuộc đàm phán đã đem đến những hy vọng lớn. Các nước láng giềng của Afghanistan, như Pakistan và Iran vốn ủng hộ Taliban cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quá trình hòa bình. Điều này rất quan trọng vì sự ổn định của Afghanistan có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh khu vực.
Theo các chuyên gia LHQ, Afghanistan vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm vấn đề an ninh, nhân đạo và quyền con người. Mặc dù Taliban đã tham gia vào các cuộc đàm phán, vẫn còn nhiều nghi ngờ về khả năng của họ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là về quyền phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng, để đạt được hòa bình thực sự, cần có sự hợp tác mạnh mẽ từ các bên liên quan khu vực và quốc tế. Sự tham gia của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế là rất cần thiết để hỗ trợ quá trình hòa bình và phát triển ở Afghanistan.
Đại diện của Pháp và Vương quốc Anh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Taliban phải thay đổi hành vi và tôn trọng quyền con người cơ bản. Họ cũng cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan thông qua các tổ chức phi chính phủ và đối tác LHQ. Trong khi đó, đại diện của Nga và Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế duy trì sự hỗ trợ cho Afghanistan và không áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương, nhằm tránh làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế của đất nước này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đã đánh giá tích cực về tiến triển của các cuộc đàm phán và các nỗ lực hòa bình. Họ tin rằng với sự cam kết và hỗ trợ liên tục từ cộng đồng quốc tế, Afghanistan có thể đạt được hòa bình và ổn định lâu dài.