Tình hình bán đảo Triều Tiên đáng quan ngại
Bán đảo Triều Tiên đang trở thành đề tài nóng ở cả phương Đông và phương Tây khi CHDCND Triều Tiên đánh sập cả đường bộ và đường sắt liên Triều, đẩy quan hệ Bình Nhưỡng và Seoul vào vòng xoáy mới, đồng thời lại có báo cáo cho rằng CHDCND Triều Tiên đang tham gia sâu với Nga trong cuộc chiến Nga - Ukraine.
Đánh sập đường bộ, nổ mìn đường sắt
Trong nhiều thập kỷ, CHDCND Triều Tiên chính thức cam kết thống nhất và trong hiến pháp của cả nước này lẫn Hàn Quốc đều tuyên bố chủ quyền trên toàn bán đảo. Nhưng, vào tháng 1/2024, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Hàn Quốc là “kẻ thù chính” của mình, cắt đứt mọi liên lạc ở “mức độ không thể cứu vãn” và xóa bỏ các đề cập đến “hòa giải” hoặc “đồng hương” khỏi hồ sơ. Kể từ đó, Bình Nhưỡng đã tăng cường thử nghiệm vũ khí, thả những quả bóng bay chứa rác, đe dọa chiến tranh vì các cuộc xâm nhập bằng máy bay không người lái của Hàn Quốc và phá hủy các tuyến đường bộ, đường sắt kết nối hai nước.
“CHDCND Triều Tiên chỉ đang thực hiện những gì họ đã nói trước đó”, Lim Eul-chul, giáo sư tại Đại học Kyungnam, nói với AFP. “Điều này dường như phản ánh quyết tâm của họ trong việc xóa bỏ hoàn toàn bất kỳ tiền đề nào về “thống nhất bằng cách sáp nhập” vào Hàn Quốc”. Ông Kim gần đây thậm chí còn nói rằng đất nước của ông không còn quan tâm đến việc “giải phóng Hàn Quốc”.
KCNA ngày 17/10 cho biết những tuyến đường “bị phá hủy hoàn toàn nhờ chất nổ” nằm ở phía Đông và Tây của Bán đảo Triều Tiên vì “những hành động gây hấn chính trị và quân sự nghiêm trọng của các lực lượng thù nghịch” đẩy hai miền Triều Tiên đến “bờ chiến tranh”. Theo KCNA, “đây là một biện pháp tất yếu và hợp pháp”, chiểu theo Hiến pháp CHDCND Triều Tiên, trong đó xác định rõ ràng Hàn Quốc là một quốc gia thù địch”.
Ngoài ra, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng CHDCND Triều Tiên, Bình Nhưỡng “sẽ tiếp tục triển khai biện pháp để củng cố vĩnh viễn biên giới phía Nam đã bị đóng cửa”. Theo AFP, đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng xác nhận Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”, được ghi trong hiến pháp. Biện pháp này từng được nhà lãnh đạo Kim Jong-un nêu trước Quốc hội vào tháng 1/2024, cùng với lời đe dọa tham chiến nếu có bất kỳ hành động vi phạm lãnh thổ CHDCND Triều Tiên, “dù chỉ là 0,001 mm”.
Tại sao là lúc này? Theo các chuyên gia có thể là do thời tiết. Nhiều vùng của CHDCND Triều Tiên đã bị tàn phá bởi lũ lụt trong mùa hè vừa qua, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và trang trại, khiến nhiều người chết và mất nhà cửa. Các quan chức Hàn Quốc cho rằng CHDCND Triều Tiên có thể đã dàn dựng đợt xung đột mới nhất này với Hàn Quốc nhằm đánh lạc hướng sự bất mãn ngày càng tăng trong nước. Các tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng Seoul đã gửi máy bay không người lái bay qua Bình Nhưỡng - một sự vi phạm an ninh nghiêm trọng - đã xuất hiện trên trang nhất của các phương tiện truyền thông nhà nước. Cố vấn An ninh quốc gia của Seoul Shin Won-sik cho biết, “CHDCND Triều Tiên đang leo thang căng thẳng nhằm thắt chặt quyền kiểm soát đối với các vấn đề nội bộ bất ổn của họ”.
Còn về máy bay không người lái thì sao? CHDCND Triều Tiên tuyên bố rằng, quân đội Hàn Quốc đã sử dụng máy bay không người lái để bay qua thủ đô Bình Nhưỡng nhằm rải truyền đơn chống chế độ - một “diễn biến đáng chú ý” cho thấy “một trong những con đường có thể dẫn đến sự leo thang nghiêm trọng giữa hai quốc gia”, theo nhà phân tích Ankit Panda có trụ sở tại Mỹ nói với AFP. CHDCND Triều Tiên, quốc gia không có hệ thống phòng không mạnh mẽ, tỏ ra bất an về các vụ xâm nhập này. “Máy bay không người lái bay qua thủ đô quốc gia có thể cung cấp thông tin trinh sát trong thời chiến, giúp Hàn Quốc có thể tấn công trực tiếp vào văn phòng của ông Kim Jong-un”, ông nói.
Cheong Seong-chang, Giám đốc chiến lược Bán đảo Triều Tiên tại Viện Sejong cho biết các báo cáo cho thấy, “vụ xâm phạm đã bị phát hiện trong không phận phía trên trụ sở của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên”. Ngay cả khi những chiếc máy bay không người lái này chỉ rải truyền đơn mà cũng không nhằm xác định vị trí văn phòng của ông Kim, điều này vẫn là vấn đề vì CHDCND Triều Tiên coi tất cả “nội dung từ nước ngoài là một mối đe dọa lật đổ”, giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul cho biết. Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc chỉ ra rằng CHDCND Triều Tiên đã nhiều lần gửi máy bay không người lái vào Hàn Quốc - bao gồm cả việc bay vào quận Yongsan của Seoul, nơi đặt Phủ Tổng thống, năm 2022.
Trước khi Bình Nhưỡng thông báo chính thức về vụ nổ mìn phá đường, Hàn Quốc và hai nước đồng minh Nhật Bản, Mỹ đã họp tại Seoul tối 16/10 để gia tăng phối hợp đối phó những hành động gây hấn mới của CHDCND Triều Tiên. Theo Yonhap, trong buổi họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Hong-kyun cho biết, 3 nước “lên án mạnh mẽ những lời đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo thường trực của CHDCND Triều Tiên, cắt đứt hoàn toàn những tuyến đường bộ liên Triều và những vụ thả máy bay không người lái và bóng bay thâm nhập lãnh thổ Hàn Quốc là những hành động có chủ đích nhằm làm gia tăng căng thẳng”.
Về phía Trung Quốc, trả lời họp báo ngày 17/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh nhắc lại lập trường của Bắc Kinh là “duy trì hòa bình và ổn định”, “thúc đẩy quá trình giải quyết chính trị cho vấn đề bán đảo (Triều Tiên) là phù hợp với lợi ích chung của tất cả các bên”. Nga thì đổ lỗi cho Seoul về vụ máy bay không người lái, cho rằng đó là “sự xâm phạm trắng trợn đến chủ quyền” của CHDCND Triều Tiên.
Quan hệ tương hỗ
Các chuyên gia cho rằng CHDCND Triều Tiên đã đạt được một thỏa thuận có lợi khi tham gia với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu mà còn giúp họ tiếp cận dữ liệu chiến đấu quan trọng từ chiến trường. Quan hệ đối tác với Nga cung cấp các nguồn lực thiết yếu cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của CHDCND Triều Tiên.
Theo các chuyên gia chia sẻ với Business Insider, sự hiện diện của các quan chức CHDCND Triều Tiên hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine là một kịch bản “hai bên cùng có lợi” đối với ông Kim Jong-un, mang lại lợi thế quân sự mà ít gặp rủi ro. Điện Kremlin đã phủ nhận báo cáo này và cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng công khai nào được đưa ra.
Những tuyên bố mới nhất được đưa ra sau khi có nhiều báo cáo rải rác trong những tháng gần đây mô tả sự hiện diện của các quan chức CHDCND Triều Tiên như kỹ sư và kỹ thuật viên làm việc trong các vai trò hỗ trợ ở hậu phương của cuộc xung đột. Theo tờ The Guardian, con số này lên đến hàng chục người.
Dù số lượng quan chức Triều Tiên hỗ trợ Nga có hạn, điều đó vẫn mang lại lợi ích quan trọng cho ông Kim Jong-un, các chuyên gia nói với Business Insider. Sự việc xảy ra vào thời điểm ông Kim đang chạy đua chế tạo vũ khí hạt nhân để ngăn chặn đồng minh hàng đầu của Hàn Quốc là Mỹ. “Đây là tình huống đôi bên cùng có lợi”, Joseph S. Bermudez Jr., chuyên gia quốc phòng về CHDCND Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho biết. “Họ vừa được trả tiền, vừa có được công nghệ nước ngoài. Đó còn là cơ hội tiếp cận thông tin chiến đấu thực tế để cải thiện khả năng phòng thủ và tấn công của mình”, ông Bermudez nói thêm.
Các chuyên gia cho rằng Nga có thể sẽ cung cấp viện trợ kinh tế và hỗ trợ ngoại giao để đáp lại sự ủng hộ của Bình Nhưỡng. Nhưng, thỏa thuận này còn mang lại nhiều hơn thế. CHDCND Triều Tiên đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội của mình và có cơ hội đòi hỏi các hệ thống tiên tiến của Nga hoặc thiết kế để tự phát triển, từ tàu ngầm và máy bay chiến đấu đến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phục vụ kho vũ khí hạt nhân đang phát triển của họ. Nga đã cam kết giúp CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh. Ngay cả khi không có các hệ thống hoặc chuyển giao công nghệ của Nga, CHDCND Triều Tiên vẫn có thể thu được lợi ích đáng kể: Có được kinh nghiệm thực chiến cho các lực lượng của mình, vốn hiếm khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Ông Bermudez cho biết: “Có 3 nhóm nhân sự Triều Tiên ở Nga vào thời điểm hiện tại”. Đầu tiên là các nhân viên đại sứ quán, “thường là các cố vấn và tùy viên quân sự”, họ có nhiệm vụ thu thập thông tin về tình hình thay đổi nhanh chóng trên chiến trường Ukraine, bao gồm cả về trang thiết bị quân sự của phương Tây. “Vậy, hệ thống phòng không của phương Tây có hiệu quả không? Nếu có thì là loại nào? Họ có thể tìm hiểu bất cứ điều gì về thiết bị, bao gồm các điểm yếu, quy trình hoạt động của thiết bị”, ông Bermudez cho biết. CHDCND Triều Tiên cũng cử đại diện từ các nhà sản xuất thiết bị quân sự mà họ cung cấp, những người này giống như “vệ sĩ” đảm bảo trang thiết bị đến nơi trong tình trạng có thể sử dụng được, ông nói thêm. “Cuối cùng, có các chuyên gia về đạn dược”, ông Bermudez tiếp tục. Đây là những kỹ sư và kỹ thuật viên biết cách vận hành vũ khí và cũng có nhiều khả năng là những người đến chiến trường để quan sát chúng hoạt động.
Tương tự, các quan chức Iran cũng đã hỗ trợ Nga với các máy bay không người lái tấn công Shahed, theo tuyên bố của các quan chức Ukraine. Công việc của họ là đào tạo các đối tác của mình, khắc phục sự cố và ghi nhận thành công cũng như thất bại của các sản phẩm quân sự trong tình huống chiến tranh thực tế. Những gì họ học được ở đó có thể cực kỳ có giá trị khi trở về nhà - họ gửi các báo cáo chi tiết được các cơ quan đào tạo quân sự tiếp nhận, có khả năng đưa vào các sổ tay hướng dẫn quân sự và kế hoạch đào tạo, cũng như đóng góp vào điều chỉnh thiết kế hoặc chiến lược, ông Bermudez cho biết. Nga cũng thu được bí quyết kỹ thuật và các bộ phận tốt hơn khi họ tinh chỉnh vũ khí của CHDCND Triều Tiên, ông Bermudez cho biết: “Người Nga có thể nói, chúng tôi đã xem xét hệ thống dẫn đường của các bạn. Các bạn có thể thử làm A, B, C hoặc tích hợp con quay hồi chuyển này thay vì loại con quay hồi chuyển mà các bạn đang sử dụng - hoặc chúng tôi có thể cung cấp cho các bạn loại tốt hơn”. “Càng quan sát vũ khí của mình được sử dụng trong chiến tranh thực tế, hệ thống của bạn càng tốt hơn”, ông nói. “Người Triều Tiên đang có một cơ hội độc nhất vô nhị để làm điều đó và họ còn được trả tiền để làm việc này”, ông Bermudez nói thêm.