Tòa án Israel ra lệnh dỡ bỏ làng Negev của Palestine để xây dựng khu phố Do Thái

Thứ Sáu, 04/08/2023, 18:53

Tòa án Israel đã cho các gia đình Palestine ở Negev (hoặc Naqab) thời hạn đến trước ngày 1/3/2024 để phá hủy nhà cửa và rời khỏi làng của họ để nhường chỗ cho việc mở rộng thành phố Do Thái Dimona, Israel gần đó.

Cư dân của Ras Jrabah, một ngôi làng có trước khi Nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948 nhưng “không được công nhận” nói rằng bất chấp những lo ngại cho tương lai của họ, họ sẽ đấu tranh đến cùng.

Lệnh dỡ bỏ làng Negev của người Palestine

Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến 500 người dân bản địa của làng Ras Jrabah, những người đã bị sốc sau quyết định của Tòa án Sơ thẩm Be’er Sheva hôm thứ Hai ngày 24/7 vừa qua. Cư dân của ngôi làng nói rằng tin tức đến với họ như tiếng sét ngang tai và rất khó xử lý. Musa al-Hawashleh, một cư dân của Ras Jrabah, nói rằng “Những người trẻ tuổi đã gọi cho tôi từ sáng, nói với tôi về những lo lắng của họ cho tương lai. Chúng tôi không biết mình sẽ đi đâu. Chúng tôi đã ở đây trước Nhà nước Israel và giờ chúng tôi sẽ bị trục xuất khỏi quê hương của mình”.

2a.jpg -0
Phụ nữ Palestine đứng cạnh cảnh sát Israel trong cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ trục xuất tại làng Sawe al-Atrash ở Negev, vào ngày 12 /1/2022. Ảnh: Reuters

Vụ án Ras Jrabah bắt đầu vào tháng 5/2019 khi Cơ quan quản lý đất đai Israel (ILA) đệ trình 10 vụ kiện trục xuất đối với 127 cư dân trong làng và gia đình của họ. Cơ quan chính phủ lập luận rằng sự hiện diện của Ras Jrabah - nơi không được nhà nước công nhận là một ngôi làng chính thức - đã cản trở việc mở rộng thành phố Dimona gần đó. Dimona được xây dựng trên mảnh đất thuộc sở hữu của bộ lạc al-Hawashleh bản địa Palestine du mục, bộ lạc này cũng sở hữu đất ở làng Ras Jrabah liền kề. Chính phủ muốn dỡ bỏ Ras Jrabah - một khu vực rộng khoảng 34 ha - và thay thế nó bằng một khu phố mới dành cho công dân Do Thái có tên là Rotem, nơi sẽ bao gồm hàng nghìn đơn vị nhà ở.

Phán quyết của tòa án sơ thẩm có lợi cho chính phủ Israel. Ngoài việc ra lệnh cho các gia đình Palestine rời khỏi ngôi làng mà họ đã sinh sống qua nhiều thế hệ, các gia đình cũng được lệnh phải trả một khoản tiền 117.000 shekel (31.700 USD) để trang trải các chi phí pháp lý. Adalah, trung tâm pháp lý về quyền của người thiểu số Ảrập có trụ sở tại Haifa, đại diện cho cư dân Palestine, cho biết họ sẽ kháng cáo quyết định này.

Adalah nói rằng tòa án “không quan tâm” đến lập luận của cư dân trong phán quyết của mình. “Kể từ Nakba (Nakba, có nghĩa là “thảm họa” trong tiếng Ảrập, đề cập đến sự di dời hàng loạt và tước đoạt quyền sở hữu của người Palestine trong cuộc chiến tranh Ảrập-Israel năm 1948. Trước Nakba, Palestine là một xã hội đa sắc tộc và đa văn hóa), Nhà nước Israel đã sử dụng một loạt các công cụ và chính sách để buộc cư dân Bedouin ở Naqab phải di dời”, “Sinh kế của họ bị giới hạn trong các khu vực hạn chế và các thị trấn tách biệt, và họ phải chịu những điều kiện sống khắc nghiệt, không ai quan tâm đến các nhu cầu và lối sống cơ bản của họ. Việc buộc cư dân Ras Jrabah phải di dời để mở rộng thành phố Dimona của người Do Thái, được xây dựng trên đất của cư dân, là bằng chứng rõ ràng cho thấy Israel đang phạm tội phân biệt chủng tộc đối với công dân Palestine của mình”.

Quyết định “Do Thái hóa” của Negev

Hawashleh nói rằng mặc dù cư dân sẽ phản đối quyết định và đấu tranh bằng mọi cách tại tòa án, nhưng họ có rất ít hy vọng vào chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan hiện tại, chính phủ đã đặt việc thúc đẩy “Do Thái hóa” Naqab làm trọng tâm trong định hướng chính sách của mình. Ông nói, “Chính phủ mới còn tồi tệ hơn chính phủ trước, họ muốn phá bỏ ngôi làng để xây dựng một khu phố mới… Chính phủ đã không đưa ra các đề xuất thay thế”. “Thật khó để xử lý và giải thích cho những người trẻ tuổi. Tôi lo lắng cho họ, tương lai của họ và nơi họ sẽ đi tới”. Theo trung tâm pháp lý Adalah, cư dân Ras Jrabah đề nghị đưa ngôi làng của họ vào khu vực mới được quy hoạch của Dimona, yêu cầu này đã bị từ chối.

Tòa án Israel ra lệnh dỡ bỏ làng Negev của Palestine để xây dựng khu phố Do Thái -0
Các cậu bé Palestine đi về phía ngôi làng Umm al-Hiran “không được công nhận” ở sa mạc Negev, miền nam Israel. Ảnh: Reuters

Ngôi làng này là một trong khoảng 30 ngôi làng của người Palestine không được công nhận ở vùng Negev thuộc lãnh thổ phía nam của Israel. Gần 100.000 người Palestine có quốc tịch Israel sống trong những ngôi làng không được công nhận này, nơi không có bất kỳ cơ sở hạ tầng hoặc hỗ trợ nào từ chính phủ. Không có phương tiện giao thông, không có đường sá, không có trường học và chính quyền Israel không hợp tác với lãnh đạo địa phương của họ.

Công dân Palestine của Israel là hậu duệ của người dân bản địa đã bị lực lượng dân quân Zionist di dời dữ dội trong quá trình thành lập Nhà nước Israel năm 1948. Ngày nay có gần hai triệu công dân Palestine của Israel, những người được ước tính chiếm 20 phần trăm dân số của đất nước.

Ít nhất 300.000 người sống ở khu vực Negev và nói rằng chính quyền Israel đã cố gắng đuổi họ ra ngoài và phá hủy lối sống du mục của họ trong nhiều thập kỷ bằng nhiều chiến thuật khác nhau. Chúng bao gồm tịch thu đất đai của người Palestine bản địa và biến chủ đất thành tá điền. Ngoài ra, chính phủ Israel bị cáo buộc ngăn cản việc mở rộng các ngôi làng của người Palestine và bao vây họ bằng các khu định cư Do Thái mới.

Nghị sĩ Youssef al-Atawneh, một thành viên Palestine của quốc hội Israel với liên minh Hadash-Ta’al, chia sẻ rằng “Mục tiêu của chính phủ Israel là kiểm soát vùng đất Ảrập ở Naqab và trục xuất toàn bộ cộng đồng khỏi vùng đất của họ”, “Điều này đã diễn ra từ năm 1948 và một số gia đình đã phải di dời hai lần”. Nghị sĩ này cho biết ông đang hợp tác với một ủy ban có trụ sở tại Negev để tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối việc trục xuất cư dân Ras Jrabah và các dự án đang diễn ra. “Mọi người rất tức giận vì nạn phân biệt chủng tộc đang diễn ra. Nhưng bất chấp những hoàn cảnh khó khăn, tiền phạt và sự di dời, mọi người vẫn kiên định và mạnh mẽ”. Ông cũng dự đoán rằng phán quyết gần đây của tòa án Israel có thể sẽ thổi bùng căng thẳng ở Negev.

Israel mở rộng luật “từ chối người Palestine”

Quốc hội Israel đã lặng lẽ thông qua một đạo luật cấm công dân Palestine của Israel sống ở gần một nửa số ngôi làng và thị trấn nhỏ của đất nước. Quốc hội Israel bị cáo buộc đã thông qua một đạo luật “phân biệt chủng tộc”. Cái gọi là luật “ủy ban tuyển sinh” được thông qua hôm thứ Ba ngày 25/7 sẽ củng cố một đạo luật gây tranh cãi năm 2011 cho phép những hội đồng tương tự - bao gồm các thành viên của cộng đồng địa phương - sàng lọc những người nộp đơn xin các đơn vị nhà ở và lô đất ở trên hàng trăm “thị trấn cộng đồng” của người Israel gốc Do Thái được xây dựng trên đất của nhà nước.

Các nhà vận động nhân quyền đã nhấn mạnh rằng điều này nhằm trao cho các cộng đồng Do Thái nhỏ quyền ngăn chặn người Palestine mua hoặc thuê nhà. Luật không chính thức cho phép các ủy ban từ chối các ứng cử viên dân cư vì lý do chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, tình trạng khuyết tật, tầng lớp, tuổi tác, nguồn gốc, khuynh hướng tình dục, quốc gia xuất xứ, quan điểm hoặc đảng phái chính trị. Tuy nhiên, từ ngữ của luật năm 2011 cho phép các ủy ban từ chối những ứng cử viên mà họ cho là “không phù hợp với cấu trúc xã hội và văn hóa” của cộng đồng.

Trung tâm Adalah cho biết, “Trên thực tế, quyền lực này đã dẫn đến việc loại trừ các công dân Palestine của Israel khỏi các cộng đồng này, nơi được xây dựng trên vùng đất do nhà nước kiểm soát”. Hassan Jabareen, người sáng lập Adalah, đang lo lắng về phần luật mới nhất của ủy ban tuyển sinh và các kế hoạch cải cách tư pháp của Israel, vốn được thiết lập để tòa án có thể can thiệp chính trị. Ông nói: “Chúng tôi hiện đang ở trong một tình huống rất nguy cấp”, và hiện tại có một “bầu không khí mà người Ảrập có thể dễ dàng bị phân biệt đối xử”.

Phân biệt chủng tộc ở Israel

Vào năm 2012, Adalah đã đưa chính phủ Israel ra tòa, lập luận rằng luật của Ủy ban tuyển sinh là một bộ luật phân biệt chủng tộc chủ yếu nhắm vào người Palestine. Bốn thành viên của tòa án tối cao Israel đã đồng ý, trong khi năm thành viên cho rằng còn quá sớm để đưa ra phán quyết về vấn đề này. Với việc Quốc hội Israel hiện đang mở rộng số lượng thị trấn có quyền sàng lọc những người sống trong cộng đồng của họ.

Cho đến nay, luật trước đây chỉ áp dụng cho Galilee ở miền bắc Israel và Negev (Naqab) ở miền nam đất nước, cho phép các cộng đồng Do Thái có tối đa 400 hộ gia đình điều hành các ủy ban tuyển sinh và chọn những người có thể sống trong cộng đồng. Việc mở rộng mới được thông qua làm tăng giới hạn đó lên 700 hộ gia đình và sau 5 năm, có thể sẽ có hơn 700 hộ gia đình.

Nó cũng mở rộng các khu vực mà luật sẽ được áp dụng ngoài Galilee và Negev cho các khu vực được chỉ định là ưu tiên quốc gia về nhà ở. “Khu vực phía bắc Haifa và cho đến Galilee, bao gồm 241 thị trấn hoặc 80% thị trấn ở phía bắc” giờ đây có thể bị từ chối đối với người Palestine, Jabareen nói. Ở phía nam của đất nước, trong khu vực Negev, 89% thị trấn cũng có thể được coi là ngoài giới hạn đối với người Palestine.

Với sự tập trung cao của người Palestine sống ở phía bắc và phía nam của đất nước, thật khó để không kết luận rằng luật này đang được nhắm mục tiêu nhằm tạo ra uy quyền tối cao của người Do Thái về mặt nhân khẩu học. “Rõ ràng chúng ta đang nói về một quốc gia đã quyết định trở thành một quốc gia phân biệt chủng tộc bên trong đường ranh giới xanh” - ông Jabareen nói, đề cập đến các đường biên giới trước năm 1967 của Israel. “Một phần lớn của đất nước này sẽ không được phép cho công dân Ảrập cư trú”. “Điều kỳ lạ là luật này được thông qua hôm thứ Ba ngày 25/7 mà không có bất kỳ sự chú ý nào của giới truyền thông hay công chúng ở Israel. Việc xâm phạm quyền của người Ảrập ngày càng trở nên dễ dàng hơn”, Jabareen nói thêm.

“Người Palestine có quyền xây nhà”

Ngoài các chính trị gia đại diện cho hai đảng Ảrập trong quốc hội, chỉ có hai nghị sĩ Lao động đối lập bỏ phiếu chống lại đạo luật, trong khi tất cả những người khác đều bỏ phiếu ủng hộ. Ahmad Tibi, một thành viên Palestine của quốc hội Israel, người đã bỏ phiếu chống lại luật này, chia sẻ rằng trong khi các cộng đồng Do Thái tiếp tục được ưu đãi trong việc phân bổ nhà ở và đất đai thì “một ngôi làng Ảrập mới chưa bao giờ được thành lập ở Galilee hay ở bất kỳ vùng nào của Israel”.

Tibi nói: “Quá trình lập kế hoạch xây dựng ở Israel mang tính phục quốc Do Thái và ý thức hệ, do đó nó xa lánh và thù địch với người dân Ảrập”. Trong nhiều năm, Israel đã sử dụng một số công cụ khác nhau để ngăn chặn người Palestine mở rộng cộng đồng của họ. Và Luật Kaminitz đã được thông qua vào năm 2017. Luật này áp đặt các hình phạt nghiêm khắc đối với công trình xây dựng mà nó cho là bất hợp pháp, nhưng các nhà vận động coi đó là hình phạt đối với người Palestine của đất nước, những người không được quyền xây nhà ở của họ.

Huyền Thanh Thanh (Tổng hợp)
.
.