Tội phạm khai thác cát trái phép ở nhiều nước đang tàn phá sông Mekong

Thứ Bảy, 22/07/2023, 09:06

Cát là nguồn tài nguyên được khai thác nhiều nhất trên toàn thế giới, nhưng ít ai nhận thức được cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu bắt nguồn từ việc khai thác quá mức. Cát sông là thành phần chính của bê tông - nguồn tài nguyên cốt lõi trong xây dựng.

Trong khi sự bùng nổ trong xây dựng và đô thị hóa nhanh chóng ở các nước đang phát triển tạo ra nhu cầu chưa từng có đối với cát sông, lĩnh vực này vẫn không được kiểm soát và không bền vững.

Đông Nam Á cũng không ngoại lệ. Khai thác cát sông có mặt ở hầu hết các nước ASEAN. Tuy nhiên, vấn đề này đặc biệt đáng báo động ở năm quốc gia ASEAN dọc theo sông Mekong - Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Cát sông trong khu vực được khai thác nhanh hơn khả năng tái tạo tự nhiên, với nhu cầu ở châu Á được dự báo sẽ tăng nhanh.

cát mekong-1.jpg -0
Cát được hút ở bờ sông Mekong làm bê tông.

Sông Mekong, một trong những dòng sông dài nhất thế giới, đem lại thực phẩm, nước dùng và sự sống cho khoảng 60 triệu người dân ở sáu quốc gia khác nhau. Dòng sông cũng cung cấp rất lớn cho các nước về kinh tế du lịch, đặc biệt khu thượng nguồn Tây Tạng.

Trên mạng internet, cát sông Mekong được rao bán với các đơn hàng từ 20 ngàn đến 200 ngàn tấn. Cát sông là nguyên liệu thiết yếu cho rất nhiều ngành công nghiệp như mỹ phẩm, phân bón, thép và nhất là ngành sản xuất xi măng. Trong hai thập kỷ qua, nhu cầu cát đã tăng gấp ba lần, theo số liệu Liên hợp quốc, do sự tăng tốc trong cuộc đua xây dựng các thị trấn và thành phố mới. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Ủy ban sông Mekong, cao độ lòng sông của hai nhánh chính của sông Mekong tại đồng bằng sông Cửu Long đã thấp đi tới 1,4m trong 10 năm tính từ năm 2008, còn nếu tính từ năm 1990 đến nay, cao độ này thấp hơn từ 2-3m. Chỉ trong 4 năm gần đây, lượng cát mà Trung Quốc tiêu thụ trong quá trình đô thị hóa các khu vực nông thôn ngang với tổng lượng cát Hoa Kỳ tiêu thụ trong cả thế kỷ 20. Cát còn được sử dụng để bồi đắp và mở rộng diện tích. Chẳng hạn như hiện giờ, Singapore đã lớn hơn 20% so với thời điểm nước này giành độc lập vào năm 1965.

"Mỗi năm chúng ta khai thác đủ cát để xây dựng một bức tường cao 35m và rộng 35m trên khắp thế giới" - Pascal Peduzzi thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc nói. Cát là một trong những tài nguyên được khai thác nhiều nhất trên Trái đất. Với ước tính có tới 50 tỉ tấn cát được khai thác trên toàn cầu mỗi năm, đây là ngành khai thác tài nguyên lớn nhất trên hành tinh. Với sông Mekong, việc khai thác cát diễn ra nhiều ở lòng sông trên đất Campuchia và các nước lân cận. "Việc khai thác đang diễn ra với tốc độ ồ ạt, và chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi nhanh chóng diện mạo hành tinh của chúng ta" - Giáo sư Stephen Darby, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về các dòng sông, tại Đại học Southampton (Anh) cho hay.

Toàn bộ hệ sinh thái của sông Mekong đang bị đe dọa, mà nguyên nhân vẫn là do nhu cầu vô độ của con người đối với cát. Các nghiên cứu của Giáo sư Stephen về hạ lưu sông Mekong cho thấy, trên tổng chiều dài hàng trăm cây số, lòng sông đã bị hạ thấp vài mét chỉ trong vài năm. Tất cả đều có nguyên nhân từ việc khai thác cát lậu. Không phải tất cả các loại cát đều có thể sử dụng làm nguyên vật liệu. Chẳng hạn, cát sa mạc quá mịn để có thể dùng trong đổ bê tông. Loại cát này cũng không thích hợp để sản xuất kính hoặc sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử. Đó là lý do tại sao cát khai thác theo hình thức “tĩnh” tại các mỏ, hoặc khai thác theo hình thức “động” từ biển và sông, như với trường hợp sông Mekong, lại được săn lùng đến vậy.

Ông Peduzzi nói rằng, khai thác cát theo hình thức động có thể gây ra tổn hại rất lớn: "Cát là một phần của hệ sinh thái và đóng vai trò quan trọng mà nếu bị khai thác mất đi sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, gây xói mòn đất và tăng nhiễm mặn".

Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 11/2020, có tên Research in Nature, cho rằng, việc khai thác cát trên một đoạn sông dài 20 km "không bền vững" bởi lượng trầm tích từ thượng nguồn đổ về không đủ để thay thế lượng cát bị lấy đi.

Hệ sinh thái lưu vực sông Mekong bị thách thức không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Ngành nuôi trồng thủy sản ở hạ lưu sông Mekong vốn là nguồn cung cấp thực phẩm cho 60 triệu người. Nhưng không chỉ thế, theo ước tính của WWF, dòng sông này còn là nơi cư ngụ của 800 loài cá, cũng như của một trong những quần thể lớn nhất còn lại của loài cá heo Irrawaddy vốn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, việc khai thác cát gây tranh cãi không chỉ diễn ra ở sông Mekong. Chẳng hạn, ở Kenya và Ấn Độ, đã có những cuộc đụng độ dữ dội liên quan đến khai thác loại tài nguyên này. Tính trung bình, mỗi người trên trái đất mỗi ngày sử dụng tới… 18kg cát. Ở Ấn Độ, lượng cát xây dựng tiêu thụ mỗi năm đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2000, và con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh.

Tội phạm khai thác cát trái phép ở nhiều nước đang tàn phá sông Mekong -0
Khai thác cát trên sông Mekong là nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở đất.

Mark Russell, Giám đốc Hiệp hội các sản phẩm khoáng sản của Anh, cho rằng vấn đề quan trọng hơn là việc tìm nguồn cát ngày càng khó hơn. "Tuy đây là một vấn đề toàn cầu, nhưng nó lại diễn ra ở cấp độ địa phương, và đây là nguồn tài nguyên chưa được quan tâm nhiều" - ông nói. Một cách để giải quyết vấn đề là tìm cách sử dụng lượng cát dồi dào ngoài sa mạc.

Các nhà khoa học từ Đại học Hoàng gia London, Anh đã lấy cát mịn ngoài sa mạc để tạo ra một loại vật liệu xây dựng mà họ gọi là "hữu hạn". Loại vật liệu này có độ chắc tương đương với bê tông dân dụng, nhưng việc sản xuất ra nó chỉ thải ra một nửa lượng khí thải carbon so với bê tông và quan trọng nữa là nó có khả năng phân hủy sinh học.

Các nước cấm khai thác cát và cũng có khuyến nghị đưa ra về hạn mức khai thác cát trên sông Mekong lần lượt vào các năm 2009 và 2017.

Tuy nhiên, trên mạng internet, cát sông Mekong được rao bán với các đơn hàng từ 20 ngàn đến 200 ngàn tấn. Rolf Aalto, Giáo sư ngành địa lý tại Đại học Exeter (Anh), cũng phát hiện ra rằng, trong khi Campuchia tuyên bố không xuất khẩu cát sông, dữ liệu của Singapore cho thấy vẫn tiếp tục nhập khẩu cát từ nước này. Bộ Ngoại giao và Năng lượng Campuchia đã không trả lời yêu cầu bình luận của BBC.

Những tình huống này minh họa những gì ông Russell mô tả là sự thiếu minh bạch trên phạm vi toàn cầu. "Nếu chúng ta thực sự không rõ chúng ta đang tiêu thụ cái gì hay nó đến từ đâu, thì việc đưa ra quyết định quản lý một cách sáng suốt là vô cùng khó khăn". Giáo sư Darby cũng đồng ý rằng, chúng ta đang thiếu dữ liệu. "Khó khăn lớn với ngành khai thác cát là không có bất kỳ hệ thống dữ liệu nào về phạm vi và mức độ của ngành thương mại này trên toàn cầu". Ông Peduzzi nói đây chính là lý do tại sao cần có một trung tâm giám sát ở cấp độ toàn cầu. "Hiện tại, tất cả những gì chúng ta có chỉ là ước tính chung chung và chúng ta cần tập trung nỗ lực của mình" - ông nói.

 Ngoài nghị quyết về quản trị tài nguyên khoáng sản do Liên hợp    quốc đưa ra,  theo đó yêu cầu các quốc gia phải giảm tác động của việc khai thác cát, ông Peduzzi cho rằng: "Chúng ta cần sử dụng tài nguyên này khôn ngoan hơn". Ông cũng cho rằng, "Cát phải được xem là nguồn vật liệu chiến lược, chứ không chỉ là nguồn cung cấp vô tận".

Bản chất của mối đe dọa mang tính khu vực đòi hỏi một giải pháp chính sách xuyên biên giới. Các nước ASEAN cần một cách tiếp cận chính sách hài hòa để xóa bỏ nạn khai thác cát sông không bền vững ở Đông Nam Á.

Chính phủ  các nước ASEAN nên thúc đẩy các giải pháp thay thế dài hạn bền vững thông qua một loại thuế phổ cập có phối hợp đối với sản lượng và xuất khẩu cát. Để đạt được điều này, hiện nay cần nhấn mạnh vào việc xây dựng cơ sở ban đầu cho quản lý cát.

Lĩnh vực khai thác cát trong khu vực ASEAN phần lớn không được quản lý. Khuôn khổ về môi trường của ASEAN có thể tập trung cho một cuộc đối thoại về vấn đề trên. Các quốc gia Đông Nam Á nên nhận ra rằng, cần có một lập trường chung, phổ quát của chính phủ các quốc gia để giảm thiểu khủng hoảng môi trường tiềm tàng bắt nguồn từ việc khai thác cát sông. Không nên cấm hoàn toàn việc khai thác cát sông. Với nhu cầu quá lớn, điều này sẽ không thực tế vì nó sẽ chỉ thúc đẩy thị trường chợ đen, buôn lậu và tham nhũng.

Giải pháp lâu dài để xóa bỏ tình trạng khai thác cát sông không bền vững là thúc đẩy các giải pháp thay thế bền vững có hiệu quả về chi phí và ngang bằng với các tiêu chuẩn thương mại tối thiểu. Những lựa chọn thay thế như vậy là cát nhân tạo và bụi mỏ tái chế.

Tất cả các nước ASEAN nên đánh thuế chung đối với sản phẩm khai thác và xuất khẩu cát sông. Thuế đầu ra và thuế xuất khẩu sẽ đóng vai trò là cơ chế nhắm mục tiêu hai lần để thúc đẩy các giải pháp thay thế bền vững hơn.

Thứ nhất, thuế sẽ làm tăng giá cát sông. Ngành xây dựng sẽ có xu hướng áp dụng các giải pháp thay thế bền vững hơn vì cát sông sẽ không còn lợi thế đáng kể về chi phí.

Thứ hai, thuế sẽ tạo ra doanh thu cho chính phủ. Một phần doanh thu thuế nên được sử dụng để thành lập quỹ ủy thác môi trường cho nghiên cứu liên quan đến các giải pháp thay thế bền vững và thực hành môi trường. Trên thực tế, đây có thể là một chương trình phục hồi môi trường được thiết kế và triển khai như một phần của quyền khai thác. Thuế sẽ phản ánh nghĩa vụ của những người khai thác cát trong việc điều chỉnh hoặc có khả năng đảo ngược tác động của chúng.

Khai thác cát sông đang khiến nhiều đồng bằng trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam nguy cơ biến mất. Nơi đây là chốn mưu sinh của khoảng 20 triệu người và đóng góp một nửa nguồn lương thực cho Việt Nam cũng như phần lớn sản lượng gạo cho các quốc gia còn lại ở Đông Nam Á. Nước biển dâng vì biến đổi khí hậu là một nguyên do khiến đồng bằng đang dần mất đi diện tích đất gần bằng 1,5 sân bóng đá mỗi ngày.

Nhưng mặt khác, các nhà nghiên cứu tin rằng con người đang cướp cát khỏi đồng bằng. Trong nhiều thế kỷ, đồng bằng đã được bồi đắp phù sa từ các dãy núi ở Trung Á nhờ dòng sông Mekong. Nhưng vài năm gần đây, ở từng quốc gia dọc theo dòng sông, các công ty khai thác cát đã bắt đầu hút số lượng cát khổng lồ khỏi đáy sông.

Theo nghiên cứu từ năm 2013 do ba nhà nghiên cứu Pháp thực hiện, khoảng 50 triệu tấn cát bị khai thác chỉ riêng trong năm 2011 - đủ để phủ khắp thành phố Dever với lượng cát dày khoảng 5cm.

Trong khi đó, năm con đập lớn đã được xây dựng trong những năm gần đây trên dòng sông Mekong và khoảng 12 con đập khác đang được dự kiến đưa vào xây dựng ở Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Những con đập này đã chặn dòng phù sa chảy về bồi đắp cho vùng đồng bằng. Nói cách khác, dù tình trạng sạt lở tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục, nhưng quá trình bồi đắp phù sa tự nhiên không còn nữa. Các nhà nghiên cứu trong Chương trình Sông Mekong Mở rộng của WWF tin rằng với tình trạng này, một nửa đồng bằng này sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này.

Văn Nguyễn
.
.