Tổng thống Nga đến Iran

Thứ Tư, 20/07/2022, 09:55

Trước chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Đông, Điện Kremlin đã thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm khu vực này nhằm tăng cường quan hệ với Iran và tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên với các nhà lãnh đạo Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận những vấn đề liên quan tới các cuộc xung đột ở Ukraine và Syria.

Cũng như chuyến thăm Saudi Arabia của ông Biden tuần trước, chuyến đi của ông Putin tới Iran tuần này được xem là có khả năng làm thay đổi ván cờ ở khu vực.

Chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 19-7 là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, sau chuyến thăm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ (Tajikistan và Turkmenistan) hồi tháng 6 vừa qua. Chuyến thăm Iran lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Nga và Iran hiện đều là mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Mỹ và đang hợp tác để phá vỡ các lệnh trừng phạt đó. Hai bên cũng đang trong quá trình hoàn tất và ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược 20 năm (một bản dự thảo hiệp ước đã được Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đề xuất với phía Nga trong chuyến thăm Moscow đầu năm nay).

Tổng thống Nga đến Iran -0
Tổng thống Nga V.Putin gặp người đồng cấp Iran E.Raisi bên lề Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia ven biển Caspi ở Ashgabat, Turkmenistan, ngày 29-6-2022. Ảnh: AP

Theo Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội Iran M.Pourebrahimi, một trong những mục đích trong chuyến đi của ông Putin là cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai nước. Lập kế hoạch phát triển hợp tác kinh tế để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Nghị sĩ cấp cao Iran cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt mà châu Âu và Mỹ áp đặt đối với Nga đã khiến sự hợp tác Nga-Iran trở nên cấp thiết hơn.

Tổng thống Putin thăm Iran vào thời điểm quan trọng khi Iran đang bị cáo buộc vi phạm các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân và đang đẩy nhanh các nỗ lực phát triển hạt nhân đáng lo ngại. Lâu nay, giới quan sát quốc tế vẫn cho rằng Nga và Iran tuy cư xử “lịch sự” với nhau nhưng rõ ràng không ưa nhau. Trong quá khứ, hai nước đã can dự vào 5 cuộc chiến đối đầu nhau và xung đột liên tục kể từ năm 1651. Nhưng, hai chế độ đang bị cô lập này đã tìm thấy lợi ích chung là chống Mỹ. Nga và Iran đã trở thành đồng minh thời chiến ở Syria, nơi họ phối hợp thành công để ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Đối lập?

Nhiều người cho rằng có thể coi chuyến thăm Iran của ông Putin là cơ hội để làm lu mờ và “đánh bại” ông Biden cùng đồng minh Mỹ tại khu vực. Tổng thống Nga có thể trả đũa việc Mỹ hỗ trợ quân sự cho Ukraine bằng cách tăng cường quan hệ quân sự với Iran. Trước đây, Nga đã bán cho Iran xe tăng, máy bay chiến đấu, tàu ngầm và các loại vũ khí khác nhưng đã ngừng cung cấp vũ khí tấn công cho Tehran trong những năm gần đây do lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp quốc đối với Iran. Lệnh cấm vận hết hiệu lực vào năm 2020 nhưng từ đó đến nay Moscow chưa công bố bất kỳ vụ mua bán vũ khí lớn nào. Có lẽ, Điện Kremlin đang chờ xem liệu thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (đã hết hiệu lực) có thể được đàm phán lại hay không, từ đó cho phép Nga nhận các khoản thanh toán từ Iran sau khi các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ được dỡ bỏ.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Lầu Năm Góc đánh giá Tehran đang xem xét mua của Nga máy bay chiến đấu Su-30, máy bay huấn luyện Yak-130, xe tăng T-90, hệ thống phòng không S-400 và hệ thống phòng thủ bờ biển Bastian. Nếu vậy, ông Putin có thể coi chuyến đi này là thời điểm thích hợp để công bố một thương vụ bán vũ khí lớn, điều này sẽ cho phép ông và Tổng thống Iran nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh chớm nở và sự thách thức chung đối với Mỹ.

Hai nhà lãnh đạo cũng có thể thảo luận về việc bán vũ khí theo chiều ngược lại. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan mới đây cho biết, họ có thông tin tình báo về việc Iran đang chuẩn bị cung cấp cho Nga tới vài trăm máy bay không người lái (UAV), trong đó một số UAV có khả năng mang vũ khí. UAV tiên tiến của Iran đã chứng minh hiệu quả sát thương lớn trong các cuộc không kích do Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm của Iran tiến hành nhằm vào các mục tiêu ở Iraq, Syria, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tình báo Mỹ cho rằng Tổng thống Putin có thể thấy những UAV này hữu ích trong cuộc chiến ở Ukraine, nơi các phi công Nga bị chặn bởi hệ thống phòng không Ukraine đã biến phần lớn không phận Ukraine thành vùng cấm bay. Về phần mình, Tehran cho biết họ có quan hệ quốc phòng với Moscow nhưng bác bỏ tuyên bố của Mỹ về việc Iran sẽ cung cấp UAV cho Nga.

Trong thời gian ở Tehran, Tổng thống Putin cũng sẽ gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, một nhà lãnh đạo nổi tiếng khác đang khai thác tình cảm chống Mỹ để củng cố ảnh hưởng. Thổ Nhĩ Kỳ đã xung đột với Nga và Iran về hồ sơ Syria, khi họ ủng hộ các nhóm phiến quân Hồi giáo dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan đã tham gia khuôn khổ ngoại giao Astana do Nga dẫn đầu nhằm tìm cách loại Mỹ khỏi các cuộc đàm phán đa phương về tương lai của Syria. Ngoài cuộc gặp ba bên Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ về Syria, các nhà lãnh đạo cũng sẽ giải quyết các vấn đề song phương liên quan cuộc chiến ở Ukraine, trong đó có đề xuất của Ankara làm trung gian hòa giải giữa Moscow và Kiev.

Tổng thống Nga đến Iran -0
Chuyến thăm Iran của ông Putin lần này bao hàm nhiều mục đích.

Điểm mấu chốt

Tổng thống Putin đang cố gắng vượt qua Tổng thống Mỹ Biden khi thông báo về chuyến thăm Iran, mà ông biết rằng nó sẽ được coi là một hành động thách thức Mỹ. Tại Iran, ông Putin có khả năng tìm kiếm thúc đẩy hợp tác Nga-Iran trong các vấn đề an ninh, kinh tế và trừng phạt; vận động Iran ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và thảo luận về một “giải pháp” ngoại giao khả thi cho Syria mà ông hy vọng sẽ thu hút được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ nhân Điện Kremlin có thể không bắt đầu các cuộc gặp với ban lãnh đạo Iran bằng cử chỉ giơ tay chào, như ông đã làm khi gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) hồi năm 2018, khi thái tử bị nhiều nhà lãnh đạo phương Tây xa lánh. Nhưng, đừng nhầm lẫn: màn thể hiện tình cảm thân thiết quá mức tại cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Raisi sẽ là một sự phủ nhận hoàn toàn vai trò của ông Biden.

Đoàn kết với Tehran và Ankara cũng sẽ là ưu tiên chính của ông Putin trong chuyến thăm Iran lần này. Trong bối cảnh cùng đối mặt với những chỉ trích của quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đang tìm cách hợp tác chặt chẽ với nhau vì nhiều lý do liên quan Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid hồi tháng trước, cuộc chiến ở Ukraine và thỏa thuận hạt nhân Iran. Cuộc gặp của ông Putin với ông Raisi và ông Erdogan được cho là nhằm chống lại nỗ lực của ông Biden, vốn đang muón xoa dịu mối quan hệ căng thẳng của Mỹ với các nhà lãnh đạo khu vực.

Trần Ánh
.
.