Trấn áp mạnh mẽ tội phạm “tín dụng đen”

Thứ Bảy, 13/08/2022, 18:15

Thời gian qua, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng liên quan xử lý, trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm “tín dụng đen”, đã kiềm chế và đẩy lùi được loại tội phạm này.

Tội phạm "tín dụng đen" không còn phức tạp, công khai, lộng hành như trước - đó là khẳng định của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại phiên chất vấn - trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 9-8. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hình thức cho vay qua Internet.

a1.jpg -0
Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu tại nghị trường.

Tổ chức “tín dụng đen” có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) chất vấn về việc đấu tranh, xử lý tội phạm “tín dụng đen” trong thời gian tới. Bà nêu thực trạng, các đối tượng cho vay nặng lãi buộc bên đi vay phải sang tên quyền sở hữu nhà, tài sản hoặc quyền sử dụng đất như là một biện pháp để thế chấp, cầm cố hoặc là để làm tên, đến khi người đi vay không thể trả được nợ do lãi mẹ đẻ lãi con thì các đối tượng sẽ sang nhượng nhà đất, tài sản đó cho người khác mà chủ sở hữu, chủ sử dụng không thể đứng ra ngăn cản, các cơ quan chức năng cũng rất khó trong việc thu thập chứng cứ để xử lý. 

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, đây cũng là nội dung mà Bộ Công an đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội và cho biết, trong 3 năm qua lực lượng Công an đã phối hợp với các lực lượng có liên quan khác xử lý, giải quyết, trấn áp mạnh loại tội phạm này. Gần đây Bộ Công an cũng đã triệt phá những băng nhóm cho vay qua app hoạt động với quy mô lớn, tại nhiều tỉnh, thành, thậm chí có cả người nước ngoài tham gia điều hành, với quy mô rất lớn. Trong vụ việc này có tới hàng trăm nghìn khách hàng vay, số tiền cho vay cũng hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền thực tế mà khách hàng vay được từ đường dây này cao nhất cũng chỉ được 60%.

Khởi tố 602 vụ liên quan đến “tín dụng đen”

Bộ Công an tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen”. Thực hiện Chỉ thị 12, Bộ Công an đã phát hiệt 1.152 vụ, 2.423 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố điều tra 602 vụ, 1.427 bị can, xử phạt hành chính 382 vụ, 911 đối tượng.

Việc chủ động tham mưu ban hành Chỉ thị 12 là một đề xuất có tầm chiến lược trong công tác phòng chống tội phạm với những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ ở thời điểm hoạt động “tín dụng đen” có diễn biến phức tạp nhất, gây ra những tác động rất lớn đến an sinh xã hội.

“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhu cầu “tín dụng đen” trong nhân dân vẫn còn rất lớn và việc xử lý tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” hiện nay cũng gặp những khó khăn, do các đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật nên rất khó xác định giữa phạm vi dân sự và hình sự trong hoạt động cho vay. Ranh giới giữa cho vay thông thường và hoạt động tội phạm ở đây cũng rất phức tạp. Nếu không thận trọng là có thể hình sự hóa những quan hệ dân sự, nhưng nếu không làm tốt, không làm tiếp thì bỏ lọt tội phạm” - Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ, đồng thời cho biết thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

a2.jpg -0
Cơ quan Công an thực hiện khám xét trong một vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các cấp, các ngành và toàn dân trong giải quyết loại tội phạm này. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi để nhân dân phòng ngừa; phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp giúp người dân có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, của ngân hàng một cách thuận lợi hơn nữa, để đáp ứng được yêu cầu cho nhân dân.

“Những giải pháp này vừa qua chúng tôi cũng đã làm. Trong những biện pháp rất căn cơ hiện nay là các ngân hàng có thể sử dụng căn cước công dân để thực hiện cho vay, thay bằng thế chấp thì người vay tín chấp bằng uy tín của mình. Các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có thể xác định ngay được người vay, rất chính xác” - Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất.

a3.jpg -0
Thiết bị các đối tượng sử dụng để phạm tội bị thu giữ.

Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, đặc biệt là những băng nhóm, tổ chức tội phạm. “Chúng tôi được biết là phần lớn các tổ chức “tín dụng đen” đều có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự, các đối tượng điều tra rất kỹ về những người cho vay, thuê mướn, nuôi tội phạm hình sự. Khi đã vay rồi, nếu không thanh toán đủ tài sản thì chúng cưỡng đoạt, cướp tài sản. Thế chấp nhà là một trong những thủ đoạn lừa đảo những người vay” - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và khẳng định giải pháp mà Bộ Công an đã thực hiện thành công đó là đấu tranh mạnh mẽ với các băng nhóm tội phạm có tổ chức, sẽ tiếp tục đấu tranh, thực hiện công tác này.

Xử lý “tín dụng đen” trong các khu công nghiệp

Một vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đó là các đối tượng “tín dụng đen” núp bóng vỏ bọc của doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính để thực hiện hoạt động cho vay không thế chấp. Đáng chú ý là các đối tượng hướng tới công nhân lao động tại các khu công nghiệp, với thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo công nhân lao động vay tiền trực tiếp qua app, mạng xã hội hoặc núp bóng doanh nghiệp cho vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất rất cao. 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an cũng đã thấy vấn đề này. Xung quanh các khu công nghiệp đã hình thành những băng nhóm tội phạm hình sự vào để kiếm ăn. Các đối tượng này thực hiện nhiều thủ đoạn, từ những việc xúi bẩy công nhân lấy cắp đồ, những sản phẩm chưa hoàn chỉnh ra ngoài; cho vay, tổ chức cờ bạc, thậm chí có những hoạt động liên quan đến các tệ nạn xã hội.

a4.jpg -0
Các đối tượng cho vay “tín dụng đen” bị lực lượng Công an bắt giữ.

“Chúng tôi coi công tác đảm bảo an ninh trật tự khu công nghiệp, bảo đảm an toàn cho người lao động, công nhân, trong đó phòng, chống tội phạm “tín dụng đen” là nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên tăng cường nhận thức của người dân và phối hợp cùng các ngành để cải thiện điều kiện lao động, làm việc của công nhân, giảm bớt những hoạt động phức tạp của tội phạm” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Công an phối hợp với ngành ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư xác thực, mở rộng cho vay tín chấp tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu cấp bách của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Việc phối hợp vừa qua đã làm rất tốt, thời gian tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi hết mức cho người dân vay vốn bằng căn cước công dân.

Phá chuyên án “tín dụng đen” xuyên quốc gia

Ngày 12-7, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an Lào Cai phá chuyên án “tín dụng đen” xuyên quốc gia, được tổ chức chặt chẽ, do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng trong nước. Cơ quan công an đã triệu tập, làm việc 41 đối tượng, thu giữ 72 điện thoại di động, 43 máy tính, nhiều chứng từ, con dấu. Các đối tượng đã lập ra Công ty TNHH Công nghệ Funmobi, sử dụng gần 300 ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động (Vndong, Hitien, Zdong, Hvay...), liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính fintech để cung cấp các gói sản phẩm cho vay trị giá từ 2 đến 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất hơn 2.000%/năm...

Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, có khoảng 160 nghìn khách hàng vay tiền qua các ứng dụng của các đối tượng với tổng số tiền vay là 1.802,1 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 659,6 tỷ đồng, số tiền thực tế khách hàng đã trả nợ là 830,1 tỷ đồng, phí phạt là 9,87 tỷ đồng, lượng tiền chiếm hưởng là 322,6 tỷ đồng.

“Hiện nay hệ thống ngân hàng rất hưởng ứng tham gia vào việc này, tạo điều kiện cho người dân được vay thuận lợi nhất, không còn đất cho “tín dụng đen” hoạt động. Cùng với ngân hàng huy động các nguồn vốn ở trong dân, làm sao thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi để giảm bớt những hoạt động tiền tệ không hợp pháp trong dân, trong đó có “tín dụng đen”, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để cho người dân tiếp cận được với vốn chính thức của các tổ chức tín dụng, ngân hàng” - Bộ trưởng nhấn mạnh và khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” như đã thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng. 

Bắt gần 300 đối tượng cho vay với lãi suất 2.200%

Ngày 24-5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã đồng loạt bắt giữ gần 300 đối tượng tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên có hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có những đối tượng giữ vai trò cao nhất của đường dây tội phạm xuyên quốc gia trên như Zhang Min (người Trung Quốc). Các đối tượng cho vay với lãi suất gần 2.200%/năm, cùng những chiêu đòi nợ cực “bẩn” và tàn khốc. Chúng đã khiến những con nợ và nhất là những người không liên quan “sống trong sợ hãi”, buộc phải trả tiền mới thôi.

Bước đầu, Phòng Cảnh sát hình sự đã làm rõ có hơn 1 triệu tài khoản vay nợ với dòng tiền cho vay từ ổ nhóm tội phạm này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Phương Thủy
.
.