Tranh cãi việc xả nước thải nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản

Thứ Tư, 12/07/2023, 08:47

Kế hoạch xả hơn 1 triệu tấn nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào biển Thái Bình Dương của Nhật Bản đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) “bật đèn xanh”. Nhưng tại các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc, vẫn có nhiều tiếng nói phản đối việc này.

Tín hiệu “đèn xanh” từ IAEA

Hơn 1 thập kỷ sau khi sau trận động đất và sóng thần tàn khốc năm 2011 làm hư hại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, gây ra thảm họa tan chảy lõi lò phản ứng, Nhật Bản chuẩn bị xả hơn 1 triệu tấn nước thải đã qua xử lý từ nhà máy đã ngừng hoạt động này ra biển.

nhat ban xa chat thai phong xa - anh 1.jpg -0
Khói lửa bốc lên từ các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi khi xảy ra thảm họa năm 2011. Ảnh: BBC

Kế hoạch của Nhật Bản đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - một cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc - ủng hộ sau quá trình đánh giá kéo dài 2 năm. Ngày 4/7, đích thân Tổng giám đốc IAEA, Rafael Grossi đã tới gặp Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida ở Tokyo để trao đổi về kế hoạch xả thải của nước này.

Người đứng đầu IAEA sau đó công bố báo cáo đánh giá toàn diện về kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản về việc xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bằng Hệ thống Xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) ra Thái Bình Dương.

Ông Grossi nhấn mạnh rằng đánh giá “toàn diện, trung lập, khách quan và hợp lý về mặt khoa học” của IAEA cho thấy việc xả thải theo kế hoạch “phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn và công nghiệp toàn cầu”, đồng thời cho biết các đại diện của IAEA sẽ có mặt tại Fukushima để giám sát hoạt động xả thải trong nhiều thập kỷ tới.

Dù kết luận của IAEA không phải sự phê chuẩn, song có ý nghĩa lớn về mặt khoa học và được xem như cơ sở tin cậy để các quốc gia đánh giá nguy cơ phóng xạ. Do đó, sau khi nhận được tín hiệu “đèn xanh” từ IAEA, hôm 7/7 Cơ quan Quản lý hạt nhân của Nhật Bản (NRA) đã cấp phép cho Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, bắt đầu xả thải.

Theo kế hoạch này, khoảng 1,3 triệu tấn nước, phần lớn được sử dụng để làm mát chất phóng xạ ở lõi của lò phản ứng, sẽ được lọc và làm sạch trước khi bơm từ từ ra biển. TEPCO dự định bắt đầu tiến hành sau khi đường ống dài 1 km để dẫn nước ra biển, được hoàn thành trong vài tuần tới.

Tại sao phải xả thải ra biển?

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi nằm trên bờ biển thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, phía đông Nhật Bản. Ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ richter xảy ra tại thành phố Sendai, cách Okuma 97 km, đã gây ra một cơn sóng thần kinh hoàng quét qua bờ biển Fukushima. Sóng thần ập vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, gây mất điện và làm hỏng máy phát điện dự phòng, khiến hệ thống làm mát các lò phản ứng ngưng hoạt động.

nhat ban xa chat thai phong xa - anh 2.jpeg -0
Hàng nghìn bể chứa đang lưu trữ hơn 1 triệu mét khối nước thải phóng xạ tại nhà máy Fukushima Daiichi. Ảnh: Japan Times

Hệ quả là nhiên liệu hạt nhân tại 3 trong số các lò phản ứng ở đây không được làm mát đã trở nên quá nóng và tan chảy một phần lõi. Điều này dẫn tới các vụ nổ tại một trong số các lò phản ứng, khiến chất phóng xạ rò rỉ ra môi trường.

Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực hết sức để khắc phục thảm họa, di dời hàng trăm nghìn người dân sống xung quanh, đồng thời cho dừng hoạt động nhà máy Fukushima Daiichi trước khi đóng cửa hoàn toàn vào thời điểm đã dọn sạch phóng xạ. Trong thời gian qua, 150 tỷ USD đã được người Nhật chi ra để làm sạch môi trường sau thảm họa hạt nhân được IAEA đánh giá là có mức độ nghiêm trọng đứng thứ nhì sau sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine hồi năm 1986.

Dù đã dừng hoạt động song nhà máy Fukushima Daiichi hiện vẫn thải ra 100 mét khối nước thải hàng ngày. Lý do là một hỗn hợp nước ngầm và nước biển đang được bơm vào để giữ mát cho các lò phản ứng tại đây trước khi được lọc và bơm tới các bể chứa để lưu trữ.

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã xây 1.000 bể tại nhà máy Fukushima Daiichi để chứa số nước thải kể trên. Nhưng các bể này sắp đầy và sẽ đạt sức chứa tối đa 1,3 triệu mét khối vào đầu năm 2024. Phía TEPCO cho biết việc xây dựng thêm bể mới không phải lựa chọn hợp lý do họ cần giải phóng không gian để có thể đóng cửa nhà máy một cách an toàn.

Vì thế, vào tháng 4/2021, Nhật Bản thông báo rằng nước này có kế hoạch xả dần nước thải đã qua xử lý đang tích tụ tại Fukushima Daiichi trong vòng 30 đến 40 năm. Theo đó, nước thải từ nhà máy điện hạt nhân sẽ được xử lý để lọc bỏ tất cả các yếu tố độc hại ngoại trừ tritium, một đồng vị của hydro rất khó tách khỏi nước.

Nhưng nước có tritium sẽ được pha loãng xuống 1.500 becquerel - một đơn vị đo nồng độ phóng xạ - trên một lít nước sạch, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn được quốc tế chấp thuận là 10.000 becquerel/lít nước, trước khi thải ra Thái Bình Dương.

Lo lắng và phản đối

Kế hoạch của Nhật Bản, từ khi manh nha cho tới lúc được IAEA “bật đèn xanh” hiện nay, luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, đặc biệt từ hai nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc.

nhat ban xa chat thai phong xa - anh 5.jpg -0
Tổng Giám đốc IAEA, Rafael Grossi (bìa phải) lắng nghe ý kiến phản đối của các nghị sĩ Hàn Quốc. Ảnh: AP

Ngay sau khi nhận được thông tin từ IAEA, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng báo cáo của IAEA là “vội vàng và không đầy đủ”, đồng thời phản đối việc Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy Fukushima Daiichi ra biển.

Thông qua đại sứ quán tại Nhật Bản, Bắc Kinh cũng khẳng định báo cáo của IAEA không thể là "một sự phê chuẩn" cho việc xả nước và kêu gọi phía Nhật Bản đình chỉ kế hoạch. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cảnh báo rằng việc xả thải của Nhật Bản sẽ mang lại rủi ro cho các nước láng giềng và các quốc đảo Thái Bình Dương.

Hải quan Trung Quốc hôm thứ 7/7 cho biết họ sẽ cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh của Nhật Bản và sẽ yêu cầu kiểm tra bức xạ nghiêm ngặt đối với thực phẩm nhập khẩu từ phần còn lại của đất nước láng giềng. “Hải quan Trung Quốc sẽ duy trì mức độ cảnh giác cao”, cơ quan này nhấn mạnh trong một tuyên bố trên mạng xã hội WeChat, nhưng không nêu rõ danh sách các tỉnh của Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Trong khi đó, dù chính phủ Hàn Quốc cho biết họ tôn trọng báo cáo của IAEA và nhận định việc xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi sẽ không có “bất kỳ tác động lớn nào” đối với vùng biển nước này, thì nhiều người dân Hàn Quốc vẫn tỏ ra rất lo lắng.

nhat ban xa chat thai phong xa - anh 4.jpg -0
Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản ra biển. Ảnh: AFP

Hàng trăm người, bao gồm cả các thành viên của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc, đã xuống đường vào thứ bảy vừa qua để phản đối kế hoạch của Nhật Bản. Theo báo Chanel News Asia, một số người Hàn Quốc thậm chí còn hoảng loạn mua muối để tích trữ do lo ngại ô nhiễm khi nước thải tại nhà máy Fukushima được xả ra biển.

Các nghị sĩ đối lập và nhiều nhóm dân sự Hàn Quốc cho rằng, có nhiều giải pháp thay thế dù đắt đỏ nhưng an toàn hơn, chẳng hạn như chôn nước đã qua xử lý sâu dưới lòng đất hoặc làm bay hơi nước. Phát biểu với báo chí, lãnh đạo đảng Dân Chủ đối lập tại Hàn Quốc, ông Lee Jae-myung kêu gọi Chính phủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol nên cố gắng ngăn chặn kế hoạch xả thải của Nhật Bản.

Một số quốc đảo Thái Bình Dương cũng lên tiếng phản đối. “Việc tiếp tục các kế hoạch xả thải ra biển vào thời điểm này đơn giản là không thể tưởng tượng được,” Henry Puna, Tổng thư ký của nhóm liên chính phủ Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, từng tuyên bố như vậy vào đầu năm nay.

Dù không có quốc đảo nào ở Thái Bình Dương phải hứng chịu bom nguyên tử như Nhật Bản, nhưng hàng chục vụ thử hạt nhân được các cường quốc tiến hành ở Quần đảo Marshall đã giải phóng lượng phóng xạ lớn hơn khoảng 5.000 lần so với những quả bom được thả xuống Nhật Bản. Nó để lại di chứng nghiệt ngã về bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh, đồng thời tạo ra nỗi lo thường trực của các quốc đảo này về vấn đề ô nhiễm phóng xạ.

Trước những lo lắng và phản đối, Tổng giám đốc IAEA, Rafael Grossi đã đến Seoul vào thứ Sáu vừa qua để gặp Bộ trưởng Ngoại giao và một quan chức an toàn hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc để trao đổi. Hai ngày sau đó, ông Grossi cũng gặp các thành viên Đảng Dân chủ đối lập của Hàn Quốc, những người bày tỏ mối quan ngại mạnh mẽ về kế hoạch của Nhật Bản và chỉ trích báo cáo của IAEA.

Phát biểu với báo giới, ông Grossi tin rằng những cuộc đối thoại thẳng thắn của mình sẽ giúp cải thiện tình hình và giải tỏa lo lắng của các bên liên quan. “Trách nhiệm của tôi với tư cách là người đứng đầu IAEA là xuất hiện, đối thoại trực tiếp với tất cả những người liên quan và cố gắng trả lời một cách tốt nhất, trung thực nhất có thể những câu hỏi có thể nảy sinh”, ông Grossi nói.

Chưa rõ những nỗ lực của người đứng đầu IAEA có thể đem lại kết quả thế nào tại Hàn Quốc. Song hiện tại, cũng đã có những chuyên gia độc lập bày tỏ quan điểm ủng hộ báo cáo của cơ quan này cũng như tin tưởng vào phương án xả thải của Nhật Bản. Giáo sư Jim Smith, nhà khoa học môi trường tại Đại học Portsmouth (Anh), nói với báo Chanel News Asia rằng “việc xả nước thải có kiểm soát với một lượng nhỏ tritium phóng xạ xảy ra thường xuyên tại các cơ sở hạt nhân trên khắp thế giới” và kế hoạch của Nhật Bản, nếu tuân thủ đúng các quy định, là giải pháp an toàn.

“Đã có một số tuyên bố về những rủi ro đáng kể đối với hệ sinh thái của Thái Bình Dương từ việc xả nước thải hạt nhân ở Fukushima. Nhưng những điều này không dựa trên bằng chứng khoa học. Nước triti hóa có thể làm hỏng DNA nếu uống phải, nhưng nó là chất độc phóng xạ rất yếu và không phóng đại sinh học trong chuỗi thức ăn nên rủi ro là cực kỳ thấp”, giáo sư Smith cho biết.

Nguyễn Khánh
.
.