Trên những nấc thang căng thẳng mới

Thứ Năm, 02/02/2023, 09:42

“Đầu tiên là xe tăng, sau đó sẽ là vũ khí hạt nhân. Hãy kết thúc cuộc chiến điên rồ này ngay lập tức”. Tối 26/1/2023, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social như vậy. Ông đánh giá rằng “điều này là vô cùng dễ dàng”, song tất cả chỉ dừng lại ở đó mà không đưa thêm bất cứ diễn giải nào về sự “dễ dàng” ấy (theo Business Insider).

Trong mắt nhiều nhà quan sát quốc tế, tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine đang sẵn sàng bước sang giai đoạn mới, khốc liệt gấp bội.

Những góc nhỏ trên “bàn cờ lớn”

Một tuần trước đó, ngày 19/1, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đưa ra cảnh báo lạnh người: “Việc một cường quốc hạt nhân thua cuộc trong một cuộc chiến tranh thông thường có thể kích động sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh hạt nhân” - theo hãng tin Sputnik. Ông nhấn mạnh: “Các cường quốc hạt nhân chưa từng thua trong những cuộc xung đột lớn, mà số phận của các nước đó phụ thuộc vào”.

Trên những nấc thang căng thẳng mới -0
Những cuộc giao tranh khốc liệt và dằng dai vẫn tiếp diễn.

Ông Dmitry Medvedev làm rõ thêm: “Và điều này diễn ra ngay sau diễn đàn Davos, nơi đó những tay chơi chính trị kém cỏi ở phương Tây lặp đi lặp lại như một câu thần chú: Để có được hòa bình, nước Nga phải chịu thua”, song song với việc kêu gọi xây dựng các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là những gì liên quan đến tình hình hiện tại trên thế giới, bao gồm cả cuộc xung đột ở Ukraine cũng như các mối quan hệ quốc tế trong tương lai.

Đến ngày 27/1, trong một cuộc họp báo hằng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Mỹ có thể nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột nếu muốn, nhưng thay vào đó lại “bơm vũ khí vào Ukraine”, theo Reuters.

Đó là thời điểm một ngày sau cuộc tiến công tên lửa trên diện rộng khắp lãnh thổ Ukraine, cuộc tiến công khiến 11 người thiệt mạng và lập tức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi quốc tế tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, cũng như kêu gọi các đồng minh và đối tác cung cấp thêm vũ khí cho Kyiv.

Trên những nấc thang căng thẳng mới -0
Ông Dmitry Medvedev một lần nữa nhắc đến nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Từ góc nhìn này, bất cứ ai, không cần phải là một chuyên gia về địa chính trị quốc tế, cũng có thể cảm nhận rõ: Đối với Điện Kremlin, như họ từng nhiều lần nhấn mạnh suốt gần một năm qua, chiến dịch quân sự đặc biệt đang được tiến hành chưa hồi kết tại miền Đông Ukraine thực sự chỉ là một phần của bàn cờ lớn, mà mục tiêu tối thượng là bất di bất dịch: Lật đổ trật tự thế giới đơn cực mà nước Mỹ đang nắm vai trò siêu cường duy nhất, thiết lập trật tự đa cực, đồng thời giành lại một vị thế xứng đáng trên trường quốc tế cho nước Nga - quốc gia kế thừa Liên bang Xôviết, thực thể quyền lực từng “chia đôi thế giới” với Mỹ trong trật tự thế giới lưỡng cực trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Thực địa chiến trường Ukraine, về mặt quân sự thuần túy, là điểm khởi đầu, cũng như sẽ là điểm kết thúc của toàn bộ “đại kế hoạch” ấy. Tất nhiên, trong khi liên tục đặt “người anh em Slave” chung nguồn gốc và dòng dõi một thời ấy dưới mưa bom bão đạn, chủ nhân Điện Kremlin - Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng “tiện tay” tạo dựng cơ sở để bảo đảm rằng Ukraine sẽ phải mất hàng thập kỷ (nếu không muốn nói là cả thế kỷ) để hồi phục và tái thiết, để khó có thể còn hiện hữu như một mối đe dọa sát sườn - một mũi dao nhọn mà phương Tây kề sát vào không gian hậu Xôviết, theo lập trường của Moscow.

Vấn đề là, ngược lại, ngay từ đầu, phương Tây (mà dẫn đầu là nước Mỹ) cũng hướng tới việc hút cạn và làm suy kiệt quốc lực của nước Nga, để Moscow không còn điều kiện trở thành mối đe dọa chung, theo quan điểm của họ.

Cần nhớ rằng, trong hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng của NATO (diễn ra ngày 21 và 22/10/2021), “Chiến lược mới” của NATO đã được xác định với một ý niệm: “Hơn cả Trung Quốc, lý do tồn tại mới của NATO là Nga. Các bộ trưởng trong khối đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố ủng hộ việc răn đe và các hành động cần thiết ở vùng Biển Đen và vùng Baltic, cũng như thông qua một kế hoạch tổng thể mới về phòng thủ. Bởi lẽ: Lập trường đối với Moscow được gọi là “cách tiếp cận kép” và cũng dựa trên đối thoại. Thế nhưng, đối thoại với Nga đã trở nên rất phức tạp kể từ khi NATO trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga bị cáo buộc hoạt động gián điệp, kéo theo quyết định của Moscow đóng cửa cơ quan ngoại giao Nga bên cạnh NATO để trả đũa”.

Trên những nấc thang căng thẳng mới -0
Tên lửa phòng không Stinger được Mỹ viện trợ cho Ukraine.

Bất cứ ai cũng có thể thấy, gần 12 tháng qua, phương Tây có những tính toán rất cụ thể và rõ rệt về “đường đi nước bước”, trong việc viện trợ/cung cấp khí tài quân sự cho Kyiv. Từ những vũ khí cá nhân phù hợp với hình thái chiến tranh du kích (như tên lửa vác vai tầm trung Javelin) qua các hệ thống phòng thủ tên lửa (như HIMARS của Mỹ), tới việc ồ ạt những vũ khí tiến công tối tân đã và đang cập bến (như xe tăng M1 Abrams hay xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất), quân đội Ukraine đã từng bước được kiện toàn, nhằm sẵn sàng cho những thách thức mới, những nhiệm vụ mới.

Trong khi đó, truyền thông phương Tây liên tục nhấn mạnh đến sự mệt mỏi và kiệt quệ ở phía Nga. Quan trọng hơn, cho đến hiện tại, không phải những quốc gia tiếp cận được nguồn dầu khí giá rẻ của Nga (để bán lại với giá cắt cổ cho châu Âu), Mỹ mới chính là cường quốc “thủ lợi” nhiều nhất. Chúng ta không chỉ nói về những lợi ích kinh tế khổng lồ, thông qua các hợp đồng bán cả dầu khí lẫn vũ khí (cho các quốc gia EU có nhu cầu nâng cấp kho vũ khí, sau khi đã viện trợ cho Ukraine). Chúng ta còn đang đề cập đến cả vị thế địa chính trị, khi NATO càng lúc càng trở nên gắn kết, khi các quốc gia có truyền thống trung lập lâu đời như Phần Lan hay Thụy Điển đang nóng lòng đợi ngày gia nhập và khi EU càng thêm phụ thuộc vào các chính sách của Washington.

Bước ngoặt nào cho cuộc chiến?

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos diễn ra cuối tháng 1/2023, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: “Crimea là lãnh thổ của chúng tôi. Hãy trao cho chúng tôi vũ khí, chúng tôi sẽ giành lại đất đai của chính mình”.

Trên những nấc thang căng thẳng mới -0
Xe tăng Leopard 2 cũng sẽ có mặt trên chiến trường.

Điều này gợi đến những đánh giá trước đây của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, rằng cuộc xung đột đang bước vào “giai đoạn quyết định”, mà trong đó, giai đoạn mới này có thể chứng kiến các cuộc giao tranh dữ dội để giành quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ quan trọng đối với chiến lược quân sự của Nga tại Ukraine: Bán đảo Crimea (vốn bị Nga sáp nhập từ năm 2014).

Kể từ đó, nhiều căn cứ quân sự kiên cố đã được xây dựng tại đây. Nhờ vậy, Crimea đã trở thành “bệ phóng” quan trọng khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, đồng thời giúp mở đường cho các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Nam Ukraine. Hiện giờ, nơi đây tiếp tục là cứ điểm để máy bay và tàu chiến Nga tấn công Ukraine. Hơn thế, Crimea còn là “cầu tàu không thể bị đánh chìm”, giúp quân đội Nga chiếm ưu thế vô cùng quan trọng ở Biển Đen.

Giới quan sát nhận định: Cuộc đọ sức giành Crimea trong thời gian tới có thể vô cùng khốc liệt và đẫm máu, sẽ dẫn đến thương vong lớn cho cả hai bên. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley - người luôn khẳng định các cuộc đàm phán là điều cần thiết để chấm dứt xung đột, hồi cuối năm 2022 đánh giá: Khả năng Ukraine đẩy lùi Nga ra khỏi Crimea, về mặt quân sự “là không cao”. Song, theo một số nhà phân tích phương Tây, Ukraine lại có đủ khả năng hoàn thành mục tiêu này. Hoặc, ít nhất, chiến dịch đe dọa Crimea cũng có thể tăng cường đòn bẩy của Kyiv trong bất cứ cuộc đàm phàn hòa bình nào trong tương lai. Nói cách khác, khi chiến sự ở các tỉnh phía Đông đang lâm vào thế giằng co, bế tắc, một chiến thắng mang tính đột phá và biểu tượng tại Crimea là mục tiêu cực kỳ quan trọng.

Vấn đề là, nước Nga cũng hoàn toàn  tự tin. Sáng 31/1/2023, hãng tin Sputnik dẫn bài viết của nhà bình luận quốc tế Brandon Weichert, viết trên tờ Asia Times: “Các điều kiện về hậu cần, địa lý và số học vẫn có ý nghĩa quan trọng trong các hoạt động quân sự. Đáng tiếc là đối với Kiev, những yếu tố này hiện đang chống lại họ... Ukraine sẽ bị đè bẹp trong vòng 6 tháng tới trước sức tấn công dữ dội của một nước Nga được chuẩn bị đầy đủ”.

Trên những nấc thang căng thẳng mới -0
Những trận không kích từ phía Nga uy hiếp toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

“Nếu nhìn vào khung thời gian, tình trạng bấp bênh trong các chuỗi cung ứng của NATO cho Ukraine, vào các tuyến phòng thủ căng thẳng và cạn kiệt sức lực của Ukraine đang oằn mình dưới sức ép vẫn chưa triển khai hết của Nga, không thể không đặt ra câu hỏi liệu những hành động đó của liên minh có sai lầm, nguy hiểm và thậm chí là vô ích hay không” - Weichert nhận định. Ông tạm đưa ra dự báo: “NATO sẽ làm cạn kiệt kho dự trữ vũ khí và ngân khố của chính mình, để đưa thế giới đến bờ vực một cuộc xung đột toàn cầu khác giữa các cường quốc - và tất cả đều vô ích”, bởi: Thực chất, Mỹ và phương Tây đang yêu cầu Ukraine lắp ráp những chiếc xe tăng mà họ hầu như không biết sử dụng và bảo dưỡng, ngay trong thời điểm tuyệt vọng khi họ phải chiến đấu với một lực lượng lớn hơn của Nga.

Rất có thể, những đánh giá này còn thiếu cơ sở thực tiễn - nghĩa là dữ liệu thông tin đầy đủ, điều quá “xa xỉ” trong cuộc chiến truyền thông hỗn loạn hiện tại. Song, vẫn có những dữ kiện không thể phủ nhận: Các lực lượng mới được động viên cuối năm trước của Nga đã trải qua một thời gian huấn luyện cơ bản quý báu, để sẵn sàng thế chân cho các đơn vị thiện chiến hơn ra tiền tuyến.

Và một khả năng khác, có lẽ cũng không thể bị hoàn toàn gạt bỏ: Sẽ thế nào, nếu nước Nga vẫn cứ trung thành với chiến lược “động binh trường kỳ”, nhưng lại không nâng tầm hoạt động quân sự lên mức của một cuộc chiến tranh quy ước toàn diện (điều khiến các lực lượng NATO dễ dàng quyết định tham chiến hơn), mà chỉ duy trì ở mức “chiến dịch quân sự đặc biệt” không bao giờ kết thúc, nhằm phá hủy đến tận gốc rễ mọi cơ sở hạ tầng thiết yếu của Ukraine?

Mây Linh
.
.