Triển vọng chuyển đổi kinh tế số ASEAN

Thứ Sáu, 01/10/2021, 14:19

Tại cuộc họp bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 53 theo hình thức trực tuyến hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, các bộ trưởng đã cam kết xây dựng nền tảng cho một nền kinh tế số ASEAN, nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế khu vực sau đại dịch và nâng cao khả năng cạnh tranh của khối trong trung và dài hạn...

Đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi kinh tế số trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đà tăng trưởng kinh tế số của ASEAN không hề chệch hướng trong năm 2020 khi đem lại doanh thu 100 tỷ USD. Doanh số bán lẻ số tăng 85% so với cùng kỳ 2019. Theo đà này, ASEAN sẽ chứng kiến số người tiêu dùng số tăng lên 80% vào cuối năm 2021. Đóng vai trò “đầu tàu” trong nền kinh tế số là thương mại điện tử, tiếp đó là vận tải và phân phối thực phẩm. Những “điểm sáng” về kinh tế số của ASEAN có thể là chỉ dấu và nền tảng cho sự phát triển của “RCEP số”.

Định vị ASEAN trong tiến trình chuyển đổi kinh tế số

Tại cuộc họp bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 53 theo hình thức trực tuyến hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, các bộ trưởng đã cam kết xây dựng nền tảng cho một nền kinh tế số ASEAN, nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế khu vực sau đại dịch và nâng cao khả năng cạnh tranh của khối trong trung và dài hạn. Trụ cột chính của nền tảng này là Hiệp định khung kinh tế số ASEAN (DEFA), thiết lập những quy tắc thương mại và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ giữa các hệ thống số của 2 hoặc hơn 2 nền kinh tế. Hiệp định này cũng hỗ trợ những dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền người tiêu dùng đồng thời thúc đẩy cải tiến và hợp tác trong những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo. Hiệp định này cũng là chương trình hành động mới nhất trong hàng loạt kế hoạch tổng thể, lộ trình và chương trình hành động mà ASEAN đã đề ra trước kia liên quan đến phát triển kinh tế số. Các bộ trưởng nhất trí triển khai công tác nghiên cứu DEFA vào năm 2023 và quá trình đàm phán về hiệp định này sẽ được khởi động vào năm 2025.

Triển vọng chuyển đổi kinh tế số ASEAN -0
Kinh tế số bùng nổ ở Đông Nam Á trong và sau đại dịch.

Điểm sáng kinh tế số ở ASEAN

Những “điểm sáng” này phải kể đến Indonesia, Singapore, Philippines và Thái Lan. Việc ưu tiên phát triển thương mại số đóng vai trò thiết yếu đối với quá trình hồi phục và tăng trưởng kinh tế của Indonesia, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch. Theo Báo cáo kinh tế số của khu vực Đông Nam Á năm 2020 do Google, Temasek cùng Bain & Company công bố, giá trị nền kinh tế số của Indonesia sẽ đạt 124 tỷ USD đến năm 2030, mức cao nhất trong khối ASEAN. Giao dịch ngân hàng điện tử tại Indonesia trong năm 2020 tăng hơn 42% so với năm 2019, một con số mà các nước ASEAN khác chưa thể sánh kịp.

Tiến sĩ Rudy Salahuddin, Thứ trưởng Bộ Kinh tế kỹ thuật số, Nhân lực và SMEs phối hợp Bộ Kinh tế Indonesia, cho rằng những công nghệ số như khối chuỗi, phân tích dữ liệu và mạng không dây thế hệ thứ 5 (5G) đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác lớn hơn, mở rộng thương mại và tăng cường tiếp cận dịch vụ. Ông khẳng định Indonesia tiếp tục nỗ lực ưu tiên đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số nhằm phục hồi sau đại dịch.

Để hỗ trợ MSMEs, Chính phủ Indonesia đã triển khai một số chương trình nâng cao năng lực kinh doanh, như tái cấp thương hiệu số cho các sản phẩm của doanh nghiệp nhằm nâng cao cạnh tranh, áp dụng ứng dụng thanh toán di động của họ để quét mã QR hay còn gọi là ứng dụng mã phản hồi nhanh tiêu chuẩn Indonesia (QRIS) để thanh toán hàng hóa và dịch vụ tại các thương gia ở Indonesia. 

Điểm sáng thứ hai là Singapore với tư cách là quốc gia thành viên duy nhất trong ASEAN có kinh nghiệm “cọ xát” với những thỏa thuận kinh tế số. Năm 2020. Singapore đã đàm phán những thỏa thuận hợp tác về kinh tế số với Chile, New Zealand và Australia. Singapore mới đây đã khởi động đàm phán về hợp tác kinh tế số với Hàn Quốc và Anh. Xét về thanh toán điện tử, Singapore đang dẫn đầu khu vực với giao dịch thời gian thực tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2019-2020, bỏ xa nhiều nước thành viên ASEAN khác.

Hiện tại Singapore, các giao dịch giấy tờ về thương mại và tài chính đã được “số hóa”, từ việc mở tài khoản ngân hàng, thanh toán hóa đơn điện tử đến đăng ký thành lập công ty đều được thực hiện trực tuyến, tin cậy, chính xác và hiệu quả hơn. Tháng 12-2020, Singapore cũng trở thành quốc gia đầu tiên cấp giấy phép ngân hàng kỹ thuật số, cho phép các tổ chức phi ngân hàng chỉ cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính trực tuyến. Đây là một sự phát triển đầy hứa hẹn khác cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhằm đẩy mạnh tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch, Philippines đang tiếp tục tận dụng tối đa thương mại điện tử và kinh tế số. Bà Katrina Banzon, tùy viên thương mại đang làm việc tại Trung tâm Thương mại và Đầu tư ở Kuala Lumpur khẳng định lĩnh vực thương mại điện tử ở Philippines tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch.

Triển vọng chuyển đổi kinh tế số ASEAN -0
ASEAN nhất trí nghiên cứu thỏa thuận kinh tế số vào năm 2023.

Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines, thương mại điện tử đã đóng góp 3,4% (tương đương 12 tỷ USD) cho GDP của nước này năm 2020. Manila đặt mục tiêu con số này sẽ tăng lên 4,3% trong năm 2021 và 5,5% trong năm 2022. Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2020 xếp Philippines đứng thứ hai, sau Indonesia, về mức độ triển khai thương mại điện tử mạnh mẽ nhất khu vực ASEAN. Theo bà Banzon, Philippines là nền kinh tế tăng trưởng nhờ vào tiêu dùng nội địa nên tiềm năng phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thông qua những ứng dụng trên điện thoại di động, là rất to lớn. Hiện, Philippines đang thúc đẩy quá trình lập ra những quy định và khuôn khổ mang tính chính sách để hỗ trợ sự hoạt động của nền kinh tế số kèm theo đó là triển khai số hóa các dịch vụ quan trọng của chính phủ. Đầu năm 2021, Manila đã công bố Lộ trình thương mại điện tử 2022 của Philippines nhằm tăng cường lĩnh vực này, tiến tới thiết lập một hệ sinh thái thương mại điện tử giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp, tạo công ăn việc làm lâu dài và tăng trưởng mang tính bao trùm.

Còn tại Thái Lan, kinh tế số sẽ trở thành một lĩnh vực chủ đạo giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thái Lan và có thể giữ vai trò thống trị so với kinh tế truyền thống trong 5-10 năm tới.

Tiến tới “RCEP kỹ thuật số”

Các nước ASEAN có thể sử dụng các thỏa thuận thương mại hiện có của khu vực để áp dụng và triển khai thương mại kỹ thuật số. Một trong những thỏa thuận quy mô lớn phải kể đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà ASEAN và các đối tác đã ký kết hồi tháng 11-2020.

Ví dụ, RCEP đưa ra các quy tắc xuất xứ nhất quán theo khu vực. Điều này giúp loại bỏ nhu cầu tham chiếu nhiều FTA và điều chỉnh các thủ tục khác nhau cho các quốc gia khác nhau trong RCEP đối với cùng một loại hàng hóa. Theo đó, thay vì nhà sản xuất phải sản xuất sản phẩm đó trên dây chuyền sản xuất chuyên dụng và cung cấp chứng chỉ chuyên dụng, một dây chuyền sản xuất duy nhất và một chứng chỉ sẽ bao phủ toàn bộ khu vực. Trong “RCEP số”, chứng chỉ đó sẽ được tạo ra, cung cấp và chuyển ngay lập tức đến tất cả các cửa kiểm tra trong quy trình hải quan, giúp tiết kiệm nhiều ngày xử lý. Việc áp dụng các tài liệu thương mại kỹ thuật số như vậy sẽ thúc đẩy lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn khu vực.

Ngoài ra, các quy trình và chứng chỉ khác cũng được hưởng lợi. Ví dụ, Singapore quản lý việc truyền dữ liệu một cách hiệu quả qua một mạng lưới đặc biệt được tạo ra theo một thỏa thuận kinh tế kỹ thuật số. Thỏa thuận này sử dụng các chứng chỉ để xác thực rằng các chính sách bảo vệ dữ liệu của Singapore tuân thủ Quy tắc quyền riêng tư xuyên biên giới APEC. Về vấn đề chuyển và bảo mật dữ liệu,  RCEP cũng có thể đi theo phương thức này của Singapore.

Thách thức

Những triển vọng dựa trên xu hướng thực tế, số liệu và nền tảng chính sách đã đề cập ở trên cũng đi kèm với một số vấn đề khó khăn cần giải quyết.

Thứ nhất, mặc dù tiềm năng như vậy song tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những rào cản đối với tăng trưởng kinh tế số ở ASEAN, đặc biệt là các nước “tầm trung” trong khối.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tạo nên “xương sống” của nền kinh tế số ở ASEAN. 3/4 trong số doanh nghiệp này trong khu vực có tính toán và xem xét những cơ hội mà sự hội nhập kinh tế số đem lại song chỉ 16% số doanh nghiệp có thể hoàn toàn làm chủ được công nghệ số.

Triển vọng chuyển đổi kinh tế số ASEAN -0
Viễn cảnh “RCEP số”.

Thứ hai, hiện những quy định thương mại số ở các nước ASEAN nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung vẫn mang tính chắp vá. Các chính sách quan trọng như sự cởi mở dữ liệu và tính riêng tư vẫn chưa được phát triển ở các nước ASEAN.

Bà Stephanie Honey, Giám đốc Công ty tư vấn Honey ví von những quy định này giống “bát phở số”. Mặc dù ASEAN có những hiệp định lớn thương mại tự do lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực song những hiệp định thương mại số hiện mới đang bắt đầu nổi lên, như Hiệp định Đối tác kinh tế số (DEPA) và Hiệp định Kinh tế số (DEA). Đây là hai hiệp định thương mại tự do mới liên quan đến những vấn đề kinh tế số mang tính tổng thể và những vấn đề mang tính xuyên suốt như dòng chảy dữ liệu và công nghệ mới nổi. 

Thứ ba, ngoài những vấn đề liên quan đến chính sách và quy định, vấn đề về tiêu chuẩn tương tác, ví dụ bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng là rào cản. Mặc dù nhóm 6 nước phát triển hơn trong ASEAN có những luật lệ cụ thể về vấn đề này, song mỗi nước lại có những tiêu chuẩn rất khác biệt khi áp dụng. Tại Singapore, các tổ chức phải thông báo cho người sử dụng bất kỳ sự vi phạm nào nếu sự vi phạm này gây ra “thiệt hại đáng kể”. Ngược lại, Philippines coi “thiệt hại đáng kể” chỉ là ngưỡng thông báo cao hơn.

Cuối cùng, nhân tố đóng góp cho thành công cho một thế giới số là vấn đề nguồn nhân lực. Vì vậy, các doanh nghiệp cần áp dụng các chương trình đào tạo và huấn luyện đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin có khả năng làm việc với những loại hình công nghệ hiện đại nhất trong tương lai.

Hà Ngọc (Tổng hợp)
.
.