Triển vọng hòa bình cho Gaza

Thứ Hai, 17/02/2025, 09:21

Thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa Israel và Hamas đang được hai bên thực thi nghiêm túc, mang lại hy vọng về sự chấm dứt cuộc chiến kéo dài 15 tháng. Đồng thời, một kế hoạch tái thiết Gaza cũng đang được thảo luận rộng rãi, trong đó có việc Mỹ muốn thâu tóm dải đất ven Địa Trung Hải này để biến nó thành một khu du lịch sầm uất sau khi dọn dẹp đống đổ nát của chiến tranh...

Thỏa thuận mong manh

Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas được công bố vào ngày 15/1 và có hiệu lực ngày 19/1 được thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 kéo dài 42 ngày, trong đó, hai bên ngừng bắn hoàn toàn; Hamas sẽ thả tổng cộng 33 con tin gồm phụ nữ, trẻ em, một số người cao tuổi và người bệnh, theo các khoảng thời gian đều đặn; Israel sẽ thả khoảng 1.900 tù nhân Palestine; lực lượng Israel sẽ rời khỏi các khu vực đông dân cư; dân thường Palestine phải di tản do chiến tranh sẽ được phép trở về nhà; hàng trăm xe tải cứu trợ sẽ được phép vào Gaza mỗi ngày; quân đội Israel sẽ vẫn ở các khu vực biên giới của Gaza, bao gồm Hành lang Philadelphi phía Nam, nhưng sẽ rời khỏi Hành lang Netzarim, một khu vực quân sự chia cắt phía Bắc Gaza với phía Nam.

Giai đoạn 2, 16 ngày sau khi giai đoạn 1 bắt đầu, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu ở giai đoạn 2, trong đó: Một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn sẽ được thiết lập; những con tin còn sống ở Gaza sẽ được trao đổi nhiều tù nhân Palestine hơn; lực lượng Israel sẽ rút quân hoàn toàn. Giai đoạn 3, phần cuối cùng của thỏa thuận sẽ chứng kiến sự trở về của tất cả các thi thể còn lại của những con tin đã chết; việc tái thiết Gaza, dự kiến sẽ mất nhiều năm.

Triển vọng hòa bình cho Gaza -0
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng.

Cuối tháng 1, đầu tháng 2, lệnh ngừng bắn đã được thực thi xong giai đoạn 1 với 5 đợt trao trả tù nhân và con tin. Đợt mới nhất vào ngày 8/2, 3 con tin gồm 1 người Israel và 2 người Thái Lan đã được thả. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra lệnh cho các nhà đàm phán quay trở lại Qatar vào ngày 8/2 để tiếp tục các cuộc đàm phán ngừng bắn với Hamas sau khi đợt trao đổi tù nhân và con tin thứ 5 hoàn tất, hãng thông tấn Agence France-Presse (AFP) đưa tin. Bên cạnh đó, Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) cũng bắt đầu rút dần khỏi Gaza theo cam kết trong thỏa thuận và hoạt động cứu trợ nhân đạo cũng đã bắt đầu trở lại sau thời gian tạm dừng do hoạt động quân sự của Israel.

Thủ tướng Israel Netanyahu lặp lại lời cam kết sẽ tiêu diệt Hamas và giải thoát tất cả các con tin còn lại, lên án nhóm chiến binh này là “quái vật” sau khi trao trả 3 người bị bắt giữ ở Gaza, những người này trông gầy gò và buộc phải phát biểu trên sân khấu. Trong số 183 tù nhân được Israel thả ra để đổi lại, nhóm vận động quyền cho tù nhân Palestine cho biết 7 người phải nhập viện "do sự tàn bạo mà họ phải chịu đựng" trong tù. Các nhóm nhân quyền và những người tố cáo đã mô tả chính sách "lạm dụng có hệ thống" trong các nhà tù và trại giam của Israel

Ngày 10/2, lệnh ngừng bắn mong manh tưởng chừng đổ vỡ khi Hamas bất ngờ tuyên bố “dừng thả con tin” với lý do “Israel vi phạm thỏa thuận ngừng bắn”. Trong thông báo, Hamas cáo buộc Israel đã “không thực hiện đầy đủ các cam kết của mình” và rằng Israel vẫn tiếp tục cho lực lượng an ninh, cảnh sát ruồng bố người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza, tiếp tục giết hại người Palestine, chặn viện trợ, bao gồm cả lều trại, chậm trễ trong việc cho phép những người phải di dời trở về phía Bắc Gaza.

Tuyên bố của Hamas đã khiến phía Israel khởi động lại cơ chế sẵn sàng phát động chiến dịch quân sự, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ “hủy bỏ lệnh ngừng bắn nếu Hamas không thả con tin trong đợt tiếp theo” vào ngày 15/2. Các nhà trung gian Ai Cập và Qatar sốt sắng, làm việc “cật lực” để buộc Israel phải giải quyết các yêu cầu mới của Hamas trước thời điểm thả 3 con tin Israel theo lịch trình vào ngày 15/2. 

Rất may, ngày 13/2, sau loạt vận động của các trung gian hòa giải, những mâu thuẫn cục bộ đã được giải quyết. Hamas tuyên bố vẫn sẽ thực hiện cam kết thỏa thuận ngừng bắn và sẽ thả con tin vào ngày 15/2.

Triển vọng hòa bình cho Gaza -0
Con tin Israel được trao trả.

Cần một kế hoạch Marshall mới cho Gaza

Công cuộc tái thiết Gaza được Tổng thống Mỹ Trump đặt ra một cách mạnh mẽ tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu, trong đó ông tuyên bố Mỹ muốn “sở hữu Gaza” và buộc người Palestine phải di dời toàn bộ khỏi dải đất này để thúc đẩy việc xây dựng Gaza thành một khu du lịch sầm uất bên bờ Địa Trung Hải. Ý tưởng đó lập tức bị phản đối khắp toàn cầu, kể cả trong nước Mỹ.

Thực tế là, đối với tất cả các lời hứa phục hồi dải bờ biển sau các cuộc xung đột trước đây, việc tái thiết luôn phụ thuộc vào các yêu cầu của Israel. Một trong những trường hợp điển hình nhất là hậu quả của cuộc chiến tranh Gaza năm 2014, khi một hệ thống phức tạp được đưa ra để giám sát việc phân phối vật liệu xây dựng lại dải đất này.

Sau khi Israel phản đối rằng Hamas sẽ chuyển hướng bê tông, thép và các nguồn lực khác để xây dựng đường hầm, một quy trình giám sát của Liên hợp quốc được gọi là Cơ chế tái thiết Gaza (GRM) đã được đưa ra. Các dự án và nhà thầu đã được thẩm định sẽ trình diện tại các nhà kho được giám sát. Sau khi kiểm tra giấy tờ tùy thân, họ có thể lấy đi những gì đã được phân bổ. Quá phức tạp, thiếu nguồn lực và cuối cùng được thiết lập để thất bại, GRM không bao giờ hoạt động bình thường. Thay vào đó, nó cho phép một thị trường ẩn nhanh chóng xuất hiện, đôi khi ngay tại cửa các nhà kho an ninh, nơi các giao dịch sẽ được thực hiện để lấy bao xi măng. 

Tất cả những điều này giải thích một số vấn đề phức tạp mà quá trình tái thiết Gaza phải đối mặt. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề vật lý, mặc dù công việc đó rất lớn. Đây cũng là vấn đề chính trị. Kinh nghiệm tái thiết trước đây ở Gaza và quyền phủ quyết của Israel đối với quá trình này, như các học giả đã lưu ý, đã được sử dụng như một phương tiện để duy trì sự thống trị và cuối cùng là xung đột. Lệnh cấm vật liệu xây dựng vào Dải Gaza là một chi tiết lệnh phong tỏa của Israel kể từ khi được áp dụng vào năm 2007.

Lần này, nhiệm vụ và nhu cầu của người Palestine sẽ lớn hơn rất nhiều. Trước tiên là vấn đề về đống đổ nát. Theo ước tính của UN-Habitat và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, có 50 triệu tấn gạch đá đổ nát và mảnh vụn ở Gaza vào tháng 12, gấp 17 lần so với tất cả các mảnh vụn do các hoạt động thù địch khác trên lãnh thổ này tạo ra kể từ năm 2008. Nếu đống đổ nát được thu gom tại một nơi, nó sẽ bao phủ diện tích 5 km2. UNEP ước tính rằng, việc xử lý đống đổ nát này sẽ mất tới 20 năm và tốn 909 triệu USD. Một vấn đề khác là thời gian tái thiết có thể mất bao lâu. Trong khi một số chuyên gia cho rằng phải mất vài thập kỷ thì thực tế là điều này hoàn toàn phụ thuộc vào các điều kiện chính trị.

Một sáng kiến thành công của Liên hợp quốc tại các trại tị nạn của Jordan trong cuộc nội chiến Syria là triển khai các nơi trú ẩn di động, nơi cư dân được phép di dời để bảo tồn cộng đồng và các cấu trúc xã hội. Tuy nhiên, theo nhiều cách, nhà ở có thể không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Hệ thống nước và vệ sinh của Gaza đã hư hỏng nặng ngay cả trước khi chiến tranh nổ ra. Người ta ước tính có tới 70% các cơ sở nước sạch và nước vệ sinh ở phía Bắc Gaza đã bị hư hại. Tại thành phố Gaza City, thiệt hại đối với các cơ sở tương tự vượt quá 90%, bao gồm cả các nhà máy khử muối ở một dải bờ biển, nơi người dân dựa vào máy bơm điện để cung cấp nước cho các bể chứa trên mái nhà và nơi hệ thống điện cũng bị hư hỏng nặng.

Triển vọng hòa bình cho Gaza -0
Tù nhân Palestine được Israel thả để đổi lấy con tin.

Sau Thế chiến 2, các thành phố của Đức đã được tái thiết trong khoảng một thập kỷ theo Kế hoạch Marshall, mặc dù một số công trình tái thiết vẫn tiếp tục cho đến những năm 1990. Với 1/4 tổng số các công trình ở Gaza bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng - bao gồm trường học và bệnh viện - và 66% các tòa nhà chịu ít nhất một số thiệt hại, vấn đề đầu tiên sẽ là khảo sát những gì có thể cứu vãn được và xác định 1 triệu người có khả năng cần nơi trú ẩn và hỗ trợ lâu dài.

Đối với Gaza, ngoài cơ sở hạ tầng vật chất, còn có những thiệt hại khác, ít rõ ràng hơn. Hơn 1/2 diện tích đất nông nghiệp quan trọng của Gaza đã bị suy thoái do xung đột và 95% gia súc đã bị chết. Điều đó cho thấy sẽ cần một kế hoạch giống như Kế hoạch Marshall, mặc dù gần như chắc chắn là không có sự tham gia của chính quyền Mỹ, vì ông Trump đã tuyên bố sẽ không tiếp tục chi trả tiền viện trợ quốc tế và đã giải thể cơ quan USAid. Những điều này đặt ra nhiều câu hỏi bao gồm làm thế nào, khi Hamas vẫn hiện diện ở Gaza, có thể tìm ra một cơ chế để cho phép tái thiết quy mô lớn. 

Sau khi đàm phán thành công lệnh ngừng bắn ở Gaza, với việc trao đổi một số con tin Israel lấy tù nhân Palestine, ông Trump đã tiếp đón Thủ tướng Israel Netanyahu tại Nhà Trắng (ngày 4/2) và sử dụng chuyến thăm này để tăng cường nỗ lực của Mỹ tại Trung Đông. Ông Trump coi Gaza không phải là vấn đề chiến tranh và di dời người dân, mà là cơ hội để các doanh nghiệp Mỹ nhảy vào để “làm giàu” - giới phân tích gọi đó là chủ nghĩa bá quyền kinh tế cổ điển của Mỹ theo học thuyết chính trị dân túy “Nước Mỹ trên hết”.

Triển vọng hòa bình cho Gaza -0
Cần một Kế hoạch Marshall mới để tái thiết Gaza.

Tầm nhìn của ông Trump đối với Gaza giống với việc tái thiết Iraq sau năm 2011 hơn là sự phục hồi kinh tế của châu Âu sau Thế chiến 2. Không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ Kế hoạch Marshall nào cho Gaza và trong khi nguồn tài trợ tư nhân của Mỹ có thể đổ vào để xây dựng các căn hộ chung cư ven biển và sân chơi có cổng rào cho những người giàu có, thì có vẻ như ông Trump mong đợi các nước láng giềng của Israel sẽ trả tiền cho cuộc di cư của người dân Palestine và việc định cư của họ trên đất nước khác.

Tuy nhiên, ý tưởng “làm giàu” trên đống đổ nát ở Gaza của ông Trump đã vấp phải sự phản đối khắp thế giới, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Để triển khai “tham vọng” của mình, ông Trump đã cố gắng thúc giục Jordan và Ai Cập tiếp nhận thêm hàng trăm nghìn người tị nạn Palestine mỗi nước như một phần trong tầm nhìn của ông nhằm “dọn sạch Gaza”. Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo 2 quốc gia này đều không đồng tình với yêu cầu của ông Trump. Vua Abdullah cho biết đã khẳng định “lập trường kiên định” của Jordan phản đối việc di dời người Palestine ở Gaza, cũng như ở Bờ Tây bị chiếm đóng giáp ranh với đất nước ông và cho rằng đó cũng là lập trường chung của khối Arab ở Trung Đông.

An Châu (Tổng hợp)
.
.