Triển vọng hòa bình cho Nagorno-Karabakh

Chủ Nhật, 31/12/2023, 09:30

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm 26/12 đã gặp Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan để đàm phán song phương tại St Petersburg. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi xảy ra cuộc tản cư hàng loạt của người sắc tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh hồi tháng 9/2023.

Hai bên hiện đã trao đổi 7 dự thảo về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng tương đối ngắn. Các quan chức Azerbaijan cho biết hai nước có thể sắp đạt được một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua.

1_azerbaijan ilham aliyev và th%3f tu%3fng armenia nikol pashinyan.png -0
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong cuộc gặp tại St Petersburg, Nga.

Cuộc tấn công quân sự chớp nhoáng vào tháng 9/2023 nhằm giành quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh đã khiến hơn 100.000 người sắc tộc Armenia chạy tị nạn khỏi Nagorno-Karabakh, vùng núi phía Nam Kavkaz. Sau cuộc chiến tranh vào những năm 1990, khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng dân tộc Armenia, được Armenia hậu thuẫn. Sau cuộc tấn công quân sự, khu vực Nagorno-Karabakh phần lớn bị bỏ hoang khiến Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tức giận cáo buộc đây là một “hành động thanh lọc sắc tộc”. Azerbaijan phủ nhận cáo buộc này.

Tuy nhiên, sau đó hai nước đã đẩy mạnh đàm phán về thỏa thuận hòa bình nhằm ổn định quan hệ và công nhận biên giới của nhau. Thiện chí được thể hiện bằng cuộc trao đổi tù binh chiến tranh vào ngày 13/12 và hai bên đã đưa ra tuyên bố chung, một trong những tuyên bố đầu tiên không có bên thứ ba làm trung gian.

Nagorno-Karabakh đã được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng nỗ lực chấm dứt xung đột trở nên phức tạp do Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran, Mỹ và EU đều đang tranh chấp ảnh hưởng ngoại giao tại một khu vực quan trọng về mặt chiến lược. Nga có sự hiện diện quân sự đáng kể ở Armenia. Khu vực này có tầm quan trọng về mặt địa chiến lược do tuyến hành lang giao thông nối Trung Quốc với châu Âu qua Trung Á, Biển Caspian và Nam Kavkaz.

Đại sứ đặc biệt của Tổng thống Azerbaijan - ông Amirbayov cho biết 5 nguyên tắc trong dự thảo thỏa thuận là “tôn trọng lẫn nhau đối với toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và quyền bất khả xâm phạm của các đường biên giới được quốc tế công nhận, bác bỏ mọi yêu sách lãnh thổ của nhau, hiện tại và trong tương lai, bác bỏ mọi hành động có thể đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc”, như việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, cũng như việc phân định biên giới giữa Armenia và Azerbaijan. Cho đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện. Và, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là việc mở các kênh liên lạc và quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan, bởi vì hai nước đã không có bất kỳ mối liên hệ nào vì cuộc xung đột trong 30 năm qua.

Trên thực tế, vấn đề phân định biên giới có thể được giải quyết ở giai đoạn sau vì các cuộc đàm phán được cho là rất phức tạp.

Azerbaijan cũng muốn có một số loại cơ chế giải quyết tranh chấp cho thỏa thuận này. “Ưu tiên của chúng tôi là có được các thỏa thuận hòa bình. Một bài báo nói về một loại ủy ban song phương nào đó cần được thành lập để giải quyết tất cả những hiểu lầm hoặc khác biệt trong cách giải thích giữa chúng ta”, Đặc sứ Amirbayov nói.

Một trong những vấn đề chưa được giải quyết là mối liên hệ giữa phần lãnh thổ chính của Azerbaijan và vùng lãnh thổ Nakhichevan. Là một phần của thỏa thuận ngừng bắn được ký tháng 11/2020 sau đợt bùng phát trước đó giữa hai nước, Thủ tướng Pashinyan đã đồng ý mở một tuyến giao thông đường bộ xuyên qua lãnh thổ Armenia có thể dọc theo tuyến đường sắt cũ của Liên Xô giữa phần chính của Azerbaijan và Nakhichevan. Đặc sứ Amirbayov nói: “Mối liên kết giữa Azerbaijan và Nakhichevan giữa hai vùng của Azerbaijan là rất quan trọng đối với chúng tôi, về mặt an ninh quốc gia cũng như về mặt đảm bảo tuyến đường thay thế cho hành lang giữa. Chúng ta không thể lãng phí thêm thời gian nữa. Sau 3 năm, Armenia thậm chí còn chưa bắt đầu nghiên cứu khả thi cho tuyến đường dài 42km này”.

Azerbaijan không thể buộc Armenia thực hiện những gì đã cam kết và cũng không muốn dùng vũ lực áp đặt hành lang này. Vì vậy, Azerbaijan đã triển khai kế hoạch B - liên hệ với Iran để xúc tiến xây dựng tuyến đường bộ và đường sắt xuyên qua Iran”.

Nhiều điều vẫn có thể xảy ra sai sót. Vào ngày 26/9, thủ lĩnh phe ly khai Armenia ở Karabakh đã hủy bỏ sắc lệnh trước đó của chính ông ra lệnh giải tán các tổ chức ly khai vào ngày 1/1 và đánh dấu sự kết thúc 3 thập kỷ cai trị của phe ly khai. Những người ly khai gốc Armenia đã phải tản cư hiện đã lên tiếng về việc thành lập một chính phủ lưu vong.

Các quan chức phương Tây đã thúc giục Baku đảm bảo an ninh cho những người sắc tộc Armenia rời Nagorno-Karabakh để họ quay trở về nơi ở cũ. Trong chuyến thăm Armenia hồi tháng 10, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết Paris đang nghiên cứu “dự thảo nghị quyết nhằm đảm bảo sự hiện diện quốc tế lâu dài ở Nagorno-Karabakh” nhằm cho phép người Armenia “trở lại vùng đất của họ” trong thời gian thích hợp.

Các quan chức Azerbaijan đã nhấn mạnh rằng họ sẽ đảm bảo “quyền và tự do bình đẳng của mọi người” ở Nagorno-Karabakh, “bất kể thành phần sắc tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ”. Một báo cáo của tổ chức International Crisis Group cho biết: “Mặc dù, mục tiêu của ngoại giao quốc tế là giúp những người di tản có thể quay trở lại khu vực sinh sống cũ, nhưng điều đó có thể đòi hỏi một nỗ lực lâu dài. Trước mắt, cư dân Nagorno-Karabakh cần được giúp đỡ để bắt đầu cuộc sống mới ở Armenia, nơi họ có thể ở một thời gian hoặc có thể là vĩnh viễn”.

Tuy nhiên, Azerbaijan nhấn mạnh rằng nếu những người sắc tộc Armenia di tản vào tháng 9/2023 có quyền trở về chỗ ở cũ thì những người Azerbaijan trước đây đã bị đuổi khỏi nhà của họ ở Karabakh cũng phải được công nhận quyền. Theo tổ chức nghiên cứu Carnegie Europe cho biết, từ năm 1988-1994, khoảng 500.000 người Azerbaijan từ Karabakh và các khu vực xung quanh đã bị trục xuất khỏi chỗ ở của họ. Dân số người sắc tộc Azerbaijan chiếm khoảng 25% tổng dân số Nagorno-Karabakh trước khi lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian được ký vào năm 1994, khiến Karabakh cũng như các vùng lãnh thổ Azerbaijan xung quanh rơi vào tay người Armenia.

An Châu (Tổng hợp)
.
.