Triển vọng nào cho đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran?
Mỹ và Iran sẽ tái đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran để tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân mới với các điều kiện và cam kết mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể “chấp nhận được”. Liệu ông Trump có đạt được điều mình mong muốn hay không?
Những tín hiệu bước đầu...
Ông Trump cho biết hôm 7/4 rằng, các cuộc đàm phán trực tiếp đang được tiến hành giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran. Phát biểu cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng (nhân chuyến thăm của ông Netanyahu), ông Trump cho biết một "cuộc họp rất lớn", "ở cấp cao nhất" sẽ diễn ra vào ngày 12/4. Truyền thông Mỹ cho biết, các quan chức Mỹ dự kiến sẽ ngồi lại với các quan chức Iran để thảo luận trực tiếp về một thỏa thuận hạt nhân trong cuộc họp ngày 12/4 do Oman tổ chức. Trong khi đó, sáng sớm ngày 8/4, giờ địa phương, hãng tin Tasnim của Iran đưa tin rằng Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán gián tiếp với ông Steve Witkoff, đặc phái viên Trung Đông của ông Trump, tại Oman.

Đàm phán hạt nhân đã được ông Trump nói đến ngay sau khi lên nắm quyền nhiệm kỳ 2. Đầu tháng 4, ông gửi cho Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei một lá thư hiếm hoi, trong đó ông đề xuất đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới, với “tối hậu thư” là 2 tháng để đạt được thỏa thuận. Ông Steve Witkoff chuyển lá thư cho Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tuần trước và một quan chức UAE đã chuyển lá thư cho phía Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi của nước này cho biết bức thư có nội dung "mang tính đe dọa nhiều hơn", nhưng rõ ràng cũng đưa ra "một số cơ hội" cho Iran.
Trong những tuần gần đây, Tehran đã nhiều lần từ chối đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, nói rằng họ sẽ không đến bàn đàm phán với một khẩu súng chĩa vào đầu và lo ngại rằng Washington sẽ một lần nữa từ bỏ các cam kết của mình, như đã từng làm cách đây 7 năm (2018) trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.
Ông Araghchi tuyên bố rằng Iran sẽ không đàm phán "dưới áp lực và các mối đe dọa hoặc lệnh trừng phạt gia tăng". Các cuộc đàm phán sẽ phải diễn ra "dưới sự bình đẳng", ông nói. Các chuyên gia cho biết, đối với Iran, việc nhượng bộ trước cách tiếp cận tối đa của ông Trump là tăng thêm lệnh trừng phạt và liên tục đe dọa hành động quân sự, tương đương với việc đầu hàng, một lập trường mà Tehran không muốn chấp nhận.
...và tính toán của Iran
Kể từ khi Israel bắt đầu cuộc chiến ở Gaza vào ngày 7/10/2023, Iran và Israel đã trao đổi 2 đợt tấn công ăn miếng trả miếng, lần đầu tiên một bên tấn công trực tiếp vào bên kia, khi các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn trên khắp khu vực đã tiến hành các cuộc tấn công vào các lợi ích của Israel và Mỹ để phản đối cuộc xung đột ở Gaza. Với chiến dịch “bắt rắn chặt đầu” của Israel chống lại Hezbollah ở Lebanon, việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và cuộc chiến ở Gaza chống lại Hamas, ảnh hưởng của Iran trong khu vực đã suy yếu đáng kể.

Trong tình hình đó, chương trình hạt nhân hiện là một trong những đòn bẩy cuối cùng của Iran trong việc duy trì thế mạnh và ảnh hưởng ở Trung Đông. Vào tháng 12/2024, người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc Rafael Grossi nói với hãng tin Reuters rằng Iran đang "tăng tốc đáng kể" việc làm giàu uranium lên tới độ tinh khiết 60%, gần hơn với mức 90% của cấp độ vũ khí. Vào tháng 1/2025, ông Grossi một lần nữa cảnh báo rằng Iran đang "nhấn ga" vào quá trình làm giàu uranium của mình. Iran khẳng định chương trình hạt nhân của mình là hòa bình.
Khi lá thư của ông Trump được chuyển đến Iran, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã nhắc lại lời từ chối hợp tác với Washington, nhắc nhở thế giới rằng đây chính là vị Tổng thống Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt được đàm phán với các cường quốc thế giới chỉ 3 năm trước đó.
Thỏa thuận hạt nhân có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) đã đạt được vào năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới, bao gồm cả Mỹ. Theo thỏa thuận, Iran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, thỏa thuận đó đã bị ông Trump hủy bỏ vào năm 2018 trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình. Iran đã trả đũa bằng cách nối lại các hoạt động hạt nhân của mình và cho đến nay đã thúc đẩy chương trình của mình lên mức cao hơn nhiều.
Các quan chức Mỹ cho biết ông Trump đang yêu cầu Iran phá bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân của mình, chứ không chỉ chấp nhận các hạn chế về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân như đã làm vào năm 2015. Thỏa thuận năm 2015 cho phép Iran "hoàn toàn được hưởng quyền sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình theo các điều khoản có liên quan của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)".
Theo phân tích của các chuyên gia thì rõ ràng phi hạt nhân hóa hoàn toàn sẽ không phải là câu chuyện của Iran vì chương trình hạt nhân là đòn bẩy cuối cùng còn lại của nước này đối với phương Tây sau khi các lực lượng ủy nhiệm khu vực của họ đã bị suy yếu.
Cố vấn An ninh quốc gia Michael Waltz đã nói với chương trình "Face the Nation" của CBS rằng ông Trump sẽ yêu cầu "tháo dỡ hoàn toàn" chương trình làm giàu uranium của Iran. "Iran phải từ bỏ chương trình của mình theo cách mà toàn thế giới có thể thấy", Waltz nói và nói thêm rằng Tehran phải đồng ý "từ bỏ hoàn toàn" việc theo đuổi vũ khí hạt nhân. Waltz nói thêm rằng lần này, thỏa thuận sẽ không phải là "một kiểu ăn miếng trả miếng như chúng ta đã có dưới thời chính quyền tiền nhiệm của các Tổng thống Obama hay Biden".
Khi được hỏi liệu thỏa thuận này có tương tự như thỏa thuận năm 2015 hay không, ông Trump đã trả lời với các phóng viên báo chí rằng "thỏa thuận sẽ khác và có thể mạnh mẽ hơn nhiều".