Trung Đông tăng nhiệt sau cái chết của tướng Iran

Thứ Hai, 08/04/2024, 07:00

“Lò lửa” Trung Đông xung quanh cuộc chiến Hamas-Israel vốn đã nóng hừng hực nay càng tăng nhiệt sau vụ Israel tập kích vào cơ quan lãnh sự Iran ở Damascus (Syria) hôm 1/4. Iran đã “thề trả thù”, trong khi Israel tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn không chỉ với lực lượng Hezbollah ở Liban mà với cả Iran.

Ngày 2/4, một ngày sau vụ tập kích, ban lãnh đạo Iran đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận biện pháp đám trả và đã đi đến quyết định. Nội dung cuộc họp được giữ bí mật, song Tổng thống Ebrahim Raisi, người chủ trì cuộc họp, cho biết “Iran sẽ trả đũa vào thời điểm nhất định”. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng về mọi vấn đề nhà nước ở Iran, cũng “thề trả thù”: “Chúng tôi sẽ khiến họ hối hận về tội ác và những hành động tương tự”.

Trung Đông tăng nhiệt sau cái chết của tướng Iran -0
Ảnh tướng Mohammad Reza Zahedi trên tấm áp phích ở quảng trường Palestine tại Tehran.

Nhân chứng cho biết Lãnh sự quán Iran ở thủ đô Syria đã bị trúng 6 tên lửa phóng từ máy bay phản lực F-35 vào chiều tối 1/4. Israel dường như đã có thông tin tình báo chất lượng cao rằng các quan chức cấp cao Iran cùng có mặt trong lãnh sự quán và cử máy bay phản lực ném bom tòa nhà vào ban ngày. Vụ tấn công đã làm 3 sĩ quan cấp cao của Quân đoàn Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) thiệt mạng, khiến ban lãnh đạo Iran phẫn nộ. Trong số đó có tướng Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao của lực lượng al-Quds thuộc IRGC; tướng Haji Rahimi, Phó chỉ huy và Hossein Aminullah, Tổng tham mưu trưởng al-Quds. Trong đó, cái chết của tướng Zahedi được xem là tổn thất nghiêm trọng nhất đối với Iran. Không chỉ là một chỉ huy cấp cao trong khu vực, tướng Zahedi còn là cầu nối rất quan trọng trong chuỗi liên kết giữa các lực lượng Iran và Syria, Hezbollah ở Liban.

Các nhà phân tích Trung Đông cho biết Tehran hiện đứng trước một câu hỏi chiến lược về việc phải đáp trả gay gắt như thế nào. Xung đột đã lan rộng khắp Trung Đông kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu, nhưng cho đến nay Iran đã luôn hết sức thận trọng tránh xung đột trực tiếp với Israel trong khi vẫn ủng hộ các đồng minh tấn công các mục tiêu của Israel và Mỹ.

Với chính sách không công khai thừa nhận hành động của mình trong một “cuộc chiến ngầm” ở Trung Đông, Israel đã không tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công này. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Chính phủ Israel nói với hãng tin Reuters rằng những cuộc tấn công đó “đứng sau nhiều cuộc tấn công vào các mục tiêu của Israel, Mỹ và Israel đã có kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công tiếp theo”. Một số người coi cuộc tấn công của Israel là phản ứng trước việc một máy bay không người lái, dường như được phóng từ Iraq, đã tấn công một tòa nhà trong căn cứ hải quân ở thành phố Eilat, cực Nam của Israel vào sáng sớm 1/4.

Các quan chức quốc phòng Israel cho biết, vụ tấn công cơ quan ngoại giao Iran nằm trong chiến lược ám sát có mục tiêu của Israel nhằm vào các chỉ huy quân sự cấp cao của Iran và các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Trung Đông. Trước vụ tấn công ở Damascus, Israel cũng đã triển khai đòn tập kích vào một căn cứ quân sự của lực lượng Hezbollah ở gần biên giới phía nam Liban làm chết một chỉ huy cấp cao của Hezbollah. Ngày 29/3, các cuộc tấn công của Israel ở Syria đã làm chết 53 người, trong đó có 38 binh sĩ và 7 thành viên của lực lượng Hezbollah. Các cơ quan y tế địa phương cho biết đây là mức thiệt hại cao nhất của quân đội Syria trong các cuộc tấn công của Israel kể từ khi cuộc chiến Israel-Hamas bắt đầu vào tháng 10/2023.

Với đòn tấn công vào Lãnh sự quán Iran, giới chức ngoại giao quốc tế bày tỏ lo ngại rằng Israel đang phá bỏ mọi quy tắc ngoại giao đã có từ trước đến nay. Cơ quan ngoại giao vốn được xem là mục tiêu không hợp pháp, không được phép tấn công, nhưng giờ đây đã trở thành mục tiêu tấn công bởi Israel. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết: “Chúng tôi coi hành động gây hấn này đã vi phạm mọi chuẩn mực ngoại giao và điều ước quốc tế”.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thảo luận về vụ tấn công trong một cuộc họp sắp tới do Nga yêu cầu. Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc cảnh báo rằng cuộc tấn công có thể “gây ra nhiều xung đột hơn liên quan đến các quốc gia khác” và kêu gọi Hội đồng Bảo an lên án “hành động tội ác phi lý” này.

Trung Đông tăng nhiệt sau cái chết của tướng Iran -0
Tòa Lãnh sự quán Iran thành đống đổ nát sau vụ tập kích.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã lên án vụ tấn công vào cơ sở ngoại giao của Iran, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa và tránh leo thang thêm”. Ông cảnh báo rằng, bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến xung đột rộng hơn ở một khu vực vốn đã bất ổn, gây ra hậu quả tàn khốc cho dân thường, những người đang phải hứng chịu những đau khổ chưa từng có ở Syria, Lebanon, các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và cả Trung Đông.

Mỹ đã lên tiếng “vô can” đối với vụ tấn công. Các quan chức an ninh Nhà Trắng cho biết họ chỉ được thông báo về vụ tấn công khi nó đang diễn ra và không được thông báo “mục tiêu là tòa nhà ngoại giao Iran”. Bản thân Mỹ cũng từng nhiều lần ám sát các chỉ huy của IRGC trong khu vực Trung Đông, nhưng các nhà ngoại giao Mỹ cho rằng chưa bao giờ Mỹ nhắm vào một cơ quan ngoại giao của Iran. Do vậy, Washington “hy vọng” Iran sẽ không nhắm vào các mục tiêu Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian phát biểu trên Thông tấn xã Irna của Iran: “Một thông điệp quan trọng đã được gửi tới Chính phủ Mỹ vì chính phủ này ủng hộ thực thể chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Nước Mỹ phải chịu trách nhiệm”.

Thông điệp của Bộ Ngoại giao Iran dường như nhằm nhắc lại một thực tế rằng cho dù Mỹ có tuyên bố thế nào, mục đích bên trong là gì, thì Mỹ vẫn là bên tham gia sâu vào cuộc chiến Hamas-Israel hơn ai hết, bởi Quốc hội Mỹ đã phê duyệt gói viện trợ khí tài quân sự trị giá hàng chục tỷ USD cho Israel để tiếp tục tiến hành cuộc chiến tại Gaza, trong đó có máy bay F-35 được cho là Israel dùng phóng tên lửa vào mục tiêu ngoại giao của Iran.

An Châu (Tổng hợp)
.
.