Trung Quốc đang thay thế Mỹ ở Trung Đông
Đầu tháng 3/2023, đại diện của Iran và Saudi Arabia đã gặp nhau tại Bắc Kinh qua sự trung gian của Trung Quốc. 4 ngày sau đó, Riyadh và Tehran thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ.
Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này được cho là có khả năng làm thay đổi tình hình ở Trung Đông do vai trò của các cường quốc lớn ở khu vực đang hoán đổi, sự chia rẽ giữa Saudi Arabia và Iran hiện nay được thay thế bằng mạng lưới các mối quan hệ phức tạp và đặt khu vực này vào bối cảnh tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Còn đối với Bắc Kinh, kết quả này là một bước tiến lớn trong cuộc cạnh tranh với Washington.
Thực tế, chính Mỹ mới là điểm khởi thủy cho việc Iran và Saudi Arabia bắt đầu các cuộc thảo luận từ năm 2021 trong nỗ lực giảm căng thẳng giữa các đối thủ Vùng Vịnh, thúc đẩy đàm phán hạt nhân và chấm dứt xung đột ở Yemen. Tehran và Riyadh đã tổ chức 5 vòng đàm phán trực tiếp và các cuộc đối thoại không chính thức vẫn tiếp tục sau đó. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) - liên minh liên chính phủ bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - phối hợp cùng Israel để kiềm chế Iran. Nhưng, giờ đây, Saudi Arabia đã quay sang Trung Quốc với thái độ tự tin rằng sự tham gia của Bắc Kinh sẽ đảm bảo chắc chắn hơn cho một thỏa thuận lâu bền với Tehran, bởi Iran sẽ không dễ gì mạo hiểm mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận vấn đề này với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong chuyến thăm Riyadh vào tháng 12/2022 và sau đó là Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Bắc Kinh vào tháng 2/2023. Các cuộc thảo luận căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia diễn ra ngay sau đó, với kết quả là hai bên đã đồng ý bình thường hóa quan hệ. Hai nước đều có quan hệ chính trị, kinh tế lâu dài với Bắc Kinh và Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian hòa giải đáng tin cậy đối với họ.
Nếu thỏa thuận được thực hiện trọn vẹn, Tehran và Riyadh sẽ một lần nữa liên kết chặt chẽ với nhau. Năm 2016, quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt sau khi đám đông đốt phá Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran. Giờ đây, theo thỏa thuận mới, hai bên sẽ mở lại các đại sứ quán và Chính phủ Saudi Arbia sẽ chấm dứt hỗ trợ cho kênh truyền hình quốc tế Iran mà Tehran cáo buộc chịu trách nhiệm cho sự bất đồng chính kiến trong nước. Hai nước sẽ duy trì lệnh ngừng bắn ở Yemen và bắt đầu thực hiện thỏa thuận hòa bình chính thức để chấm dứt cuộc nội chiến ở quốc gia này. Iran cũng sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho phiến quân Houthi và thuyết phục họ ngừng tấn công tên lửa vào Saudi Arabia. Ngoài ra, thỏa thuận này cũng kêu gọi tăng cường quan hệ kinh tế, ngoại giao giữa Iran và các quốc gia thành viên GCC và để Iran và các đối tác Saudi Arabia bắt đầu thảo luận về việc xây dựng một khuôn khổ an ninh khu vực mới. Trung Quốc sẽ giám sát tất cả các bước này.
Thỏa thuận Iran - Saudi Arabia có khả năng giúp hai bên chấm dứt quan hệ đối địch và mở rộng quan hệ kinh tế trên khắp Vùng Vịnh. Iran sẽ không còn phải một mình chống chọi với liên minh gồm Saudi Arabia và Israel mà Mỹ hy vọng lợi dụng vào đó để kiềm chế Tehran nữa. Thay vào đó, thỏa thuận này có khả năng đưa Iran đến gần hơn với các nước láng giềng của Saudi Arabia và dần ổn định các mối quan hệ trong khu vực. Nhấn mạnh lời hứa này, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan cam kết nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Saudi Arabia sẵn sàng đầu tư vào nền kinh tế của Iran. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã chấp nhận lời mời đến thăm Riyadh, một dấu hiệu nữa cho thấy ý định tăng cường quan hệ của hai bên. Mối quan hệ phát triển nhanh chóng như vậy giữa hai quốc gia này có thể sẽ mang lại những tác động sâu sắc đối với khu vực.
Về phần Bắc Kinh, với lợi ích kinh tế đang phát triển trong khu vực, Trung Quốc tự thúc đẩy mình phải đảm nhiệm vai trò ngoại giao này. Trung Đông rất quan trọng đối với Sáng kiến vành đai và con đường (BRI). Ví dụ, Trung Quốc cần đảm bảo rằng các khoản đầu tư của họ vào lĩnh vực năng lượng của Saudi Arabia không bị tên lửa của lực lượng Houthi đe dọa. Trung Quốc cũng liên tục mở rộng dấu ấn kinh tế của mình ở Iran và quan tâm đến việc hỗ trợ kế hoạch của Nga nhằm phát triển một hành lang quá cảnh qua Iran, cho phép thương mại của Nga tiếp cận thị trường toàn cầu mà không cần sử dụng kênh đào Suez. Sự phát triển của hành lang này cũng sẽ cho phép Trung Quốc tránh né eo biển Malacca khi phải đối mặt với hạm đội đáng gờm mà Mỹ và các đồng minh đang xây dựng.
Sự hội tụ các lợi ích chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc và Saudi Arabia cho thấy bước đột phá của Bắc Kinh với hai nước này có thể đóng vai trò nền tảng cho thực tế địa chính trị mới ở Trung Đông. Sự chuyển đổi này đặt ra thách thức mang tính lịch sử với Mỹ. Washington không còn có thể yêu cầu các đồng minh Arab cô lập Trung Quốc và đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Mỹ để chống lại Iran được nữa. Cách tiếp cận đó đã lỗi thời và không phù hợp với nhu cầu hiện tại của các đồng minh trong khu vực này. Một quan chức Saudi Arabia từng nói: “Mỹ không hiểu rằng chúng ta không thể trở thành đồng minh khi phải đánh đổi lợi ích của mình”. Rõ ràng, việc chiến tranh với Iran hoặc đối đầu với Trung Quốc không thể phục vụ cho lợi ích của Saudi Arabia và ngược lại.