Trung Quốc-Iran-Nga tập trận hải quân chung

Thứ Hai, 18/03/2024, 10:42

Theo truyền thông nhà nước Nga, cùng với Trung Quốc và Iran, hơn 20 tàu chiến của 3 nước này đã tập hợp ở Vịnh Oman và Biển Arab từ ngày 12 đến 15/3 để tiến hành cuộc tập trận hải quân mang tên “Vành đai An ninh Hàng hải 2024” nhằm "củng cố an ninh và nền tảng của nó trong khu vực, đồng thời mở rộng hợp tác đa phương giữa các nước tham gia".

Đến quan sát cuộc tập trận có cả sự tham gia của đại diện hải quân các nước Azerbaijan, Ấn Độ, Kazakhstan, Oman, Pakistan và Nam Phi. Đây là cuộc tập trận quân sự chung lần thứ 5 trong những năm gần đây và nó diễn ra trong bối cảnh NATO cũng đang triển khai các hoạt động với sự tham gia của tân thành viên Thụy Điển.

tu-n duong h-m varyag c-a nga tham gia t-p tr-n vành dai an ninh 2024.jpeg -0
Tuần dương hạm Varyag của Nga tham gia tập trận Vành đai An ninh 2024.

Các chuyên gia quân sự cho biết, việc tập hợp các tàu chiến của 3 nước lần này để thực hiện các cuộc tập trận hải quân là “sự phô trương sức mạnh trên thực tế”. Cuộc tập trận “Vành đai An ninh Hàng hải 2024”, bao gồm bắn đạn thật vào các mục tiêu trên mặt nước và trên không, có khả năng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc tai nạn.

Các cuộc tập trận của Trung Quốc, Iran và Nga bắt đầu ngày 12/3 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực khi cuộc chiến của Israel ở Gaza diễn ra ác liệt suốt 6 tháng qua và phiến quân Houthi ở Yemen tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền đi qua Biển Đỏ để thể hiện sự đoàn kết với người Palestine. Thông báo về một cuộc tập trận lần này được truyền thông đưa ra ngay sau khi lực lượng Mỹ và Anh vừa tiến hành thêm các cuộc không kích vào phiến quân Houthi ở Yemen.

Tiến sĩ Neil Melvin, Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại tổ chức nghiên cứu Rusi ở London, cho biết cuộc tập trận là một phần của “mô hình dài hơi cho phép 3 nước này hợp tác chặt chẽ với nhau nhiều hơn. Điều đó cho thấy mức độ phối hợp ngày càng tăng. Đó cũng là tín hiệu cho phương Tây biết rằng họ không phải là cường quốc ồn ào duy nhất ở một khu vực có tầm quan trọng chiến lược”.

 Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tập trận kéo dài đến ngày 15/3, với sự tham gia của nhiều tàu chiến và máy bay, tập trung vào nội dung bảo vệ “hoạt động kinh tế hàng hải”. Lực lượng Nga tham gia tập trận là nhóm tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, do tàu tuần dương Varyag dẫn đầu, đã đến cảng Chabahar của Iran ngày 11/3.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định cuộc tập trận “Vành đai An ninh Hàng hải 2024” - nhằm mục đích “cùng duy trì an ninh hàng hải trong khu vực”. Một tuyên bố của Bộ này có đoạn: “Trung Quốc sẽ cử tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Urumqi, khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Lâm Nghi (Linyi) và tàu tiếp tế tổng hợp Đông Bình Hồ (Dongpinghu) của biên đội tàu hộ tống thứ 45 tham gia cuộc tập trận”, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Lực lượng đặc nhiệm hộ tống hải quân số 45 đã đóng quân ở Vịnh Aden ở Ấn Độ Dương kể từ tháng 10/2023. Lực lượng này đã hoàn thành nhiệm vụ hộ tống 72 tàu Trung Quốc và nước ngoài theo 43 đợt và đảm bảo an ninh cho 14 tàu buôn quá cảnh trước khi chuyển giao vai trò cho Lực lượng đặc nhiệm hộ tống hải quân số 46 hồi tuần trước. Đây là lần thứ hai Trung Quốc tiến hành tập trận chung ở Ấn Độ Dương kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái.

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Pakistan ở Biển Arab vào tháng 11 sau đó, với sự tham gia của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Truy Bác (Zibo) của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Tờ “The Global Times” cho biết đây là cuộc tập trận “lớn nhất từ trước đến nay” được hai nước tiến hành. Trung Quốc, với căn cứ hải quân ở Djibouti gần Biển Đỏ, chưa chính thức lên án các cuộc tấn công của Houthi nhưng theo Reuters, Bắc Kinh đã kêu gọi Tehran kiềm chế các cuộc tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trước nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cuộc xung đột hồi tháng 1/2024.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Iran đưa tin rằng mục tiêu của cuộc tập trận là nhằm tăng cường “an ninh thương mại hàng hải quốc tế, chống cướp biển và khủng bố hàng hải”, cùng nhiều mục tiêu khác.

 Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu đã triển khai ở Biển Đỏ từ tháng 12/2023 để đối phó với các cuộc tấn công của Houthi. Khoảng 20.000 binh sĩ từ 13 nước thành viên NATO cũng đang tiến hành các cuộc tập trận ở phía Bắc lãnh thổ nước thành viên mới Thụy Điển cùng Phần Lan và Na Uy. Đây là một phần trong các cuộc tập trận quy mô, có tên “Người bảo vệ kiên định 2024” (Steadfast Defender 24), cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều thập kỷ của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, với khoảng 90.000 binh sĩ tham gia trong khoảng thời gian vài tháng. Liên minh cho biết mục đích của hoạt động này “để chứng minh khả năng của NATO trong việc bảo vệ từng tấc lãnh thổ” - chi tiết được cho là nhằm đánh tiếng với Nga.

Steadfast Defender là cuộc thử nghiệm đầu tiên trong các kế hoạch quân sự mới của NATO - được xây dựng để điều động quân đội và trang thiết bị nhanh chóng ở quy mô lớn nhằm hỗ trợ đồng minh trong trường hợp bị tấn công. Đây cũng là lời khẳng định cho mục tiêu mới của NATO rằng một cuộc tấn công vào một thành viên sẽ dẫn đến phản ứng từ toàn bộ liên minh.

Vân Nam (Tổng hợp)
.
.