Trung Quốc thử tên lửa sát biên giới với Ấn Độ

Chủ Nhật, 24/07/2022, 10:36

Ngày 17-7, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin quân đội nước này vừa tiến hành thử nghiệm năng lực tấn công chính xác tầm cao của hệ thống phóng tên lửa mới.

Tăng cường hỏa lực

Theo CCTV, trong cuộc thử nghiệm mới đây, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã sử dụng hệ thống tên lửa phóng loạt PCL191 - được gắn trên xe tải - để bắn trúng mục tiêu cách xa vài km tại một trường bắn sa mạc ở miền Tây nước này. Thông tin trên được công bố khi PLA và quân đội Ấn Độ bắt đầu vòng đàm phán thứ 16 để giải quyết căng thẳng biên giới kéo dài ở khu vực Ladakh, nơi ít nhất 20 binh lính Ấn Độ và 4 binh lính Trung Quốc đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh khốc liệt nhất ở biên giới hai nước trong nhiều thập kỷ qua.

Các nhà phân tích quân sự cho biết cuộc thử nghiệm mới này đã cho thấy hỏa lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu của PLA đối với bất kỳ biến cố nào xảy ra ở biên giới. Hệ thống phóng tên lửa tầm xa tiên tiến này đã ra mắt công chúng tại lễ duyệt binh mừng Ngày Quốc khánh Trung Quốc hồi tháng 10-2019.

Theo tạp chí quân sự Trung Quốc “Modern Ships”, hệ thống này có thể mang 8 tên lửa đường kính 370mm và có tầm bắn 350km, hoặc 2 tên lửa đạn đạo chiến thuật 750mm Fire Dragon 480 có tầm bắn lên tới 500km.

Trung Quốc thử tên lửa sát biên giới với Ấn Độ -0
Trung Quốc và Ấn Độ cần tìm ra giải pháp chung nhằm chấm dứt căng thẳng tại khu vực biên giới

Châu Thần Minh (Zhou Chenming), chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, cho biết tầm bắn của hệ thống này đã được mở rộng đến 500km. Theo đó, hệ thống này có thể tấn công bất kỳ căn cứ quân sự nào của Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) - biên giới thực tế giữa hai nước - từ vùng lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát. Ông Châu Thần Minh nói: “PCL191 có năng lực lớn hơn khi được triển khai ở tầm cao, với tầm bắn tối đa của nó đã được mở rộng gấp nhiều lần”. Ông nói thêm rằng PCL191 cũng được hỗ trợ bằng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu (BeiDou) cùng các thiết bị và hệ thống radar khác của Trung Quốc.

Theo Nhật báo PLA, hệ thống này đã được một lữ đoàn pháo binh sử dụng ở quân khu Tân Cương thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Tây vào tháng 4 năm ngoái. Lữ đoàn được triển khai tới khu vực cao 5.200m so với mực nước biển trên dãy Himalaya, gần biên giới với Ấn Độ.

Tống Trung Bình (Song Zhongping) - cựu giảng viên PLA và nhà bình luận quân sự - khẳng định điều này chỉ ra rằng “lữ đoàn PCL191 có thể được triển khai ở mọi nơi trên đất nước, từ bờ biển đến dãy Himalaya và đương đầu với những thách thức như tranh chấp biên giới với Ấn Độ hoặc thậm chí là tình huống dự phòng ở Đài Loan”.

Kể từ cuộc đụng độ năm 2020, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã nâng cấp hỏa lực dọc theo LAC. Tháng 9 năm ngoái, truyền thông Ấn Độ đưa tin quân đội nước này đã sử dụng trực thăng để điều pháo M777 đến tiền tuyến. PLA đã phản ứng bằng cách triển khai lữ đoàn PCL191 và 100 xe tải mang hệ thống PCL181.

Cũng theo Nhật báo PLA, PCL191 từng được Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông của PLA sử dụng ở Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang và ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, địa điểm của Đại lục gần với Đài Loan nhất.

Hướng đến giải pháp chung

Theo trang thehindu.com ngày 19-7, Trung Quốc cho rằng hoạt động quân sự tăng cường của nước này gần LAC là việc “bình thường”. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ lo ngại máy bay Trung Quốc tiếp cận khu vực tranh chấp khi các cuộc đàm phán về vấn đề biên giới vẫn còn bế tắc.

Trả lời câu hỏi về cuộc tập trận trên không của PLA hồi cuối tháng 6 và đầu tháng 7 tại biên giới Trung-Ấn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn tiến hành các hoạt động bình thường ở khu vực biên giới theo các thỏa thuận liên quan mà Trung Quốc và Ấn Độ đã ký kết”.

Sau khi máy bay Trung Quốc đến gần các khu vực tranh chấp dọc LAC, Ấn Độ đã điều động máy bay để đáp trả và cũng nêu vấn đề này với phía Bắc Kinh.

Ông Triệu Lập Kiên không bình luận về cuộc tập trận trên, song khẳng định các cuộc đàm phán hôm 17-7 cho thấy hai bên “đồng ý duy trì an ninh và ổn định trên thực địa ở khu vực phía Tây”, đồng thời “giữ liên lạc chặt chẽ và duy trì đối thoại thông qua các kênh quân sự và ngoại giao, cũng như phối hợp tìm ra giải pháp sớm nhất có thể đối với các vấn đề còn lại”.

Vòng đàm phán thứ 16 của quân đội hai bên đã kết thúc mà không có bước đột phá hoặc thỏa thuận rút quân nào tại Điểm tuần tra 15 thuộc khu vực suối nước nóng. Trung Quốc thậm chí còn miễn cưỡng thảo luận về hai cuộc tranh chấp khác tại Demchok và Depsang, trong khi Ấn Độ thể hiện rõ lập trường rằng hai bên cần tránh tất cả các khu vực tranh chấp.

Trong khi đó, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, cuộc gặp vừa qua giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã chứng kiến hai bên nhất trí “thu hẹp những khác biệt thông qua đối thoại” nhằm tránh leo thang xung đột. Ngày 16-7, Tiền Phong (Qian Feng), Trưởng Phòng Nghiên cứu Viện Chiến lược quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa cho biết thời khắc “nguy hiểm nhất” trong quan hệ song phương đã trôi qua. Ông nhận định rằng, thông qua các nỗ lực chung, quan hệ Trung-Ấn đã có được động lực khả quan kể từ các cuộc giao tranh ở Thung lũng Galwan. Tình hình chung hiện nay đang là tích cực. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát Trung Quốc tin rằng hai bên vẫn sẽ cần thêm thời gian để đạt được một giải pháp chung.

Mạnh Tuân (Tổng hợp)
.
.