Từ Bắc Phi, Trung Đông đến Afghanistan

Thứ Ba, 31/08/2021, 08:40

Thời gian đã đủ để cho người ta nhận biết đến hôm nay người dân ở những quốc gia như Libya, Syria, Yemen, Iraq và Afghanistan đã được những gì? Có hay không “tự do, dân chủ, nhân quyền” và cuộc sống hạnh phúc? Câu trả lời là chưa. Cái hiện hữu là sự hoang tàn của chiến tranh, gia tăng những mâu thuẫn và xung đột sắc tộc, tôn giáo, các hoạt động khủng bố với bao đau thương, mất mát, máu và nước mắt...

Ước mơ hòa bình

Một Iraq hậu quả nặng nề. Rạng sáng 20-3-2003, không quân Mỹ bắt đầu dội bom xuống thủ đô Baghdad, mở màn cho cuộc tấn công. Kéo dài 7 năm ròng rã, cái giá mà Mỹ phải trả cho cuộc chiến bắt đầu từ một đánh giá tình hình đến hôm nay đã hé lộ sai lầm này là 4.415 lính Mỹ thiệt mạng, hàng chục nghìn bị thương, cùng đó 106.000 dân thường Iraq tử vong, hàng trăm nghìn người bị thương và mất nhà cửa, lưu vong, bao nhiêu tiền của đã bị tiêu tốn vô ích.

Những gì còn lại hôm nay ở quốc gia này vẫn là bom rơi, đạn nổ, tranh giành quyền lực giữa các phe phái, các hoạt động khủng bố diễn ra thường nhật, người dân đối mặt với cái chết bất kể lúc nào. Trong sự tận cùng khốn khổ ấy, nhiều người Iraq cho rằng việc lật đổ chế độ “độc tài” có cần thiết không và nếu được lựa chọn, họ muốn quay lại cuộc sống dưới thời của ông Saddam Hunssen ngày trước.

Từ Bắc Phi, Trung Đông đến Afghanistan -0
Các tay súng trong một vụ đụng độ tại Syria hôm 24-8-2021. 

Một Lybia đau thương. Ngược dòng lịch sử, ngày 1-9-1969, ông Gaddafi và lực lượng của mình tiếp quản đất nước trong một cuộc đảo chính không đổ máu, thành lập Cộng hòa Arab Libya với phương châm tự do và đoàn kết. Loại bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ và Anh, Libya quốc hữu hóa tất cả các tài sản dầu khí thuộc sở hữu nước ngoài, một động thái mà các phương Tây không bao giờ mong muốn.

Cho dù còn có những khác biệt trong đánh giá nhưng cảm nhận chung Libya đã trở thành quốc gia phát triển trong nhóm đầu của khu vực, với an sinh và phúc lợi xã hội đáng ghi nhận, khi thu nhập bình quân đầu người hơn 11.000 USD/năm. Sau 41 năm cầm quyền, chính phủ của ông Gaddafi đã sụp đổ mà nguyên nhân chính được cho là bởi những tác động từ bên ngoài, sự can thiệp quân sự của phương Tây.

Sau hàng thập niên, kể từ khi chính quyền “độc tài” như cách gọi của bên can thiệp sụp đổ nhưng “dân chủ, nhân quyền”, ấm no, hạnh phúc cho người dân vẫn chưa xuất hiện. Người dân vẫn hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với những đau thương, mất mát chẳng biết đến tương lai trên vùng đất vô pháp luật, nơi cuộc chiến giữa vẫn diễn ra mỗi ngày trên đường phố. Cũng như Iraq, nỗi ám ảnh khiến cho không ít người dân Libya nuối tiếc cuộc sống thời Gaddafi xưa.

Một Syria mất mát và đổ nát. Ngày 15-3-2011, cuộc khủng hoảng Syria bùng phát, điểm đến tiếp theo của làn sóng biến động chính trị - xã hội mang tên “Mùa xuân Arab”. Trong 10 năm qua, Syria trở thành chiến trường và phải đương đầu với nhiều loại hình chiến tranh của chủ nghĩa can dự tự do, bạo loạn, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh xâm lược, chiến tranh chống khủng bố nổ ra. Đến nay, cuộc chiến ấy vẫn chưa kết thúc nhưng nó đã làm hơn 388.000 người chết, trong đó có khoảng 118.000 dân thường và 22.000 trẻ em; hơn 1/2 dân số Syria đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, trong vòng 10 năm qua, trẻ em chính là nạn nhân chịu ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc xung đột kéo dài; trong đó, hơn 1 triệu trẻ em Syria được sinh ra trong các trại tị nạn ngoài lãnh thổ, 3,5 triệu trẻ em thất học, 90% trẻ Syria đang rất cần được hỗ trợ cả về vật chất và tâm lý. Chúng không biết đến bất cứ điều gì ngoài sự ám ảnh của chết chóc, li tán và đổ nát. Không chỉ vậy, Mùa xuân Arab, can dự tự do còn là nguyên nhân gây ra bất ổn xã hội sâu sắc ở hầu hết các quốc gia Arab còn lại.

Từ Bắc Phi, Trung Đông đến Afghanistan -0
Hơn 800 Người Afganistan chen chúc trên máy bay vận tải chạy khỏi Kabul. 

Một Afganistan hỗn loạn, đau thương. Tâm điểm trong những ngày vừa qua, tình hình Afganistan nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Có lẽ truyền thông sẽ còn phải tốn nhiều giấy mực để phân tích, mổ sẻ ở những khía cạnh khác nhau. Việc kết thúc cuộc chiến giữa Mỹ và lực lượng Taliban ở quốc gia này, sau 20 năm chiến tranh, với hàng nghìn binh sĩ Mỹ thiệt mạng và hàng chục nghìn bị thương, hàng nghìn tỷ USD đã sử dụng.

Còn đối với Afghanistan, hơn 64.000 quân nhân, cảnh sát, khoảng 111.000 dân thường thiệt mạng, hàng triệu người li tán, mất mát, đau thương cuộc sống nghèo đói... tất cả đã trở nên vô ích, chỉ đủ để đưa Afganistan trở lại điểm xuất phát ban đầu và người dân Afghanistan lại tiếp tục đối mặt với những thảm họa mới. Cho dù trong những ngày đầu sau “chiến thắng”, những người đứng đầu Taliban đang có gắng tạo ra những diện mạo ôn hòa, có kiểm soát hơn.

Thời gian đã đủ để cho người ta nhận biết nhiều quốc gia thuộc thế giới Arab, nhất là những quốc gia như Libya, Syria, Yemen, Iraq và Afganistan đã được những gì? Câu trả lời đó là mất mát, đau thương và một tương lai bất định, xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, mẫu thuẫn sắc tộc, đói nghèo... và hòa bình vẫn là một ước mơ xa vời.

Những điều suy ngẫm

Dưới góc độ quan hệ quốc tế hiện đại, thực tiễn cho thấy, lợi ích quốc gia dân tộc đang bị tuyệt đối hóa, là gốc rễ, động lực trong những quyết định sai lầm của không ít quốc gia với hậu quả nêu trên. Mở đầu cho những cuộc chiến quân sự, người ta thường nhắc đến mục tiêu cao đẹp, lời hứa và những cam kết, thậm chí nó còn được viện dẫn về đạo đức mang theo phẩm giá con người để thuyết phục, hành động. Tuy nhiên, cái còn lại chỉ là sự hỗn loạn, chết chóc, đau thương, nghèo đói và bần cùng của người dân ở những quốc gia mà sự can thiệp quân sự từ những cái tên mĩ miều như kiểu “Mùa xuân Arab” hiện hữu. Thực tế đau thương đó cần chấm dứt, người dân dù ở đâu cũng có quyền mưu cầu cuộc sống hạnh phúc, ấm no.

Từ Bắc Phi, Trung Đông đến Afghanistan -0
Súng ống và dày đặc nhân viên an ninh có phải là điều người dân cần đến? 

Về chống khủng bố, việc sử dụng vũ lực, quân sự là cần thiết. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp duy nhất và cơ bản. Càng không thể lấy lí do chống khủng bố để xử lý mọi vấn đề. Người ta đều thừa nhận, khủng bố quốc tế là vấn đề nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và của cả nhân loại.

Song, để giải quyết triệt để vấn đề này, ngoài nỗ lực của mỗi quốc gia, phải có sự đồng thuận, hợp tác của cộng đồng quốc tế, trên cơ sở nguyên tắc và luật pháp quốc tế, sự hợp tác giữa các quốc gia, giải quyết đồng bộ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tôn giáo, dân tộc, giáo dục, viện trợ, kiểm soát buôn bán vũ khí, thúc đẩy kinh tế, thiết lập sự công bằng xã hội, thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế, nâng cao nhận thức để dần loại bỏ nguồn gốc nảy sinh, điều kiện hình thành. Trong đấu tranh chống khủng bố, nếu chỉ can thiệp quân sự, dùng bạo lực, dường như là chưa đủ, thậm chí còn khiến cuộc chiến này trở nên nửa vời, kích thích khủng bố quốc tế phát triển mạnh hơn.

Sự phát triển của thế giới hiện đại đặt mỗi quốc gia dân tộc trong mối quan hệ không thể tách rời với các quốc gia dân tộc khác và cộng đồng quốc tế. Mặc dù có vai trò rất quan trọng nhưng sự giúp đỡ, tác động từ bên ngoài không thể thay thế cho những cố gắng nỗ lực bên trong. Hay nói khác đi, không ai có thể đem lại sự ổn định cho một quốc gia dân tộc ngoài chính những người dân của quốc gia ấy. Như vậy, an ninh quốc gia, độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sự thịnh vượng và đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân không thể phụ thuộc hoàn toàn vào những yếu tố bên ngoài. Sau cuộc chiến của chủ nghĩa can thiệp tự do, sau sự tàn phá của những “Mùa xuân Arab”, điều đó càng trở nên rõ ràng hơn.

Tranh thủ sự ủng hộ mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế, phát huy nội lực, tạo sự đồng thuận, thống nhất, hướng tới con người là tiền đề, nền tảng cơ bản để mỗi quốc gia, dân tộc đáp ứng mưu cầu hạnh phúc, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người dân, xây dựng xã hội tốt đẹp mà ở đó con người ai cũng được phát triển toàn diện, được sống cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trong hòa bình, mọi người bình đẳng, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy đoàn kết xây dựng và bảo vệ tổ quốc mình.

Và, đối với các quốc gia đã tự cho mình cái quyền xuất khẩu “dân chủ, nhân quyền”, “Mùa xuân Arab”, có lẽ đang còn nợ chính mình và người dân ở những quốc gia nơi có sự can dự dân chủ, nhân quyền và “Mùa xuân chết người” ấy đi qua. Giả định rằng, số tiền đã chi cho chiến tranh nêu trên được dùng vào mục đích hòa bình, nhất định thế giới hôm nay sẽ tươi đẹp và hạnh phúc hơn rất nhiều.

Thế giới cần nhiều hơn những hành động hiểu biết, đầy nghĩa cử, có trách nhiệm, tuân theo luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ quốc tế, hướng tới mục tiêu chung, giảm bớt những quyết định đơn phương, tuyệt đối hóa lợi ích quốc gia, dân tộc mình để hòa bình, ổn định và phát triển trở thành xu thế chủ đạo, phổ quát trong đời sống con người. Các quốc gia có tiềm lực và phát triển có lẽ cần đi tiên phong. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tàn phá thế giới, nhiều thách thức về an ninh, chính trị đang tiếp diễn... điều này càng trở nên có ý nghĩa.

PGS. TS. Trần Vi Dân
.
.