Tunisia khủng hoảng do đâu?
Liên tiếp trong những ngày từ 25 đến 29-7, chính trường Tunisia rơi vào cơn khủng hoảng lớn nhất kể từ cuộc nổi dậy khơi mào cho làn sóng biểu tình “Mùa xuân Arab” cách đây hơn 10 năm. Dư luận băn khoăn vì đâu mà một mô hình thành công từ phong trào “Mùa xuân Arab” lại rơi vào tình trạng này?
Diễn biến tình hình khủng hoảng chính trị Tunisia bắt đầu từ ngày 25-7, với việc hàng ngàn người dân tập trung ở quảng trường trung tâm thủ đô Tunis biểu tình phản đối chính sách điều hành kinh tế kém cỏi của chính phủ. Ngay sau đó, Tổng thống Tunisia Kais Saied đã triển khai một loạt động thái gây nên dư luận trái chiều. Ông đã cách chức Thủ tướng Hichem Mechichin và toàn bộ chính phủ của ông.
Cho rằng ông Kais Saied làm “đảo chính”, Quốc hội kêu gọi người dân xuống đường phản đối để ngăn chặn hành động của ông. Lập tức một màn biểu tình của cả hai phía ủng hộ và chống Tổng thống Kais Saied diễn ra. Cùng lúc đó là việc Tổng thống tiếp tục ra lệnh đình chỉ Quốc hội trong thời gian 1 tháng. Mới nhất, ông đã tiến hành việc thanh trừng một loạt quan chức cấp cao, nắm quyền tư pháp và ban hành luật tình trạng khẩn cấp trong 1 tháng.
Loạt hành động của Tổng thống Kais Saied gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội cũng như trong chính trường. Các đảng phái chính trị chia rẽ về tính hợp pháp của việc ông tiếp quản quyền điều hành, trong khi các nhà hoạt động và tổ chức nhân quyền quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Tunisia và duy trì các mục tiêu của cuộc cách mạng năm 2011 kêu gọi thế giới bên ngoài tiếp tục theo dõi và giám sát.
Trong 10 năm sau cuộc nổi dậy “Mùa xuân Arab”, Tunisia thường được ca ngợi là câu chuyện thành công duy nhất xuất hiện trong kỷ nguyên hỗn loạn đó. Nước này đã dẹp bỏ được chủ nghĩa cực đoan, ngăn chặn một cuộc phản cách mạng, và các nhà lãnh đạo phong trào nổi dậy thậm chí đã giành được giải Nobel Hòa bình cho việc xây dựng sự đồng thuận. Tuy nhiên, sau tất cả những lời khen ngợi, Tunisia trở về với các vấn đề kinh tế nghiêm trọng vốn có và không thể khắc phục được, từ đó dẫn đến cuộc khủng hoảng.
Các nhà phân tích và nhà hoạt động nói rằng Tunisia chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ hết mình từ phương Tây. Thay vào đó, ở những thời điểm quan trọng trong nỗ lực tự phục hồi của Tunisia, nhiều nhu cầu của nước này đã bị phương Tây bỏ qua, vì cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đã làm lu mờ tất cả các ưu tiên khác.
Fadhel Kaboub, một phó giáo sư kinh tế tại Đại học Denison ở Ohio, cho biết, sau thành công của cách mạng “Mùa xuân Arab”, Tunisia “đã giữ gần như nguyên vẹn mô hình phát triển kinh tế giống hệt như trước kia nên đã tạo ra bất bình đẳng, tạo ra khủng hoảng nợ, tạo ra sự loại trừ kinh tế xã hội khiến người dân bất bình.”
Cũng như giáo sư Kaboub, ngày càng nhiều người Tunisia đặt vấn đề đối với việc Tunisia học tập mô hình chuyển đổi dân chủ của phương Tây. Họ cho rằng cách tiếp cận đó đã tạo ra các thế lực đầu sỏ và phản cách mạng. ở các thị trường mới nổi, nó đã tạo ra sự bùng nổ kinh tế, nhưng sau đó là sự suy yếu trở lại.
Đối với Tunisia, vấn đề lớn nhất là nợ nước ngoài thừa hưởng từ chế độ độc tài của ông Zine El Abidine Ben Ali. Để giải quyết khoản nợ đó, các đời chính phủ đã buộc phải tập trung vào việc kiếm ngoại tệ. Và kể từ những năm 1970, Tunisia đã mắc vào một cái bẫy phát triển thường thấy trên toàn cầu: Các nước nghèo hơn xuất khẩu nông sản hoặc nguyên liệu thô giá rẻ, trong khi nhập khẩu năng lượng và hàng công nghiệp đắt tiền hơn từ các nước giàu. Kết quả là một cái hố mà Tunisia không bao giờ có thể trèo ra được. Bất chấp những lời kêu gọi sau cuộc cách mạng Tunisia yêu cầu chính phủ mới xóa bỏ “món nợ đáng ghét”, các nhà lập pháp đã chọn cách không đối đầu với các chủ nợ chủ yếu là người châu Âu.
Các nhà lãnh đạo Tunisia cũng rất ít nỗ lực để thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, vốn nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, thường được thúc đẩy bởi các “nhóm lợi ích”. Vì vậy, thay vì trồng lúa mì để nuôi sống dân cư, Tunisia sử dụng đất đai và nguồn nước màu mỡ nhất của mình để trồng dâu tây xuất khẩu. Và họ nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm để hỗ trợ ngành du lịch của mình, ngay cả sau khi bị khủng bố và đại dịch COVID-19 tấn công.
Nhưng các quan chức phương Tây lại chỉ lo tập trung vào phe Hồi giáo, cụ thể là Ennahda, hay đảng Phục Hưng. Sau đó, phương Tây lại tập trung vào việc xây dựng sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo chính trị của Tunisia. Sau cuộc cách mạng năm 2011, Al Qaeda và các phần tử cực đoan khác đã nhanh chóng huy động mạng lưới tân binh.
Chủ nghĩa khủng bố bùng phát vào năm 2012 khi Đại sứ quán Mỹ ở Tunis bị một đám đông tấn công. Trong những năm sau đó, các ổ nhóm cực đoan đã thực hiện hàng loạt vụ ám sát chính trị và tấn công liều chết làm lung lay niềm lạc quan của người dân Tunisia và gần như khiến quá trình chuyển đổi dân chủ bị trật bánh.
Thương vong hàng loạt trong vụ xả súng du khách nước ngoài tại một khu nghỉ mát ven biển và tại Bảo tàng Bardo Quốc gia ở Tunis đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế đang suy thoái bằng cách đánh vào ngành du lịch béo bở và đầu tư nước ngoài khi cần thiết nhất. Mỹ đã can thiệp với sự hỗ trợ quan trọng về an ninh và chống khủng bố, đồng thời cung cấp thiết bị quân sự cho Tunisia. Vào năm 2019, khoảng 150 người Mỹ đang đào tạo và cố vấn cho những người đồng cấp Tunisia của họ trong một trong những sứ mệnh lớn nhất ở lục địa châu Phi.
Dữ liệu của chính phủ Tunisia cho thấy giá trị của các mặt hàng quân sự Mỹ giao cho nước này đã tăng lên 119 triệu USD vào năm 2017 từ 12 triệu USD vào năm 2012. Sự hỗ trợ đã giúp Tunisia đánh bại mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố. Nhưng chi phí chống khủng bố đã đốt cháy một khoản lỗ lớn hơn trong ngân sách quốc gia. Đó là cái gốc vấn đề: Nợ quốc gia.